Tập thơ “Cảm ơn mùa xuân” (Nxb Đà Nẵng, 1998) của nhà thơ Cao Duy Thảo gồm 20 bài thơ, được sáng tác trong những năm đánh Mỹ và sau năm 1975. Là nhà văn thành danh về các thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, ký; mà “ít ai biết Thảo có một tài nữa, tài làm thơ”([1]). “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”, với 20 bài thơ mà có những bài thơ hay thì quả là có tài. Thơ thì ai cũng có thể sáng tác, nhưng làm thơ có tài thì hơi khó. Tài năng thơ ca là sự kết tụ giữa duy lý và duy cảm, giữa trí tuệ và tri thức văn hóa do nhà thơ chiếm lĩnh; là kết quả của sự rèn luyện, sự lao động nghiêm túc trong cảm hứng sáng tạo. Cảm hứng trong thơ là cảm hứng sáng tạo nghệ thuật ở giây phút hứng khởi mãnh liệt nhất, là kết quả của quá trình lao động trí tuệ, tích lũy tình cảm. Cảm hứng đưa người làm thơ đến với thơ, mà họ không chỉ rung động với mình mà còn đưa sự rung động đó đến với người đọc. Cái nền, cái gốc để nảy sinh cảm hứng sáng tác chính là từ cuộc sống từng trải và phong phú của người nghệ sĩ. Thơ gắn với chiều sâu tâm hồn, với thế giới nội tâm sâu kín của con người nên không dễ khơi nguồn, nắm bắt. Có những câu thơ, khổ thơ, bài thơ của nhà thơ Cao Duy Thảo đọc xong tôi thấy hay, đọc kĩ để lý giải vì sao mà hay và thấm tận tâm hồn như thế thì quả là lý thú. 

Cảm hứng thơ về chiến tranh nhân dân, về tình nghĩa và lòng biết ơn của nhà thơ Cao Duy Thảo đã đọng lại lâu dài trong tâm trí người đọc nhờ tài năng của nhà thơ. Bài thơ nào trong tập thơ cũng để lại ấn tượng cho người đọc: “cô gái khu đông – người dẫn tôi đi/ nước da nâu miền quê An Nhơn, Tuy Phước/ gió thổi ngược đường giao liên/ mùi tràm thơm bâng khuâng theo con nước lên…” (Khu Đông, một đêm, 1972) – “mùi tràm thơm” vừa thi vị vừa lãng mạn, nâng nhẹ bước chân người lính; “đời chiến khu và đời trang sách/ sức sống nào cũng bền lâu” (Gửi bạn, 1972) – câu thơ như khắc như chạm khi xác định niềm tin và lý tưởng; “Quy Nhơn/ hạnh phúc đổi bằng máu cùng nỗi đợi chờ/ giữ nguyên lòng em trinh trắng/ để buổi mai này đón mặt trời lên…” (Quy Nhơn, 1975); “Hãy đến đây, bạn mến thân/ Chở che ta có nhân dân một lòng/ nơi gặp gỡ những dòng sông/ Nơi bao la những cánh đồng tốt tươi/ Nơi gian lao đất nuôi người/ người giữ đất với nụ cười tự tin” (Viết trong đêm Hoài Châu, 1973) – những vần thơ lục bát mến thương, hồn hậu về nhân dân, cách mạng trong chiến trường sống mãi với thời gian.

Là một người lính dạn dày sinh tử, nên cảm hứng về chiến tranh cách mạng trong thơ ông chân thực, đó là những rung động sâu xa của trái tim đang xúc động. Có những câu thơ trong bài thơ “Báo động ở Bình Định” của nhà thơ Cao Duy Thảo, nhà thơ Thanh Quế đã ngỡ là ca dao: “nhớ nón Gò Găng vầng trăng Đập Đá/ sông dài nước cả/ người quân tử khăn điều” (Sđd – tr.7). Viết về nón lá Gò Găng, tác giả Mai Thìn đã dẫn đoạn thơ của Cao Duy Thảo, dẫn theo lối “dị bản”, vừa ngắt câu thơ, vừa thêm từ ngữ: “Nhớ nón Gò Găng/ Vầng trăng Đập Đá/ Sông dài sóng cả/ Người quân tử khăn điều vắt vai”([2])

