Bố con cá gai không phải là một tác phẩm mới đối với những ai yêu mến văn học Hàn Quốc. Trầm ổn và lặng lẽ; mãnh liệt và đầy yêu thương; đau đớn và đầy nước mắt; với từng con chữ được chắt ra từ những dòng cảm xúc ấy, Cho Chang In đã thành công khi kéo người đọc bước vào mảnh đất thiêng liêng nhất trên thế gian này – mảnh đất của tình phụ tử. 

Chưa bao giờ và chưa ở đâu, chúng ta lại gặp gỡ những mảnh đời bất hạnh khiến chúng ta phải bận tâm nhiều đến vậy.

Jong Ho Yeon, người mà có lẽ mọi độc giả đều khẳng định, là người cha vĩ đại nhất. Anh sinh ra và lớn lên với một tuổi thơ quá nhiều nhọc nhằn và tủi hổ. Bố anh làm việc trong một khu mỏ nhưng không may lại bị tai nạn và buộc phải cắt bỏ một chân. Áp lực từ cơm áo gạo tiền, từ gánh nặng đột nhiên trở thành người khuyết tật đã đẩy ông vào bước đường cùng của tù tội, ông đâm chết người chủ mỏ và buộc phải vào tù. Jong Ho Yeon, trong một ngày, mất cha và gia đình buộc phải nương nhờ vào nhà người thân, sống một cuộc sống không có tình yêu thương. 

Vào ngày người cha được mãn hạn tù, ngỡ tưởng anh sẽ được đoàn tụ và bắt đầu một cuộc sống mới; nhưng không; cuộc đời này vốn dĩ không đơn giản như vậy. Cuộc đời này quá khắc nghiệt với cha của Ho Yeon, ông không thể chịu được và đã buộc phải chọn cách để lại đứa con của mình và tự kết liễu cuộc đời đã không còn giá trị của ông. Để từ đó, Ho Yeon bắt đầu cuộc sống của mình trong trại trẻ mồ côi. Thứ gì đáng sợ nhất trên thế gian này? Có lẽ không phải cái chết mà là khi con người ta phải nói lời tạm biệt với tình yêu thương. Vậy mà anh đã cô độc trải qua quãng thời gian dài đến như thế. Sự cô đôc, sự trải đời, tuyệt vọng và đầy đau đớn bắt nguồn từ chính trái tim anh đã làm nên những vần thơ của anh. Thơ và vợ con anh là thứ anh yêu thương nhất, vậy mà cho đến cuối cùng anh phải chào tạm biệt với cả ba, chỉ vì căn bệnh ung thư gan quái ác.

Sự giao nhau của những mảnh đời bất hạnh

Daum – người con trai sinh ra từ cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Mẹ cậu rời bỏ cậu để đi tìm lại ước mơ của mình. Bà khao khát được vẽ tranh, hơn cả được ở bên đứa con trai của mình. Tất cả những gì cậu có là tình yêu thương vô bờ bến của người cha và có lẽ đối với cậu, đó là cả thế giới và cậu không cần bất cứ điều gì khác. Đáng tiếc thay, căn bệnh máu trắng đến với cậu như cơn bão, quét sạch mọi hi vọng, mọi ước mơ và cả quyền được sống. Sự ngây thơ tróng sáng trong em nhường chỗ cho sự sợ hãi và đau đớn đến tột cùng.

“ Bác sĩ ơi phải đau thêm bao nhiêu nữa thì mới chết được ạ?”

Câu nói đó vang lên từ một đứa trẻ, ai mà không xót xa? Tâm hồn của em bị nhuốm màu lo sợ, em biết nghĩ suy về tiền viện phí, em biết xót xa khi nhìn hình ảnh tiều tụy của cha, biết thương xót cho những bệnh nhân như em. Những cảm xúc đó là quá tải với một đứa trẻ như em. Ẩn sâu trong sự dũng cảm là lo sợ về cái chết luôn hiện hữu, dường như, ngày nào em cũng chuẩn bị sẵn sàng cho cái chết. Tác giả đã rất thành công khi miêu tả nhân vật Daum, tuy bất hạnh nhưng lại không khiến độc giả cảm thấy thương hại, ngược lại lại cảm thấy khâm phục trước tính cách mạnh mẽ của em. Bất hạnh có đấy, đau khổ có đấy, nhưng tất cả đều bị lu mờ bởi tâm hồn tuyệt đẹp của em.

Seung Ho một nhân vật phụ không được khắc họa nhiều, song cũng gây ấn tượng mạnh đối với độc giả. Là bạn cùng phòng của Daum, cậu bé được miêu tả rất nghịch ngợm và phá phách, rất nhiều lânn làm mẹ buồn. Cái chết đột ngột đến với em vào đúng lúc em đang hi vọng nhiều nhất, căn bệnh của em đang chuyển biết tốt. Chúa vẫn đưa em đi, để lại nỗi thương nhớ trong Daum, nhưng nói cho cùng cũng là để giải thoát cho một tâm hồn đã quá mệt mỏi và đau đớn.

