(Kỷ niệm 90 năm Phong trào Thơ mới, 1932-2022)

So với nhiều tác gia Thơ mới, người đương thời tiếp nhận thơ Chế Lan Viên theo nhiều cung bậc và điểm nhìn khác biệt, thậm chí trái ngược nhau. Dư luận sớm khẳng định một phong cách thơ Chế Lan Viên sâu sắc, thông tuệ, mới lạ, bí ẩn nhưng lại cách xa nhau trong việc phân tích, lý giải, đánh giá các khía cạnh nội dung hiện thực và sắc thái thẩm mỹ.

Ngay từ đương thời phong trào Thơ mới, thơ Chế Lan Viên đã được nhiều bạn thơ và giới phê bình như Phong Trần Hàn Mặc Tử, Khái Hưng, Xuân Phương, Trần Thanh Địch, Nàng Lê (Lê Tràng Kiều), Lê Thiều Quang, Mộc Khuê Kiều Thanh Quế, Lương Đức Thiệp, Hoài Thanh – Hoài Chân, Lê Thanh… cùng quan tâm bình luận. Vừa khi Chế Lan Viên mới có một số bài thơ in báo và Điêu tàn còn ở dạng bản thảo, bạn thơ đàn anh Hàn Mặc Tử (hơn Chế 8 tuổi) đã nồng nhiệt chào đón và hy vọng qua bài viết Những văn tài mới nở: Chế Lan Viên – thi sĩ của vương quốc Chiêm Thành trên báo Tràng An (số ra ngày 6.7.1937). Khởi đầu Hàn Mặc Tử xác định ngọn nguồn cơ sở căn rễ văn hóa của hiện tượng thơ Chế và hệ thống chủ đề thơ Chế Lan Viên:

“Trăng sáng như hào quang của ngọc lạ.

Tôi đã đốt đỉnh trầm đặt trên án… trong thanh khí của nguồn mơ hoa… vì tối hôm nay tôi chuốt lại ngòi bút, mượn hương thơm đưa đẩy lời văn… để giới thiệu một nhà thơ mới. Tôi đã lấy hết tinh lực của hồn, của máu, hấp lại thành một sức mạnh. Nhưng chưa đủ. Tôi đến phải thành tâm, lạy các vì tinh tú, cầu nguyện với những linh hồn thơ, từ muôn năm trước về giúp cho ngòi bút tôi thêm thành thực, lột được chút ít tinh thần văn thơ của ông Chế Lan Viên.

Đảo ngược lại thời gian trong giây phút, ta mơ thấy cả một dân tộc hào hùng! Chiêm Lạp (hay là Lâm Ấp) mà lâu đài tráng lệ đóng từ Quảng Bình, Quảng Ngãi vào tới Phan Rang, Bình Thuận, lấn hết cả giang san của nước Việt… Nhưng sau cuộc “Nam tiến” oanh liệt, còn đâu những thành quách kiêu căng của đám người Hời?

Một dân tộc có lịch sử, có văn minh như Chiêm Thành ngờ đâu lại chịu số kiếp điêu tàn, tiêu diệt! Còn chăng chỉ những ngọn tháp lở lói rải rác đôi nơi cùng với thời gian cố ngạo lại làn nắng úa, và trong đêm sương nặng nề, lắng nghe tiếng oán hờn không bờ bến của những cô hồn vong tộc.

Tôi được ông Chế Lan Viên cho xem tập thơ Điêu tàn của ông trước khi xuất bản. Điêu tàn đã hình dung cả một thời sáng sủa táo bạo, lẫy lừng, trong hơi nặc nồng của máu người tử sĩ, thơm tho bên mình nàng Chiêm nữ… và ủ ê như gió lạnh ngập không gian, và não nùng như tơ trăng ngã im lìm trên cỏ ướt.

Tôi phải kinh ngạc như mọi người khi nhìn thấy ông Chế Lan Viên, một thư sinh hiền lành như một nàng gái mới lớn lên… Làm sao trong tấm linh hồn chất phác ấy đã sớm nở ra những nguồn thơ mới lạ mằn mặn như nước suối Vichy song vẫn ngon môi và mát dạ. Đọc hết tập Điêu tàn, tôi chỉ nghe mãi những tiếng căm hờn đắm đuối như ánh sáng của vừng trăng tan ra thành khí lạnh; tôi chỉ thấy những vẻ hoang tàn rã rời một khi sao vỡ…

Ông Chế Lan Viên, nếu không phải là trích tiên ở thượng giới bị đưa xuống trần gian thì hẳn là một người có “máu” Chàm, nghĩa là kiếp trước ông vốn nòi giống Chiêm Thành vậy. Không thế làm sao ông lại khóc được, – khóc một cách ngon lành… Tôi nhận thấy cái khóc của ông bằng nước mắt thì ít, mà khóc bằng phổi bằng tim bằng hồn bằng máu thì nhiều”…

Từ đây Hàn Mặc Tử đi sâu phân tích nguồn cảm hứng và những hình ảnh độc đáo, ma quái trong thơ Chế Lan Viên gắn với một kiểu tâm trạng thuộc về thế giới tâm linh hư ảo:

“Trong khi ông mường tượng đến cảnh khốc liệt của dải đất Chàm, tự nhiên bùng lửa đỏ, tiếng vàng ngọc tan chảy với tiếng đền đài đổ nát thì ông cảm thấy:

Máu đào tuôn tràng ngập cả lòng ta
Cả thân ta dầu tan trong hơi thở…

Nhìn thời gian tàn phá những cảnh tráng lệ nguy nga trước, “trên đường về” hôm nay ông chỉ còn gặp những dấu điêu tàn:

Đây, những tháp gầy mòn vì mong đợi,
Những đền xưa đổ nát dưới thời gian,
Những sông vắng lê mình trong đêm tối,
Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than.

và này:

Đây những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn,
Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi.

Trên những mô đất nhuốm thắm ánh tà dương, biết đâu, đấy chẳng phải là cung điện phi tần, mà những hàng đế vương Hời đã mê mệt với hồng nhan:

Đây trong ánh ngọc lưu ly mờ ảo,
Vua quan say đắm thịt da ngà.
Những Chiêm nữ mơ màng trong tiếng sáo,
Cùng nhịp nhàng uyển chuyển uốn mình hoa.

Thi sĩ nghiệm rằng những cảnh hoan lạc đê mê ấy là hình ảnh của thảm hoạ mất nước, nên chi càng nghĩ đến cuộc binh đao, thi sĩ càng hoảng hốt:

Mà vì đâu những đêm mờ vắng vẻ,
Bên tai ta xào xạc tiếng chân người
Mà rộn ràng loa vang và ngựa hí,
Mà đao thương xoang xoảng dân Chiêm ơi!

