Tao Đàn – Nguyễn Xuân Khánh thuộc thế hệ những người cầm bút trưởng thành trong cuộc chiến tranh cách mạng. Trở lại với đời sống văn học khi đã vào độ tuổi “xưa nay hiếm”, Nguyễn Xuân Khánh đã gây nên một bất ngờ lớn trên văn đàn qua một loạt tiểu thuyết dày dặn mà điển hình là Mẫu thượng ngàn với đề tài viết về văn hóa Việt trong giai đoạn thực dân Pháp xâm lược Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.
Nội dung bài viết
Vấn đề của những người trí thức
Trí thức là nguyên nhân cốt lõi và vĩnh hằng của tiến bộ xã hội. Người Việt từ xưa đã có truyền thống đề cao việc học và trọng kẻ sĩ. Vấn đề của những người trí thức và vai trò của họ trong những bước ngoặt của lịch sử là một chủ đề quan trọng bậc nhất được nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đề cập ở tác phẩm này.
Trong đội ngũ đông đảo các nhân vật ở tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn, hình ảnh người trí thức trở thành “điểm sáng”, đại diện cho trí tuệ và khát vọng của nhân dân. Một đặc điểm rất dễ nhận ra trong tác phẩm là tác giả đã phác hoạ sự tiếp nối cũng như khắc hoạ những chân dung các thế hệ trí thức trong bối cảnh mà do sự tiếp xúc với thế giới phương Tây khiến các hệ giá trị của đạo Khổng đi vào thoái trào và đang được dần thay thế bởi những hệ tư tưởng mới. Những tấm gương nghĩa khí của những nhà Nho dân tộc như cụ Cử Khiêm, cụ Vũ Huy Tân là những đại diện xuất sắc nhất thể hiện khí tiết và phẩm chất kiên trung của người trí thức.
- Vì chính nghĩa, vợ chồng phủ Khiêm đã sẵn sàng đưa cánh tay cứu vớt những con người lương thiện khốn mặc dù có thể bị quy kết rằng đã không “giữ tấm lòng son” để bao che cho bọn tà giáo theo Pháp quốc. Nhưng cũng chính vì “tấm lòng son” với dân với nước mà cử Khiêm đã khởi binh đánh Pháp và có hành động tiết liệt khi tự tay rạch bụng mình trong “bữa rượu máu” của những kẻ hàng giặc.
- Hình ảnh cụ Vũ Huy Tân trong vai trò của một thầy giáo dạy Nho học cho các học trò của mình như Đồ Tiết, Tú Cao, Phủ Lễ, v.v. cũng như trong những ngày luồn rừng đánh Pháp sẽ được “hồi quang” lại trong người trí thức trẻ Vũ Xuân Huy sau này.
- Là thế hệ tiếp nhận ảnh hưởng của các hệ tư tưởng mới một cách cụ thể nhất, Vũ Xuân Huy đã không đi theo con đường làm quan. Lặn lộn trong quần chúng lao động, anh trở về Cổ Đình dạy chữ Quốc ngữ, vận động nhân dân thành lập “Tổ tương tế”, v.v. Những việc làm và hoạt động của anh mang khát vọng của người trí thức nhằm thức tỉnh quần chúng để giành lại quyền tự chủ quốc gia.
- Nếu ở Huy là hình ảnh của người chiến sĩ cách mạng trong buổi đầu giác ngộ quần chúng thì Tuấn lại đại diện cho hình ảnh của những người trí thức trong vài trò của người chiến sĩ phát triển cái đẹp của hồn Việt. Tuấn hiểu và ủng hộ Huy nhưng anh biết rằng mình không có khí chất “mạnh mẽ” để làm cách mạng như bạn mình. Anh gặp Pierre và tìm thấy ở con người đến từ một đất nước xa lạ này mối đồng cảm về cái đẹp và trân trọng những giá trị tinh thần của nhân dân.
