Trong lịch sử văn chương Việt Nam, nhà văn Vũ Trọng Phụng là một trường hợp thật đặc biệt. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tạo của ông, cá tính và số phận của ông, cho đến những dư luận xã hội và các công trình nghiên cứu với những lời đánh giá trái ngược nhau… đã khiến tên tuổi của nhà văn trở thành một hiện tượng lạ lùng. Người ta có thể say mê, tôn sùng ông hoặc ngược lại, chỉ trích, phê phán, thậm chí là thù ghét, nhưng không một ai có thể dửng dưng. Để có được một trường lực hấp dẫn, một sự ám ảnh đối với số đông ghê gớm như vậy, bên cạnh tài năng siêu việt, cần phải có tư tưởng sâu sắc, độc đáo. Tất cả những điều đó, thực ra đều phát xuất từ quan niệm nghệ thuật của Thiên Hư Vũ Trọng Phụng.
Xem thêm: Niềm tin và sự nhạo báng Vũ Trọng Phụng dưới bóng Thiên Hư
Vậy, quan niệm nghệ thuật, quan niệm văn chương của Vũ Trọng Phụng là gì? Một câu hỏi từng có người nêu lên từ mấy chục năm trước, đến nay xem ra vẫn là câu hỏi khó, không dễ trả lời chút nào. Nhưng đây lại là điểm mấu chốt của mọi quá trình nhận thức thế giới nghệ thuật của nhà văn.
* * *
Quan niệm nghệ thuật, quan niệm văn chương xét cho cùng là nhận thức, là ý thức, sự hiểu biết, cách lý giải của nghệ sĩ về bản chất, quy luật, giá trị của nghệ thuật, văn chương. Tùy theo vị thế, tư cách của chủ thể trước đối tượng mà thuật ngữ có nội hàm khác nhau. Một cách thông thường nhất, sự chiếm lĩnh thuật ngữ này được tư duy trên một cái “khung” những câu hỏi: nó là cái gì? để làm gì? quy trình thế nào?… Ở đây có một điểm cần lưu ý: quan niệm văn chương của một nhà văn được bộc lộ qua phát ngôn lẫn trên hành động thực tế. Thường thì độc giả nắm bắt được quan niệm của nhà văn thông qua ý nghĩa của những “tuyên ngôn”. Tuy nhiên không hẳn lúc nào câu chuyện cũng đơn giản như vậy. Lắm khi, do chỗ tác giả không trình bày trực tiếp, người đọc phải dựa vào những cứ liệu gián tiếp, nghĩa là phải suy đoán, cho nên điều được coi là quan niệm nghệ thuật lại hóa ra chỉ là một sự khúc xạ. Đấy là chưa nói tới trường hợp, vì nhiều lý do khác nhau, khi đưa ra những phát biểu có tính chất “tuyên ngôn” của mình, tác giả thường diễn đạt một cách bóng bẩy, hình ảnh, đa nghĩa, khiến cho người đọc không dễ nắm bắt sự thật. Bởi thế, con đường tiếp cận đối tượng ở đây phải được khởi phát từ nhiều hướng khác nhau, bằng nhiều phương cách khác nhau.
Quan niệm văn chương của Vũ Trọng Phụng trước hết là quan niệm của một người trong tư cách kẻ “sản xuất” (producer), “làm” ra văn chương. Con người đó tồn tại và tư duy trong sự chi phối, sự quy định của những điều kiện vật chất, điều kiện tinh thần cụ thể.
Vũ Trọng Phụng trưởng thành và bắt đầu văn nghiệp của mình trong một giai đọan lịch sử đầy những biến động dữ dội và phức tạp. Các sự kiện lịch sử xã hội đó có ảnh hưởng trực tiếp, sâu sắc tới tư tưởng, sự nghiệp sáng tác của nhà văn. Đối với ông, điều này như thể định mệnh, không cưỡng được. Dù muốn dù không nhà văn cũng phải chịu sự chi phối của thời đại về phương diện lịch sử và văn hóa.