Khi bất hạnh hay khổ đau đều phải nhường chỗ cho sự mạnh mẽ của con người

Các nhân vật trong tác phẩm đều được khác họa với tính cách mạnh mẽ, không chịu đầu hàng số phận. Người cha đã vượt qua những tủi hờn thời ấu thơ để có thể yêu đứa con của mình bằng cả tâm hồn. Anh đã giữ vững được đôi chân của mình cho đến tận những giây phút cuối cùng để làm điểm tựa cho đứa con. Ngay cả khi thần chết đang đeo đuổi sau lưng, anh vẫn không ngừng hi vọng về một mai căn bệnh của đứa con sẽ khỏi. Sự mạnh mẽ toát lên từ từng hành động, là khi anh bươn chải giữa núi rừng để tìm thuốc cho con, là những đêm trằn trọc không ngủ vì lo lắng, và cả những lần cố nén nước mắt để đứa con của mình không lo lắng mình. Hình ảnh của một người cha giàu nghị lực, bươn chải để kiếm tiền viện phí cho con không khỏi khiến độc giả xúc động. Và dường như sự mạnh mẽ ấy cũng được truyền cho đứa con. Như ngọn lửa hồng tuy chỉ nhen nhóm nhưng không bao giờ tắt, người con hướng về sự sống với sức mạnh phi thường, chưa một lần than vãn, chưa một lần bỏ cuộc, em bước những bước chân thật chậm để đón lấy ánh sáng của cuộc đời, cho đến khi thần chết cũng phải chịu thua em.Em đã sống sau hàng trăm lần đối diện với cái chết. Em đã đứng dậy sau hàng trăm lần bị đánh gục.

Và cuối cùng, “Bố con cá gai”- bản giao hưởng bất tử của tình cha con.

“ Giờ đây bố vĩnh viễn không được nhìn thấy con nữa rồi. Sẽ không thể nghe thấy giọng nói của con nữa. Sẽ không thể vuốt ve bàn tay ấm áp của con nữa. Cũng chẳng thể ôm chặt con vào lòng nữa rồi.

Nhưng mà con trai à, con là tất cả của bố

Dù có bố có chết nhưng không phải là chết đâu.

Người bố đã bỏ lại con trên đời này, sẽ mãi mãi sống ở trong tâm hồn con.”

Ai đó đã từng nói như thế này con người chỉ chết khi trong tâm hồn của những người đang sống không còn hình bóng của họ. Nếu có thứ gì được gọi là trường tồn, thì đó nhất định phải là tình cha con.

Ho Yeon, người cha vĩ đại nhất sánh ngang với cả thần thánh, vẻ đẹp của anh ánh lên tư tình yêu thương vô bờ bến của mình. Anh yêu con bằng tất cả những gì anh có, dù là thể xác hay tâm hồn, nghĩ suy hay tính toán, đứa con là tất cả những gì anh có.

Anh vừa làm cha vừa làm mẹ mà chăm sóc đứa con ốm yếu, cẩn thận từng li từng tý. Anh nai lưng mà dành dụm từng chút tiền cỏn con để chữa bệnh cho con. Anh ôm từng tia hi vọng nhỏ bé, sẵn sàng đánh đổi bất cứ điều gì để cho con được sống. Ho Yeon đã như đứt từng khúc ruột khi buộc phải để con xuất viện vì không tìm được tủy ghép. Tình yêu thương chia anh làm hai mảnh, nửa dằn vặt vì sự vô tích sự của mình, nửa mong muốn đứa con có thể sống những ngày tháng cuối đời thật hạnh phúc, không phải là cuộc đời bị giam lỏng nơi bệnh viện nồng nặc mùi thuốc sát trùng, mà là một cuộc đời thực sự.

Vì con, anh không còn sợ rắn độc, anh không còn lưu luyến Seol hoàng nhoáng mà lên rừng sinh sống. Cho đến cuối cùng, anh đã từ bỏ tất cả kể cả lòng tự trọng để có thể cứu sống đứa con của mình. Liệu có mấy người trên thế gian này sẵn sàng hiến tạng, hiến giác mạc để lấy tiền phẫu thuật cho con? Liệu có mấy ai từ bỏ cơ hội chữa bệnh của mình chỉ để con mình không lo lắng khi tiến hành phẫu thuật? Chúa mang đến sự sống cho con trai anh với ca ghép tủy thành công, nhưng lại để căn bệnh ung thư gan hoành hành anh, như một lời khẳng định, cuộc đời vốn dĩ chẳng bao giờ công bằng. Anh đã phải buông tay đứa con của mình và đẩy nó phía phía người mẹ đã từng bỏ rơi nó. Kết thúc một cuộc đời ngắn ngủi nhưng lại đẹp vô cùng, như con cá gai tự rời đi khi đứa con trưởng thành. Trên tất cả, bất hạnh hay nghị lực, tình yêu thương giữa hai con người lại vẫn còn sống mãi. Anh đã yêu con đến khi không thể, và Daum, có lẽ, ngay cả khi đặt chấn đến nước Pháp, trong suốt cuộc đời dài rộng sau này cũng không bao giờ quên người cha của mình. Họ đã nương tựa vào nhau để sống, chỉ bằng tình thương qua những năm tháng nhọc nhăn.

Và sau này, tình thương đó sẽ trở thành bất diệt.