Trong tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn, ngoài bộ phận các trí thức người Viết là sự xuất hiện của các trí thức Pháp ở thuộc địa. Chẳng hạn như Julien luôn tự hào ở tư thế của kẻ đi xâm chiếm, Pierre, nhà dân tộc học Rénee hay cha sứ Colombere có một niềm yêu thích bản sắc dân tộc bản sứ cũng như tình yêu thương con người đích thực. Họ đến mảnh đất này với mong muốn được học hỏi, được hiểu biết và chia sẻ lòng ái hữu. Hình ảnh của họ thêm một lần nữa khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của người trí thức. Không phân biệt về màu da, sắc tộc, người trí thức chân chính ở bất cứ thời đại nào, ở bất cứ nơi đâu cũng mang trong mình lý tưởng cao đẹp về lẽ phải, sự công bằng và đồng cảm, lo lắng trước số phận nhân dân, tổ quốc.
Đọc Mẫu thượng ngàn, người đọc được tiếp cận với một vấn đề mang tính lịch sử không riêng bất cứ đất nước nào, thời đại nào: vị trí, vai trò xã hội cũng như thái độ của người trí thức trong lịch sử. Xuất phát từ hoàn cảnh riêng cũng như nguồn tư tưởng văn hoá mà họ tiếp nhận, người trí thức đã thể hiện sự lựa chọn đúng sai và thể hiện thái độ theo cách riêng của mình trước lịch sử. Với người trí thức chân chính, họ sẽ luôn đứng về phía chính nghĩa, về phía tiếng nói của đông đảo nhân dân vì chính họ là những cá nhân có được sự cảm nhận, thấu hiểu sâu sắc nhất hoàn cảnh của dân tộc cũng như mỗi phận người. Tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh đã đem đến hình ảnh đẹp về kẻ sĩ, người trí thức đồng thời gợi lên những suy nghĩ ở người trí thức hôm nay.
“Cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa hai nền văn hoá Tây và Đông”
Sau những chiến thắng về quân sự, việc đầu tiên trong quá trình chinh phục thuộc địa của thực dân Pháp là xâm chiếm đất đai, lập đồn điền. Đồn điền Messmer ra đời trên đất Cổ Đình là kết quả từ những nỗ lực của thiếu uý Philippe trong gần hai mươi năm tham chiến ở Đông Dương. Với chính sách khai thác thuộc địa, người Pháp đã làm biến đổi diện mạo xã hội và tạo nên những xáo trộn rõ rệt trong nếp sống của người Việt Nam. Một đồn điền mang tên Messmer với những ông Tây cao lớn trong tư thế kẻ cai trị và kiểm soát, một ngôi nhà thờ cùng người truyền đạo, đức cha Colomber, như một sự đương nhiên tồn tại bên cạnh những ngôi nhà nhỏ bé cùng ngôi đình, ngôi chùa của dân Kẻ Đình. Ở góc độ chính trị, cuộc xâm lăng này đã dẫn tới sự đụng độ, đối chọi giữa chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng của cả dân tộc Việt Nam với thế lực ngoại bang. Nói về góc độ văn hóa, thì đây là cuộc đối chọi giữa hai nền văn hóa, hai nền văn minh.
Trong vai trò nhà thực dân, Philippe đã từng bước xác lập vị thế ông chủ trên mảnh đất của người dân nghèo, đồng thời những người da trắng như Philippe với một nền văn hoá xa lạ đã gặp phải sự đối chọi gay gắt từ những người bản xứ mang trong mình gốc rễ văn hoá “được lưu truyền cả ngàn đời”.
Những phản ứng của các thế hệ người dân Cổ Đình trước sự xâm nhập của người Pháp vào mảnh đất tổ tiên là thái độ của một dân tộc trong cuộc tiếp xúc với với một nền văn hoá xa lạ và còn quá mới mẻ.
Nguyễn Xuân Khánh đã hết sức độc đáo khi miêu tả những cuộc làm tình trong cuộc hôn phối của Philippe và bà Mùi như một cách thể hiện “cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa hai nền văn hoá Tây và Đông”.
