Nguyên Hồng là một trong những nhà văn có một thời thơ ấu thật cay đắng, khốn khổ. Những kỷ niệm ấy đã được nhà văn viết lại với “rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại” trong tập tiểu thuyết tự truyện “Những ngày thơ ấu”. Kỷ niệm về người mẹ đáng thương qua cuộc trò chuyện với bà cô và cuộc gặp gỡ bất ngờ là một trong những chương truyện cảm động nhất.

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

– Nguyên Hồng (1918 – 1982). Quê Nam Định.

– Trước cách mạng, ông sống chủ yếu ở Thành phố cảng Hải Phòng, trong một xóm lao động nghèo.

– Do hoàn cảnh sống cơ cực và gần gũi những người nghèo khổ nên ông được coi là nhà văn của những người lao động cùng khổ, lớp người dưới đáy xã hội.

– Nguyên Hồng thử ngòi bút của mình trên nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, ký, thơ, nhưng thành công nhất vẫn là bộ ba tiểu thuyết sử thi nhiều tập. Ông được nhà nước truy tặng giải thưởng HCM về VHNT 1996

2. Tác phẩm

a. Xuất xứ

  • Tuổi thơ ấu trải qua nhiều cay đắng, gian khổ trở thành nguồn cảm hứng cho tác phẩm-hồi ký cảm động của Nguyên Hồng. Đăng trên báo năm 1938 và in sách 1940.
  • Tác phẩm gồm IX chương, “Trong lòng mẹ” là chương IV của tập hồi ký.

b. Ý nghĩa nhan đề:

  • Tên văn bản trước hết có ý nghĩa tả thực, gắn với một sự việc cụ thể: Hồng được gặp mẹ, được ngồi trong lòng mẹ, được mẹ yêu thương, âu yếm.
  • Song nhan đề văn bản còn mang ý nghĩa tượng trưng: “trong lòng mẹ” cũng là trong tình thương của mẹ.
  • Từ nhan đề văn bản, người đọc đã phần nào hiểu được tình yêu thương mẹ tha thiết, sự khao khát được sống trong tình mẹ của chú bé Hồng, một chú bé có tuổi thơ đầy cay đắng.

c. Bố cục: 2 phần

+ Phần 1: Từ đầu -> người ta hỏi đến chứ: Hoàn cảnh sống của bé Hồng.

+ Phần 2: Còn lại: Tình yêu thương mãnh liệt của chú bé Hồng khi bất ngờ gặp lại mẹ.

d. Tóm tắt tác phẩm “Trong lòng mẹ” – Nguyên Hồng

Chú bé Hồng có một tuổi thơ đầy bất hạnh: bố chết sớm vì nghiện ngập, mẹ vì cảnh cùng túng quá phải bỏ con đi tha hương cầu thực, chú sống với bà cô cay nghiệt. Một hôm, bà cô gọi Hồng đến và hỏi có muốn vào Thanh Hoá với mẹ không. Nhận ra vẻ mặt rất kịch và tâm địa độc ác của bà cô, Hồng nén lại niềm thương nhớ mẹ và trả lời không muốn vào. Nhưng bà cô vẫn cố tình kể chuyện mẹ Hồng khốn khổ, đã có con với người khác làm cho Hồng đau đớn, thương mẹ và căm phẫn những cổ tục đã đầy đoạ mẹ mình.

Gần đến ngày giỗ bố, trên đường đi học về, Hồng thấy bóng người ngồi trên xe kéo giống mẹ. Chú đã đuổi theo và khi nhận ra mẹ, Hồng đã oà khóc nức nở. Hồng cảm thấy sung sướng và hạnh phúc vô cùng khi được ở trong lòng mẹ. Hồng thấy mẹ vẫn đẹp như ngày nào. Chú đã quên hết mọi lời xúc xiểm của bà cô.

