I. Những nét chính về tác giả – tác phẩm

1. Tác giả

– Hữu Thỉnh tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Thỉnh. Ông sinh năm 1942, quê ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc.

– Ông là một trong những gương mặt tiêu biểu thuộc lớp nhà thơ chiến sĩ trưởng thành trong cuộc  kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

+ Trong giai đoạn chống Mĩ cứu nước, bao trùm trong toàn bộ sáng tác của Hữu Thỉnh là cảm hứng về quê hương, đất nước, nhân dân.

+ Sau chiến tranh, ngòi bút của ông hướng về những cảm xúc đời thường hay những thân phận cá nhân.

– Phong cách sáng tác: cảm xúc tinh tế, lãng mạn; hình ảnh giản dị mà giàu sức gợi…

2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác

– Bài thơ “Sang thu” được sáng tác vào năm 1977.

– Tác phẩm được in nhiều lần trong các tập thơ và gần đây nhất là tập thơ “Từ chiến hào đến thành phố” năm 1991.

b. Ý nghĩa nhan đề

– “Sang thu” trước hết gợi lên khoảnh khắc giao mùa của thiên nhiên, khi đất trời chuyển từ hạ sang thu.

– Gợi khoảnh khắc chuyển giao giữa tuổi trẻ sang độ tuổi trưởng thành vững vàng, từng trải.

c. Bố cục: Ba phần

– Phần một: (Khổ 1) Những tín hiệu giao mùa.

– Phần hai: (Khổ 2) Quang cảnh thiên nhiên phút giao mùa.

– Phần ba: (Khổ 3) Những suy ngẫm về cuộc đời lúc chớm thu.

II. Trọng tâm kiến thức

1. Những tín hiệu giao mùa

Sang thu” là một khoảnh khắc rất đặc biệt của thiên nhiên. Đó là lúc hạ vẫn chưa kịp đi mà hương thu đã lặng lẽ đến rồi. Trước sự thay đổi ấy, hẳn phải là một hồn tinh tế và giàu cảm xúc lắm thì nhà thơ mới cảm nhận được:

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về

– Hữu Thỉnh đã lựa chọn một hình ảnh quen thuộc, gẫn gũi để làm nên một tứ thơ mới mẻ khi ông sử dụng một làn “hương ổi” để làm tín hiệu giao mùa:

+ “Hương ổi” đi liền với từ “bỗng” được đặt ở đầu câu thơ đã diễn tả cảm giác bất ngờ, đột ngột, ngỡ ngàng của nhân vật trữ tình.

+ “Hương ổi” đi liền với động từ “phả” diễn tả một làn hương ngào ngạt, sánh đậm. Đồng thời gợi cho ta liên tưởng đến không gian thân thuộc của những làng quê. Đó có thể là một làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ với những khu vườn, những lối ngõ sum suê cây trái.

=> Làn “hương ổi” trở thành phong vị riêng trong thơ thu Hữu Thỉnh.

– Tác giả lựa chọn làn “gió se” làm tín hiệu thứ hai cho khoảnh khắc giao mùa:

+ “Gió se” là ngọn gió heo may đặc trưng của mùa thu đất Bắc. Đó là một thứ gió khô và thoáng chút se lạnh.

+ Làn “gió se” ấy đã làm dịu đi cái nắng oi ả, gay gắt của mùa hạ và khiến cho làn “hương ổi” như sánh lại và trở nên ngọt ngào hơn.

– Những tín hiệu từ “hương ổi”, “gió se” dường như vẫn còn chưa đủ để đánh giá cho khoảnh khắc giao mùa. Bởi vậy, tác giả đã vội vã kiếm tìm ở một tín hiệu tiếp theo là những màn sương.

+ Cảm nhận của tác giả có sự thay đổi từ khứu giác, xúc giác sang cảm nhận bằng thị giác.

+ Nghệ thuật nhân hóa qua từ láy “chùng chình” đã gợi lên dáng vẻ lãng đãng như đợi chờ, cố ý chậm lại đầy lưu luyến của màn sương.

+ Cụm từ “qua ngõ” gợi liên tưởng đến những đường làng, ngõ xóm hay cũng là cửa ngõ của thời gian thông giữa hai mùa (cuối hạ, đầu thu).

– Trước khoảnh khắc giao mùa ấy, tác giả đã giật mình, bối rối: “Hình như thu đã về”.

+ “Hình như” là một lối nói giả định, phán đoán không chắc chắn, với một chút nghi hoặc. Nhưng lại rất phù hợp để diễn tả về cảm nhận mờ hồ lúc giao mùa.