Ông Chế Lan Viên đã làm sống lại cả một thời kinh hãi, nhuộm màu lưu huyết. Ta đọc đến phải hồi hộp, có lúc sửng sốt, rít lên như một bại quân tẩu thoát trong ngàn sâu… những cảnh xương máu hỗn độn nặng nề như bước chân con chiến tượng chuyển rừng, đã qua… Thi nhân bấy giờ chỉ ngồi than và mường tượng nhớ tiếc ngày trôi, phác hoạ lại trong tâm hồn những mẩu đời rạng rỡ, phấp phới như lá cờ trương…

Cái cảnh hồn nhiên phớt màu an lạc thật là tài tình trong những nét đơn sơ:

Đây những cảnh thái bình trong Chiêm quốc,
Những cô thôn hồng nhuộm nắng chiều tươi.
Những Chiêm nữ nhẹ nhàng quay về ấp,
Áo hồng nâu phủ phất xõa lời vui…

Trước vẻ hoang tàn, những đêm “Không một mối trăng ngà rung muôn lá – Mà bóng đêm đầy đặc khí u buồn”, chập chờn theo lửa đốm:

Ta hãy nghe trong mồ sâu lạnh lẽo,
Tiếng thịt người nẩy nở, tiếng xương rên.
Ta hãy nghe mơ màng trong cỏ héo,
Tiếng cô hồn lặng thở khí giời đêm.

Nhưng với những hình ảnh mơ hồ, rờn rợn ấy, với tiếng kêu thiêng không chạm vỡ ấy cũng chưa linh động và mầu nhiệm bằng dáng của ma trơi trong lúc lặng:

Đôi cành khô tìm gì trong đêm vắng,
Vươn thân gầy ngăn đón gót ma Hời.
Lắng nghe xem bóng người bay lẳng lặng,
Về tinh cầu giá lạnh chốn xa xôi…

Bãi tha ma hiu quạnh ấy từng phút lại ghê thêm như bóng tối lan tràn, vồ vập cả bao la…

Ông Chế Lan Viên thi sĩ của dân Chiêm đã sống với những giờ trầm mặc giữa đồng hoang đã thấy và đã nghe những hình những tiếng mơ hồ và huyền bí, và đã nhập hồn vào với gió với mây.

Những khi ông nằm dài trên cửa tháp há miệng chực đớp sao rơi, ông thấy hình như núi đá biến dần ra mây khói, trôi ngập cả dải Ngân Hà, ông lại than thở:

Ta vẫn biết nước kia trôi mãi mãi,
Chẳng bao giờ còn giở lại nguồn xa…
Mạch máu ta là những suối đau thương
… Mà quả đất là khối sầu vô hạn

Mà mỗi người là một lời ta thán.

Văn thơ của ông cũng ví như ánh sáng không nguồn, như dư âm của một cung đàn cuối mãi đến ngàn xa, và vì thế người ta càng nhận rõ một triết lý, một ý định, một thở dài, trong những bài não nuột. Cả thế giới, cả ánh sáng thơm tho, cả những lời thiết tha thương nhớ đều tan dần trong bóng tối… Đời chỉ là hư ảo, là một làn hương mơ… Cả tập Điêu tàn như một bài văn tế của Bossuet, như một lời than của Shakespeare, như một tiếng sao rụng im lìm không tiếng dội:

Vì có bao giờ tiếng lòng tôi vang động
Tiếng lòng tôi vang động đến Hư Vô…

Sự khủng khiếp với sự chết đối với Chế Lan Viên không có gì là giấu diếm nữa. Đây, một sọ dừa rởn gáy, để trước mặt ông, hãy nghe lời ông phán hỏi:

Này chiếc sọ dừa người kia mi hỡi
Dưới làn xanh mỏng mảnh của đầu mi
Mi nhớ gì, tưởng gì trong đêm tối
Mi trông mong, ao ước những điều chi?
Mi nhớ đến những cảnh pháp trường ghê rởn
Sọ muôn người lần lượt đuổi nhau rơi
Hay mi nhớ những đêm mờ rùng rợn
Hồn mi bay trong đám lửa ma trơi?

Nhưng cái sọ dừa vô tri ấy vẫn còn nhe hai hàm răng trắng tinh nguyền rủa lại lời của ông, khiến cho ông điên tiết lên:

Hỡi chiếc sọ! ta vô cùng rồ dại
Muốn giết mi trong sức mạnh tay ta
Để những giọt máu đào còn đọng lại
Theo hồn ta tuôn chảy những lời thơ
Ta muốn cắn mi ra từng mảnh vụn
Muốn điên cuồng nuốt cả khối xương khô
Để nếm lại cả một thời xưa cũ
Cả một giòng năm tháng đã trôi qua.

Nói tóm lại trong tập Điêu tàn, một lời thơ là một lời nức nở, như hạt sương nức nở dưới trời mai.

Tôi đã hớp từng bưng máu, mê man từng ngụm buồn lả lướt và đã nút hết chất ngọt ngào trong lỗ miệng người Chiêm nữ.

Tôi đã để lại những niềm kinh hãi, ở trên bãi tha ma, bịt hết tai mắt để đừng nghe thất tủy xương nghiến âm thầm trong những cỗ quan tài mục nát.

Tôi đã sống với phút giây choáng váng mà một người tráng sĩ Hời một khi lâm trận mà mí mắt vụt nhiên trào huyết.

Tôi đã lẳng lặng nhìn trăng mơ tưởng cái cảnh hồn nhiên của một xứ mà sắc đẹp hay phô phang dưới làn nắng mỏng.

Linh hồn tôi, tuỷ não tôi đã thấm thía, đã ăn sâu những mùi vị não nề.

Và tôi đã no nóc, đã hả hê, đã sung sướng khi nhận chân được cái tài hoa của ông Chế Lan Viên và thấy ở ông: một linh hồn thi sĩ”…

Vừa kịp hai tháng sau, nhà văn Khái Hưng viết bài giới thiệu Một thi sĩ Chàm – Chế Lan Viên ngắn gọn với hơn mươi dòng trên báo Ngày nay (số 75, ra ngày 5.9.1937). Khái Hưng ngỡ ngàng trước thơ Chế với một kiểu đề tài xa lạ, kỳ bí, ma quái và được Chế đẩy đến tận cùng mọi gam độ xúc cảm:

“Một hôm tôi đọc trong báo Tràng An một bài phê bình thơ Chế Lan Viên với những đoạn thơ của tác giả trích ở tập Điêu tàn.