Đến Đông Dương với mục đích làm giàu và mang tư tưởng của một đất nước văn minh đi khai hoá dân tộc mông muội, người Tây Dương muốn trở thành ông chủ và kẻ cai trị cả trên giường ngủ. Người đàn bà An Nam nhỏ bé và tưởng chừng rất thụ động lại trở nên hết sức mạnh mẽ khiến người đàn ông hoang mang trong cảm giác không thể hoà nhập vào thế giới bí ẩn của họ thậm chí có lúc trở nên “tự ti”.
Cuộc tiếp xúc bất bình đẳng về kinh tế Pháp Việt làm dân tộc ta đau đớn nhưng đồng thời cũng là một sự thức tỉnh của cả một dân tộc, của cả một nền văn hoá. Chính vào hoàn cảnh cực đoan nhất, người Việt đã tìm về với đạo Mẫu – tín ngưỡng văn hoá bản địa có từ thời nguyên thuỷ. Người dân quê đã được che chở và xoa dịu tâm hồn bởi cội nguồn văn hoá dân tộc.
Vào mùa lễ hội, người Kẻ Đình lại tấp nập xuôi dòng sông Son về với Mẫu. Những nét đẹp văn hoá tinh thần từ bao đời được họ trân trọng và kiên trì tiếp nối: niềm kiêu hãnh về ngôi đình cổ và lễ hội tháng ba với tục rước ông Đùng, bà Đà và “mùa trải ổ”, v.v.
Những luồng tư tưởng dân chủ của người Tây phương đồng thời làm rạn vỡ từng mảng hệ ý thức Nho giáo và tạo nên mối bi kịch trong tâm tư của cả một lớp người. Tâm sự của phủ Lễ nói với con trai mình là Tuấn biểu hiện sâu sắc ở việc nhận ra cái ngưỡng và sự bế tắc của thế hệ nhà Nho cuối cùng của dân tộc
“Điều buồn… chúng tôi đã già rồi… Mà chúng tôi không vạch ra được… hướng đi. Thật ra… hướng đi sau này thế nào… chúng tôi cũng chịu… không biết… Nhưng các anh phải bình tĩnh chứ… Đừng tưởng những điều ngày xưa… của cổ nhân … là không còn giá trị…”.
Sự tiếp xúc với thế giới phương Tây đã dẫn đến sự manh nha hình thành những luồng tư tưởng yêu nước kiểu mới trong một lớp người mà tiêu biểu là hình ảnh của những hình mẫu cá nhân như Huy. Với vai trò của một chiến sĩ chống thực dân kiểu mới, Huy tích cực tham gia các hoạt động giác ngộ quần chúng khi trở về Cổ Đình. Làng quê với những người dân hàng ngàn đời vẫn sống theo những lề thói và nếp nghĩ quen thuộc, nay, đã và đang thích nghi với những biến đổi do sự xâm nhập của một nền văn hoá khác biệt với mình. Cô Mùi – con gái ông Đồ Tiết, một nhà nho chống Pháp – lại đồng ý lấy ông tây Philippe. Cụ Vũ Tú Cao – một nhà nho “nghiêm khắc, gia giáo có tiếng” – lại gả con gái cho người Pháp.
Giao lưu bất bình đẳng về kinh tế Pháp – Việt đã tạo ra những thay đổi không chỉ trên bề mặt mà ở chiều sâu nhiều quan niệm của người Việt Nam. Không chấp nhận sự đồng hoá và nô dịch, cùng với quá trình thức tỉnh và phản kháng, như một lẽ tự nhiên nhất, những giá trị văn hoá của người Tây phương đã được người Việt chủ động tiếp nhận. Nhưng trước khi những hệ giá trị mới mẻ của người Pháp đi vào đời sống của người Việt Nam, nó buộc phải đi qua một sự sàng lọc – đó là bề dày lịch sử và truyền thống văn hoá của người bản địa.
Làm vợ Philippe và trở thành “con chim bồ câu phương Đông” trong Vila của đồn điền Messmer, Mùi vẫn đi hầu đồng thật mê đắm. Hành động gả cô Nguyệt cho bác sĩ Alecxander của cụ tú Cao có cái trọng cổ nhà Nho, đồng thời là biểu hiện của một người không còn nặng nề sự tự hào vô lý của các bậc tiền nhân.