+ Sự kết hợp một loạt các từ “bỗng”, “phả”, “hình như” đã thể hiện tâm trạng ngỡ ngàng, vui mừng, hạnh phúc của tác giả trong phút giao mùa của vạn vật.

=> Đó là những cảm nhận tinh tế của tác giả lúc thu sang, và đối diện với những khoảnh khắc ấy là niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ.

2. Quang cảnh thiên nhiên phút giao mùa

Quang cảnh thiên nhiên được tái hiện chân thực và sống động qua việc lựa chọn những hình ảnh đặc trưng:

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã

– Hai câu thơ đầu có cấu trúc đối tự nhiên, chặt chẽ đã diễn tả vẻ đẹp thiên nhiên và lòng người phút giao mùa. Đồng thời, diễn tả sự vận động chung của tạo hoá, thiên nhiên, đất trời khi thu về.

Hình ảnh “dòng sông” được nhân hóa qua từ láy “dềnh dàng”:

+ Tả thực một dòng sông tĩnh lặng, trong trẻo với dòng chảy êm đềm.

+ Con sông được nhân hóa như đang được nghỉ ngơi sau một mùa hạ vất vả với bão giông.

+ Đi liền với từ “được lúc” gợi ta liên tưởng đến hình ảnh những con người đã đi qua thời chiến, trải qua lửa đạn (dòng sông máu) giờ đang được sống chậm lại, đến lúc phải nghỉ ngơi.

Hình ảnh những chú “chim” được nhân hóa qua từ láy “vội vã”:

+ Tả thực những cánh chim di cư bay về phương Nam để tránh rét.

+ Những cánh chim được nhân hóa như bắt đầu nhanh hơn, gấp gáp hơn khi nhận ra những đợt gió heo may se lạnh đang ùa về.

+ Đi liền với từ “bắt đầu” gợi ta liên tưởng đến những người lính bước ra từ trong chiến tranh. Họ cứ ngỡ đã đến lúc phải nghỉ ngơi để suy ngẫm, ngưỡng vọng về một quá khứ xa xăm đã đi qua, song lại chính là lúc họ “bắt đầu” phải vội vã, tất bật trong những lo toan của cuộc sống mới: cơm – áo – gạo – tiền; mưu toan – lừa lọc của xã hội;…

Nghệ thuật đối được tác giả sử dụng một cách nhịp nhàng, tài tình qua hình ảnh “dềnh dàng” >< “vội vã”:

+ Làm nổi bật hai động thái trái ngược của thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa.

+ Làm nổi rõ hai tâm trạng trái ngược nhau của con người khi bước từ chiến tranh sang hòa bình.

Quang cảnh thiên nhiên tiếp tục tái hiện qua những sáng tạo vô cùng độc đáo, ấn tượng:

Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu

Nghệ thuật nhân hóa qua cụm từ có ý nghĩa tượng hình “vắt nửa mình”:

+ Gợi lên không gian của một bầu trời cao rộng, trong trẻo lúc thu về.

+ Khiến cho đám mây như có hình, có hồn và trở nên gần gũi, sinh động.

+ Gợi liên tưởng đến bước đi của thời gian, đám mây như một cây cầu đặc biệt để nối liền những ngày cuối hạ và đầu thu.

– Hình ảnh “đám mây” còn mang nghĩa thế sự: Gợi sự giao thời của đời sống khi đất nước đang chuyển giao từ chiến tranh sang hòa bình.

=> Khoảnh khắc giao mùa được tái hiện rất tinh tế, sống động bằng những câu thơ giàu giá trị tạo hình. Và ẩn sau khoảnh khắc đó còn là hình ảnh của đời sống lúc sang thu với biết bao biến chuyển.

3. Những suy ngẫm về đời người lúc chớm thu

Những biến chuyển của thiên nhiên:

Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa

Nghệ thuật đối qua hình ảnh “vẫn còn” >< “vơi dần”; “nắng” >< “mưa” đã tái hiện sự vận động trái chiều của hai hiện tượng thiên nhiên.

– Hình ảnh “nắng” và “mưa” là những hiện tượng của thiên nhiên, vận hành theo quy luật và có thể dự báo.

– Tác giả đã mượn những hiện tượng thiên nhiên quen thuộc, dễ nắm bắt để cụ thể hóa khoảnh khắc giao mùa.

– Những từ ngữ chỉ mức độ, ước lượng: “vẫn còn”, “bao nhiêu”, “vơi”, “bớt” được sắp xếp theo trình tự giảm dần, cho thấy dấu hiệu của mùa hạ đang nhạt dần và những dấu hiệu của mùa thu ngày một đậm nét hơn.

