Nghị luận xã hội là phương pháp nghị luận lấy đề tài từ các lĩnh vực xã hội, chính trị, đạo đức làm nội dung bàn bạc làm sáng tỏ cái đúng – sai, tốt – xấu của vấn đề được nêu ra. Từ đó đưa ra một cách hiểu thấu đáo về vấn đề nghị luận cũng như vận dụng nó vào trong đời sống.
Viết tốt nghị luận xã hội không chỉ giúp bạn có được điểm số đẹp khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nó còn là một bước đệm trong việc kiến tạo tư duy nhạy bén và lập luận rõ ràng trong những lần làm việc với câu chữ sau này (viết báo cáo, luận văn, nghiên cứu khoa học,…).
Bài viết này mách bạn một số cách để viết tốt một bài nghị luận xã hội từ quá trình đúc kết kinh nghiệm cá nhân của mình.
- Đảm bảo bố cục
Đây là một trong những điều kiện tất yếu của một bài viết hoàn chỉnh. Cũng như các thể loại khác, nghị luận xã hội cần có đủ: mở bài, thân bài, kết bài (hoặc đoạn, tùy theo yêu cầu). Mỗi phần cần thực hiện đúng nhiệm vụ của nó, đi từ: giới thiệu vấn đề, triển khai và phân tích, kết luận.
- Lập dàn ý: phân chia các phần, tư duy và viết ra các luận điểm chính
Một trong những bước mà ngay cả mình lúc đi học vẫn mắc lỗi. Mình từng viết theo cảm tính, nghĩ đến đâu viết đến đấy và nghĩ rằng lập dàn ý sẽ khiến mình mất nhiều thời gian. Đó là một trong những sai lầm rất lớn dẫn đến bài viết thiếu logic, lặp ý, sót ý, không rõ luận điểm,…
Bạn chỉ cần dành ra 3-5 phút cho việc lập dàn ý và viết luận điểm. Nhưng lợi ích của việc này mang lại là rất lớn. Nếu thời gian quá ít, bạn chỉ cần viết ra những từ khóa (keywords) tương ứng với mỗi luận điểm bạn dự định triển khai, viết tất cả những gì hiện lên trong đầu rồi sau đó mới đánh số thứ tự hoặc sắp xếp chúng lại trong khi bạn tiến hành viết bài. Dù áp dụng cách làm nào thì đây cũng là một bước quan trọng không thể bỏ qua.
- Hệ thống lại các luận cứ
Sau khi xác định luận điểm, triển khai luận cứ là việc bạn trả lời hàng loạt những câu hỏi: Vì sao? Như thế nào? Tại sao là cái A chứ không phải là B hay C,D,E?;… Lập luận càng rõ ràng, lý lẽ càng sắc bén thì sức thuyết phục của luận cứ càng cao.
Ngoài xây dựng luận cứ bằng các lý lẽ chủ quan, hệ thống luận cứ sẽ vững chãi hơn bằng các dẫn chứng. Dẫn chứng càng chân thật, chính xác thì sức thuyết phục càng cao. Bạn có thể đưa tin người thật việc thật, các tin tức thời sự, các vấn đề xã hội diễn ra hàng ngày, hàng giờ xung quanh bạn. Lưu ý là những dẫn chứng này phải phù hợp với vấn đề mà bạn đang bàn luận. Nếu dẫn chứng không liên quan hoặc tham lam đưa quá nhiều thông tin ngoài lề vào bài viết sẽ làm chúng phản tác dụng, khiến bài viết dài dòng, không rõ trọng tâm và không nổi bật ý chính của bài. Bạn có thể tham khảo những dẫn chứng mình đã dùng trong các bài viết, điển hình như Trả lời câu hỏi hơn 80 năm trước của Chí Phèo: “Ai cho tao lương thiện?”
- Viết câu văn rõ nghĩa, súc tích
Với các bài viết nghị xã hội, điều quan trọng nhất là người đọc hiểu ngay thông điệp mà bạn muốn nói đến, tránh vòng vo, diễn giải khó hiểu hoặc quá bay bổng, màu mè. Thật ra việc viết câu văn ngắn gọn nhưng truyền tải đầy đủ nội dung, dễ hiểu là một việc cần phải rèn luyện rất nhiều. Đặc biệt, đối với các bạn quen lối viết hoa mỹ của văn chương, việc diễn giải dài, nhiều ẩn ngữ, nhiều ví von là điều khó tranh khỏi. Như thể vẻ đẹp của trang phục tùy thuộc rất nhiều vào ngữ cảnh mà bạn đến, việc lựa chọn văn phong phù hợp ở từng thể loại bài viết là một cách viết thông minh.
- Thể hiện tư duy phản biện và quan điểm cá nhân
Điều này không có nghĩa là cổ xúy các bạn đi theo lối viết nhằm khẳng định một cái tôi luôn đối nghịch với số đông. Tư duy phản biện thể hiện ở việc các bạn có thể nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau.
Ví dụ: đề bài yêu cầu bạn viết về bạo lực học đường. Sau khi triển khai các luận điểm chính, viết về các hậu quả mà vấn nạn này mang lại, giải pháp khắc phục,… Hãy thử thêm một đoạn viết về bạo lực học đường dưới góc độ của kẻ gây hại. Đâu là lý do của những hành vi bạo lực? Những tổn thương tinh thần của các bạn trẻ ảnh hưởng đến họ như thế nào trong khi thực hiện những hành vi sai phạm? Thái độ của những kẻ gây hại khi nhìn thấy bạn bè của mình đau đớn là gì? Đâu là sự thay đổi tích cực của họ sau khi bị trừng phạt, răn đe?,… Rèn luyện cách viết này không chỉ giúp bài viết của bạn ấn tượng hơn mà nó còn giúp tầm nhìn và tư duy của bạn về đời sống được mở rộng hơn rất nhiều.