II. Trọng tâm kiến thức

1. Nhân vật bà cô

– Nhân vật bà cô xuất hiện trong cuộc gặp gỡ và đối thoại với đứa cháu ruột. Cuộc gặp gỡ do chính bà cô tạo ra để nhằm mục đích riêng của mình. Cử chỉ:

+ Cử chỉ đầu tiên của bà cô là “cười hỏi cháu: “Hồng, mày có…” nụ cười và câu hỏi có vẻ quan tâm và thương cháu.

+ Mọi người có thể lầm tưởng đây là một bà cô tốt bụng, thương đứa cháu mồ côi. Nhưng chính bé Hồng, bằng sự nhạy cảm của mình đã nhận ra ý nghĩa cay độc trong giọng nói và trên nét mặt khi cười rất kịch của bà cô.

+ Rất kịch là rất giống người đóng kịch trên sân khấu, nhập vai, biểu diễn, nghĩa là rất giả dối, giả vờ.

– Sau lời từ chối của bé Hồng, bà cô hỏi luôn, mắt long lanh nhìn cháu chằm chặp và giọng vẫn ngọt: “Sao lại không vào? Mợ mày phát tài lắm! có như dạo trước đâu!”.

+ Lời nói và cử chỉ này càng chứng tỏ sự giả dối và độc ác của bà cô. Bà vẫn tiếp tục đóng kịch, tiếp tục trêu cợt cháu, tiếp tục lôi đứa cháu vào trò chơi tai quái của mình.

+ Sau khi nhận thấy bé Hồng “im lặng cúi đầu”, “rưng rưng muốn khóc”, bà cô lại khuyên, lại an ủi, lại khích lệ, lại tỏ ra rộng lượng muốn giúp đỡ cháu: “Mày dại quá… thăm em bé chứ”. => giọng cô ngân dài ra thật ngọt, thật rõ.

=> Rõ ràng, bà cô đã biểu hiện sự săm soi, độc địa, cứ hành hạ, nhục mạ đứa bé tự trọng và ngây thơ bằng cách xoáy vào nỗi đau, nỗi khổ tâm của bé Hồng.

– Bà mặc kệ đứa cháu “cười dài trong tiếng khóc”, vẫn cứ tươi cười kể các chuyện về chị dâu mình, rồi lại đổi giọng, vỗ vai nghiêm nghị tỏ rõ sự thương sót anh trai.

+ Bà cô tỏ ra lạnh lùng, vô cảm trước sự đau đớn, xót xa đến phẫn uất của đứa cháu. Bà lấy sự đói rách, túng thiếu của chị dâu làm sự thích thú của mình.

+ Mỗi lúc, bà ta càng muốn làm cho đứa cháu đau khổ hơn, thê thảm hơn nữa. Khi đứa cháu đã lên đến tột cùng của sự đau đớn, bà ta mới tỏ ra ngậm ngùi, xót thương người đã mất. => Tất cả chỉ càng chứng tot sự giả dối, thâm hiểm đến trắng trợn, trơ trẽn của bà ta mà thôi.

=> Nhân vật bà cô là hình ảnh mang ý nghĩa tố cáo hạng người tàn nhẫn đến khô héo cả tình cảm ruột thịt trong xã hội thực dân nửa phong kiến xưa và không phải không còn trong xã hội ngày nay. Hình ảnh bà cô gây cho người đọc sự khó chịu, căm ghét nhưng cũng chính là hình ảnh tương phản giúp tác giả thể hiện hình ảnh người mẹ và tình cảm của bé Hồng với mẹ mạnh mẽ và mãnh liệt hơn.

2. Nhân vật bé Hồng với những rung động cực điểm của một linh hồn bé dại

a. Hoàn cảnh của bé Hồng:

– Bố chơi bời, nghiện ngập rồi mất sớm.

– Mẹ bỏ 2 con đi tha hương cầu thực, gần năm trời không có tin tức gì.

– Hồng phải sống với bà cô lạnh lùng, thâm hiểm trong sự cô đơn tủi buồn.

