Tạp chí Xưa & Nay số 307- Tháng 5-2008 từ trang 13-15 có đăng bài “Đính chính vài thông tin chưa chính xác liên quan đến Trần Quý Cáp” của tôi. Sau đó tạp chí Xưa & Nay số 309- Tháng 7 -2008 đăng bài “Phản hồi về bài viết ‘Đính chính vài thông tin chưa chính xác liên quan đến Trần Quý Cáp’” của tác giả Nguyễn Phước Tương. Đọc xong bài viết của Nguyễn Phước Tương, tôi thấy tác giả dường như chưa đọc kỹ bài viết của tôi cho nên khi trích dẫn hoàn toàn sai với những gì tôi viết
Đã gần 125 năm từ ngày Tiến sĩ Trần Quý Cáp thọ hình, có nhiều tác phẩm và bài viết về cuộc đời cũng như cái chết anh dũng của Tiến sĩ Trần Quý Cáp, nhưng có một số thông tin chưa chính xác cần được điều chỉnh, bổ sung.
Nhân vật Phạm Ngọc Quát và Paul Bréda
Bài viết “Tôn Thất Doãn người bạn đồng tâm chí thiết của chí sĩ Trần Quý Cáp trong phong trào Duy tân” của Nguyễn Phước tương đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 2 (358) viết: “Chí sĩ Trần Quý Cáp luôn tỏ ra là một sĩ phu yêu nước khẳng khái trước mặt quan đầu tỉnh Khánh Hòa- Án sát Phạm Ngọc Quát tay sai đắc lực của công sứ Bréda”; “Để dập tắt phong trào yêu nước của các sĩ phu tỉnh Khánh Hòa, vào giữa tháng 5 năm 1908, Công sứ Bréda đã đồng tình với Án sát Phạm Ngọc Quát vô cớ bắt giam tiến sĩ Trần Quý Cáp”.
Không riêng gì Nguyễn Phước Tương, ngay cả cụ Huỳnh Thúc Kháng, Lam Giang Nguyễn Quang Trứ, Nguyễn Q. Thắng đều ghi chức vụ của Phạm Ngọc Quát lúc xảy ra vụ án Trần Quý Cáp là “án sát”[1]. Riêng Quách Tấn ghi: “Quan tỉnh Khánh Hòa lúc bấy giờ là Phạm Ngọc Quát làm Tuần vũ và Nguyễn Mại làm Án sát”[2]
Vậy Bréda có giữ chức Công sứ tỉnh Khánh Hòa và Phạm Ngọc Quát có giữ chức Tuần vũ (phủ) hoặc Án sát tỉnh Khánh Hòa lúc xảy ra vụ án Trần Quý Cáp không?
Theo Lô Giang tiểu sử [3]của Phó bảng Nguyễn Mại (ông Nguyễn Mại từng giữ chức Án sát rồi thăng Bố chánh tỉnh Khánh Hòa từ năm 1905-1911): Vào tháng 11 năm Ất Tỵ (1905) ông Nguyễn Mại được bổ làm Án sát tỉnh Khánh Hòa thay cho Án sát Nguyễn Đình Văn. Ông Nguyễn Mại “cùng với ông Bố chánh Mai Khắc Đôn quyền chưởng Thuận- Khánh Tổng đốc quan phòng”. Tháng 5 năm Bính Ngọ (1906) Bố chánh Mai Khắc Đôn thăng Tuần phủ Trị- Bình, nên Án sát Phú Yên là Phạm Ngọc Quát được thăng Bố chánh tỉnh Khánh Hòa “cùng ta quyền chưởng Thuận- Khánh Tổng đốc quan phòng”. Tháng 6 năm Mậu Thân (1908), sau vụ án Trần Quý Cáp Bố chánh Phạm Ngọc Quát được thăng thụ Tuần phủ Hà Tĩnh. Tháng 7 năm ấy (1908) ông Nguyễn Mại được thăng Bố chánh tỉnh Khánh Hòa[3]
Như vậy trong thời gian làm quan tại tỉnh Khánh Hòa ( từ tháng 5 năm Bính Ngọ [1906] cho đến tháng 6 năm Mậu Thân [1908]) Phạm Ngọc Quát chỉ giữ một chức vụ duy nhất, đó là chức Bố chánh là chức quan đầu tỉnh của tỉnh Khánh Hòa, chứ không hề giữ chức Án sát kể cả chức Tuần phủ.
