Nhà thơ trẻ Vi Thuỳ Linh sinh năm 1980 ở Hà Nội, viết báo và làm thơ. Cho đến tập thơ thứ ba Đồng tử được NXB Văn nghệ TPHCM ấn hành năm 2005 (trước đó là 2 tập thơ Khát và Linh), nhà thơ trẻ Vi Thuỳ Linh đã trở thành một hiện tượng trong giới viết trẻ hôm nay với tiềm năng sáng tạo khá sung mãn.

Trong vòng 6 năm, Vi Thùy Linh in liền 3 tập thơ mà tập nào cũng được gây được dư luận khen-chê khá nhiều chiều. Đấy là một điều đáng nói, bởi với người sáng tác văn học thì không có gì đáng buồn hơn khi tác phẩm của mình in bị rơi vào lãng quên, không được dư luận đánh giá, thẩm định, không được khen-chê “ra tấm – ra món”. Lặng lẽ theo dõi Vi Thuỳ Linh trên thi đàn trẻ nhiều biến động trong những năm qua, tôi có cảm giác trong con người thơ này luôn trỗi dậy các cơn “cuồng lưu” từ những “mê lộ chữ”. Sự chất chứa này khiến ta liên tưởng tới một hiện tượng núi lửa đang trào sôi nham thạch, dự báo nhiều khoảnh khắc dồn nén sắp bùng nổ đòi giải phóng những khát vọng bản năng như trong câu thơ này:

Những dòng nhiệt lưu cơ thể chảy tới giấc mơ hoang đường

Âm thanh ngôn ngữ trầm tích, vất vưởng từ khắp nơi, từ triệu năm làm ứa mật thảo đại ngàn núi đá đáy biển thềm lục địa

Những bài ca bật máu châu thổ

Vọt trào khối sóng lòng biển

Cháy cháy: dầu khí ấnh sáng

Cháy lên mặt trăng ứa mật vòm trời như vòm họng khổng lồ căng tột độ gào lên tuyệt vọng

Moi luồng âm thanh hoang mang, cô độc chỉ dẫn toạ độ cho chúng ta trở lại cơ thể – bị – đánh – mất của mình

Với khát vọng sống, khát vọng yêu và khát vọng sáng tạo luôn tràn đầy trong tâm thế, cây bút trẻ này như muốn vượt lên bằng – cá – tính – thơ của mình để báo hiệu một – ngày – mới đang đến với thi ca đương đại. Tuy có lúc Vi Thuỳ Linh dở chứng “thất thần” như một tín điều cực đoan của Thi – giáo làm không ít người khó chịu, nhưng nhìn vào các sáng tác thơ của tác giả trẻ này cứ đều đặn xuất hiện trên thi đàn đã khiến nhiều người khó tính cũng phải ghi nhận những nỗ lực và mong muốn đổi mới thơ đương đại của Linh.

Những cơn khát cách đây 7 năm đã làm nên gương mặt tác giả trẻ Vi Thuỳ Linh trong tập thơ đầu tay Khát do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Năm 2006 này Khát được tái bản vì một lý do giản đơn, trong ngày Hội Thơ Việt Nam đầu năm ở Văn Miếu, khi nghe Vi Thuỳ Linh đọc thơ ở “Sân thơ Trẻ”, nhiều độc giả có nhu cầu mua Khát nhưng tập thơ in cách đây 7 năm đã phát hành hết. Vì thế, nhà thơ trẻ này đã tái bản Khát để có cơ hội tri ngộ những tri âm của mình. Trong Khát, Vi Thuỳ Linh đã bộc bạch:

Em hằng thức trong câu thơ buồn
Em hằng đau trong nhiều đêm không ngủ
Em tỏa nhiệt vào thơ bất kể mùa nóng, lạnh
Thơ là em hay em là thơ?

Em đã hôn những dòng thơ bằng đôi mắt em
Chữ chữ xé lòng, ngổn ngang như đàn kiến chạy cơn bão lớn
Đàn kiến tha nước mắt vượt lạnh lùng ngút mắt
… Những kẻ vô tâm thì luôn gặp may, dễ quên chuyện buồn và nhặt được niềm vui

Em căm thù sự bất công, giả trá
Nghịch lý như mạng nhện ma quái!

Em
Người sống hết mình từ tế bào nhỏ nhất
Người đã yêu dữ dội bằng sức mạnh của phái yếu
Lại khóc vì sắp khô nước mắt!?

