Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta qua 3 kì đại hội trong các khoá XI, XII, XIII, đảm nhiệm nhiều trọng trách lớn lao, trong đó giữ cương vị Trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ông đã từ trần hồi 13 giờ 38 phút ngày 19 tháng 7 năm 2024, một tổn thất không gì bù đắp nổi đối với Đảng và Nhân dân ta. Ông mất đi để lại một di sản lớn về nhân cách nêu gương, đạo đức, phẩm chất, tài năng lãnh đạo, bản lĩnh, sức chiến đấu kiên cường và một kho báu lí luận về con đường đi lên của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó có tài thao lược về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được người đời mệnh danh là “người đốt lò” vĩ đại trong hơn một thập kỉ qua…
Ngay từ đầu nhiệm kì khoá XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có sáng kiến và quyết định thành lập mới 2 ban đảng quan trọng là ban Nội chính Trung ương và ban Kinh tế Trung ương. Sau đó, từ năm 2013 ông khởi xướng công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nói nôm na là công cuộc “đốt lò”, phát động để trở thành một mặt trận, một xu thế tất yếu khách quan, một phong trào trong Đảng và toàn dân. Ông được Nhân dân ghi nhận và mệnh danh là “người đốt lò” vĩ đại! “Danh hiệu” ấy đã và đang đi vào lịch sử của dân tộc trong tiến trính phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, có vai trò tích cực trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Ở nước ta, nạn tham nhũng, tiêu cực bùng phát trong quá trình nền kinh tế hình thành và phát triển theo cơ chế thị trường, có sự quản lí của Nhà nước. Tuy nhiên, tệ nạn này là căn bệnh trầm kha, như con “ngựa bất kham” mà Nhà nước đã không cầm cương nổi, rất khó quản lí. Cách đây đúng 40 năm (tháng 01 năm 1994), tại hội nghị toàn quốc của Đảng (khoá VII) có ý nghĩa như một đại hội đã xác định tham nhũng là một trong bốn nguy cơ của cách mạng nước ta, rồi 6 nhiệm kì đại hội Đảng tiếp theo (từ đại hội VIII đến đại hội XIII) có nhiều nghị quyết chuyên đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt cán bộ cấp chiến lược, về phòng chống tham nhũng, tiêu cực,…
Thế nhưng nạn tham nhũng không được đẩy lùi, chững lại mà ngày cang gia tăng về tính chất, quy mô, thủ đoạn; không chỉ hành vi cá nhân mà vi phạm mang tính tập thể, không chỉ ở cấp dưới, ở địa phương mà nghiêm trọng cả ở cấp trên, ở trung ương; không chỉ trong cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước mà bao gồm cả doanh nghiệp ngoài Nhà nước, cả trong Lực lượng vũ trang Nhân dân, đặc biệt nghiêm trọng cả trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng; ở ngay cả người từng giáo huấn, ra rả kêu gọi mọi người sống trong sạch, không tham nhũng tham ô. Như vậy, tham nhũng ở nước ta đã trở thành “quốc nạn”, “nguy cơ của nguy cơ”,v.v…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kế tục những bậc tiền nhiệm nhận rõ bản chất của nạn tham nhũng, tính chất và hành vi tham nhũng đã có tư duy khoa học, nung nấu ý tưởng và đặc biệt tâm huyết, dám đương đầu tuyên chiến với “giặc nội xâm” này. Trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hơn một thập kỉ qua, ông trở thành “người đốt lò”, chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, bền bỉ, triệt để, đột phá, toàn diện, đồng bộ, đi vào chiều sâu gắn chặt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nước nhà.
Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của người đứng đầu Đảng: “Chống tham nhũng là vấn đề rất lớn. Đây là bệnh của những người có quyền, có chức, và nắm trong tay tiền, của”. Cho nên phải chống một cách “không dừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không vì trị ai, thù oán ai, mà hoàn toàn vì nhân văn, nhân đạo. Như Bác Hồ nói, phải cưa một cành mọt, sâu để cứu cả cái cây; xử một vài người để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa người khác đừng vi phạm” (Nói tại cuộc họp báo ngày 01.02.2021 sau khi tái cử Tổng Bí thư nhiệm kì Đại hội XIII).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng nói: “Bất cứ trường hợp nào vi phạm kỉ luật phải xử lí nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống đưới để giữ vững kỉ cương, kỉ luật của Đảng”; “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”; “Cán bộ vào Ban chỉ đạo chống tham nhũng mà lại tư túi, vướng vào tham nhũng thì còn chống ai nữa”; “Kiên quyết không để tình trạng trên nóng, dưới lạnh. Các cơ quan cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát hiện sớm, xử lí kịp thời, nghiêm minh các vụ án, vụ việc nghiêm trọng như Công ty Việt Á, Chuyến bay giải cứu, AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, đăng kiểm và các vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lí các cấp”.
Dưới sự chỉ đạo kiên quyết của Tổng Bí thư – Trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của “người dốt lò” vĩ đại, hơn một thập kỉ qua hàng nghìn vụ án tham nhũng đã được đưa đưa ra ánh sáng, hàng trăm tổ chức đảng, chính quyền bị xử lí kỉ luật, hàng chục nghìn cán bộ, đảng viên có chức, có quyền cũng theo đó bị xử lí kỉ luật hoặc bị hình sự, trong đó có hàng trăm cán bộ cao cấp, cán bộ cấp chiến lược tửng được coi là “tinh hoa” của đất nước, kể cả Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hàng loạt Uỷ viên trung ương cũng bị kỉ luật, một số đáng kể phải “vào lò”, trong tâm thế không mong muốn của Tổng Bí thư,v.v…
Sau khi thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tinh, thì “ngọn lửa lò” ngày càng ngùn ngụt cháy, có những người hoảng sợ, một số băn khoăn, nản chí cho rằng “quá đà”, nên xem lại, Tại cuộc họp thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống, tham nhũng, tiêu cực ngày 18.11.2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố: “Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không làm “nản chí”, “chùn bước”, sợ không dám làm của cán bộ, đảng viên mà chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã chót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm. Tôi đã nhiều lần nói rồi và ai không dám làm thì mạnh dạn đứng sang một bên cho người khác làm”.
Trước đó, tại phiên họp thứ 13 của Ban chỉ đạo ngày 22.01.2018, ông nhấn mạnh, phải: “Kiên quyết loại bỏ khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước những cán bộ hư hỏng, tham nhũng”. Tại phiên họp triển khai nhân sự đại hội XIV của Đảng ngày 13.3.2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói dõng dạc: “Phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, hống hách, gia trưởng, nịnh trên, nạt dưới, bao che cho tội phạm, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng”.
Tư tưởng chỉ đạo sáng suốt này có thể coi là ý kiến cuối cùng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cũng là tiếp sức cho “lò” không ngừng cháy trước thềm đại hội Đảng các cấp, tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV vào mùa xuân 2026.
Chống tham nhũng kiên quyết, dứt khoát, triệt để, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là người nhân hậu, nhân văn, giàu tình thương. Ông nói với cử tri Hà Nội ngày 23.6.2022: “Không thích thú gì khi kỉ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm”. Từ đó, ông khuyên đội ngũ cán bộ các cấp: “Đừng nhìn gà hoá cuốc, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, đừng bị cảm dỗ bởi những lợi ích xấu xa, những việc làm vô liêm sỉ; kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử hư hỏng, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn” (Phát biểu tại Hội nghị đầu tiên của Chính phủ nhiệm kì 2021-2026 ngày 11.8.2021). Vậy, nên biết rằng, “đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa, ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ”; “tiền bạc lắm để làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mớí là điều thiêng liêng, cao quý nhất” (Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan Nội chính ngày 15.9.2021)…
Giờ đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không còn nữa, nhưng quan điểm chiến lược, tư tưởng bao trùm về mặt trận chống giặc “nội xâm” của ông có đầy đủ trong bộ sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” (NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật”) sẽ là phương châm, hành động, là nội lực và là “quốc sách” cho Đảng và Nhân dân ta tiếp tục công cuộc “đốt lò” thắng lợi.
KIM QUỐC HOA