Cũng xin nói thêm là vào tháng 10 năm Nhâm Thìn (1832) vua Minh Mạng chia tỉnh hạt và đứng đầu tỉnh Khánh Hòa chỉ có chức bố chánh và án sát mà thôi. Hai tỉnh Bình Thuận và Khánh Hòa có chung một Tuần phủ gọi là Tuần phủ Thuận- Khánh. Lỵ sở quan Tuần Phủ đóng tại tỉnh Bình Thuận. Bố chánh và Án sát đầu tiên của tỉnh Khánh hòa: “Điều thự Hiệp trấn Phiên An là Nguyễn Văn Điển làm thự Bố chánh sứ Khánh Hòa. Đổi thự Tham hiệp Khánh Hòa là Hoàng Sĩ Quang làm thự Án sát sứ. Cho Quản cơ Hữu quân là Trương Văn Thận thự Phó Vệ úy, trật Tòng tam phẩm, sung Lãnh binh quan Khánh Hòa”[4]
Vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, dưới thời vua Thành Thái tỉnh Khánh Hòa mới có đầy đủ chức Tổng đốc, Bố chánh và Án sát. Năm 1899 Tổng đốc Khánh Hòa là Võ Doãn Tuân, Bố chánh là Tôn Thất Phan, Án sát là Đặng Ngọc Thọ[5]; Năm 1900 Tổng Đốc là Hồ Đệ, Bố chánh là Nguyễn Văn Bổn, Án sát là Đặng Ngọc Thọ; Năm 1903 Tổng đốc là Hồ Đệ, Bố chánh là Nguyễn Văn Bổn, Án sát là Thân Trọng Huề; Năm 1904 Tổng đốc là Huỳnh Côn, Bố chánh là Mai Khắc Đôn, Án sát là Nguyễn Đình Văn[6]. Sang năm 1905 triệt chức Tổng đốc ở Khánh Hòa và chỉ còn lại chức Bố Chánh và Án sát mà thôi. Sang thời vua Khải Định mới thiết lập chức Tuần phủ ở Khánh Hòa nhưng triệt chức Bố chánh. Năm 1917 Tuần phủ Khánh Hòa là Đào Phan Duân, Án sát là Trương Quang Toản[7]
Cũng theo Lô Giang tiểu sử “Năm ấy [1909] công sứ Bùi về kinh, Công sứ mới là Garnie đến thay”. Do phiên âm sang tiếng Việt nên không biết Công sứ Bùi là ai? Rất may là tôi được ông Trần Văn Nhân, cháu nội Tiến sĩ Trần Quý Cáp tặng cho một số tài liệu liên quan đến vụ án Trần Quý Cáp. Trong đó tài liệu số 21 “Báo cáo chính trị của Công sứ Nha Trang”[8], liên quan đến vụ án Trần Quý Cáp, cuối bản báo cáo có ký tên Công sứ Bouyeure. Vậy Công sứ Bouyeure chính là Công sứ Bùi chứ không phải Công sứ Bréda như Nguyễn Phước Tương công bố.
Năm 1908 công sử Khánh Hòa là Robert Bouyeure; Phó công sứ là Mougenot; chỉ huy là Lambert[9].
Paul Bréda, 2 lần giữ chức Công sứ tỉnh Khánh Hòa: Lần đầu từ năm 1919-1922[10]; lần 2 từ năm 1926-1929[11].
