1. Sự ra đời của Tao Đàn

Việt Nam thời kỳ 1930 – 1945 diễn ra đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp gay gắt. Trong bối cảnh chung của thế giới và trong nước, báo chí thời kỳ này được hình thành và phát triển với những đặc thù riêng. Sự phát triển của báo chí trong thời kỳ này đã gặt hái được những kết quả đáng trân trọng. Với sự phát triển của ngôn ngữ và tư tưởng, văn phong của báo chí ngày càng hoàn chỉnh.

“Trong thời kỳ này, báo chí miền Bắc phát triển mạnh mẽ, rất phong phú và đa dạng, lấn át cả báo chí hai miền Trung và Nam”. [6, tr.260]. ở Bắc kỳ lúc này, bên cạnh những tờ báo truyền thống về trào phúng, phụ nữ, thiếu nhi, văn học,… còn có những tờ báo chuyên biệt về Phật giáo, Thiên Chúa giáo, lĩnh vực thuần túy khoa học, lĩnh vực nông nghiệp, thể thao, pháp lý.

Trong giai đoạn 1930 – 1945, nét đặc thù của báo chí Bắc kỳ là sự xuất hiện của các nhóm báo chí, đặc biệt trong đó có nhóm Tân Dân do Vũ Đình Long đứng đầu. Năm 1932, Vũ Đình Long mở hiệu sách và nhà xuất bản Tân Dân, chuyên in sách giáo khoa, kiếm hiệp, bi tình, chủ yếu dịch từ truyện của Trung Quốc. Nhà xuất bản Tân Dân xuất bản tạp chí Tao Đàn trong hoàn cảnh đó.

Tạp chí Tao Đàn ra đời rất phù hợp, làm cho nước ta trong giai đoạn đó có một cơ quan về văn hóa, không thiên về đảng phái nào, chỉ một mục đích là gây dựng lấy một nền văn hóa đặc biệt cho nước Việt. Tạp chí Tao Đàn ra đời và hoạt động trong thời gian gọn một năm “được xem là thời điểm bản lề của đời sống chính trị, văn hóa của mỗi quốc gia trên toàn cầu, được đánh dấu bằng sự bùng nổ của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, tháng 9/1939” [7].

Tạp chí Tao Đàn chủ trương tránh biệt phái, cố gắng trở thành một diễn đàn mở rộng, có khả năng tập hợp và hội tụ các lực lượng tuy chính kiến có thể khác nhau, nhưng có chung lập trường giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, không để rơi vào tình trạng mất gốc, tầm gửi vào các nền văn hóa ngoại lai. Tao Đàn “sẽ là cái vườn ươm hạt giống anh tài chủng tộc, là nơi để bất cứ một cá tính nào cũng có thể phát triển đầy đủ về phương diện tư tưởng cũng như nghệ thuật. Nó sẽ là nơi tập trung tất cả mọi sự gắng công để đi tới sự hợp nhất và tiến bộ đến hoàn toàn của ngôn ngữ Việt Nam và sau hết, để đi tới sự nhận chân cái bản thể nhân loại qua tâm hồn Việt Nam.” [7, tr.22].

2. Tao Đàn với vấn đề thống nhất ngôn ngữ tiếng Việt và cải cách chữ Quốc ngữ

Tiếng nói là một thành tố quan trọng tạo nên chất văn hóa cộng đồng. Linh hồn của văn hóa nằm ngay trong tiếng nói. Tiếng Việt là một tài sản vô giá mà cả cộng đồng người Việt đã gây dựng, giữ gìn và phát triển.

Trong đường lối văn hóa của Đảng cộng sản Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945, Đảng ta đã ý thức rất rõ về việc giữ gìn tinh hoa của văn hóa Việt Nam. “Tiếng nói và chữ viết vừa là bộ phận quan trọng của văn hóa dân tộc, vừa là công cụ, phương tiện để xây dựng, phát huy văn hóa dân tộc. Nói đến văn hóa của một dân tộc không thể không nói đến tiếng nói và chữ viết của dân tộc đó.” [4, tr.19].

Ngôn ngữ dân tộc là nhân tố góp phần quan trọng và quyết định vào việc hình thành và phát triển quốc gia. Ngôn ngữ dân tộc thể hiện qua tiếng nói và chữ viết của dân tộc ấy, là thước đo và minh chứng về sự tồn tại và bền vững của dân tộc và quốc gia. Nhận thức về vai trò của chữ Quốc ngữ và sự cần thiết của việc truyền bá nó, Tao Đàn đã dành nhiều trang nói về ngôn ngữ tiếng Việt và chữ Quốc ngữ.

