Hoàng Thụy Anh, gọi chị là nhà văn hay nhà thơ đều chính danh. Nhà văn, vì chị vào Hội Nhà văn Việt Nam bằng chuyên ngành văn xuôi; nhà thơ, vì thơ chị cũng không phải “dạng vừa”. Gặp Hoàng Thụy Anh chưa nhiều, mới tròm trèm chục năm, nhưng cũng đủ thời gian để hiểu cách nghĩ, cách cảm, quan trọng hơn là cách sống của một người có phẩm cách thi sĩ.
Hoàng Thụy Anh tốt nghiệp Trường Đại học Quy Nhơn, chuyên ngành ngữ văn. Chị vốn là học trò của Tiến sĩ văn học Nguyễn Quang Cương. Tốt nghiệp ra trường, về quê Quảng Bình dựng nghiệp bụi phấn. Rồi như duyên định, chị quẹo sang làm báo, đầu quân cho tạp chí văn học, nghệ thuật mang tên dòng sông Nhật Lệ.
Tôi gặp chị trong lần ra Hà Nội dự lễ kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. “Mong manh thế này sao làm báo xông pha, răng làm văn cần va đập?”, tôi nghĩ thế. Tôi nhầm. Càng ngày càng nhận ra, Hoàng Thụy Anh đúng là một “phu chữ” (chữ của Lê Đạt) chuyên nghiệp.
Đam mê văn chương, muốn khám phá thân phận… Cho đến nay, nhà lý luận phê bình Hoàng Thụy Anh đã xuất bản nhiều tập sách. Nếu tính chi li thì 12 năm qua, kể từ ngày Hoàng Thụy Anh công bố “Thơ Hoàng Vũ Thuật-nhìn từ thi pháp học của Roman Jakobson”, chị đã có 8 tác phẩm. Sòn sòn năm trước, năm sau, năm nào cũng chuẩn bị bản thảo cho năm kế tiếp. Không “điêu toa”, đại ngôn chút nào, nhà lý luận phê bình Nguyễn Hoài Nam nhận xét, chị là một “cường chữ”. “Cường chữ” hiểu theo Hán Nôm là người viết cường lực.
Tôi nhớ, khi “Ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu mất, một nhà thơ lớn đã thốt lên: “Từ nay đã thiếu một người cầm barie cho thơ”. Cảm tưởng chung là, những nhà phê bình có thương hiệu dắt được bạn đọc tìm đến tác phẩm ngày càng hiếm hoi. Tất nhiên, GS, TS, Nhà giáo Nhân dân Trần Đình Sử; PGS, TS Trương Đăng Dung; PGS, TS Hoàng Kim Ngọc; PGS, TS Hồ Thế Hà; PGS, TS Ngô Văn Giá; PGS, TS Vũ Nho; TS Lê Thành Nghị; TS Ngô Tự Lập; ThS Mai Văn Hoan, Đỗ Ngọc Yên, Bùi Việt Thắng… là những nhà lý luận phê bình chuyên nghiệp dễ được nhắc đến.
Đời sống văn học cuối thế kỷ 20, những người trẻ nghiên cứu lý luận phê bình văn học hiếm dần, nhất là nữ. Những năm đầu thế kỷ 21 dần dần xuất hiện tín hiệu vui khi một số cây bút lý luận phê bình trẻ phái nữ gắn bó, đồng hành với hơi thở nhịp sống sáng tạo văn học, lao vào nghiên cứu những tác phẩm hoàn toàn mới bằng cách vận dụng lý thuyết vào công việc nghiên cứu, góp phần tạo động lực mạnh cho giới sáng tác. TS Mai Thị Liên Giang cho rằng: “Hoàng Thụy Anh hướng đến quá trình xác lập giá trị văn học của văn bản một cách cụ thể. Từ trách nhiệm của một người phê bình khách quan, Hoàng Thụy Anh luôn đặt mình trong sự đối thoại với các văn bản thông qua hoạt động đọc hiểu”. Hoàng Thụy Anh xuất hiện, ngày càng vững vàng, sắc sảo, tươi mới. Và lạ nữa. Lạ về phương pháp tiếp cận, sung về năng lượng, điển ngữ có diện mạo.
Nếu như tác phẩm đầu tay là “Thơ Hoàng Vũ Thuật-nhìn từ thi pháp học của Roman Jakobson” (10 năm sau đó có “Thơ Hồ Thế Hà và giấc mơ cỏ hát”, là hai tập chuyên khảo công phu về thơ của hai tác giả Hoàng Vũ Thuật và Hồ Thế Hà) thì bắt đầu đến tác phẩm thứ hai “Bản xô-nát thi ca”, chị đã nghiên cứu thơ của nhiều tác giả. Đến các tác phẩm sau này “Tiếng vọng đa thanh”, “Sức mạnh của vết thương”, “Sự thật là đóa hoa lộng lẫy”, chị mở rộng ở nhiều thể loại, biên độ.