Sự tấn công của các hệ tư tưởng mới mẻ từ phương Tây đã làm thay đổi một loạt các giá trị thủ cựu của đạo Khổng như sùng bái người xưa, tinh thần nô lệ và khiếp nhược quá khứ, sự sùng bái quá mức các giá trị tinh thần có tính chất giáo điều, v.v.
Cụ tú Cao chưa hiểu gì về văn hoá Tây phương nhưng bằng cảm nhận “Cụ cho rằng chữ thánh hiền ngày xưa và chữ Tây ngày nay tuy khác nhau, tưởng như rẽ làm hai nẻo, nhưng rốt cùng chúng cũng đồng quy”. Những nhà Nho như cụ tú Cao, cụ Đồ Tiết, Trịnh Huyền, v.v. và rất nhiều người dân Cổ Đình đều ủng hộ việc tổ chức lớp học dạy chữ Quốc ngữ ở Huy. Họ tìm thấy trong những việc làm của anh lí tưởng và tinh thần mới của thời đại.
Người Pháp tới Đông Dương trong tư thế kẻ mạnh đến khai hoá văn minh cho một dân tộc tối tăm và lạc hậu. Nhưng chính nền văn hoá và những con người nơi đây đã tạo ra những ảnh hưởng ngược trở lại với người Pháp. Những ông quan ba người Pháp cũng thích thú khi được ngồi võng lọng như một ông quan An Nam. Đức cha Colomber với lòng kính Chúa và yêu thương con người với 25 năm sống ở mảnh đất này đã có sự hoà trộn của một tâm hồn Pháp quốc và Ạn Nam. Những ngôi nhà thờ của người công giáo cũng mang dáng vẻ của một ngôi chùa quê với những kèo cột chạm chổ khéo léo. Pierre sau lần được ông Hộ chữa bệnh điên đã phát hiện ra những vẻ đẹp kì diệu trong hội hoạ, điêu khắc và lối sống của dân quê. Và theo nhà dân tộc học René, ông đến mảnh đất này là để học hỏi chứ không phải để xâm chiếm, học hỏi sự cam chịu, sự bí ẩn Đông phương mà ông chưa bao giờ hiểu hết được.
Với người Việt Nam, cuộc giao lưu Pháp – Việt diễn ra vào đầu thế kỉ XX đã diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt, không mang tính chất bình đẳng giữa một bên là kẻ xâm lược và người bị xâm lược. Tuy vậy, cùng với nội lực văn hoá và sức sống mãnh liệt, dân tộc Việt Nam đã từng bước chống đỡ lại thứ văn hoá nô dịch bằng quá trình tiếp nhận có chọn lọc.
Từ văn hóa dân gian nhìn về văn hóa dương đại qua tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn
Mẫu, tôn giáo đi ra từ đời sống lao động của nhân dân. Đạo Mẫu hay còn gọi là Mẫu tứ phủ. Trong đạo Mẫu, hát văn và nhảy đồng được coi là điểm đặc sắc của tôn giáo dân gian. Người Cổ Đình suôi dòng sông Son trở về với Mẫu. Mẫu nghĩa là mẹ. Trở về với mẹ là trở về với sự chở che, an ủi. Trải qua nhiều biến cố cuộc đời, giây phút Mùi được là chính mình là khi cô nhảy đồng. Cô bé Nhụ đến với Mẫu là đến với sự trong sáng nhất của tâm hồn. Phút thăng hoa giúp con người thoát lên những điều còn tầm thường trong cuộc đời. Mẫu có lẽ là vậy, vẻ đẹp của người phụ nữ được bộc lộ, phụ nữ là cái đẹp, sự mềm mại và bí ẩn. Đọc tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh, ta hiểu về nguồn cội, văn hóa Việt. Giá trị ấy vẫn được tiếp biến và phát triển trong đời sống dân tộc. Vẻ đẹp là vĩnh hằng.