Tôi rùng mình, và cảm động vì tôi thấy ở trong thơ hết cả cái đau đớn, cái thảm sầu, cái ghê sợ của một nòi giống sắp tuyệt diệt, và tự biết mình sắp tuyệt diệt: giống Chiêm Thành.

Tôi tưởng ngay tới vua Chế Bồng Nga, một vua Chàm oanh liệt thời xưa: Hẳn ông Chế Lan Viên thuộc dòng dõi vua ấy.

Những bài thơ sau đây, ông Chế Lan Viên gửi cho tôi từ lâu, nhưng tôi tưởng đã in thành sách, nên không đăng. Mãi nay nhận được thư tác giả mới biết rằng thơ ấy trích ở tập Điêu tàn mà thi sĩ mới sắp xuất bản thôi.

Nước xưa, ngày nay còn sót một nhà thi sĩ có tài để khóc những hồn chôn vùi trong đêm tối. Ta hãy lắng tai, ta hãy lắng cả tinh thần mà nghe. Ta hãy cố quên tính tự kiêu, lòng tàn ác của tiền nhân. Ta hãy rỏ một giọt lệ lên trái tim khô, dịu tay xoa cái đầu lâu trắng mà nghĩ đến… “tương lai”…

Liền đó Khái Hưng đảm bảo cho lời giới thiệu của mình bằng bốn bài thơ tiêu biểu của Chế Lan Viên (Hai đêm sầu não, Cái sọ người, Mơ trăng, Xương vỡ, máu trào…) trích tuyển từ bản thảo Điêu tàn. Có thể thấy lời giới thiệu trang trọng của nhà văn Khái Hưng trên tờ báo văn học uy tín bậc nhất đương thời đã góp phần quảng bá rộng rãi vị thế chàng thơ 17 tuổi Chế Lan Viên trên văn đàn nước Việt.

Tự bản thân mình, Chế Lan Viên đã viết lời tựa cho tập thơ Điêu tàn (Mai Lĩnh Xb, Hà Nội, 1937). Bài tựa có dòng lạc khoản ghi rõ “Viết ở Tháp Đồ Bàn một đêm thu đầy trăng”, trong đó xác định một quan niệm riêng về thơ ca và đặc biệt nhấn mạnh tư chất, phẩm chất và vai trò cá tính nhà nghệ sĩ:

“Hàn Mặc Tử nói: Làm thơ tức là điên. Tôi thêm: Làm thơ là sự phi thường. Thi sĩ không phải là Người. Nó là Người mơ, Người say, Người điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tỉnh, là Yêu, nó thoát Hiện Tại. Nó xối trộn Dĩ vãng. Nó ôm trùm Tương Lai.

Người ta không hiểu được nó vì nó nói những cái vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý. Nhưng thường thường nó không nói. Nó gào, nó thét, nó khóc, nó cười. Cái gì của nó cũng tột cùng. Nó gào vỡ sọ, nó thét đứt hầu, nó khóc trào nước mắt, nó cười tràn cả tuỷ là tuỷ. Thế mà có người tự cho là hiểu được nó, rồi đem nó so sánh với Người, và chê nó là giả dối với Người. Với nó, cái gì nó nói đều có cả.

Thấy dòng sông Linh quằn quại trong thơ tôi, thấy Người Dũng Sĩ vùng vẫy trong sách tôi, người ta hỏi: sông Linh ở đâu? Người Dũng Sĩ ăn mặc như thế nào?

Hãy nghĩ lại! Có ai thấy, vào buổi chiều, rụng ở trong Tháp một viên gạch cũ mà hỏi: Viên gạch ấy chu vi, diện tích bao nhiêu? Đúc từ đời nào? Ở đâu? Bởi ai? Và để làm gì?

Điêu Tàn có riêng gì cho nước Chiêm Thành yêu mến của tôi đâu? Kìa kìa nó đang đục sọ dừa anh. Tiếng xương rạn vỡ dội thấu đáy hồn tôi.

Đọc tập Điêu tàn này xong, nếu lòng anh vẫn dửng dưng không có lấy một cơn sóng gió thì xin anh hãy cầu khấn tất cả những gì Thiêng Liêng, những gì Cao Cả tha tội cho phạm nhân là tôi đây. Nếu, khi sách đọc xong mà cái Buồn, cái Chán, cái Hãi hùng cũng ùa nhau đến bọc lấy hồn anh, làm cho anh phải cư­ời, phải gào, phải khóc, thì xin anh chớ hẹp hòi gì mà cười cho mênh mang, gào cho vỡ cổ, khóc cho hả hê, rồi gửi cái cười, cái gào, cái khóc ấy cho không trung. Tôi nằm ngủ ở trong sao, nghe được, tung mây ngồi dậy, vồ lấy cái quà quí báu ấy rồi say sưa, rồi ngây ngất, rồi điên cuồng vỗ lên đầu sao Khuê, sao Đẩu, lên cả Nguyệt Cầu mà bảo chúng nó rằng:

– Ha, ha! bay ôi! Loài người thành thi sĩ như Ta cả rồi.

Và vênh vang, kiêu ngạo, ta lấy mây làm bút, lấy trăng làm mực đề lên nền trời xanh:

Trong thơ ta dân Chàm luôn sống mãi
Trong thơ ta xương máu khóc không thôi”…

Sau khi tập thơ Điêu tàn chính thức xuất hiện trên văn đàn, chí ít nhà phê bình Trương Tửu đã có liền hai bài bình luận. Bài thứ nhất nhan đề Một thi sĩ của điêu tàn in trên báo Ích hữu (số 101, ra ngày 26-1-1938), bình giả xác định thơ Chế Lan Viên dường như là sự bù đắp cho dòng chảy bề nổi dương tính “cái sống rộng rãi và mãnh liệt” và triệt để đắm chìm trong cõi âm hư ảo, đẩy đến tận cùng mọi niềm chiêm cảm và ám gợi một điều gì ma mị:

… “Một cái gì nó không gợi trong lòng ta một cảm hoài, một thương xót, một phấn khích, một hy vọng. Một cái gì ấy chỉ gợi cho ta cái không và cái chết (le Néant et la Mort).