Xem thêm: Nhịp điệu kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng
Vũ Trọng Phụng viết văn từ rất sớm. Và trong chuyện viết văn của ông cũng gợi nhiều điều cần lưu ý. Nếu quan niệm viết văn như một nghề, một “chức nghiệp” (professional), nhà văn như một kẻ hành nghề, kiếm sống bằng nghề làm văn thì Vũ Trọng Phụng xứng đáng được xếp vào hàng những nhà văn chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam.
Ở xứ ta, chữ văn nhân, hay là nhà văn từ đầu thế kỷ XX về trước không hàm một nghĩa nghề nghiệp như các nước khác, kể cả Trung Quốc, nơi ngỡ như rất tương đồng với ta về hình thái xã hội. Người Việt Nam trước và cùng thời Vũ Trọng Phụng hiểu nghĩa “văn nhân” thường thiên về ý nghĩa chỉ phẩm chất, tư chất của một hạng người hơn là nghề nghiệp.
Xã hội Việt Nam trước Vũ Trong Phụng gần như không có kiểu người sản xuất, truyền bá các dạng sản phẩm văn chương theo lối chuyên nghiệp, chuyên môn. Không cứ văn nhân – nho sĩ, ngay như những người làm nghề hát rong (trình xướng truyện thơ, kể vè), hát xẩm… cũng vậy. Họ gần với “nghề” hành khất hơn là nghệ sĩ diễn xướng tác phẩm văn chương. Còn nho sĩ trí thức Việt thì do không có điều kiện (khách hàng và thị trường) để lưu thông sản phẩm trí tuệ, thành ra văn chương thơ phú chỉ là trò tiêu khiển trong một phạm vi hạn hẹp. Đương nhiên, sẽ không có họat động văn chương như một nghề nghiệp và cũng không thể có một quan niệm văn chương chuyên nghiệp theo nghĩa hiện đại.
Trong số các nhà văn Việt Nam đầu thế kỷ, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu thường được xem là nhà văn đầu tiên sống bằng ngòi bút, bằng các sản phẩm văn chương. Nhưng xét trên phương diện quan niệm, ý thức nghề nghiệp, Tản Đà khác hẳn Vũ Trọng Phụng. Sáng tác văn chương đối với Tản Đà trước hết là một “cuộc chơi”, một thú chơi của kẻ phong lưu tài tử. Văn chương là thứ sản phẩm cao quý, bản chất của nó phải cao nhã. Nghề văn là nghề cao quý bởi nó là chuyện chơi, nó vượt lên trên sự phàm tục và vụ lợi. Điều này thể hiện rõ qua phát ngôn và cả chính bằng họat động thực tiễn của ông. Về cơ bản, Tản Đà vẫn bị níu giữ trong cái khuôn quan niệm văn chương trung đại (xét ở phương diện hành vi sáng tạo). Ông tỏ ra lúng túng khi đứng trước vòng quay của đời sống thị trường bởi dù sao thì cái gốc gác của ông vẫn là cái gốc của một nhà nho. Ở đây cũng cần nói thêm một chút về những tuyên bố của thi sĩ Tản Đà về chuyện “buôn văn bán chữ”, dùng ngòi bút “kiếm ăn chốn phố phường” mà ông hay nói tới trong tác phẩm của mình. Những tuyên bố đôi khi hơi quá ấy quả thực dễ gây cho ta cảm giác là nhà văn hành nghề và sống bằng nghề viết văn hoàn toàn. Thực ra thì cách ví von của ông về công việc của người thợ chữ, luôn tìm kiếm thị trường cả trên thượng giới… cũng là một nét ngông của Tản Đà hơn là sự thật. Cái ngông, cái phong lưu của con người này về cơ bản (đã) luôn được bảo hiểm về phương diện cơm áo.