Mẫu thượng ngàn đề cập tới nhiều phong tục, tập tục đẹp. Vại nước mưa trong vắt dưới gốc cau liên phòng của cụ Đồ Tiết nhắc con người nhớ tới nét thân thuộc của mỗi căn nhà, mỗi ngôi làng ở nông thôn Việt Nam. Người lao động với tục bẫy chim sau vụ gặt, mùa “trải ổ”trong năm. Ở nội dung nào, tác giả cũng vẽ lên sinh động, bay bổng lột tả được bản sắc của người Việt. Đặc biệt, khi viết về mùa “trải ổ”, nhà văn đã nói về giá trị nhân văn của văn hóa dân tộc, vẻ đẹp ấy vẫn được truyền giữ giữa nhịp sống đương đại hôm nay. Ba Váy không lấy được Trịnh Huyền (người yêu đầu đời thời con gái của mình), cô lấy người đàn ông không như những gì mình lý tưởng. Tuy vậy, người phụ nữ là Ba Váy vẫn giữ được phẩm chất và giá trị của mình. Cô gặp lại Trịnh Huyền khi mình đã là vợ của người khác, phút giây hạnh phúc nhất có lẽ là được sống lại khoảnh khắc của tình yêu vào mùa “trải ổ”. Chỉ khi con người dám sống đúng thật với mình thì khi đó văn hóa mới thăng hoa.
Sự tích ông Đùng, bà Đà. Vẫn ngôi làng cũ, cây gạo cũ, ngôi đình cũ, vào mùa xuân như khoác màu áo mới. Người dân nô nức làm hình nộm ông Đùng, bà Đà. Lúc ông Đùng, bà Đà bốc cháy, đất trời như có sinh khí, lòng người như có sự giao cảm. Mùa xuân là mùa của cây cối đâm chồi nảy lộc, mùa của muôn loài sinh sôi phát triển, con người cũng như cần đến nhau. Nguồn cội dân tộc chính là giá trị Việt. Giá trị Việt chỉ có thể trường tồn nếu ta nhìn bằng sự bao dung.
Nguyễn Xuân Khánh – từ đỉnh cao về phân tích tâm lí nhân vật
Là một thủ pháp nghệ thuật có nhiều thế mạnh, ngôn ngữ độc thoại của nhân vật soi sáng, lí giải những vận động phức tạp nơi thế giới nội tâm con người. Tác phẩm đầu tiên của nền văn học hiện đại Việt Nam đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ cho tư duy phân tích tâm lí có sự biểu hiện của những dòng độc thoại nội tâm là Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách. Trong tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn những trang viết độc thoại nội tâm đã giúp nhà văn khám phá những chuyển biến phức tạp của nhân vật một cách chân thực và sâu sắc.
Trong Mẫu thượng ngàn, độc thoại nội tâm trở thành biện pháp hữu hiệu để nhà văn khám phá tâm hồn ngây thơ, trong sáng và hồn hậu của cô bé Nhụ. Những suy nghĩ miên man của Nhụ sau lần Cò và Điều xô xát là biểu hiện của một tâm hồn đáng yêu ở cô bé mới lớn
“Mà anh Cò làm sao có thể so sánh với anh Điều cơ chứ. Ở đây có liên quan với bố Huyền. Bố là ơn sâu nghĩa nặng. Bố thâm tình với mẹ. Bố là người thân nhất của mình. Gia đình bố tức là gia đình mình”.
Cô mõ Hoa xinh đẹp, lòng đầy bối rối trong cái đêm hội Cổ đình
“Bỏ làng mà đi ư? Đi đâu? Về đâu? Hay là về quê mẹ với ông cậu nuôi gia đình với lũ con lít nhít còn không đủ cơm ăn? Hay là một liều nhắm mắt đưa chân? Liệu có thoát khỏi cái cảnh chết đói nơi đầu đường xó chợ”.
Người con gái ấy đang đau đớn đối diện trước cái chết của người cha nhưng cô vẫn như đang chờ đợi một điều gì ở phía trước. Trong khi đó, cô nhận được thư Huy với những lời lẽ mà cô cũng chưa hiểu hết khiến lòng khắc khoải không yên: Phải làm gì để thoát khỏi kiếp tủi nhục? Những suy nghĩ của nhân vật bộc lộ một cách tự nhiên nhưng không đường đột. Nhân vật tư duy khi chỉ có một mình, tư duy ngay cả khi đang đối thoại và có khi đang hoạt động nữa.