Bài thơ mở đầu bằng câu thơ mang không khí khẩn trương: “Báo động! Chúng tôi ra chiến hào…” “Báo động!” – là nguy cấp, là “cả làng chặn địch”, thế nhưng  “cuộc sống nơi chiến hào náo nức/ tiếng hát dặt dìu gần xa”. Nghĩa là chuyện báo động xảy ra thường xuyên, tuy khẩn cấp mà bình thản vì quá quen thuộc. Khi người lính cầm súng trong chiến hào viết văn, cái nhìn của họ về đạn bom khốc liệt là cái nhìn bình thản, như kiểu “Tôi đến gần Siêng Phan…/ Tiếng bom như tiếng thú… Tôi đứng giữa Siêng Phan… Nghe tiếng bom rất nhỏ” (Tiếng bom ở Siêng phan – Phạm Tiến Duật). Chuyện báo động là khẩn trương, mà trong cái khẩn trương đó, “tiếng hát dặt dìu” đã gợi thi hứng cho người lính Cao Duy Thảo: “Điệu bài chòi một cô gái ngân nga/ tôi sực nghĩ trên đầu mình là bầu trời Bình Định/ nhớ nón Gò Găng vầng trăng Đập Đá/ sông dài nước cả/ người quân tử khăn điều/ chim quyên tắm mát, ăn xoài/ một thời xưa cũ” (Báo động ở Bình Định, 1972). Điệu bài chòi ngân nga trong không khí nguy cấp như kéo người lính ra khỏi thực tại, trở về với kí ức về văn hóa Bình Định, một sự yên bình, lắng sâu bởi mượt mà câu chữ; câu thơ “nhớ nón Gò Găng vầng trăng Đập Đá” quá hay. Từ câu ca dao quen thuộc: “Anh về Đập Đá, Gò Găng/ Để anh kéo vải sáng trăng một mình” mà vào thơ của nhà thơ Cao Duy Thảo đã được làm mới ký hiệu thẩm mĩ “Đập Đá, Gò Găng” bằng câu thơ 8 chữ quyện cả địa danh “dẫn thủy nhập điền” Đập Đá với nón Gò Găng đã se duyên cho bao mối tình thi vị.

Lại một thời đánh Mỹ/ nhớ con nước Đề Ghi dạt dào tên Vũ Bão/ một chiều bộ đội sang sông/ nhớ người mẹ Hoài Nhơn/ dang tay cản giặc/ trăm quê cùng đi vào bài hát/ trở thành quê chung/ trở thành pháo đài…”. Nhớ anh hùng nhỏ tuổi Vũ Bão ở Đề Ghi – Phù cát, Bình Định đã hi sinh, nhớ người mẹ Hoài Nhơn tay không cản giặc… tất cả như cuốn phim quay chậm trong chiến hào chờ giặc “Chuẩn bị đã xong rồi/ phút chờ địch say mê như câu kết bài chòi… ai về Bình Định, theo cùng”. Bài thơ được viết vào năm 1972 mà mới từ thể loại đến tứ thơ, những câu thơ dài ngắn theo dòng hồi tưởng của thi nhân được gợi hứng từ “điệu bài chòi ngân nga”; mỗi địa danh được nhắc đến vừa là văn hóa, vừa là lịch sử, vừa là niềm tự hào, niềm tin về cuộc chiến tranh nhân dân.

Tập thơ “Cảm ơn mùa xuân”, có những bài thơ tình thật xúc động. Cái tôi trữ tình kín đáo bày tỏ tình yêu với đối tượng trữ tình là em: “Nơi ấy bây giờ ta đến/ anh nói cùng em/ chiếc nôi xưa giữ hạnh phúc chúng mình/ Ba Tơ… Để bây giờ anh đi tìm em/ qua ngầm sâu suối cạn/ đường lên là đường về/ em, em lên đây vào mùa xuân hay mùa hạ/ mà nước từ nguồn trong trẻo lạ/ nước chảy nao lòng…” (Đôi điều ở Ba Tơ). “nước chảy nao lòng” – nao lòng không chỉ từ tôi mà từ em – người đọc được những câu thơ này hẳn xao xuyến, bồi hồi bởi câu hỏi tu từ và phép điệp từ quá dễ thương “em, em lên đây vào mùa xuân hay mùa hạ”; dẫu là biết mà vẫn hỏi, hỏi để mà khẳng định cái tình xao xuyến, cái lòng bâng khuâng; thơ tình là thế, kín đáo, nhẹ nhàng mà sâu thẳm…

