“Truyện ngắn là độc tấu. Tiểu thuyết là giao hưởng”
Trước hết cần phân biệt thế nào là truyện ngắn, và điều gì khiến truyện ngắn đặc biệt so với những thể loại văn xuôi khác như tiểu thuyết, tùy bút hay tản văn,… Có một cách đơn giản và phổ biến để độc giả có thể dễ dàng phân biệt: truyện ngắn là những câu chuyện được kể bằng văn xuôi có dung lượng ngắn, gọn gàng, xúc tích, thường có độ dài chỉ bằng thời gian ta thưởng thức một tách trà; trong khi tiểu thuyết lại rất khó gói gọn chỉ trong vài chục trang giấy.
Thế nhưng, không nên chỉ phân loại chúng bằng cách so sánh sự khác biệt ở dung lượng chữ, bởi đó chỉ là một phương pháp tương đối. Không phải bất kỳ câu chuyện nào dài hơi cũng đều được xếp vào thể loại tiểu thuyết. Ta vẫn cần phải xem xét thêm về phong cách hay cấu trúc truyện mà nhà văn dùng để kể câu chuyện của mình.
Nhà văn Pháp Paul Bourget từng nhận định về hai thể loại trên như sau: “Truyện ngắn là độc tấu. Tiểu thuyết là giao hưởng”. Ngay trong lời nhận xét trên cũng có thể thấy: Nếu tiểu thuyết là một bản giao hưởng nhiều chương bao gồm các nhạc cụ khác nhau như violin, cello, piano,… tượng trưng cho nhiều tình tiết; thì truyện ngắn, cũng giống một bản độc tấu, được chơi trên một nhạc cụ duy nhất, tình tiết lúc này phải được tách ra và cô lập, để được tự do diễn tả trọn vẹn nhất góc nhìn hay quan điểm mà nhà văn nắm bắt.
Do tính chất ngắn gọn, nên câu chuyện của truyện ngắn thường cô đọng, chỉ tập trung vào một tình huống diễn ra trong một thời gian ngắn cùng một số ít nhân vật. Thêm nữa, mọi tình tiết, chi tiết phải hết sức tinh tế; ngôn ngữ có tính cô đúc của thi ca, tính cách hay hình tượng nhân vật cũng cần thu gọn lại chỉ còn những gì cốt lõi nhất.
Nhà văn Tây Ban Nha – Augusto Monterroso rất nổi tiếng với một câu chuyện cực ngắn về con khủng long: “Cuando despertó, el dinosaurio todavía estaba allí” (Khi thức dậy, con khủng long vẫn còn ở đó).
Trong câu chuyện trên, ta không nhìn thấy một cốt truyện nào cụ thể, không mở đầu, không cao trào, không nút thắt,…; nhưng điểm khiến nó đặc biệt không nằm ở đó. Cái đẹp của những truyện ngắn không chỉ nằm ở số lượng chữ hay sự bay bổng của ngôn từ được nhà văn chắt lọc và đúc kết, mà nằm ở tình chất liên văn bản. Ta có thể hiểu câu chuyện về con khủng long theo nhiều cách. Hiểu theo nghĩa đen, một người nào đó nằm ngủ và mơ về một con khủng long, khi thức giấc, anh ta vẫn không thôi ám ảnh về nó. Hiểu theo nghĩa bóng, “con khủng long” cũng có thể là bất cứ điều gì được Monterroso so sánh ẩn dụ: một người nào đó, nỗi nhớ, niềm tiếc thương, sự sợ hãi,…; “ở đó” có thể là ở bất cứ đâu: trong phòng ngủ, phòng khách, trên giường, dưới sàn nhà, trong tâm trí hay ngoài thực tại… Chỉ vỏn vẹn trong bảy từ ngắn ngủi, một câu chuyện có thể dẫn dắt chúng ta đạt đến sự liên tưởng về những thế giới khác nhau.