Chức Giáo thụ (thọ)
Bài vị tại đền thờ Trần Quý Cáp tại Diên Khánh, Khánh Hòa ghi: “Quảng Nam sung Tân Định Giáo thọ Trần Quý Cáp”.
Trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam ghi về Trần Quý Cáp: “đổi dạy ở Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa”. Các tác giả Quách Tấn, Nguyễn Văn Xuân, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh hòa, Ban Tuyên giáo huyện ủy Diên Khánh đều ghi Trần Quý Cáp vào làm “Giáo thọ huyện Tân Định” [12].
Từ điển văn học Việt Nam từ nguồn gốc đến hết thế kỷ XIX cũng như Từ điển văn học (bộ mới) đều ghi “Sau đổi Giáo thụ” Diên Khánh (Khánh Hòa)”.
Dưới thời Nhà Nguyễn, đứng đầu ngành giáo dục cấp tỉnh là chức Đốc học, đứng đầu ngành giáo dục cấp phủ là Giáo thụ, đứng đầu ngành giáo dục cấp huyện là Huấn đạo.
Tỉnh Khánh Hòa sau năm 1832 có 2 phủ và 4 huyện. Phủ Diên Khánh coi 2 huyện là Phước Điền và Vĩnh Xương; Phủ Ninh Hòa coi 2 huyện là Quảng Phước và Tân Định. Dưới thời vua Duy Tân để tinh giảm bộ máy hành chính, nên phủ lỵ đóng trên phần đất của huyện nào thì bỏ bớt huyện ấy. Do đó Khánh Hòa còn 2 phủ là Diên Khánh và Ninh Hòa cùng 2 huyện là Vĩnh Xương và Tân Định.
Theo bảng tiểu sử bằng chữ Hán của bạn đồng khoa là Huỳnh Thúc Kháng soạn: “Ư thi hữu Ninh Hòa phủ Giáo thọ chi tả thiên lệnh”[13] (nhân đấy bị đổi vào làm giáo thọ phủ Ninh Hòa).
Vậy Tiến sĩ Trần Quý Cáp giữ chức Giáo thọ phủ Ninh Hòa chứ không phải huyện Tân Định hoặc phủ Diên Khánh.
Rất mong đền thờ Trần Quý Cáp ở Diên Khánh sửa lại bài vị cho đúng với thực tế lịch sử. Bài vị đúng sẽ là “Quảng Nam sung Ninh Hòa Giáo thọ Trần Quý Cáp”.
Địa điểm giam Trần Quý Cáp
Tác giả Nguyễn Phước Tương viết: “Chí sĩ trần Quý Cáp bị giam ở nhà lao huyện Tân Định. Bất chấp nguy hiểm. Cụ Tôn Thất Doãn tự mình đến thăm và động viên người bạn, người đồng chí thân thiết đang bị giam ở nhà lao”.
Dưới con mắt của thực dân Pháp và tay sai, Trần Quý Cáp là một tội phạm nguy hiểm cho nên khi bắt phải giải về giam ở nhà lao của tỉnh (Nhà lao tỉnh Khánh Hòa thời ấy, nay là khu vực Phòng Công an huyện Diên Khánh. Trước đây xung quanh nhà lao có tường đá xây cao. Cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, chính quyền cho đập bỏ toàn bộ tường đá). Cũng theo Lô giang tiểu sử, lúc ông Án sát Nguyễn Mại đang ở lỵ sở (lỵ sở dinh Án sát nằm trong thành Diên Khánh) thì: “chiều ấy thấy tỉnh tòa phái lính giải Trần quân tống giam vào lao”.
Từ lỵ sở phủ Ninh Hòa nơi làm việc của Tri phủ Tôn Thất Doãn đến nhà lao tỉnh Khánh Hòa khoảng gần 40 cây số và một Tri phủ như Tôn Thất Doãn không thể tự tiện vào nhà lao thăm một cách dễ dàng như vậy!