Biết bao lần em đi trong mưa
Bong bóng nổi tan như trò sấp ngửa
Em gắng gỏi vượt sóng ngầm cách trở
Nhưng bão tố, bình yên không đổi chỗ cho nhau
Em sinh ra trong đêm
Thơ là em – Em là thơ
Như tiền định
Như tiên cảm…
Vì sao
Những cảm xúc không xối xả để em buông mình tận cùng
(Có những lúc em không viết được gì và không khóc)

Vì sao
Em không quên nổi ánh nhìn như gió đông của anh
Vì sao
Em không tin có ngọn phồn linh và lời thiêng “Vừng ơi”
Em không thể nào lý giải!
Thơ là nỗi buồn trường cửu
Thơ em mặn…

Chưa bao giờ
như chiều nay
đàn kiến tha mặt trời
qua mùa hè
run rẩy…

4.6.1998

Đọc những câu thơ này ta mới hiểu vì sao Vi Thuỳ Linh lại có một – đời – sống nồng cháy đam mê và nhiều nỗi đau đến vậy. Trong những bài thơ định mệnh của mình, Vi Thuỳ Linh như một người dệt tầm gai nhẫn nại đan dệt những cảm xúc của mình với mười – ngón – tay – ngôn – ngữ luôn bị trầy xước, rớm máu bởi những nỗi đau vô hình trong thi ca và hữu hình trong tình yêu và sống con người:

Về đi anh
Cài then tiếng khóc em bằng đôi môi anh
Đưa em vào giấc ngủ nồng nàn, quên đi những đêm chập chờn, trĩu nặng
Ngày nối ngày bằng hi vọng
Em là người dệt tầm gai…
Em nhẫn nại chắt chiu từng niềm vui
Nhưng lại gặp rất nhiều nỗi khổ
Truân chuyên đè lên thanh thản
Ôi sự trái ngược – những sợi tầm gai !
Không kỳ vọng những điều lớn lao
Em lặng lẽ dệt hạnh phúc từ những nỗi buồn – những sợi tầm gai – không ai nhìn thấy
Gai tầm gai đâm em đau đớn
Em chờ anh mãi…
Tưởng chừng không thể vượt qua nổi cái lạnh, em đã khóc trên hai bàn tay trầy xước

Những giọt tâm hồn thấm xót mười ngón tay rớm máu
Ngay cả khi anh làm em buồn thảng thốt
Em vẫn hướng về anh bằng tình yêu trọn vẹn của mình

Dệt tầm gai đến bao giờ?
Mỗi ngày dài hơn một mùa
Dệt tầm gai đến bao giờ?

Về đi anh!
Cài then những ngón tay trầy xước của em bằng Anh!

Theo tôi, đây là một trong những bài thơ tình hay nhất của Vi Thuỳ Linh (không phải bởi nó từng được nhạc sĩ Ngọc Đại phổ nhạc khá thành công trong một bài hát sau đó), mà vì trong bài thơ này, Linh đã tìm được một nhịp – điệu – nội – tại ẩn chứa những thao thức trong tình yêu và khát vọng được yêu của một người phụ nữ và hình ảnh người đàn bà dệt tầm gai chính là chân dung cảm xúc của Vi Thuỳ Linh trong một đời – sống – thơ luôn khao khát sáng tạo và đầy mệt mỏi những năm tháng này.

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường đã có lý khi nhận xét “Vi Thuỳ Linh là một cơn lốc – lốc ý tưởng, lốc chữ (chứa chất nổ), lốc tình cảm (đôi khi là khoái cảm). Cơn lốc không kiềm chế đó đương nhiên gây sốc, khiến nhiều người ngộ nhận những cố gắng đổi mới trong thơ cô và lầm lẫn cho sự bất chấp những ước lệ và kiêng kỵ là phạm huý. Với vôi, Vi Thuỳ Linh là một biểu tượng giải phóng phụ nữ trong thơ”. Và đây là một phần tuyên ngôn của cơn lốc:

Em miêu tả mình kỹ càng trong những bài thơ không có chữ Hết
Thơ cho những người phụ nữ thoát ảo ảnh cam chịu buông xuôi
Cự tuyệt vai trò thứ yếu
Chẳng chịu lượng sức mình
Vì trái tim đa tình bẩm sinh…
Chối bỏ những kiểu yêu vụng trộm
Không thoả hiệp sống tẻ nhạt
Khăng khăng cực đoan sống cho hết sống
Tình yêu – phát minh vĩ đại nhất mọi thời
Cứ ôm hôn nhau giữa đường phố, quảng trường
Ta sinh ra thế giới.

Có ý kiến cho rằng thơ Vi Thuỳ Linh còn “rậm chữ” và nhiều khi tác giả chưa tiết chế được cảm xúc “muốn nói hết – muốn sống hết – muốn lột tả hết” của mình nên đọc cô “một mạch” là hơi “mệt”. Lại có người cho rằng đấy là cái “tạng” của thơ Linh, nó khiến người đọc nhiều khi choáng ngợp và ngột ngạt, và phải chăng đó cũng là một hiệu ứng gây “sốc” của dạng ngôn – ngữ – mới?

Nguyễn Việt Chiến