Cái không, cái chết này là hai phản hình của cái có và cái sống. Vì cái không ấy đã có, cái chết ấy đã sống. Có trong không gian, sống trong thời gian. Cái đã có và hiện giờ không có nữa, cái đã sống và hiện giờ không sống nữa, phải phục hưng nó lại để nó dự phần vào cái di sản tinh thần vĩnh viễn của loài người.

Cái đã có ấy là Điêu Tàn, là Diệt Vong. Cái đã sống ấy là Ma, là Tinh. Người có công phục hưng hai cái đó trong lòng chúng ta là thi sĩ Chế Lan Viên.

Thơ của Chế Lan Viên là thơ của Điêu Tàn, của Ma Tinh. Thơ của U giới. Thơ của Huyền Bí. Trong thơ ấy, Điêu Tàn hiện thành một giống nòi. Ma Tinh hiện thành một đầu lâu. Cái giống nòi bị diệt vong bởi luật thích dã sinh tồn chỉ còn chút đền tháp làm di tích! Cái đầu lâu bị mốc meo trong nghĩa địa chỉ còn chút não tủy làm kỷ niệm!

Đọc Chế Lan Viên bị ám ảnh bởi cái tháp điêu tàn và cái đầu lâu điêu tàn ấy.

Có ai thấy, một chiều thu ảm đạm, nhà thơ thanh niên ủ rũ đi lang thang bên dòng nước đỏ ngầu của Sông Linh, đếm nhẩm những tiếng rơi âm thầm của gạch Chàm trong mấy cây tháp bỏ hoang?

Có ai thấy, một đêm đông giá buốt, nhà thơ thanh niên lủi thủi đi trong bãi tha ma, hà hơi vào lỗ mũi khô héo của một chiếc đầu lâu cô quạnh?

Đừng khua động! Nhà thơ thanh niên ấy đang đi tìm nguồn sống trong cái chết, nguồn có trong cái không. Cái chết, cái không đang réo rắt trong tâm hồn thi sĩ như một tiếng ca rồi biến dần thành tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú rít, rồi lại chuyển ra tiếng rên, tiếng nấc, tiếng thở dài, để rồi lại đi ngược cái vòng biến chuyển ấy.

Ông Chế Lan Viên đã quên mất cái Ta, chỉ còn sống trong cái Mê. Ông mê thấy những con voi Chàm khóc cảnh điêu tàn của giống Chiêm Thành trong ngàn sâu. Ông mê thấy người Chiêm nữ tắm mình trong ánh trăng mát mẻ của U Hoài. Ông mê thấy xương máu của các chiến sĩ Chiêm Thành ca hát dưới vùng cỏ úa. Ông mê thấy những linh hồn vong quốc của giống Hời khóc than bên Sông Linh. Ông mê thấy im lặng chuyển mình trên máu đỏ, rừng xanh lăn nhẹ khối u sầu. Ông mê thấy đầu lâu chạy bon bon trong mộ địa đi tìm cảnh sống không còn nữa. Rồi trong lúc mê ấy, ông nhúng bút vào bình mực. Bình mực sôi lên. Mực đã hóa ra máu nóng của điêu tàn, của Ma Tinh. Thế là bàn tay run rẩy của nhà thơ trẻ tuổi kia gạch lên trang giấy trinh tiết những vần thơ ma quái, kỳ dị, trong đó nhảy, múa, ca, hát, khóc, gào những vong hồn, toàn những vong hồn.

Những vong hồn này vừa hiện ra trước mắt tôi lúc tôi đọc tập thơ Điêu tàn của ông Chế Lan Viên. Nhà thơ đã thành công. Cái không đã thành có. Cái chết đã thành hình. Và trong tâm hồn tôi đã nở một nguồn sống mới và mạnh gây ra bởi hai nguồn chết: tháp Chàm và đầu lâu.

Tôi yêu tập thơ Điêu tàn của ông Chế Lan Viên. Tôi yêu nhà thi sĩ của Huyền Bí. Tôi đã giải phẫu trên đây cái tâm hồn ma quái, điên rồ, mê cuồng của người bị ám ảnh bởi tháp Chàm và đầu lâu.

Nhưng người ấy không chiếm được hết tình quyến luyến của tôi, vì người ấy không điên hẳn, không mê hẳn. Người ấy đã tỉnh trong một phút.

Trong phút tỉnh, người ấy đã lý thuyết hóa cái điên cái mê của mình. Một trạng thái kỳ dị của tâm hồn, người ấy đã làm thành một quan niệm về thơ. Một quan niệm sai lầm và nguy hiểm. Bài sau tôi sẽ phê bình quan niệm ấy”.

Tiếp ngay kỳ sau trên báo Ích hữu (số 102 + 103, ra ngày 9.2.1938) là bài Quan niệm thơ của Chế Lan Viên, trong đó Trương Tửu tự gián cách và cố gắng chỉ ra cái “sở đoản” trong thi mạch sở trường của thơ Chế:

“Cảm tưởng cuối cùng của tôi, sau khi đọc tập Điêu tàn, là một tình thương não nuột.
Không phải tôi thương giống Chàm bị diệt vong chỉ còn để lại một vài đền tháp hoang tàn.
Không phải tôi thương lũ quỷ không đầu thường hiện hình trong bãi tha ma những đêm mù khóc cái sọ dừa khô héo.
Không phải tôi thương con chiến tượng thất cơ, thủng thỉnh bước trong ngàn sâu, “mắt mờ sau màn lệ” và “nỗi lo sầu mong nhớ quẩn theo chân”.

Không phải tôi thương cô Chiêm nữ đã trôi giạt nơi trời xa nước lạ không bao giờ lại nữa.

Tôi thương thi sĩ Chế Lan Viên.

Ông Chế Lan Viên lúc này đang quằn quại trong một khủng hoảng tinh thần đáng sợ. Trên tảng trán đáng lẽ sán lạn của người thi sĩ thanh niên ấy, một khối mây đen đang tụ đọng. Và cái tâm hồn đáng lẽ trong trẻo ngây thơ kia đang làm nơi hò hẹn của hình phạt dị kỳ. Tất cả những ý nghĩ, tình cảm của khối óc trái tim ông đang bị lồng khung trong một nấm mồ lạnh lẽo. Đời sống của ông đang bị kìm kẹp trong u giới. Và mạch máu ông đang cuồn cuộn chảy những chất tủy nhờn nhánh của các sọ dừa vứt rải rác trong nghĩa địa.