=> Cô độc, đau khổ và luôn khao khát tình thương của mẹ.

b. Những ý nghĩ, cảm xúc của bé Hồng khi trả lời người cô

– Trước câu hỏi ngọt nhạt đầu tiên của bà cô, Hồng đã toan trả lời là có nhưng rồi lại “cúi đầu không đáp”. Bởi em sớm nhận ra sự giả dối trong giọng nói của bà cô. Im lặng, cúi đầu là để suy nghĩ, tìm kiếm một câu trả lời, một cách đối phó.

– Và em đã tìm được cách ứng xử thích đáng: Em cười và từ chối dứt khoát, nói rõ lí do một cách rất có lý tại sao lại dám từ chối lời đề nghị tốt đẹp của bậc bề trên: “Không! Cháu không muốn vào. Cuối năm thế nào mẹ cháu cũng về”.

– Trước những câu hỏi, lời khuyên như xát muối vào lòng, chứa đầy sự mỉa mai chua cay, lòng bé Hồng thắt lại vì đau đớn, vì tủi nhục.

– Xúc động vì thương mẹ, thương thân, khiến khóe mắt em dã cay cay, rồi hai hàng nước mắt trào ra. Xúc động ngày càng tích tụ, càng trào dâng, dường như không thể kìm nén được.

– Tâm trạng đau đớn uất ức của chú bé dâng đến cực điểm khi nghe người cô kể về tình cảnh tội nghiệp của mẹ mình. Nguyên Hồng đã bộc lộ lòng căm tức tột cùng ở những giây phút này bằng các chi tiết đầy ấn tượng.

– Lời văn lúc này dồn dập với các hình ảnh, các động từ mạnh mẽ: “Cô tôi chưa dứt câu, cổ họng tôi đã nghẹn ứ khóc không ra tiếng. Giá như những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu hỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kỳ nát vụn mới thôi.

c. Cảm giác sung sướng cực điểm khi ở trong lòng mẹ

– Tiếng gọi: Mợ ơi! Mợ ơi! cuống quýt, mừng tủi, xót xa, đau đớn, hy vọng; tiếng vang lên giữa đường thể hiện sự khao khát tình mẹ, gặp mẹ đang cháy sôi trong tâm hồn non nớt của đứa trẻ mồ côi.

– Cảm giác của Hồng khi biết chắc chắn là mẹ “khác gì cái ảo ảnh của một dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm đã hiện ra trước mắt gần rạn nứt của người bộ hành ngã gục giữa sa mạc”.

– Hình ảnh so sánh này đã cực tả nỗi khắc khoải mong mẹ của Hồng. Chú “khát” tình mẹ cũng như người bộ hành khát nước đến ngã gục giữa sa mạc. Chính vì thế mà khi gặp mẹ, Hồng xiết bao xung sướng và hạnh phúc:

+ Chú thở hồng hộc, trán đẫm mồ hôi, khi trèo lên xe, ríu cả chân lại.

+ Nỗi vui mừng khi gặp lại mẹ khiến chú cứ cuống quýt, vội vàng như sợ mẹ sẽ tan biến đi.

+ Khi được mẹ “kéo tay”, “xoa đầu” thì hồng “òa lên rồi cứ thế nức nở”.

=> Giọt nước mắt lần này của Hồng khác hẳn với lần trước; đó là giọt nước mắt của dỗi hờn mà hạnh phúc, tức tưởi mà mãn nguyện. Bao nhiêu tủi hờn, cay đắng, uất nghẹn tích tụ bấy lâu nay trong lòng chú đã được giải tỏa.

– Cảm giác sung sướng cực điểm của chú bé khi được nằm trong lòng mẹ được diễn tả cụ thể:

+ Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp sát đùi mẹ.

+ Đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi.

+ Tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt.

+ Hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó mãnh liệt như vậy?

+ Lúc này dường như tất cả các giác quan của Hồng đều thức dậy để tận hưởng tình mẹ. Trong đầu có chú, những lời nói cay độc của bà cô hôm nào đã tan biến đi như một làn khói…

=> Chỉ một đoạn văn ngắn mà nhà văn đã sử dụng dồn dập nhiều động từ, tính từ, nhất là những danh từ cùng trường nghĩa: gương mặt, đôi mắt, nước da, gò má, đùi, cánh tay, da thịt, khuôn miệng… miêu tả vô cùng sinh động niềm hạnh phúc lớn lao tưởng như tới đỉnh điểm của tình mẫu tử. Đây thực sự là những cảm giác “mơn man” ngây ngất, đắm say và vô cùng êm dịu của quan hệ máu mủ, ruột thịt mà những đứa trẻ bất hạnh không dễ gì có được.