Địa điểm xử tử
Về địa điểm xử tử theo Nguyễn Q. Thắng: “Thế cho nên, Phạm Ngọc Quát đã gấp rút bắt Trần Quý Cáp khám xét nơi ở, tra khảo và buộc ông vào tội ‘đại phản nghịch’ kết án ‘Mạc tu hữu’ (chẳng cần có) rồi sai chém ngang lưng tại chợ Cạn tỉnh Khánh Hòa”[14].
Nguyễn Phước Tương viết: “dinh Án sát thi hành án xử trảm Trần Quý Cáp vào ngày 17 tháng 5 năm Mậu Thân tại bãi Sông Cạn, bên cầu Phước Thạnh, huyện Tân Định”
Tại Diên Khánh- Khánh Hòa không có địa điểm nào mang tên Chợ Cạn, chỉ có cầu Phước Thạnh, trong dân gian quen gọi là cầu Sông Cạn (nay được đổi thành cầu Trần Quý Cáp). Trên Quốc lộ I từ bắc vào nam vừa qua khỏi cầu Sông Cạn về phía tay trái có một gò đất rộng khoảng 2-3 ha, được chính quyền phong kiến Nhà Nguyễn dùng làm pháp trường nên cũng có tên là Gò Chết Chém[15].
Do tác giả Nguyễn Phước Tương không xác định được thực địa nên mới có sự nhầm lẫn lớn. Tiến sĩ Trần Quý Cáp bị xử tại bãi Sông Cạn, gần bên cầu Phước Thạnh, phủ Diên Khánh, chứ không phải ở huyện Tân Định, phủ Ninh Hòa. Do nhầm lẫn pháp trường gần lỵ sở của Tri phủ Tôn Thất Doãn nên đã dẫn đến câu chuyện là Tôn Thất Doãn bị lính Phạm Ngọc Quát khống chế không cho ông đến pháp trướng, nên “cụ đã sai người con trai là Tôn Thất Phán lúc đó mới 9 tuổi đến cầu Phước Thạnh xem chúng nó làm gì bác Trần”. Đoạn đường từ lỵ sở phủ Ninh Hòa đến pháp trường cầu Phước Thạnh toàn là băng qua rừng núi lắm thú dữ thì không thể có chuyện một cậu bé 9 tuổi vượt đoạn đường ấy đến xem “chúng nó làm gì bác Trần”!
Ngày xử tử
Ngày xử tử Trần Quý Cáp được Địa chí Khánh Hòa ghi: “ngày 5 tháng 5 năm Mậu Thân (1908) Trần Quý Cáp bị đưa ra chém ở gò Sông Cạn (Diên Khánh)”. Tấm ảnh trong bài viết Trần Quý Cáp nhân cách người chí sĩ của tác giả Huỳnh Dõng được chú thích: “Cây đa làng Mức (Khánh Hòa) nơi Trần Quý cáp bị xử chém ngày 5-5-1908”. Nguyễn Phước Tương ghi: “dinh Án sát thi hành án xử trảm trần Quý Cáp vào ngày 17 tháng 5 năm Mậu Thân”[16].
Vậy Trần Quý Cáp bị xử tử ngày 5 tháng 5 hay ngày 17 tháng 5 năm Mậu Thân (1908)?
Theo bảng tiểu sử Trần Quý Cáp bằng chữ Hán ghi: “ tiên sinh sanh Tự Đức Canh Ngọ, dĩ Duy Tân Mậu Thân ngũ nguyệt, thập thất nhật thành nhân ư Nha Trang, niên tam thập cửu”[17] (tiên sinh sanh năm Tự Đức Canh Ngọ (1870), đến ngày 17 tháng 5 năm Duy Tân Mậu Thân (1908) hy sinh ở Nha Trang, năm 39 tuổi). Đối chiếu với dương lịch là Thứ hai ngày 15 tháng 6 năm 1908. Cây cổ thụ trong ảnh minh họa (hiện vẫn còn sống) là địa điểm xử tử Trần Quý Cáp có tên là cây Lòng Mức chứ không phải “cây Đa làng Mức”
Ghi lại vài thông tin chưa chính xác về chí sĩ Trần Quý Cáp để việc biên soạn tiểu sử chí sĩ được chính xác hơn!