Xem thêm: Tiểu thuyết phóng sự của Vũ Trọng Phụng và những “lằn ranh” thể loại văn học
Tình hình sẽ hoàn toàn khác nếu ta xét sang trường hợp Vũ Trọng Phụng. Họ Vũ không thể có một quan niệm như Tản Đà về hành vi sáng tạo văn chương, lại càng không thể chơi ngông theo lối Tản Đà bởi một lẽ giản đơn trước tiên viết văn đối với ông phải là một họat động nghề nghiệp, là hành nghề để sống. Mặc dù Vũ Trọng Phụng không dùng những chữ nghĩa, những thuật ngữ “thương mại” như Tản Đà, nhưng về thực chất ông lại là một cá thể đích thực của thị trường tự do trên phương diện lao động, việc làm. Dù nhìn nhận ở góc độ nào, dù cắt nghĩa bằng lý do gì thì cũng phải thừa nhận rằng Vũ Trong Phụng đi đến với nghiệp văn bằng sự tự giác và là kết quả của một quá trình chọn lựa. Ông đến với nghề viết không phải do sự dắt dẫn của những ý tưởng phiêu lưu mà đấy là do sự phù hợp giữa thiên hướng, năng khiếu và khả năng đáp ứng nhu cầu vật chất do thành quả lao động (viết văn) mang lại. Những sản phẩm văn chương của ông được ra đời trước hết với tư cách một “vật phẩm” của họat động nghề nghiệp. Điều đó quan trọng vô cùng. Bởi lẽ ông sống được trước hết là nhờ giá trị hàng hóa của nó mang lại. Phía sau những trang viết của mình, sự tồn tại của chính Vũ Trọng Phụng và một gia đình lớn (gồm 4 thế hệ) không hề có bất cứ sự bảo hiểm nào khác. Lao động tận lực như Vũ Trọng Phụng đã làm cần được giải thích bằng nhiều nguyên nhân, trong đó không thể không nói đến sức ép của sự thật trần tục này. Trong những lời đánh giá về Vũ Trọng Phụng được Nguyễn Tuân đúc kết, nhận xét về đức tính “phân minh về chỗ tài thượng”, “không nợ bất cứ một nhà xuất bản nào về bản thảo” là một đánh giá rất đáng lưu ý. Bởi nó góp phần giúp ta nhìn sâu hơn vào thực chất quan niệm văn chương của Vũ Trọng Phụng. Thậm chí những lý giải về giá trị nội dung và tư tưởng nghệ thuật của nhà văn cũng được hiển lộ phần nào nếu chúng ta nhìn kỹ vấn đề từ góc độ nghề nghiệp này. Có một số hiện tượng dưới đây cần xem xét cụ thể hơn trong mối liên quan với quan niệm nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng.
Trước hết là quan hệ của họ Vũ với các chủ nhà in, nhà xuất bản. Trong giới cầm bút thời bấy giờ, mối quan hệ giữa nhà văn và chủ xuất bản về thực chất đúng là mối quan hệ của người làm công với chủ. Đây là mối quan hệ giữa người lao động (dù là đặc thù thì vẫn là lao động) với chủ tư bản (bỏ vốn để bao tiêu sản phẩm). Họ Vũ ý thức rất rõ điều này và cũng chính ông đã dùng đúng danh từ này để đối thoại với giới chủ. Không phải ngẫu nhiên mà tác phẩm trình làng đầu tiên, cái cột mốc đầu tiên đánh dấu hành trình văn bút của ông lại là câu chuyện “Chống nạng lên đường” (*) để tranh đấu. Cũng như niềm vui bồng bột của ông phát lộ sau cuộc “làm reo” của các nhà văn, buộc được chủ nhà in chấp nhận yêu sách tăng tiền nhuận bút càng chứng tỏ thực chất mối quan hệ đó. Một khi vận hành trong cơ chế này, sự ràng buộc đầu tiên về quy cách, tính chất, thời hạn… đối với sản phẩm là một lẽ đương nhiên. Dù nói gì đi nữa, quy cách sản phẩm, những tiêu chí được đặt ra đối với sản phẩm vẫn là những điểm có can dự vào quan niệm văn chương của nhà văn. Ngày nay do độ lùi thời gian, những ràng buộc này đối với nhà văn bị khuất lấp khiến cho ta hình dung công việc của nhà văn thời trước có vẻ thanh thoát hơn và đôi khi cũng dễ tạo cho người nghiên cứu những ảo giác. Chính vì vậy, xác lập được một thái độ khách quan, khoa học trong nghiên cứu là điều hết sức cần thiết. Bởi lẽ dung tục hóa quan niệm văn chương của những tác giả quá khứ là có lỗi, song suy diễn, thậm chí vẽ vời theo hướng lý tưởng hóa để ca tụng khi cần… cũng lại là một cách nghiên cứu sai lầm.
