Nội dung bài viết
1. Văn nghị luận là gì?
Văn nghị luận là loại văn bản được viết ra nhằm xác lập cho người đọc, người nghe một tư tưởng, quan điểm nào đó về xã hội hay văn học. Văn nghị luận phải có luận điểm rõ ràng, lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục.
Những tư tưởng, quan điểm trong bài văn nghị luận phải hướng tới giải quyết những vấn đề nóng bỏng, thuộc nhiều lĩnh vực đời sống khác nhau (kinh tế, chính trị, văn hóa,…) mà bản thân và cả xã hội quan tâm.
2. Đặc điểm
– Đặc trưng cơ bản của văn nghị luận là tính chất luận thuyết. Bởi vậy, trong mỗi bài văn nghị luận đều phải có luận điểm, luận cứ và lập luận. Trong đó:
+ Luận điểm là tư tưởng, quan điểm của người viết đối với vấn đề nghị luận. Luận điểm trong bài văn nghị luận được thể hiện dưới hình thức những câu khẳng định hay phủ định.
* Ví dụ:
Trong văn bản “Bàn về đọc sách” của tác giả Chu Quang Tiềm, ông đã đưa ra ba luận điểm rất rõ ràng và có tính tập trung cao:
– Luận điểm 1: Khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa của việc đọc sách.
– Luận điểm 2: Những khó khăn và thiên hướng sai lệch của việc đọc sách hiện nay.
– Luận điểm 3: Bàn về các phương pháp chọn sách và đọc sách cho có hiệu quả.
+ Luận cứ là những lí lẽ, dẫn chứng đưa ra làm cơ sở cho luận điểm. Luận cứ phải có mối liên hệ logic với luận điểm. Dẫn chứng phải mang tính khách quan, điển hình và toàn diện trên các phương diện khác nhau của đời sống xã hội.
* Ví dụ: Xét trong tác phẩm “Bàn về đọc sách”, để làm rõ cho luận điểm “Những khó khăn và thiên hướng sai lệch của việc đọc sách hiện nay” tác giả Chu Quang Tiềm đã sử dụng những luận cứ:
– Sách nhiều khiến người ta không chuyên sâu.
+ Các học giả Trung Hoa thời cổ đại do sách khó kiếm, một đời đến bạc đầu mới đọc hết một quyển kinh. Sách tuy đọc được ít, nhưng đọc quyển nào ra quyển ấy, miệng đọc, tâm ghi, nghiền ngẫm đến thuộc lòng, thấm vào xương tủy, biến thành một nguồn động lực tinh thần, cả đời dùng mãi không cạn.
+ Giờ đây sách dễ kiếm, một học giả trẻ đã có thể khoe khoang từng đọc hàng vạn cuốn sách. “Liếc qua” thì rất nhiều, nhưng “đọng lại” thì rất ít, giống như ăn uống, các thứ không tiêu hóa được tích càng nhiều, thì càng dễ sinh ra bệnh đau dạ dày, nhiều thói xấu hư danh nông cạn đều do lối ăn tươi nuốt sống đó mà sinh ra.
– Sách nhiều khiến người đọc lạc hướng.
+ Bất cứ lĩnh vực học vấn nào ngày nay đều đã có sách vở chất đầy thư viện, trong đó những tác phẩm cơ bản, đích thực, nhất thiết phải đọc chẳng qua cũng mấy nghìn, thậm chí chỉ mấy quyển.
+ Nhiều người mới học tham nhiều mà không vụ thực chất, đã lãng phí thời gian và sức lực trên những cuốn sách vô thưởng, vô phạt, nên không tránh khỏi bỏ lỡ mất dịp đọc những cuốn sách quan trọng, cơ bản. Chiếm lĩnh học vấn giống như đánh trận, cần phải đánh vào thành trì kiên cố, chỉ đá bên đông, đấm bên tây, hóa ra thành lối đánh “tự tiêu hao lực lượng”.