Những bài viết về Ngôn ngữ tiếng Việt và chữ Quốc ngữ trên Tao Đàn

(Nguồn: Theo kết quả nghiên cứu của tác giả)

Về vấn đề truyền bá và phát huy những tính năng của chữ Quốc ngữ, cải cách chữ Quốc ngữ, theo tác giả Lan Khai, đặc tính dân tộc nằm ở ngôn ngữ dân tộc, cách cảm, cách nghĩ dân tộc. Với loạt bài của Từ Ngọc, Nguyễn Triệu Luật, Tảo Trang, Kinh Dinh bàn về ngôn ngữ dân tộc qua việc điển chế văn tự, cải cách chữ Quốc ngữ, Tao Đàn tiếp tục truyền bá và phát huy những tính năng của chữ Quốc ngữ.

Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 cũng đã đề cập đến vấn đề này. Trong nội dung “Tranh đấu về tiếng nói, chữ viết”, Đề cương đặt ra: Thứ nhất là “Thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói”; Thứ hai là “ấn định mẹo v#n ta”; Thứ ba là “Cải cách chữ Quốc ngữ”.

Tao Đàn nhận thức rất rõ về vai trò của chữ Quốc ngữ và sự cần thiết của việc truyền bá nó: Bài “Tiếng Nam phải giữ tinh thần riêng của tiếng Nam” của Hoài Thanh (số 5) khẳng định tiếng ta trong bao nhiêu thế kỷ chịu ảnh hưởng chữ Nho mà vẫn giữ được tinh thần riêng. Hay bài “Một cách để gây cho dân tộc ra một cái nguyên tắc tinh thần” của Nguyễn Triệu Luật (số 6) cho thấy dân tộc Việt từ Bắc chí Nam cùng theo một phong tục, cùng nói một thứ tiếng, cùng giữ một kỷ niệm, một dân tộc thuần nhất hơn hết thảy các dân tộc khác.

Ngoài việc sử dụng tiếng mẹ đẻ làm phương tiện của báo chí, đặc biệt là đề cao tầm quan trọng của nó, một đóng góp quý báu và thành công nữa của Tao Đàn là sự xuất hiện các hình thức ngôn từ mới. Tao Đàn đã thúc đẩy quá trình chuẩn hóa, hoàn thiện tiếng Việt, đưa nó tiến tới ngôn ngữ hiện đại. Điều này được thể hiện qua hàng loạt những bài viết về cải cách ngôn ngữ. Chữ Quốc ngữ trong buổi ban đầu còn nhiều điểm khác với chữ viết hiện nay. Một đặc trưng dễ nhận thấy nhất là những dấu “-” gạch nối liền giữa hai chữ mà trong chính Tao Đàn sử dụng, và cũng chính Tao Đàn đã lần đầu tiên lên tiếng bàn việc tước bỏ nó. Bài “Một ý kiến về cải cách văn tự nước nhà: tước bỏ cái gạch nối liền” của Kinh Dinh (số 11, tr.898) khẳng định trong việc tài bồi văn tự ngữ ngôn nước nhà, cái gì thiếu thốn tất nhiên phải bồi bổ, cái gì thừa, rườm rà, phiền phức nền văn, trở ngại cho việc viết văn thì cố nhiên phải tước bỏ, có nhiều bất tiện do gạch nối liền gây ra và cần phải bỏ đi. Bài “Vấn đề cải cách chữ Quốc ngữ” của Nguyễn Triệu Luật (số 11, 12, 13) là một công trình nghiên cứu rất công phu, chu đáo về việc cải cách chữ Quốc ngữ cho phù hợp, dễ sử dụng với người Việt. Theo tác giả, cải cách phải chú trọng vào âm thanh, âm trước nhất, không nên để ý vào dáng chữ, phải theo luật trong, đục, cứng, mềm của các thanh và luật hiệp âm của các âm.

Tao Đàn thúc đẩy quá trình chuẩn hóa, hoàn thiện tiếng Việt, đưa nó tiến tới ngôn ngữ hiện đại qua các bài viết: “Cho được thống nhất ngữ ngôn văn tự nước nhà” – số 12; “Tại sao quốc văn chậm phát triển?” – Nguyễn Hữu Chương, số 4. Tảo Trang trong bài viết, “Bổ khuyết vào tập Việt Nam tự điển do hội Khai trí tiến đức khởi thảo” [8, tr.977] nhận định đây là bộ từ điển tiếng Việt đầy đủ nhất, rõ ràng nhất từ trước đến giờ. Ông cũng chỉ ra những chỗ thiếu sót trong Việt Nam tự điển tập 38 từ chữ Tranh đến chữ Trú.

Trong vòng một năm nhưng tiếng Việt và chữ Quốc ngữ đã tiến triển, đi được những bước dài, trong đó những sự đóng góp về mặt ngôn ngữ của sáng tác văn học là không thể phủ nhận. Tao Đàn đã không ngừng duy trì tiếng nói và chữ viết dân tộc, vì trong đó chứa đựng gốc rễ của nền tảng văn hóa dân tộc, quốc hồn, quốc túy kết tinh từ mấy ngàn năm lịch sử.