Hầu hết các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đều có một cách thức hình thành giống nhau, thọat đầu đăng báo về sau mới được in lại thành sách, ngoại trừ cuốn tiểu thuyết tuyệt mệnh Trúng số độc đắc. Đòi hỏi của báo định kỳ, đòi hỏi về thời gian, về dung lượng câu chữ, sức hấp dẫn đều đặn của từng số… buộc ông phải có sự lựa chọn câu chuyện cũng như tìm ra cách thức trình bày thích hợp. Có vẻ như trong nhận thức của Vũ Trọng Phụng, ranh giới khu biệt nhà văn và nhà báo (và hệ quả của nó, khu biệt giữa tác phẩm văn chương và tác phẩm báo chí) không phải là điều gì thật tách bạch. Cả hai danh hiệu này đều giống nhau ở chỗ lao động bằng ngòi bút, đều nhằm thông tin cho người đọc những vấn đề xã hội, nhân sinh. Cái chỗ khác nhau nhất dường như chỉ là ở thể loại, ở vị thế và thời điểm truyền phát thông tin cho độc giả mà thôi. Phải chăng đây chính là một trong những nguyên do khiến cho tính chất dung hợp văn chương – báo chí trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đậm đặc hơn bất cứ tác giả nào khác? Chẳng hạn phóng sự của Vũ Trọng Phụng, rất giàu chất tiểu thuyết, đến mức chính tác giả gọi một số tác phẩm là phóng sự tiểu thuyết (!). Điều này cũng dễ hiểu trong bối cảnh báo chí Việt Nam, sau nửa thế kỷ xuất hiện, vẫn đang ở giai đọan thử nghiệm. Tính chất chuyên nghiệp và chuyên biệt của báo (với nghĩa đưa thông tin) phải một thời gian khá dài sau mới thực sự rõ ràng.
Cuộc tranh luận giữa Vũ Trọng Phụng với Nhất Chi Mai đã bộc lộ ý nghĩa rất căn bản của tác giả về văn chương. Ông tuyên bố: “Tôi (…) muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời”. Cái sự thực ở đời mà ông muốn nói ở đây, nếu nói là hiện thực xã hội được nhìn qua nhãn quan nhà báo thì cũng không hẳn là không có lý. Bởi vì cái lý do khiến tác giả không thi vị hóa cuộc sống trong tiểu thuyết, không làm thứ “văn chương điêu trá”, bởi ông nhìn thấy quá rõ thực chất xã hội, ông muốn “tả chân” nó. Ông viết: “Riêng xã hội này, tôi chỉ thấy khốn nạn, quan tham lại nhũng, đàn bà hư hỏng, đàn ông dâm bôn, một tụi văn sĩ đầu cơ xảo quyệt, mà cái xa hoa chơi bời của cái bọn giàu thì thật là những câu chửi rủa vào cái xã hội dân quê thợ thuyền bị lầm than, bị bóc lột”. Văn xuôi quốc ngữ Việt Nam những năm đầu thế kỷ đang ở quá trình định hình, một quan niệm như trên của Vũ Trọng Phụng quả là sớm sủa và rành mạch đến mức đáng ngạc nhiên.