Hoàng Thụy Anh đã “đối thoại” với “văn bản” của các tác giả từ Bắc chí Nam. Càng ngày, Hoàng Thụy Anh càng “tham”, mở rộng đối tượng, các xu hướng thơ để nghiên cứu. Nhiều tác giả đã nổi danh, thành danh tiếp tục được chị soi chiếu. Kể cả các tác giả nước ngoài.
Năm 2017, Hoàng Thụy Anh trình thi đàn tập thơ đầu tay “Người đàn bà sinh ra từ mưa”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Thú thực, tôi là người được đọc thơ chị khá sớm, từ những bản đăng trên trang Facebook cá nhân nhưng không khỏi bất ngờ khi Hoàng Thụy Anh “lâm bồn” tập thơ này. Rất nhiều nhà nghiên cứu về thơ khám phá “văn bản” Hoàng Thụy Anh và dành cho tác phẩm này nhiều cách gọi: “Ám ảnh đêm”-Trần Hoài Anh, “không gian mơ tưởng”-Phan Tuấn Anh, “thân thế như tinh thần và thế giới”-Nguyễn Chí Hoan, “bản ngã cô đơn”-Lê Hương, “căn cước tình yêu”-Bùi Việt Thắng.
Hoàng Thụy Anh đưa người đọc vào thế giới thơ chị với những trạng cảm ẩn ức, đòi hỏi sự chiêm nghiệm, suy tưởng… Lướt qua không ngộ được thơ chị, đọc một đôi lần khó cảm thơ chị. Chị tuyên ngôn về thơ: “Sáng nay tôi quyết lột trần ngôn từ giả vờ kia/ tắm nước thánh/ tẩy trùng/ may ra còn cứu vãn/ đời tôi/ thơ tôi” (“May ra”). Hoặc nữa: “Chữ là mộ phần riêng ta” (“Chờ đợi mùa xuân chảy từ một ô cửa khác”). Công khai, quyết liệt với câu chữ.
Viết về tình yêu, nỗi niềm trắc ẩn và khát vọng của người đàn bà yêu, có lẽ tác giả nữ tinh tế, thành công hơn. Trong thơ Hoàng Thụy Anh, nỗi đau của thân phận nữ, ở chiều cảm còn khuất trở thành nỗi ám ảnh. Đó là cảm thức hiện sinh của cuộc sống hiện đại. Chị đã “lặn ngụp” vào thế giới đàn bà để cảm và sẻ chia theo cách của mình. Một Hoàng Thụy Anh đã xác quyết không giẫm lên ai cả trong phê bình lẫn thơ. Chị sớm phát lộ phong cách.
Nhiều lần Hoàng Thụy Anh nhắn tin hoặc gọi điện thoại cho tôi: “Anh mua giúp em quyển ni…”. Tất nhiên, đôi lần, tôi không lùng được nên chị nản. Có điều tôi thấy, dường như thời gian của chị chỉ là đọc và khám phá. Có lần Hoàng Thụy Anh nhắn tin: “Em sợ không còn đủ thời gian?”. Tôi hoảng. Hóa ra làm việc với chị trong sự thúc hối bề bộn; dẫu công việc của một biên tập viên, thực hiện thiên chức làm mẹ, làm vợ chiếm không ít thời gian vật chất. Chị luôn vui với áp lực, mệt mỏi vẫn nhìn lên, cởi lòng như sương khói.
Tôi nhớ, tham luận cuối cùng của nhà thơ Xuân Diệu gửi Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ III (năm 1985) có tiêu đề “Sự uyên bác và công việc làm thơ”. Làm phê bình, tôi nghĩ càng phải uyên bác. Dẫu mới “dấn thân” nhưng nhà lý luận phê bình trẻ Hoàng Thụy Anh đã đạt được thành tựu ấn tượng: 1 giải A, 1 giải B giải thưởng văn học mang tên Lưu Trọng Lư và 1 giải C của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Hoàng Thụy Anh ngày càng đa dạng, đa thanh, thăng hoa xu hướng mang tên mình. Làm đẹp thêm “tháp ngà” vốn đã lộng lẫy của văn học, đó cũng là thiên chức, sứ mệnh của những người làm lý luận phê bình. Căn cốt là dẫn dụ người đọc biết tìm đến hệ giá trị cái đẹp từ văn học.
NGÔ ĐỨC HÀNH