Cái khủng hoảng lạ lùng ấy càng cấu xé ông hơn nữa là ông đang tìm phương pháp tự giải phóng mình mà chưa thấy. Ông trốn lên cung trăng, ông trốn lên sao Đẩu, ông trốn xuống đáy sông Linh, ông trốn vào Hư Vô…, đâu đâu ông cũng bị cái khủng hoảng kia quăng lưới lôi về. Ông hoảng hốt. Ông mê. Ông điên. Ông vội lấy cái điên khác đuổi cái điên, lấy cái mê khác trùm cái mê, lấy cái ngông đè cái hoảng hốt. Nhưng cái điên khác, cái mê khác, cái ngông ấy chỉ làm ông bị khủng hoảng hai lần. Rồi ông rơi xuống đáy Đau Khổ. Ở hiện tại, ông thấy toàn vô nghĩa, ở tương lai ông thấy toàn buồn bã, ở dĩ vãng ông thấy toàn chán nản. Ông liền kêu cứu. Ấy thế là tập Điêu tàn ra đời”…

Từ đây Trương Tửu chủ ý phản bác, “truy kích” tận cùng cỗi rễ quan niệm và tâm thế nghệ thuật Điêu Tàn của tác giả Điêu tàn:

“Cho xuất bản tập Điêu tàn, ông Chế Lan Viên chỉ cốt ý tìm lấy một người tri kỷ. Người tri kỷ này, than ôi, không bao giờ ông gặp được.

Chỉ vì ông đã dại dột đặt thành quan niệm cái điên của ông và phô diễn quan niệm ấy trong bài tựa.

Ta đọc: “Hàn Mặc Tử nói: Làm thơ tức là điên. Tôi thêm: Làm thơ là làm sự phi thường. Thi sĩ không phải là người. Nó là người mê, người say, người điên. Nó là tiên, là ma, là quỷ, là tinh, là yêu… Người ta không hiểu được nó”…

Ông Chế Lan Viên đã khách quan hóa cái chủ thể của ông. Nên ông lầm. Vì thi sĩ bao giờ cũng có khuynh hướng chủ quan hóa cái khách thể của sự vật. Ông đã rời bỏ khuynh hướng ấy. Ông đã phản cái bản tính thiên bẩm của mình. Ông có tội với Nàng Thơ.

Ông viết: Thi sĩ không phải là người; bởi lúc mê, ông không nhận thấy rằng người nào cũng là thi sĩ. Bao nhiêu cái điên cuồng của ông, dù điên cuồng đến mực nào đi nữa, cũng chỉ là những tâm trạng nằm tiềm tàng trong thế giới vô ý thức của các tâm hồn rất thông thường. Những cái điên cuồng ấy chỉ là dấu hiệu xao xuyến của một nhu cầu giải thoát mà ai cũng có. Có khác là ông lồng nhu cầu giải thoát này vào những chế phẩm lăng tằng của trí tưởng bị đốt nóng quá độ và ông đặt nó thành vần thành điệu. Cũng như nhà cách mạng dàn nhu cầu giải thoát ấy vào những lý thuyết xã hội và thực hiện nó bằng các chiến thuật có tổ chức. Và cũng như người thường phát biểu nó bằng những tiếng cười ngạo nghễ, những khóe mắt khinh đời miệt tục.

Bởi lẽ đó thơ dễ hòa nhịp nhất với tình tứ chung của nhân loại, dù là thơ điên, thơ ma hay thơ quỷ. Tính cách đồng cảm mãnh liệt ấy của thơ đã được chứng thực trong các thế kỷ, ở các mẩu đất có loài người sinh hoạt.

Đã có người nói thi sĩ là bộ bách khoa trữ tình của thế kỷ (une encyclopedie lyrique du siècle). Có thể nói rộng nữa: bộ bách khoa trữ tình của nhân loại. Thi sĩ là bạn của tất cả mọi người trong tất cả những trường hợp khuất khúc về tâm sự.

Chỉ có ông Chế Lan Viên dám phản đối một cách độc đoán cái chân lý ngàn tuổi ấy.

Người ta không hiểu được nó. Nó đây là thi sĩ? Không! Nó đây là ông Chế Lan Viên. Nó, ai mà hiểu được? Nó đã nói bằng trí ở một trường hợp mà nó phải nói bằng tim. Nó đã ly dị với Nàng Thơ. Nó muốn khoác áo một nhà triết học.

Nhưng tại sao lại có chỗ lầm lỡ quá đáng ấy ở ông Chế Lan Viên? Theo ý tôi, sở dĩ ông Chế Lan Viên bơi trong lầm lẫn một cách bướng bỉnh như vậy là vì tâm thần ông rối loạn quá. Rối loạn bởi ông tự gông cùm trong cái quan điểm eo hẹp của một người dân vong quốc.

Nếu ông Chế Lan Viên quả thật là người Chàm?

Đằng này không! Ông chỉ có cảm tình mật thiết với một giống nòi xấu số. Cảm tình ấy, ông cố ý đào sâu mãi. Ngờ đâu, chiếc xẻng thân yêu của ông, dở cuộc, bị gẫy nát bởi một tảng đá lớn nằm dưới cảm tình ấy. Tảng đá này là thiên nhiên. Người ta không thể mượn cho mình một linh hồn khác chất mà không mất mát chút gì. Ông Chế Lan Viên đã mất mát sự thành thực.

Cho nên những tình cảm mượn, ông không thể tả được bằng thể trữ tình nó là tiếng nói của trái tim nóng hổi. Ông phải tả bằng danh từ và hình tượng. Ta bực bội gặp dưới ngòi bút Chế Lan Viên rất nhiều danh từ trừu tượng viết bằng chữ hoa: Hư Vô, Vui Tươi, Hồn Điên, Trời Mơ, Lầm Lạc, Màu Quên, Đau Thương, Quên Lãng, Ta, U Buồn, Trần Gian, Chán Nản… Còn gì nữa? Những danh từ này là một khối nặng chết (poid mort) buộc lòng thòng vào tập Điêu tàn. Chúng chứng thực tính cách giả dối của những cảm tình mượn và nài ép.

Số kiếp tan nát của giống Hời đáng lẽ phải làm ông Chế Lan Viên khóc. Nó chỉ làm ông nhăn nhó, cố nhăn nhó. Nhăn nhó như người đàn bà bắt chước Tây Thi.

Tuy vậy, những hình tượng đặc sắc rải rác trong tập Điêu tàn, nhờ thi nghệ tài hoa của tác giả, đã có thể thay chân một cách rất đáng khen những tình cảm mà ông định diễn. Nên ông đã hồi sinh được cả một cái đã mất. Được vậy là nhờ ở khiếu trực giác linh mẫn của ông.