Chính vì coi trọng sự trung thực khi phản ánh, coi đó như một tiêu chí bắt buộc của nghiệp cầm bút mà ông đặc biệt khinh ghét thứ văn chương bịa đặt, thứ văn chương ve vuốt độc giả sẵn tiền và che đậy thực tế xấu xa. Ông chế giễu cay độc tác giả của những sản phẩm kiểu này, gọi đó là “văn sĩ đầu cơ”. Thậm chí ông còn để cho nhân vật mỉa mai lẫn nhau: mày hay đơm đặt, vu khống, ăn không nói có, bé xé ra to như thế, sao không đi mà làm nhà báo(!)… Trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, có rất nhiều nhân vật hành nghề viết và không ít nhân vật là những biếm họa về phương diện nhân cách, đạo đức nghề nghiệp. Các nhân vật nhà văn nhà báo lố bịch và “nhặng xị” trong Trúng số độc đắc, Số đỏ… là những hình tượng điển hình. Đấy là cái loại nhà báo “vô ý thức và có dã tâm”(**).
Nhưng “văn chương điêu trá” không đồng nghĩa với hư cấu sáng tạo. Giữa sự đơm đặt, vu khống, ăn không nói có… với tưởng tượng phóng túng đến mức phi lý về nhân vật, cốt truyện … hoàn toàn khác nhau về ý nghĩa và nguyên lý sáng tạo. Điều cốt lõi nhằm phân biệt ở đây là chỗ: nhằm đến mục đích gì? Vũ Trọng Phụng chấp nhận mọi sự hư cấu, cho dù nó lạ lùng quái đản đến mấy. Và thực tế ông đã làm như vậy. Còn gì vô lý cho bằng câu chuyện Số đỏ, nhân vật Số đỏ? Tất cả cái dàn nhân vật trong đó chỉ là kết quả từ óc tưởng tượng của nhà văn. Nhưng sự phóng đại, tưởng tượng, hư cấu đó nhằm đến một mục đích: phơi bày cái cốt lõi sự thật xấu xa, nhếch nhác của “xã hội khốn nạn”, “cuộc đời vô nghĩa lý”, “đời chó đểu”… Nó hoàn toàn khác, thậm chí đối lập với sự phô diễn những gì có khả năng che khuất, làm nhạt màu chân dung của những “quan tham lại nhũng, đàn bà hư hỏng, đàn ông dâm bôn (…) xa hoa chơi bời của bọn nhà giàu”.
Chính cái quan niệm văn chương này đã ảnh hưởng đến việc lựa chọn, sử dụng các biện pháp kỹ thuật (hết sức đa dạng, phong phú) của tác giả. Mọi thao tác, mọi cách thức cho dù khác lạ đến đâu, nếu trình bày được “sự thật ở đời” đều được vận dụng vào tác phẩm. Khuynh hướng phê phán xã hội ở văn chương Vũ Trọng Phụng thật minh bạch và cũng thật quyết liệt. Không phải ngẫu nhiên trong số những bài phê bình văn chương vốn ít ỏi của họ Vũ, sự tán dương nhiệt liệt nhất lại dành cho thiên truyện Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Cuốn sách mà họ Vũ liệt vào hàng cự phách tùng lai chưa hề thấy đó có ưu điểm nổi trội nhất trước hết là “tả chân xã hội”, là khuynh hướng phê phán cái xấu và bênh vực dân nghèo.
Nếu nhìn một cách bao quát toàn bộ sáng tác của Vũ Trọng Phụng, ta dễ nhận ra sự tập trung và nhất quán về phương diện thể tài ở nhà văn này. Một bản thống kê sơ bộ giúp ta dễ hình dung hơn:
Truyện ngắn: 1.Chống nạng lên đường (1930), 2. Một cái chết (1931), 3. Bà lão lòa (1931), 4. Con người điêu trá (1932), 5. Cuộc vui ít có (1933), 6. Hai hộp xì gà (1933), 7. Sư cụ triết lý (1935), 8. Lỡ tết (1936), 9. Tết ăn mày (1936), 10. Bộ răng vàng (1936), 11. Hồ sê líu hồ sê sàng (1936), 12. Cái ghen đàn ông (1937), 13. Lòng tự ái (1937), 14. Đi săn khỉ (1937), 15. Máu mê (1937), 16. Tự do (1937),17. Người có quyền (1937), 18. Lấy vợ xấu (1937), 19. Một con chó hay chim chuột (1937), 20. Cái chết bí mật của người trúng số độc đắc (1937), 21. Từ lý thuyết đến thực hành (1939), 22. Đời là một cuộc chiến đấu (1939).