Truyện ngắn như một bức ảnh chụp được cái khoảnh khắc đột ngột và bất khả vãn hồi của cuộc sống, đọc một truyện ngắn như ném một hòn sỏi xuống mặt hồ tĩnh lặng và ngắm nhìn những sóng âm khuếch đại. “Nơi nhà người bạn” của Guy de Maupassant là những bức ảnh làng quê thanh bình của Pháp, với những con người chỉ muốn sống một cuộc đời đơn thuần không biến cố. “Ngày mười tháng mười hai” của George Saunders là những bức tranh đặt con người vào những tình huống nan giải, những đấu tranh và day dứt, thậm chí cả những biến cố liên quan đến sự sống, cái chết,… Ở “Những cuộc chạy trốn tình yêu”, Bernhard Schlink chụp được những bức ảnh về hành trình cuộc đời của những người đàn ông, khi họ được sinh ra, trưởng thành, yêu đương, vấp ngã, trốn chạy,…
Như vậy, đa phần truyện ngắn chỉ chú ý vào những chuyện đời vặt vãnh trong cuộc sống hằng ngày, thể hiện thế giới quan của người viết bằng chất liệu từ sự thật đời thường, và luôn đi cùng với đó là sự ngẫu nhiên. Mà sự ngẫu nhiên, ta cũng thường thấy nó hiển lộ rõ rệt ở thể loại tản văn. Người viết tản văn có thể ngẫu nhiên chọn bất kỳ vấn đề nào xung quanh đời sống để viết, lắm khi là những mẩu chuyện vô thưởng vô phạt về thời tiết, mùa màng, về trời đất, cây cối, về cái nóng của mùa hè hay một chuyến đi lễ ngày Chúa nhật… Thế nhưng cái ngẫu nhiên ở truyện ngắn và ở tản văn có gì khác biệt? Ở tản văn, ‘ngẫu nhiên’ quả thật là ngẫu nhiên. Còn ở truyện ngắn, ‘ngẫu nhiên’ khoác bên ngoài nó một sự chọn lọc có chủ đích. Truyện ngắn luôn luôn bao hàm cả một câu chuyện, và trong câu chuyện ấy, người viết cần chắt lọc tỉ mỉ những tình huống ngẫu nhiên trong cuộc sống để mỗi nhân vật thể hiện rõ nhất tính cách, số phận của mình. Nếu như ở tản văn, tác giả thường lôi mình ra ánh sáng để bày tỏ quan điểm, lúc này anh ta chính là “nhân vật trữ tình” trong mỗi câu chuyện mà anh ta kể; thì ở truyện ngắn, tác giả buộc phải giấu mình đi, một số trường hợp anh ta sẽ để mình xuất hiện như là một nhân vật, nhưng thường thì anh ta không trực tiếp tỏ bày quan điểm mà thay vào đó, anh mượn lời kẻ khác. Cuốn sách “Bốn mùa, trời và đất” của Márai Sándo là một điển hình nằm giữa lằn ranh mỏng manh ấy. Sándo đôi lúc giấu mình vào bóng tối, cũng có lúc lại lôi mình ra ánh sáng.
Tương tự với tiểu thuyết, trong truyện ngắn, không có gì là không thể xảy ra. Tuy nhiên, người ta cũng ít khi bịa đặt điều gì khi viết truyện ngắn, trong khi đó ở tiểu thuyết, nhà văn có thể thoải mái sáng tạo thế giới của riêng mình. Toàn bộ bức tranh về nhân gian được các nhà văn dùng ngòi bút sắc sảo và tinh lọc của mình để chuyển tải, khi mối bận tâm của họ không đặt vào việc bi kịch hóa thế giới mà là ở mong muốn làm bật lên một trạng thái của tâm hồn con người bằng cái nhìn mang đậm dấu ấn cá nhân.
Nhà lý luận Tzvetan Todorov từng ví von: “Người ta sẽ so sánh tiểu thuyết với một chuyến đi dài qua nhiều địa điểm khác nhau, nó giả thiết một chuyến quay về yên bình; còn truyện ngắn với một chuyến leo lên một quả đồi có mục đích là mang lại cho chúng ta một cái nhìn từ trên cao”. Dẫu là một hành trình dài hơi hay một cuộc chinh phục ngắn hạn, cái đẹp được chưng cất từ trải nghiệm của mỗi nhà văn cũng như mỗi người đọc đều có năng lực khiến ta quên đi thể loại. Ta còn quan trọng gì truyện ngắn hay tiểu thuyết, bởi mỗi thể loại đều có đời sống của riêng nó trong hành trình chạm đến trái tim đầy nhạy cảm của những tâm hồn say mê văn chương.