Tôi có thể nói không sợ ai bẻ: Ông Chế Lan Viên chỉ sống bằng trực giác. Bao nhiêu hình tượng đặc sắc – những hình tượng có cánh – ông đều tìm thấy đột ngột, nhờ trực giác, một linh cảm huyền diệu chỉ nảy nở sớm ở những tâm hồn tế nhị.

Trực giác cao hơn trái tim, nhưng phải lấy trái tim làm nền tảng. Nhà thi sĩ thuần túy là người biết xây cái nhà trên cái móng. Ở ông Chế Lan Viên, thi tứ bay vụt một cái lên mái nhà. Nó đậu ở đấy giây lâu rồi lại té nhào.

Hẵng xây cái nền tảng, thi sĩ Chế Lan Viên! Nói khác đi, hẵng trở về sống trực tiếp với trái tim. Hẵng căng cho tận lượng tất cả những sợi giây để hòa thấm lòng với tất cả những tình nhân loại của con người. Hẵng sống đã. Chỉ có sống thật thật đầy đủ, thật mãnh liệt mới tạo được cho trái tim những dịp ma luyện phi thường.

Sống đầy đủ và mãnh liệt là dùng tình yêu thuần túy đi sâu vào các kẽ ngách tối tăm của nhân tâm để khơi dào ở đó những nguồn tha thứ khoan hồng ân ái.

Sống đầy đủ và mãnh liệt là phát triển hoàn toàn cái tình thương thấm thía của trái tim, để tắm gội những cõi lòng đau khổ rải rác quanh mình vào bằng một bụi mưa trắc ẩn.

Sống đầy đủ và mãnh liệt là phát triển cả cái phản ảnh của tình yêu, tình thương. Phải biết nuôi trong lòng những cái ghét chính đáng để gây cho hành động một nguyên lực mạnh mẽ và bền vững.

Sống đầy đủ và mãnh liệt, tóm lại, là sống chung với cái sống của nhân loại bằng cái sống trong trẻo và tưng bừng của trái tim.

Lúc đã yêu, ghét, thương, buồn – yêu, ghét, thương, buồn đến gần đứt sự sống – lúc ấy trái tim mới cảm chân thành được bề sâu thăm thẳm của nhân tâm, thế sự. Lúc ấy, thơ mới là tiếng nói của Người, thi sĩ mới là bộ bách khoa trữ tình của Nhân Loại.

Lúc ấy, ông Chế Lan Viên bình tĩnh đọc lại bài tựa quyển Điêu tàn mới nhận thấy mình đã lầm khi muốn lý thuyết hóa vội vàng một tâm trạng nhất thời chưa được căn cứ vào trái tim trác luyện.

Chẳng chóng thì chầy, ông Chế Lan Viên sẽ biết thành thực khóc cái Điêu Tàn mà hiện giờ ông mới chỉ có cảm tình, nhờ trực giác. Bấy giờ ông mới lại sẽ hiểu thêm rằng: khóc cái điêu tàn dĩ vãng chưa đủ, phải khóc cái thống khổ hiện tại nhiều hơn. Vì cái khóc kia đưa đến cái không mà cái khóc này mới dắt đến tranh đấu. Tranh đấu, ấy mới là biết sống”…

Đương khi ấy, Phong Trần (một bút danh của Hàn Mặc Tử) đã bất chấp cả thiên hạ mà đồng cảm, hoan hỷ, reo mừng, tán thưởng Chế qua bài viết Chế Lan Viên – một thi sĩ điên trên báo Tiến bộ (số 20, tháng 3.1938):

“Nó đang cào ruột, cấu da, mang cái đầu lâu trắng xoá vừa đi vừa rít lên những tiếng thất thanh rùng rợn giữa bãi tha ma hoang vắng như một oan hồn đang đau đớn mở tiếng kêu nơi cùng Diêm chúa. Nó đang nhẹ nhàng nhảy từ đầu sao Ngưu qua sao Đẩu, đùa giỡn với Nguyệt cầu với Địa cầu rồi hê ha ca hát huyên thuyên, lâng lâng vô tư lự như những tiên nữ trên động thiên thai.

Nó lại là một viên gạch nát đã bị bỏ xó ngàn năm ở chốn thành hoang, một pho tượng La Sát đứng sừng sững trong ngôi chùa mục nát ở giữa cánh rừng trăm năm không người sang sửa đến.

Bao nhiêu cái điên rồ, ác liệt, khốc hại, hãi hùng ấy người ta không ngờ có thể thực hiện được, thực hiện nơi một tâm hồn khác thường của thi sĩ Chế Lan Viên.

Chế Lan Viên!

Một thi sĩ yêu, tinh, ma, quỷ, một thi sĩ của thần chết, của các kẻ điên rồ, của các vì tiên nữ, của vạn vật chìm đắm trong cảnh điêu tàn, một thi sĩ dám trộn dĩ vãng trùm tương lai, một thi sĩ cách mạng với các thi sĩ mải khóc trăng lờ, hoa héo.

… Để lọ mực trên mảnh lụa trắng, rồi trây, rồi trét, còn chưa hả sức chơi đùa, thi sĩ lại còn căng thẳng mảnh lụa ấy ra, rồi bứt xé ra manh mún để ngả ra cười, cho đến khóc. Cái trò chơi nghịch ngợm phi thường… ấy, người ta sẽ chìa tay, bảo:

– Một thằng nhỏ xấu số mang chứng điên rồ!

Tôi bảo:

– Một thần đồng đã làm cho thiên hạ ganh tỵ!

Chế Lan Viên! Anh hãy cười đi! Say sưa đi! Điên tiết lên đi vì sau khi đọc xong quyển Điêu tàn của anh thì bao nhiêu cái buồn, cái chán, cái rùng rợn, cái hãi hùng đã làm cho tôi khóc, tôi cười, tôi vui, tôi khổ!

Anh ở đâu? Trong bãi tha ma hay trên Nguyệt điện? Ngoài chiến trường đầy xương phơi máu đổ hay bên đống gạch nát của ngôi tháp cổ ở đất Chàm?