=> Tác giả đã làm hiện hình bước chân của mùa thu giữa đất trời.

Đối diện với mùa thu của đất trời, trong lòng nhà thơ dào dạt bao suy ngẫm về đời người lúc chớm thu qua những hình ảnh giàu sức gợi:

Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi

– Hình ảnh của “sấm”:

+ Là một hiện tượng, dấu hiệu cho những cơn mưa rào mùa hạ.

+ Ẩn dụ cho những biến động, bất thường, thử thách trong cuộc đời của mỗi một con người.

– Hình ảnh “sấm” đi liền với lối miêu tả “bớt bất ngờ” và “hàng cây đứng tuổi”:

+ Tả thực về một hiện tượng, đó là sang thu, tiếng sấm như nhỏ dần, không còn đủ sức làm rung trời – nở đất, lay động những hàng cây đã bao mùa thay lá.

+ Là một ẩn dụ về những con người từng trải, giờ đến tuổi xế chiều thì trở nên vững vàng hơn, ung dung hơn trước những đổi thay, biến động của cuộc đời.

=> Khổ thơ đã bộc lộ trọn vẹn những khoảnh khắc thiên nhiên và đời người sang thu, với những cảm nhận tinh tế và suy ngẫm sâu sắc của nhà thơ.

III. Tổng kết

1. Nội dung

Bài thơ “Sang thu” là sự cảm nhận tinh tế của tác giả về vẻ đẹp thiên nhiên với những bước chuyển mình từ hạ sang thu. Đồng thời, qua tác phẩm còn nói lên niềm xúc động, những suy ngẫm và triết lí trong khoảnh khắc giao mùa của nhà thơ

2. Nghệ thuật

– Ngôn ngữ, hình ảnh giản dị, tự nhiên nhưng giàu sắc gợi, độc đáo và mới lạ.

– Giọng thơ nhẹ nhàng, sâu lắng.

IV. Một số dạng đề tham khảo

Câu 1. Mùa thu luôn là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng góp vào đề tài này với thi phẩm Sang thu sâu lắng.

a. Bài thơ Sang thu được sáng tác theo thể thơ nào? Ghi tên hai tác phẩm khác trong chương trình Ngữ văn 9 cũng viết theo thể thơ đó. 

b. Trong khổ thơ đầu, tác giả đã đón nhận thu về với “hương ổi”, “gió se”, “sương chùng chình” băng những giác quan nào ? Cũng trong khổ thơ này, các từ “bỗng” và “hình như” giúp em hiểu gì về cảm xúc, tâm trạng của nhà thơ?

c. Phân tích hiệu quả nghệ thuật của phép tu từ nhân hóa trong câu thơ “Sương chùng chính qua ngỡ”. 

d. Khép lại bài thơ, Hữu Thỉnh viết:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.”

(Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018) 

Bằng một đoạn văn khoảng 12 câu theo phép lập luận tổng hợp-phân tích – tổng hợp, em hãy làm rõ những cảm nhận tinh tế và sâu sắc của tác giả ở khổ thơ trên, trong đó có sử dụng câu bị động và câu có thành phần cảm thán (gạch dưới một câu bị động và một thành phần cảm thán).

Câu 2. Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu ở dưới:

Sóng được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu

a. Đoạn thơ trên được trích từ tác phẩm nào? Tác giả là ai? 
b. Xác định các từ láy được sử dụng trong đoạn thơ.
c. Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật của một biện pháp tu từ trong hai câu thơ: 

Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”.

Câu 3. Cảm nhận của em về vẻ đẹp của bức tranh mùa thu trong đoạn thơ sau:

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.

(Trích Sang thu – Hữu Thỉnh, Ngữ văn 9, tập 2, NXB GD 2015)

Câu 4. Cảm nhận của anh (chị) về bức tranh thiên nhiên lúc chuyển mùa trong bài thơ Sang thu. Từ đó, nhận xét về vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ Hữu Thỉnh.

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về 

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu 

Vẫn còn bao nhiêu năng
Đã vơi dân cơn mưa
Sấm cũng bởi bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi

– Thu 1977 (Ngữ văn 9, tập 2, tr: 70, NXB Giáo dục)

Câu 5. Cảm nhận của em về hai đoạn thơ sau:

Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.

(Trích Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải, Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016).

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về

(Trích Sang thu – Hữu Thỉnh, Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)

Làm chủ kiến thức Ngữ văn 9 – Luyện thi vào 10

Tác giả: Phạm Trung Tình