Sông” là bài thơ tình hay, cảm xúc dạt dào: “Những triền núi ta qua/ giấu tình yêu không nói/ rừng âm vang tiếng gọi/ đồng bằng/ trưa nay/ tôi đến với sông/ tự nhiên và hồn hậu/ chẳng biết nói sao khi nước ùa vào lòng// Anh về em cũng muốn về theo…”. (Sông – 1974). “Tôi/ sông/ nước”… ẩn dụ, kín đáo; rồi mới hạ một câu “Anh về em cũng muốn về theo…”. Khoảng trắng của dòng thơ sau dấu ba chấm thật nhiều ý tứ. Người lính hành quân qua núi, qua sông là chuyện hàng ngày, nhưng tâm sự mà nhà thơ gửi gắm là “Kỷ niệm níu đôi bờ nghiêng xuống” – phép nhân hóa trong câu thơ trĩu nặng tương tư. Chuyện lên rừng, xuống biển, chuyện vượt núi vượt non “bỏ lại nhiều đồn thù vụn nát” cũng là chỉ để che giấu một nỗi nhớ “Câu hát cũ nào quên/ anh về…”. Nghĩa là lời hẹn thề nhắc nhở, nung nấu trái tim anh, để trong dặm dài hành quân anh như có thêm sức mạnh và càng thêm nhiều ước mơ, hi vọng: “anh trở về dòng sông mến yêu/ em như nước mát đợi chờ/ bàn tay nhỏ trao điều muốn nói/ cuộc đời giản dị sao hạnh phúc đến sững sờ… sẽ đến tiếp mai này trận đánh/ một dòng sông rộng rãi mong chờ!”. Cảm hứng sử thi và lãng mạn là điểm nhấn của văn học trước 1975; cảm hứng trong bài thơ “Sông” là cảm hứng lãng mạn và tình nhất trong các bài thơ tình hay của văn học chống Mỹ. Cả bài thơ có 46 câu, mà có 2 câu như đứng riêng: “Anh về em cũng muốn về theo…”, “anh về…” – đây là nguyên cớ để có tứ thơ hay; là lời nhắn nhủ, nhắc nhở và cũng là cảm xúc đã chiếm trọn tâm tư anh “chẳng biết nói sao khi nước ùa vào lòng” – bối rối, bâng khuâng, mà kín đáo, thầm lặng; bởi trong anh và em đã có “Kỷ niệm níu đôi bờ nghiêng xuống”.

Là nhà văn trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong sáng tác của Cao Duy Thảo có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, giữa hiện tại với quá khứ, giữa riêng và chung. Nguồn cảm hứng, thi liệu văn học dân gian được nhà thơ sáng tạo nên những thi ảnh ấn tượng trong bài thơ “Làng”. Tư duy thơ có sự hòa quyện giữa thực và mơ, giữa thời bình và thời chiến, giữa chờ đợi và nhớ nhung. Thi ảnh “trăng”, “mẹ”, “ai đó” luyến láy trong câu chữ, vần điệu; thi liệu dân gian đi về trong tâm thức đã đúc thành những khổ thơ hay; những câu thơ 8 chữ đã diễn tả được thi hứng dồi dào của thi nhân về “Làng”.

Bầu sữa mẹ của văn học dân gian ngấm vào tâm hồn nhà thơ để khi viết ra nhuần nhị như lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân, gần gũi mà thân thương: “Cây khế chua vào vôi cây khế ngọt/ trái thị vàng thơm cả giấc chiêm bao/ gà chiu chít hiên nhà ai ngâu nở/ cá theo trăng lặn xuống đáy chiến hào”. Thi ảnh “cây khế, trái thị vàng…” gợi nhớ về một miền cổ tích, câu thơ “cá theo trăng lặn xuống đáy chiến hào” thật độc đáo – “thi trung hữu họa”, bức tranh trăng quá lãng mạn mà cũng quá đặc biệt, thường thì cá với trăng có lặn thì lặn xuống dòng sông, nay lại ở “đáy chiến hào” – người lính đã trải qua biết bao đêm thao thức thường trực chiến đấu thì mới có cái nhìn đậm chất thơ với không gian chiến trận, nên mới có câu thơ độc đáo như thế. “Thơ là nghệ thuật kì diệu bậc nhất của trí tưởng tượng” (Sóng Hồng).