=> Bằng lối so sánh độc đáo, thú vị nên các luận cứ mà tác giả đưa ra không chỉ làm sáng tỏ cho luận điểm đã nếu mà còn rất chặt chẽ, thuyết phục được người đọc, người nghe.
+ Lập luận là cách nêu lên những luận cứ để dẫn đến luận điểm. Những lí lẽ, bằng chứng của lập luận sẽ dẫn người đọc, người nghe đến một kết luận nào đó mà người nói muốn đạt tới.
* Ví dụ:
Trong văn bản “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới” tác giả Vũ Khoan đã đưa ra một loạt những so sánh, đối chiếu kết hợp với những dẫn chứng tiêu biểu để nhấn mạnh những điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam. Cụ thể là:
Điểm mạnh | Điểm yếu |
Thông minh, nhạy bén với cái mới. | Thiếu kiến thức cơ bản và kém khả năng thực hành, sáng tạo do lối học chay, học vẹt. |
Cần cù, sáng tạo trong lao động. | Thiếu tính tỉ mỉ, không coi trọng nghiêm ngặt quy trình công nghệ, chưa quen với cường độ làm việc khẩn trương. |
Có truyền thống đoàn kết, đùm bọc, nhất là là trong công cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. | Thường đố kị trong nhau làm ăn và trong cuộc sống hàng ngày. |
Thích ứng nhanh với cái mới. | Có thái độ kì thị trong kinh doanh, “khôn vặt”, “bóc ngắn cắn dài”, không coi trọng chữ “tín”. |
=> Tác giả không chỉ nêu mà còn so sánh, phân tích rất cụ thể và thấu đáo điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam. Từ đó, Vũ Khoan đã đi đến tổng kết: “Bước vào thế kỉ mới, muốn “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” thì chúng ta sẽ phải lấp đầy những hành trang bằng những điểm mạnh, vứt bỏ những điểm yếu”.
– Để cho bài văn có sức thuyết phục phục thì đòi hỏi các luận điểm, luận cứ và lập luận phải thật đúng đắn, chặt chẽ, hợp lí.
3. Những thao tác chủ yếu của văn nghị luận
Trong một bài văn nghị luận, để bài văn có sức thuyết phục các bạn cần có những thao tác như giải thích, chứng minh, bình luận. Trong đó:
* Giải thích là thao tác đi tìm hiểu, lí giải nội dung bên trong của vấn đề.
– Làm sáng tỏ vấn đề, nội dung ý nghĩa bên trong mà người ta muốn nói.
– Lí giải vấn đề vì sao người ta lại nói như vậy.
– Từ chân lý được nói đến, đúc rút bài học gì cho thực tiễn.
* Chứng minh là thao tác làm sáng tỏ chân lí bằng các dẫn chứng và lí lẽ.
– Làm rõ điều cần chứng minh trong luận đề được nêu lên.
– Lần lượt đưa ra các dẫn chứng và lí lẽ.
– Đặt vấn đề vào trong thực tiễn để đúc rút và đề xuất phương hướng.
* Bình luận là thao tác có tính tổng hợp, bao hàm cả thao tác giải thích lẫn chứng minh.
– Bày tỏ thái độ một cách khách quan của người viết.
– Mở rộng để vấn đề được nhìn nhận sâu và toàn diện hơn.
4. Phân loại
Văn nghị luận được chia ra làm 2 dạng chính là: Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học. Trong mỗi loại lại được chia ra thành những loại nhỏ với phương pháp làm khác nhau. Cụ thể:
– Trong Văn nghị luận xã hội có 3 dạng cơ bản:
+ Nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí.
+ Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống.
+ Nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học.
– Trong Văn nghị luận văn học có 6 dạng cơ bản:
+ Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ.
+ Nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích.
+ Nghị luận về một ý kiến, quan điểm trong tác phẩm văn học.
+ Nghị luận về một tình huống truyện.
+ Nghị luận về một nhân vật trong tác phẩm.
+ Nghị luận về giá trị của tác phẩm, đoạn trích.
Làm chủ kiến thức Ngữ văn 9 – Luyện thi vào 10 (Phần II)
Tác giả: Phạm Trung Tình