Anh mau mượn gió, nương mây về! Về cùng tôi vỗ tay reo vang để cùng cười, cùng khóc, cùng hoan hô:

– Ha ha! Chúng ta đây là hai thi sĩ điên rồ đây”…

Trong khi Hàn Mặc Tử nhập thân ca tụng Chế Lan Viên bất chấp mọi dư luận thì chính Chế xưng danh là người của Trường Thơ Loạn lại lên tiếng với bài Ông Trương Tửu cãi lại ông Trương Tửu trên báo Bắc Hà (số 12, ra ngày 26.3.1938). Đoạn mở đầu, thi sĩ trẻ Chế Lan Viên biện luận sắc sảo, đanh thép, quyết liệt khi nhà phê bình định hướng, chỉ đạo thơ ông cần phải có thêm tiếng nói “tranh đấu”, “muốn thơ có ích”, “vì ích lợi chung” và “có ích cho xã hội”:

“Thay mặt cho Trường Thơ Loạn, dưới cái đầu đề kia, thi sĩ Hàn Mặc Tử đã giả lời một cách đau đớn cho ông Trương Tửu về việc Điêu tàn. Cũng dưới cái đầu đề ấy, hôm nay tôi xin phép nói chuyện cùng Trương quân. Câu chuyện sẽ không dài. Tôi tránh nói về quan niệm thơ của chúng tôi mà tôi đã bày tỏ trong tựa Điêu tàn. Biết rằng tôi và ông ta không gặp nhau thì nói đến làm gì. Tôi tránh đáp tiếng ông ta gọi tôi về Tranh Đấu. Làm như tôi không biết tranh đấu là cần? Làm như tôi tịt mù về cuộc đời và không biết cái xấu xa, cái nhục nhã, cái bần tiện, cái thống khổ của xã hội cần phải thay đổi này? Ông đừng làm thế chứ! 18 tuổi đầu không phải là trẻ con chưa mở mắt đâu ông. Có điều ông đừng trông sức lực tranh đấu vào tôi làm gì, ngày nào ông còn có thể gọi tôi là thi sĩ. Hãy trông vào một Chế Lan Viên khác đi. Xã hội còn nhiều người chán, và tôi cũng có lắm Chế Lan Viên thì ông tiếc gì mà không hy sinh Chế Lan Viên thi sĩ đi, trong khi tranh đấu.

Ông muốn thơ có ích, tôi xin giới thiệu cho ông bài Chính khí ca hay bài thơ Phụ nữ đăng trong Thời thế hôm trước, hay quyển thơ thuốc của các cụ nho đời xưa. Bảo rằng ông Nguyễn Vỹ, ông Phạm Ngọc Khuê (thi sĩ) sẽ có ích cho xã hội, tôi không tin. Có khóc, có than, có gào thét, thế thôi. Và họ gào khóc thế chỉ vì họ cần phải gào thét cho hả hơi chứ không phải vì “tranh đấu” vì ích lợi chung đâu.

Thi sĩ là những cây hoa dại, có khi độc, nhưng mà lạ. Hồi nào mà nhổ đi. Nó ít lắm. Một nước độ vài ba khóm thôi, chết nhà ai được.

Ông có đuổi thi sĩ ra khỏi cuộc đời, càng hay. Nhớ bắt chước cổ nhân mà lấy một nhánh bông ông nhé. Đuổi vào những chỗ này: sao Đẩu, cung Trăng, Địa phủ. Nhưng uổng công! Chúng đã tìm đi tất cả rồi, trước khi ông sôi sùng sục vì triết lý sức mạnh, mệt nhừ vì guồng trần xoay máy, hung hăng cầm nhành hoa tới.

Tôi, hôm nay, bênh vực cho tôi.

Cho tôi, chứ không phải cho Điêu tàn. Có ai in thơ ra rồi lại khen thơ mình hay, phải không ông? Hay hay dở tôi không cần biết. Ai khen chê mặc. Điêu tàn là tất cả hồn tôi, thế đủ rồi.

Tôi buồn cười quá, ông ạ. Ông hay mâu thuẫn vậy sao ông? Như đã chửi Thanh niên S.O.S. khi phê bình các sách Tự lực văn đoàn, ông đã, ở bài Quan niệm về thơ Chế Lan Viên, cãi lại ông ở bài Thi sĩ của Điêu tàn.

Người ta đọc Điêu tàn xong hỏi tôi: “Anh lên cung Trăng lúc nào? Anh ngủ ở sao Đẩu sao được? Anh mà nhai sọ dừa? Thôi, đích thị nói phét!”. Đến dưới cái tựa, tôi đề: “Viết ở tháp Đồ Bàn một đêm thu đầy trăng” mà bạn học ở lớp tôi còn chưa chịu tin nữa là!

Ông Trương Tửu cũng nghĩ như học trò một lớp cùng tôi thế đấy. Vô lý lắm, phải không, những việc của tôi làm. Và vô lý bởi không thành thật. Mà không thành thật thì còn làm cho ai cảm động được nữa. Thà rằng ông Tửu nói thế cho hôm nay tôi khỏi cãi. Đằng này không”…

Từ đây Chế Lan Viên chỉ ra những điều mà thi sĩ cho rằng nhà phê bình đã không hiểu được tư chất nghệ sĩ của thi nhân và trở nên tự mâu thuẫn:

“Thì đây, nó rành rành.

Ích hữu, số 101, ông viết:

“Cái đã có ấy, là Điêu Tàn, là Diệt Vong. Cái đã sống ấy là Ma, là Tinh. Người có công phục hưng hai cái đó trong lòng chúng ta là thi sĩ Chế Lan Viên”.

Một chỗ khác:

“Thế là bàn tay run rẩy của nhà thơ trẻ tuổi kia gạch lên trang giấy trinh tiết những vần thơ ma quái, kỳ dị, trong đó nhảy múa ca hát khóc gào những vong hồn, toàn những vong hồn”.

Một chỗ xa hơn:

“Những vong hồn này vừa hiện ra trước mắt tôi lúc tôi đọc tập thơ Điêu tàn của ông Chế Lan Viên. Nhà thơ đã thành công. Cái không đã thành có. Cái Chết đã thành Hình.

Và trong tâm hồn tôi đã mở một nguồn sống mới và mạnh gây ra bởi hai nguồn chết: Tháp Chàm và Đầu Lâu.

Tôi yêu tập thơ Điêu tàn của ông Chế Lan Viên. Tôi yêu nhà thi sĩ của huyền bí”.

Đấy, cái kết quả của thơ tôi. Tôi viện thêm một ít câu để chứng rằng Điêu tàn không phải là những cảm tình bịa mà là có nguồn gốc hẳn hoi. Này ông Tửu viết:

“Chế Lan Viên có tâm hồn ma quái, điên rồ, mê cuồng của người bị ám ảnh bởi Tháp Chàm và Đầu Lâu.

… Chế Lan Viên bị ám ảnh bởi cái Tháp Điêu Tàn và cái đầu lâu Điêu Tàn.

