I. Kiến thức cơ bản

a. Thể loại: Truyện ngụ ngôn

– Là loại truyện kể, bằng văn xuôi hoặc văn vần.

– Truyện mượn chuyện về loài vật, đồ vật hoặc về chính con người để nói bóng gió, kín đáo chuyện con người, nhằm khuyên nhủ, răn dạy con người ta bài học nào đó trong cuộc sống.

b. Nội dung

– Truyện “Ếch ngồi đáy giếng”: Từ câu chuyện về cách nhìn thế giới bên ngoài chỉ qua miệng giếng nhỏ hẹp của chú ếch, truyện “Ếch ngồi đáy giếng” ngụ ý phê phán những kẻ hiểu biết cạn hẹp mà lại huênh hoang, khuyên nhủ người ta phải cố gắng mở rộng tầm hiểu biết của mình, không được chủ quan kiêu ngạo.

– Thành ngữ: “Ếch ngồi đáy giếng”.

c. Bố cục

– Chia làm 2 phần

  • Phần 1: từ đầu đến “như một vị chúa tể”: Kể chuyện Ếch khi ở trong giếng.
  • Phần 2: phần còn lại: Kể truyện Ếch khi ra khỏi giếng.

II. Phân tích truyện

a. Ếch khi ở trong giếng

– Hoàn cảnh

  • Xung quanh chỉ có vài con nhái, cua, ốc nhỏ.
  • Hàng ngày, Ếch cất tiếng kêu “ồm ộp” khiến các con vật kia rất sợ.

→ Không gian chật hẹp. Cuộc sống đơn giản, trì trệ.

⇒ Ếch tự thấy mình oai như một vị chúa tể; bầu trời chỉ bằng cái vung. Ếch hiểu biết nông cạn nhưng lại huênh hoang, kiêu ngạo.

⇒ Môi trường hạn hẹp dễ khiến người ta kiêu ngạo, không biết thực chất về mình.

b. Ếch khi ra khỏi giếng

– Không gian mở rộng

  • Ếch có thể “đi lại khắp nơi”.
  • Nhâng nháo nhìn lên bầu trời, chẳng thèm để ý đến xung quanh.

→ Ếch bị một con trâu giẫm bẹp.

⇒ Không nhận thức rõ giới hạn của mình sẽ bị thất bại thảm hại.

c. Bài học và ý nghĩa

– Bài học rút ra

  • Dù hoàn cảnh môi trường sống hạn chế cũng không được tự bằng lòng, ngộ nhận về mình mà phải cố gắng học tập để vươn lên.

– Ý nghĩa

  • Phê phán những kẻ hiểu biết hạn hẹp mà lại huênh hoang.
  • Khuyên nhủ con người phải biết mở rộng tầm hiểu biết, không được chủ quan, kiêu ngạo

III. Tổng kết

1. Giá trị nội dung

  • Phê phán cách nhìn thế giới hạn hẹp của Ếch vì huênh hoang, kiêu ngạo nên có kết cục bi thảm

2. Giá trị nghệ thuật

  • Xây dựng hình tượng gần gũi với đời sống.
  • Cách nói bằng ngụ ngôn, cách giáo huấn tự nhiên, độc đáo, đặc sắc.
  • Tình huống bất ngờ, hài hước, kín đáo.
  • Kể chuyện tưởng tượng.
  • Sử dụng ẩn dụ, nhân hóa, so sánh.
  • Lời kể ngắn gọn nhưng thâm thúy.
  • Mượn chuyện loài vật để nói bóng gió, kín đáo chuyện loài người.