Tìm hiểu kĩ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh trong tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn, bên độc thoại nội tâm còn xuất hiện phân tích tâm lí. Đây là một dấu hiệu quan trọng có mối quan hệ trực tiếp tới quá trình chủ quan hóa tự sự, thể hiện sự chuyển biến trong tiểu thuyết nhằm hướng tới cảm quan nghệ thuật hiện đại. Nhân vật tự đưa ra các lí lẽ, phân tích, lí giải những suy nghĩ, dằn vặt, lo lắng, hoài nghi, để từ đó tự bộc lộ tâm trạng, tình cảm, trạng thái cảm xúc một cách chi tiết, cụ thể.
Cho đến những kĩ thuật miêu tả thị giác ấn tượng
Trong văn học truyền thống, kĩ thuật miêu tả thường gắn liền với việc tả người, ở việc liệt kê cụ thể các chi tiết hình dáng, trang phục. Một đặc điểm quan trọng trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh là việc ông dường như không quá chú trọng chi tiết đến việc miêu tả ngoại hình nhân vật.
Ấn tượng thị giác mà người đọc trực tiếp nhận được ở vẻ bên ngoài các nhân vật chỉ là vài chi tiết cơ bản ở gương mặt, dáng người, cách phục trang nhưng lại hết sức ấn tượng. Việc miêu tả hình dáng, trang phục nhân vật được nhà văn tập trung vào những nhân vật phụ nữ hoặc các nhân vật phụ.
Chẳng hạn trong Mẫu thượng ngàn, người đọc ấn tượng bởi hình dáng “mũm mĩm” với “khuôn mặt tròn, vai cũng tròn”, cách phục sức xuyềnh xoàng để lộ ra vẻ đẹp “ngồn ngộn da thịt” “Cái váy đen, cái áo nâu đã bạc lưng, cái yếm nhuộm vỏ đa màu hồng nhạt” của bà Ba Váy, hình dáng cao lớn “mặc quần áo nâu, quấn tóc trần. Cái mớ tóc vẫn đen và mượt” của cô Mùi đồng.
Nếu hai người phụ nữ thôn quê này đặc biệt là ở ba Váy toát lên vẻ no tròn viêm mãn, đủ đầy và nặng về nhục cảm thì cô Ngát lại có dáng vẻ đài các, quý phái như “một bức tranh tố nữ”. Đó còn là hình dáng mơn mởn của cô bé Nhụ với với “váy đen, áo nâu, vấn khăn còn vụng về”, hay thậm chí là dáng người “xương xương nhỏ nhắn” của bà Hai nhà lý Cỏn. Nhà văn đặc biệt ưu ái dựng lên hình ảnh thật đẹp về người phụ nữ bình dân thông qua những nét chấm phá về dáng vẻ và trang phục đồng thời làm toát lên vẻ đẹp tâm hồn nhân vật.
Đọc Mẫu thượng ngàn, người đọc còn ấn tượng bởi “Đôi mắt xanh dịu dàng, thông minh, lúc nào cũng óng ánh nét tò mò suy tư” của Pieerre khác hẳn đôi mắt màu xanh xỉn của người anh và em trai. Đặc biệt, khuôn mặt nửa đẹp nửa xấu của Trịnh Huyền đã được miêu tả rất chi tiết không chỉ một lần. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn và khuôn mắt là sự thể hiện những diễn biến thầm kín bên trong của con người.
Với sự kế thừa kinh nghiệm nghệ thuật của quá khứ và sự nhạy bén nơi tâm hồn người nghệ sĩ, Nguyễn Xuân Khánh đã lựa chọn được những chi tiết đắt giá trong miêu tả góp phần biểu hiện toàn vẹn chân dung con người trong tiểu thuyết.
Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh không chỉ xây dựng những hình ảnh đẹp về con người mà còn tạo ấn tượng đậm nét bởi khung cảnh thiên nhiên đẹp thấm đẫm phong vị hồn cốt dân tộc.