=> Có thể nói, những rung động cực điểm rất trẻ thơ đó của Hồng trong cuộc gặp gỡ bất ngờ với người mẹ đã nói lên tình yêu thương mãnh liệt của chú bé đối với người mẹ của mình. Điều đó là động lực để giúp chú vượt qua những cay đắng, tủi nhục trong cuộc sống để vươn lên và sống có ý nghĩa.

3. Chât trữ tình thấm đượm ở chương “Trong lòng mẹ”

– Chất trữ tình thấm đượm ở tình huống và nội dung câu chuyện được kể: Nội dung cơ bản toát lên từ chương hồi ký này là: nỗi đắng cay uất nghẹn và tình yêu thương mãnh liệt của bé Hồng đối với người mẹ nhân từ, tần tảo mà cuộc đời đầy bất hạnh. Nội dung ấy được xây dựng, được ghi lại, kể lại với 2 tình huống truyện:

+ Tình huống thứ nhất: Cuộc trò chuyện của bé Hồng với bà cô.

+ Tình huống thứ hai: Mẹ bé Hồng trở về, cuộc gặp gỡ bất ngờ đầy nước mắt của niềm vui và hạnh phúc.

=> Dòng cảm xúc phong phú của chú bé Hồng: niềm xót xa tủi nhục, lòng căm giận sâu sắc, quyết liệt, tình yêu thương nồng nàn, thắm thiết của chú bé Hồng. Kết cấu của chương hồi ký hóa thành kết cấu của một áng văn thể hiện những xúc động trữ tình. Cho nên, nhịp điệu và giọng văn hồi ký của ông cũng thấm đẫm cảm hứng trữ tình. Không viết theo cách sắp đặt khôn ngoan, tỉnh táo, lý trí, mà để cho mạch văn chảy tràn theo mạch cảm xúc mãnh liệt, chân thành.

– Cách thể hiện của tác giả cũng góp phần quan trọng tạo nên chất trữ tình của chương hồi ký:

+ Kết hợp nhuần nhuyễn giữa kể với bộc lộ cảm xúc: Nguyên Hồng không chỉ kể lại, thuật lại sự việc đã qua mà còn sống lại, hóa thân và những sự việc ấy. Các sự việc được kể lại, thuật lại cunxgc hỉ là để nhà văn giãi bày bộc bạch những tình cảm yêu thương, căm giận đang đầy ắp, cần được giải tỏa, phải nói to lên cho đã, cho thỏa.

+ Các hình ảnh thể hiện tâm trạng, các so sánh đều gây ấn tượng mạnh, đều giàu sức gợi cảm.

+ Lời văn nhiều lần say mê khác thường như được viết trong dòng cảm xúc mơn man, dạt dào.

III.Tổng kết

1. Nghệ thuật

– Hồi ký là một thể của ký, ở đó người viết kể lại những chuyện, những điều chính mình đã trải qua, chứng kiến.

– Đây là một chương tự truyện, hồi ký đậm chất trữ tình.

– Nhân vật: Người kể chuyện ở ngôi thứ nhất: xưng tôi.

– Tình huống truyện phù hợp, đặc sắc, điển hình, có điều kiện bộc lộ tâm trạng cảm xúc.

– Kết hợp khéo léo, nhuần nhuyễn giữa kể – tả và biểu cảm.

– Các hình ảnh so sánh thể hiện tâm trạng, gây ấm tượng gợi cảm.

2. Nội dung

Trong lòng mẹ là chương hồi ký kể về cuộc đối thoại đau đớn giữa bé Hồng với bà cô và cuộc gặp gỡ đầy nước mắt vui mừng, hạnh phúc của chú bé với người mẹ đáng thương của mình.