Vậy còn quan điểm cá nhân nên được thể hiện như thế nào?
Các đề nghị luận xã hội trong thi cử đã dần “mở” hơn rất nhiều so với chục năm trước đây. Tận dụng tốt việc này, người viết có thể thoải mái thể hiện cá tính, suy nghĩ, quan điểm cá nhân. Điển hình như các dạng đề chọn một trong hai ý kiến, một trong hai hướng để bạn có thể hưởng ứng. Để trở nên ấn tượng, mình nghĩ bạn nên chọn một thay vì viết theo lối hưởng ứng cả hai (với điều kiện bạn tự tin với khả năng lí luận đủ sức thuyết phục của mình về vấn đề đang được đề cập). Còn với những dạng đề không có sự lựa chọn nào, bạn có bao giờ viết một bài văn lập luận cho những quan điểm mà bạn không hẳn đồng tình? Mình đã từng như thế. Sau này, khi đã viết chắc tay hơn, mình nhận ra không nhất thiết phải làm thế, bởi đơn giản vì đâu có ai bắt ép bạn luôn phải kết bài với câu “ý kiến trên của ông/bà …. là vô cùng đúng đắn và sâu sắc.” Mình đã áp dụng lối viết này nhiều lần và mang lại nhiều kết quả tích cực cũng như thành tích đáng kể trong các cuộc thi học sinh giỏi Văn ở trung học và phổ thông.
* Những lưu ý khi thể hiện tư duy phản biện và quan điểm cá nhân
– Rèn luyện cho bản thân một góc nhìn đa chiều, xem xét và phân tích các vấn đề trong cuộc sống từ nhiều khía cạnh khác nhau. Đây là một quá trình dài, nhưng sẽ không khó khi ta chuyên tâm thực hành nó, bằng cách đọc nhiều (sách, tin tức chính thống, các bài báo khoa học,…) và nếu viết nhiều thì lại càng tốt.
– Mở rộng niềm tin. Nếu chỉ vì đọc qua tin tức vụ khủng bố thảm khốc ngày 11/9/2001 ở Mỹ do các tín đồ Hồi giáo cực đoan Taliban thực hiện và bạn tin rằng những người trùm đầu, mặc hijab kín bưng đều mang mầm mống khủng bố thì đã đến lúc bạn phải thay đổi rồi đấy. Đừng đóng khung mọi suy nghĩ và tư duy của chính mình, hãy tìm kiếm và nghiên cứu thật kỹ vấn đề mà mình thắc mắc, truy rõ ngọn nguồn (đáng tin) và khách quan đón nhận thông tin.
– Không nên tuyệt đối hóa vấn đề. Ví như đứng trước chủ đề người trẻ sử dụng mạng xã hội. Nếu bạn viết theo hướng không ủng hộ sử dụng mạng xã hội thì cũng đừng viết các câu như: Tất cả những thứ trên mạng xã hội đều là ảo, đều nhảm nhí và vô bổ; Người trẻ dùng mạng xã hội chỉ để khoe khoang; Các hội chứng tâm lý (rối loạn âu lo, trầm cảm, căng thẳng quá mức,…) ngày nay của người trẻ đều là do mạng xã hội mà ra;… Hãy hạn chế dùng các từ “hoàn toàn”, “không bao giờ”, “tất cả”,… Mà thay vào đó là “hầu hết”,”đôi khi”,”một bộ phận”,…
- Gắn thông điệp mà bạn muốn truyền tải với đời sống thực tế
Chúng ta được dạy viết phần “liên hệ thực tế” bằng một đoạn ngắn trước khi kết bài. Nhưng rõ ràng thì những câu ngắn, chung chung chỉ đủ sức mang về cho ta số điểm nhất định trong barem chấm của thầy cô ở trường. Còn về tác dụng và ý nghĩa thật sự của nó thì vẫn cần được cân nhắc lại. Nếu như bài viết được gắn với đời sống thực tế thông qua các luận điểm, luận cứ xuyên suốt từ đầu đến cuối thì những lý lẽ của bạn sẽ trở nên giá trị hơn rất nhiều với người đọc.
Cũng phải lưu ý rằng, liên hệ thực tế không phải là việc hô hào những khẩu hiệu sáo rỗng (người trẻ phải không ngừng nỗ lực; chúng ta phải bảo vệ môi trường;…) mà phải là những việc làm cụ thể, thiết thực, gắn với cá nhân và cộng đồng (không ngừng tìm tòi và học hỏi những điều mới, sử dụng công nghệ thông tin một cách thông minh, tìm hiểu kiến thức về biến đổi khí hậu,…). Có như thế, phần liên hệ này mới phát huy hết ý nghĩa của nó.
Kết
Cái hay, cái đẹp của văn học nói chung và nghị luận xã hội nói riêng tùy thuộc rất nhiều vào cảm nhận chủ quan của người đọc. Tuy nhiên, một bài viết mạch lạc, rõ ràng, thể hiện rõ quan điểm của người viết sẽ tạo ấn tượng tốt để người đọc tiến hành đọc sâu, đọc kĩ và xem xét tường tận các vấn đề.
Mọi việc đều có thể cải thiện thông qua rèn luyện, hãy đọc nhiều hơn, viết nhiều hơn và tự mình đánh giá, sửa chữa nhiều hơn. Hãy xem việc diễn đạt các ý nghĩ trong đầu bạn ngay bây giờ là một trong những bài tập đầu tiên, và làm nó.
Xem thêm: 6 kỹ năng cần được rèn luyện để có một bài văn hay
Giàu Dương