Mẫu thượng ngàn, thiên nhiên đã được miêu tả hết sức nhuần nhị, trong sáng trong không gian văn hoá mộc mạc, dân dã nơi làng quê. Khu vườn của gia đình cụ Đồ Tiết “có dáng dấp một khu rừng” với sự pha tạp của rất nhiều loại cây cỏ khác nhau nhưng vô cùng duyên dáng.
Với cụ Đồ Tiết, tình yêu thương khu vườn gắn liền với những kỉ niệm từ cây mít xù xì đầu nhà, những vạt tre bương tới cái ao nhỏ thả bè rau muống và đặc biệt là “bụi mây gai rất dày, lá mây xanh mướt lá nọ đan vào lá kia kín mít”. Nơi “tiếng cười lanh canh từ cái buồng tắm thiên nhiên” của Nhụ cất lên đã gợi lại hình ảnh ấm áp của một gia đình xưa kia.
Thiên nhiên với những chi tiết hết sức giản dị qua hình ảnh của các loại cây cỏ tưởng chừng hết sức bình thường trở nên vô cùng sống động. Thiên nhiên ấy gắn bó máu thịt với cuộc sống đời thường và tâm tư tình cảm của con người. Nhiều trường đoạn miêu tả thiên nhiên trong tác phẩm là cả một thế giới tràn ngập sắc màu.
Đọc Mẫu thượng ngàn, những bức tranh thiên nhiên giàu sức gợi đã khắc hoạ hình ảnh của một miền quê mang đặc trưng văn hoá của một nước nông nghiệp vùng nhiệt đới. Đó là thế giới của rừng núi, sông suối và bạt ngàn cây cỏ… không ngừng sinh sôi, nảy nở. Và không phải vô tình khi đa phần cảnh vật thiên nhiên được nhà văn miêu tả chủ yếu thuộc về khoảng thời gian đặc biệt trong năm – mùa xuân.
Chọn lựa những chi tiết tiêu biểu về màu sắc, âm thanh của sự vật tạo ấn tượng mạnh tới thị giác và tri giác người đọc, nhà văn đã miêu tả khung cảnh ngôi đình Ba Chạ ở Cổ Đình vào mùa xuân vô cùng sinh động và gợi cảm. Đó là hàng cây gạo cổ thụ “đầy hoa đỏ chói”, là hàng cây đề trăm tuổi “xanh tươi, hớn hở”, là âm thanh “vo ve”, “ríu rít” không dứt của chim chóc. Và đặc biệt, núi rừng, cây cỏ vào đêm hội mùa xuân bừng bừng sức sống “Cỏ cây, hoa lá mọc ngút ngát”.
Không giữ vai trò tạo nên tình tiết của cốt chuyện, nhưng những trường đoạn miêu tả đặc biệt là miêu tả thiên nhiên trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh đã kéo giãn nhịp độ truyện kể, tạo bối cảnh cho sự phát triển của sự kiện và trạng thái tâm lí nhân vật. Thiên nhiên được miêu tả Mẫu thượng ngàn xuất hiện rất nhiều tính từ màu sắc, mùi vị và động từ chỉ âm thanh. Trong một đoạn văn rất ngắn tả vườn thuốc bỏ hoang nơi núi Yên Tử nhưng tràn ngập sắc mầu: mầu trắng của hoa bạch trà, những bụi mẫu đơn đỏ, vàng, trắng, những bụi hoa dại gặp tiết xuân xanh um tưng bừng… Và Côn Sơn vào mùa xuân “bừng lên đầy hoa”.
Nguyễn Xuân Khánh đã có những so sánh rất thú vị khi miêu tả khung cảnh Côn Sơn “Khu rừng mai như có ức triệu con bướm trắng nhỏ đậu lốm đốm trên nền lá xanh cốm. Khu rừng trúc với muôn ngàn búp măng chĩa lên trời…”. So sánh nghệ thuật trong miêu tả đồng thời cũng giúp nhà văn tạo nhiều câu văn có sức gợi rất lớn như: “Những quả đồi thấp như bát úp, … cây cao phủ dây tơ hồng như đội mớ tóc giả”, “Những ngọn mây như những con rồng”, “Những cây gạo lớn đầy hoa đỏ chói như những cây đuốc khổng lồ”, v.v.