Chế Lan Viên lúc này đang quằn quại trong một khủng hoảng tinh thần đáng sợ (…). Tất cả những ý nghĩ, tình cảm của khối óc, trái tim ông đang bị lồng khung trong một nấm mồ lạnh lẽo. Đời sống của ông đang bị kìm kẹp trong u giới. Và mạch máu ông đang cuồn cuộn chảy những chất tuỷ nhờn nhánh của các sọ dừa vứt rải rác trong nghĩa địa (…) là vì tâm thần ông rối loạn quá”.

Những lời này ông ta dựa vào thơ Điêu tàn mà viết ra. Nhưng lúc công kích Điêu tàn thì lại không dựa vào thơ Điêu tàn nữa mà lại dựa vào cái tựa. Trái ngược chưa.

Tôi nói có bằng cứ. Chính ông ta đã thú nhận sau này:

“Nhưng người ấy không chiếm được hết tình quyến luyến của tôi, vì người ấy không điên hẳn, không mê hẳn. Người ấy đã tỉnh trong một phút. Trong phút tỉnh người ấy đã lý thuyết hoá cái điên cái mê của mình. Một trạng thái kỳ dị của tâm hồn, người ấy đã làm thành một quan niệm về thơ. Một quan niệm sai lầm và nguy hiểm. Bài sau (tức là bài công kích tôi) tôi sẽ phê bình quan niệm ấy.

… Ông liền kêu cứu. Ấy thế là tập Điêu tàn ra đời.

Cho xuất bản tập Điêu tàn, ông Chế Lan Viên chỉ cốt ý tìm lấy một người tri kỷ. Người tri kỷ này, than ôi, không bao giờ ông gặp được.

Chỉ vì ông đã dại dột đặt thành quan niệm của ông và phô diễn quan niệm ấy trong bài tựa”…

Chỉ vì thế thôi đấy.

Tôi buồn cười khi tìm một cái ví dụ: Tôi đưa cho một người đọc Điêu tàn, và xé trước tờ tựa. Người ấy trở nên tri kỷ cuả tôi. Khi người ấy đến để hôn tôi, tôi bảo: “Khoan đã, đọc cái tựa này đã”. Người ấy đọc xong, đấm tôi một đấm bảo: “Thơ anh láo lắm, tôi không ưa anh đâu”.

Ông Trương Tửu cũng na ná như thế.

Vì khi ông bảo ông yêu tôi (thú nhỉ) là lúc ông chưa đọc tựa.

Lúc ông bảo ông ghét tôi (vui nhỉ) là lúc cái tựa được ông đọc rồi.

Hỏi rằng cái tựa có phản tập thơ không? Không! Một nghìn lần không! Một trăm lần không! Quan niệm ở tựa thế nào, thì con đường đi ở các bài thơ, tôi đã theo thế ấy.

Nhưng ông Trương Tửu cứ cãi lại ông ta thì biết làm sao?

Này, các ngài đọc:

“Ông Chế Lan Viên mất mát sự thành thực. Cho nên những tình cảm mượn ông không thể tả được bằng thể trữ tình là tiếng nói của trái tim nóng hổi… tính cách giả dối của những tình cảm mượn và nài ép”.

Ấy biết là mượn thế, nài ép thế, giả dối thế, mà ông cũng còn nói được một câu ngay ở dưới ba câu kia:

“Chế Lan Viên đã hồi sinh được cả một cái đã mất”.

Thật là khéo léo, thật là tài tình.

Vừa phân chất và chứng thực sự đau khổ của người ta đó, vừa phân vua rằng mình đã xúc động trước sự đau khổ đó, rồi lại bảo: không, anh ấy giả dối. Nghĩa là bảo: tôi có cảm động gì đâu!

Ông Tửu ạ, có khi nào ông thấy một người đi khóc mướn mà rỏ giọt lệ không ông? Đừng nói không, theo lẽ phải dặn. Thật thế đấy! Vì người khóc mướn có khi lại có một lòng thương thành thực.

Tôi, người khóc mướn của dân Chàm đây. Nhưng lòng tôi thành thực, và những giọt lệ ở mắt tôi không phải tôi cố nín thở mà chính tự tim trào ra thì ông bảo sao? Hẳn ông bắt tôi phải quay về trong Phan Thiết, vào một làng Chàm đầu thai rồi mới thực kia ư?

Không cần đến thế!

Ông thử hỏi: Điêu tàn có làm cho ta cảm động không? Nếu có, thế là thành thực rồi. Cần gì phải nhọc công. Còn ông đoan tôi là người An Nam chắc ông tưởng tôi cho ông tài lắm đấy. Không đâu ông ạ. Tôi biết rằng ông Nguyễn Vỹ đã nói cùng ông.

Bây giờ thì tôi chào ông và cần đến, tôi sẽ không vắng mặt đâu, thưa ông.

Viết thêm

Tôi cố ý trả lời cho ông Trương Tửu nên một đôi khi phải tự xưng là thi sĩ, một đôi khi khoe cái đau khổ của mình. Thực ra, tôi không muốn rao hàng: “Tôi đau khổ đây! Tôi buồn bã đây!”.

Và theo lời thi sĩ Nguyễn Vỹ nói thì hai chữ “thi sĩ” cũng như hai chữ “chim chích” vậy thôi, không danh giá gì! Có ai gọi “quan thi sĩ” đâu”…

Có thể nói lời biện luận có phần quyết liệt này xét cho cùng là bởi sự so lệnh giữa cách đọc của người phê bình với tâm thế của chủ thể sáng tạo. Về cơ bản, Trương Tửu đánh giá cao chiều sâu suy tư và nghệ thuật thơ Chế Lan Viên nhưng cũng cho rằng thế giới thơ Chế quá xa lạ với đời sống thực tại. Với Chế Lan Viên, ông xác quyết quyền tự do sáng tạo và vị thế thi sĩ của mình trong việc khám phá, tái tạo một thế giới hiện thực nghệ thuật mới, những ám ảnh nghệ thuật kiểu mới và theo đó là những cách đọc mới. Mỗi người đều có cái lý của mình nhưng thực tế lịch sử cho thấy việc đặt ra nhiệm vụ cho thơ “tranh đấu”, “có ích cho xã hội” dễ có cơ sa vào công thức, tuyên truyền, minh họa. Rồi cuộc đời sẽ đặt ra những thách thức và tạo nên những nghịch lý trong thành quả nghiên cứu, phê bình và sáng tạo nghệ thuật của hai ông…

NGUYỄN HỮU SƠN