Nguyễn Văn Nghệ
Chú thích:
[1]- Mính viên Huỳnh Thúc Kháng, Thi tù tùng thoại, Nxb Văn hóa Thông tin, tr.17
-Lam Giang Nguyễn Quang Trứ, Trần Quý Cáp và tư trào cách mạng dân quyền đầu thế kỷ XX, Nxb Đông A, tr. 204, 209, 210, 211, 233
– Nguyễn Q. Thắng- Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Văn hóa, tr.886
– Thiên Vũ Võ Huy Quang, Khắc họa chân dung tử tù… tập 1, Nxb Văn nghệ TP.HCM., tr. 628
[2]- Quách Tấn, Xứ trầm hương, Nxb Hội văn học Nghệ thuật Khánh Hòa, tr. 114
[3]- Tiểu Cao Nguyễn Mại, Lô Giang tiểu sử (Nguyễn Hy Xước phụng dịch), sách in ronéo tr. 119, 122, 123, 132
[4]- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 3, Nxb Giáo dục, tr.394, 402
[5]- Annuaire Administratif de l’Indochine Province de Khanh hoa et Binh thuan 1899, Hanoi Imprimerie d’Extrême- Orient, p. 355
[6]-wiki.edu.vn/wiki/index.php?title=Danh_sách_Công_sứ_Pháp_tại_Đông_Dương
[7]-Annuaire Administratif de l’Indochine, Province de Khanh hoa 1917, Hanoi Imprimerie d’Extrême- Orient, p. 248
[8]- Tài liệu số 20, 21, 32 liên quan đến vụ án Trần Quý Cáp của bà Phan Thị Minh (cháu ngoại Phan Châu Trinh’ “sao y nguyên văn” mang từ Pháp về tặng ông Trần Văn Nhân(đã từ trần), cháu nội Trần Quý Cáp ngụ tại số 7 Yên Bái- Đà Nẵng và được ông Nguyễn Sinh Duy dịch sang tiếng Việt.
[9]- wiki.edu.vn/wiki/index.php?title=Danh_sách_Công_sứ_Pháp_tại _Đông_Dương
[10]- Annuaire Adninistratif de l’Indochine Province de Khanh hoa 1919/1920/1921/1922, Hanoi Imprimerie d’Extrême-Orient, p. 255, 265, 268, 276
[11]- wiki.edu.vn/wiki/index.php?title=Danh_sách_Công_sứ_Pháp_tại_Đông_Dương
[12]- Đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng, Nhớ về xứ Quảng, Nxb Đà Nẵng, tr.123
[13]- Lam Giang Nguyễn Quang Trứ, sđd, tr. 15, 253 và trang 4 phần chữ Hán
[14]- Nguyễn Q. Thắng, Phong trào Duy tân, các khuôn mặt tiêu biểu, Nxb VHTT, 2006, tr.252
[15]- Trên Quốc lộ I từ bắc vào nam đến trụ km 1463 là cầu Trần Quý Cáp. Vừa qua khỏi cầu nhìn về phía tay trái là Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Diên Khánh, nằm khoảng giữa Trung tâm và đền thờ Trần Quý Cáp là cây Lòng mức cổ thụ nơi xử tử Trần Quý Cáp.
[16] Huỳnh Dõng, Trần Quý Cáp nhân cách người chí sĩ, Xưa& Nay số 304 tháng 3-2008, tr. 23
[17]- Lam Giang Nguyễn Quang Trứ, sđd, tr.15, 255 và trang 4 phần chữ Hán