Những bức tranh thiên nhiên trong tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn vô cùng biểu cảm và giàu sức sống. Tất cả đã nói lên phần nào vẻ đẹp cũng như bản sắc riêng của làng quê, đất nước Việt Nam. Kỹ thuật miêu tả thiên nhiên, miêu tả ngoại hình nhân vật đã thể hiện vốn hiểu biết, khả năng quan sát, tâm hồn tinh tế nhạy cảm, trí tưởng tượng bay bổng của tác giả.
Vài nét về tác giả Nguyễn Xuân Khánh và câu chuyện về sự ra đời của Mẫu Thượng Ngàn
Năm 1959 trong thời kì đi trại sáng tác, Nguyễn Xuân Khánh viết cuốn tiểu thuyết về một làng quê thời kháng chiến chống pháp có nhan đề Làng nghèo nhưng không được in. Bất chấp thất bại đầu tiên đó, nhà văn vẫn suy ngẫm về nội dung của câu chuyện trong tiểu thuyết Làng nghèo với mục đích sẽ tiếp tục viết về cái làng ấy trong một cuốn tiểu thuyết khác tại một thời điểm thích hợp.
Năm 2000, trên cơ sở bản thảo cuốn Làng nghèo, tác giả đã viết nên Mẫu thượng ngàn với một phong cách hoàn toàn mới. Tác phẩm này vừa ra đời đã ngay lập tức được đánh giá cao và sáu năm sau đó, tác giả vinh dự nhận được giải cao nhất trong lĩnh vực văn xuôi 2006 của Hội Nhà văn Hà Nội.
Mẫu thượng ngàn là một biến thể hoàn toàn mới so với Làng nghèo xưa và ra đời vào chặng đường chín chắn nhất của đời nhà văn. Cuốn tiểu thuyết đã đề cập tới nhiều vấn đề mới mẻ trong thời kì tiếp biến văn hóa Pháp – Việt.
Để tác phẩm dung chứa hết được nội dung và các suy tư của mình, nhà văn đã dời bối cảnh câu chuyện từ một làng kháng chiến khi bị quân Pháp xâm chiếm tại Hà Nội sang một ngôi làng trong cuộc giao lưu văn hóa Việt – Pháp ở vùng trung du. Chính trong hoàn cảnh ấy, mỗi cá nhân sinh ra lớn lên từ mảnh đất mang đậm dấu ấn của miền quê Bắc bộ sẽ tự bộc lộ những cách ứng xử trước thời cuộc, trước lịch sử.
Làng Kẻ Noi hiện lên đậm đà cốt cách của một làng Việt giữa những biến động mà ẩn sâu trong tiềm thức văn hoá làng và cao hơn là gốc văn hoá vẫn mãi trường tồn phát triển. Điều đặc biệt nhất trong cuốn tiểu thuyết là sự tràn ngập các yếu tố folklo, các tín ngưỡng văn hoá, tín ngưỡng “phồn thực”. Mẫu Thượng ngàn đã đề cập tới nhiều vấn đề mà từ trước tới nay ít các sáng tác văn học dám mạnh bạo bày tỏ. Tác phẩm đã đưa ra cái nhìn mới về thời thuộc Pháp, không chỉ có người Việt Nam mà đời sống của những người Pháp ở thuộc địa, người Việt theo Ki tô giáo cũng được miêu tả, lần đầu tiên có một tiểu thuyết viết về đạo Mẫu và tục lên đồng, những thứ mà trong một thời gian dài, số đông cộng đồng vẫn coi là mê tín dị đoan,v.v.
Sự thành công và các giải thưởng cao của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội… là những bằng chứng ghi nhận rõ ràng nhất cho những giá trị đặc sắc trong tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn không chỉ riêng đối với đời sống văn học, mà những giá trị ấy cho tới hôm nay, trong bối cảnh đất nước trong thời kỳ hội nhập với văn hóa thế giới, vẫn còn đó những bài học khó tàn phai.