3.Tao Đàn với vấn đề tăng cường giao lưu văn hóa quốc tế để phát triển ngôn ngữ

Chủ trương và nỗ lực của Tao Đàn là xây dựng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho văn hóa nước nhà không bị “hòa tan” theo lối mất gốc mà vẫn tiếp thu được tinh hoa văn hóa nhân loại. Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa để làm cơ sở cho việc mở rộng giao lưu văn hóa Việt Nam ngày nay có ý nghĩa chiến lược lâu dài trên cơ sở, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tiếp nhận nền văn hóa phương Tây, nền văn hóa Việt Nam đã vượt ra khỏi phạm vi của nền văn hóa khu vực, từng bước đạt đến trình độ tiếp cận với nhân loại. Tao Đàn có vai trò quan trọng trong thúc đẩy giao lưu văn hóa khi phát huy chức năng bộ lọc của văn hóa dân tộc, lựa chọn tiếp thu những yếu tố nhân bản, hợp lý, khoa học, tiến bộ của thế giới.

Tao Đàn tham gia vào quá trình tăng cường giao lưu văn hóa quốc tế, tạo cầu nối thông tin giữa bạn đọc với đời sống văn hóa luôn biến động trên toàn cầu. Trong việc nỗ lực thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc, các tác giả đã sử dụng thể lục ngôn, song thất lục bát để dịch thơ Đường luật thay vì dùng nguyên thể. Đây là một nỗ lực khó nhọc và không dễ thực hiện. Nó vừa góp phần tạo dựng bản sắc riêng, vừa chứng tỏ được mong muốn tìm tòi thể nghiệm và dám loại bỏ những gì không phù hợp. Tao Đàn xác địch việc dịch văn nước ngoài để làm giàu cho quốc văn là một sự cần thiết, coi như đó là một “bổn phận cao quý”, bởi việc trích dịch tác phẩm ngoại quốc sẽ bổ cứu thêm vào văn học nước nhà, nhưng đồng thời cũng vẫn giữ một cách xem xét bình tĩnh, khách quan, không “nhắm mắt vọng ngoại”.

Có thể nói, trong một năm tồn tại, tạp chí Tao Đàn đã có cố gắng lớn trong mảng dịch thuật, giới thiệu văn học nước ngoài, các tác phẩm dịch chủ yếu từ hai nguồn Hán văn và Pháp văn, tạo nên một diễn đàn giao lưu và giao thoa văn chương giữa các khu vực văn học phương Đông và phương Tây. Với hoạt động này, Tao Đàn đã thể hiện một khuynh hướng chung là muốn mở rộng nhãn quan nghệ thuật cho độc giả Việt Nam; giúp người Việt Nam được thưởng thức sáng tác văn chương đặc sắc của thế giới. Cùng với một số báo và tạp chí khác, Tao Đàn đã góp phần bắc một nhịp cầu hội nhập về văn chương nghệ thuật cho bạn đọc của nước ta đến với các khu vực văn chương thế giới ngay từ những năm đầu thế kỷ XX.

    1. Kết luận

Phát triển kinh tế xã hội và giao lưu quốc tế là thời cơ, đồng thời là những thách thức to lớn đối với đất nước ta trong quá trình xây dựng và phát triển. Trong công cuộc bảo vệ và phát huy các giá trị của bản sắc văn hóa Việt Nam, báo chí giữ một vai trò quan trọng. Tao Đàn là tạp chí văn hóa và văn học – nghệ thuật, ngôn ngữ của nó là sự kết hợp giữa ngôn ngữ chính luận của báo chí với ngôn ngữ của các loại hình nghệ thuật như văn học (thơ, truyện, ký, nghiên cứu – phê bình,..), nghệ thuật (kịch – kịch bản văn học,..). Sự hài hòa khéo léo giữa nội dung và hình thức thể hiện đã làm tăng tính hấp dẫn của thông tin đến với bạn đọc. Và từ đó, khả năng tác động tới dư luận xã hội của tác phẩm tăng lên, mang lại hiệu quả tốt hơn cho việc khẳng định và phát huy văn hóa dân tộc.

Ngôn ngữ không chỉ có tác động tốt mà còn có thể có tác động xấu đối với diện mạo văn hóa của dân tộc. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không chỉ là một hoạt động văn hóa đơn thuần mà còn là trách nhiệm công dân của người làm báo hiện nay. Thực tế cho thấy càng đi vào phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, chúng ta càng cần gìn giữ và phát huy những giá trị đạo đức, bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu thêm truyền thống văn hóa dân tộc mình.

Vi Thị Phương