Kịch: 1. Không một tiếng vang (1930), 2. Tài tử (1934), 3. Giết mẹ (1936 – dịch), 4. Cái chết bí mật của người trúng số độc đắc (1937), 5. Hội nghị đùa nhả (1938), 6. Phân bua (1939), 7. Tết cụ cố (1939).
Phóng sự: 1. Đời cạo giấy (1931), 2. Cạm bẫy người (1933), 3. Kỹ nghệ lấy Tây (1934), 4. Dân biểu và dân biếu (1935), 5. Cơm thầy cơm cô (1936), 6. Vẽ nhọ bôi hề (1936), 7. Lục xì (1937), 8. Một huyện ăn tết (1938).
Tiểu thuyết: 1. Dứt tình (1934), 2. Dông tố (1936), 3. Số đỏ (1936), 4. Vỡ đê (1936), 5. Làm đĩ (1936), 6. Lấy nhau vì tình (1937), 7. Quý phái (1937), 8. Trúng số độc đắc (1938), 9. Người tù được tha (1939).
Có thể nhận thấy tiêu điểm của sự chú ý trong văn chương Vũ Trọng Phụng không gì khác ngoài những cảnh đời nhố nhăng xô bồ, những thói tật của con người, những cảnh huống oái oăm trong cuộc sống. Nhà văn muốn săm soi một cách kỹ lưỡng, muốn phanh phui ngành ngọn mọi thứ làm sao cho bật dậy hết cái sự thật cay đắng của cuộc đời. Trong quá trình mổ xẻ đó, ta thấy được tâm trạng phẫn uất cao độ của ông, nỗi căm giận của một con người thua thiệt, bất hạnh. Ông vừa thuật kể, miêu tả sự thật, vừa cố ghìm nén cơn giận dữ chực bùng phát. Và cũng không ít khi ông đã chẳng giữ được sự bình thản, lạnh lùng của người phát ngôn sự thật. Những lúc đó ông như buột trút giận dữ lên nhân vật, lên sự vật, lên cuộc đời… Cái điểm để cho những lời đánh giá về một thái độ “trùm lấp”, “vô chính phủ”, “hư vô chủ nghĩa”… của một số người viết về Vũ Trọng Phụng có thể dựa vào, chính là chỗ đó.
* * *
Với thời gian cầm bút chưa đến mười năm, Vũ Trọng Phụng đã để lại một di sản văn chương đáng khâm phục. Không phải mọi tác phẩm của ông đều là kiệt tác, song đây rõ ràng là nhà văn xuôi hiện đại Việt Nam có nhiều thành tựu nhất trong thế kỷ XX. Tài năng văn chương của ông bộc lộ ở tư tưởng, ở thi pháp mà những thứ đó lại có gốc gác từ quan niệm văn chương, quan niệm nghệ thuật. Dĩ nhiên là còn không ít điều cần bàn luận thêm về quan niệm văn chương của Vũ Trọng Phụng, song có thể khẳng định chắc chắn một điều, những gì được ông viết ra đều xuất phát từ ý tưởng, nhận thức rằng văn chương là một nghề, đó là nghề tìm kiếm, lý giải sự thật và nghĩa lý cuộc đời. Câu trả lời về thực chất của họat động sáng tạo văn chương, bản chất và ý nghĩa của các hiện tượng văn chương, tức là những lời giải nhằm đến sự minh bạch về quan niệm văn chương của Vũ Trọng Phụng chung quy cũng là ở đó.
Nguyễn Phong Nam
Xem thêm: Nghệ thuật trần thuật mang tính hài của Vũ Trọng Phụng trong tiểu thuyết “Số đỏ”
Chú thích:
* Chống nạng lên đường, một truyện ngắn được viết năm 1930.
** Một cách ví von rất độc địa, đầy khinh miệt của Vũ Trọng Phụng: “Con chó Nhật cứ cắn ngậu như một nhà báo vô ý thức và có dã tâm” (Trúng số độc đắc).