Hình tượng thơ lấp lánh ở khổ thơ tiếp theo: “Mẹ trở dậy vào canh ba thắp lửa/ cọng rơm khô óng nắng mùa thơm/ bùn trên áo trổ cánh bèo lấm tấm/ dáng năm xưa mẹ thức dậy chờ con”. Thời gian là vào canh ba – còn rất sớm, không gian tĩnh lặng, cái nhìn nghệ thuật của thi nhân tập trung vào ba điểm: “cọng rơm khô, bùn trên áo, dáng mẹ”. Điểm nhìn cụ thể xoáy sâu vào miêu tả, phẩm bình: “cọng rơm khô óng nắng mùa thơm” – vậy là khi mẹ “thắp lửa”, ngọn lửa bùng lên ấm áp như có cả mùi thơm của nắng. Cái thần của câu thơ “bùn trên áo trổ cánh bèo lấm tấm” nằm ở động từ “trổ” tạo nên hình ảnh nghệ thuật “cánh bèo lấm tấm”. Thi nhãn “trổ” thể hiện tài quan sát của nhà thơ và sáng bừng ý thơ “dáng mẹ năm xưa”. Hình ảnh “mẹ trở dậy”, “dáng năm xưa mẹ thức dậy chờ con” đã in hằn trong tâm thức nhà thơ, trong cái nhìn nghệ thuật, nên khổ thơ diễn đạt giản dị mà quá hay.

Thi tứ tuyệt vời ở mỗi khổ thơ: “Đường làng nhỏ vết chân trâu vấp váp/ dấu trầm luân một thuở đã sang trang/ câu hát em cùng trăng thanh ở lại/ em ơi em! Câu hát níu người sang”. Làng thanh bình trong bước chân trâu vấp váp, cùng trăng thanh, và câu hát níu chân người. “Tiếng ai ru sau rặng tre/ một mai ai chớ…/ trăng xanh biếc ngò đơm bông lằng lặng/ cánh cò đêm vỗ nhẹ giữa trời cao”. Hẳn không gian tràn trề ánh trăng đó phải hết sức tĩnh lặng mới nghe tiếng cánh cò vỗ nhẹ “cánh cò đêm vỗ nhẹ” – thi pháp dùng động tả tĩnh tuyệt vời. Với không gian nghệ thuật đó, nhà thơ Cao Duy Thảo đã viết câu thơ xuất thần trong giây phút thăng hoa của tâm hồn: “trăng xanh biếc ngò đơm bông lằng lặng”, thật độc đáo và gợi biết bao hình dung, tưởng tượng về không gian nghệ thuật trong cảm thức của thi nhân.

Người lính Cao Duy Thảo tham gia chiến trận suốt 10 năm (1966 vào Nam chiến đấu), khi đón nhận niềm hạnh phúc được làm cha trong không khí hòa bình “Bé oa oa chào đời/ khi mùa xuân về trước cửa”, ông đã bày tỏ lòng biết ơn trước những đồng chí, đồng đội; cảm ơn những tháng ngày cùng đồng đội chung lưng đấu cật, cảm ơn những đồng đội đã hi sinh cho hòa bình hôm nay: “hoa đăng kết suốt dọc dài đất nước/ điểm đoàn viên ba hẹn: miền Nam”. Có những câu thơ đọc lên lòng cứ rưng rưng: “Con đâu biết có những mùa xuân/ đêm súng nổ và người ra trận/ gió táp mặt người rát bỏng/ áo khoác ngụy trang ba mải miết hành quân”. Biết bao người lính ra trận, mải miết hành quân để hôm nay non sông liền một dải. “Trọn vẹn đất trời đã giành lại cho con/ bào thai lớn nuôi hình hài con đó/ cảm ơn người cảm ơn mùa xuân/ gieo hạnh phúc buổi mai này xứ sở” (Cảm ơn mùa xuân, 1997). Cảm xúc thơ sâu sắc, lắng đọng trong bài thơ “Cảm ơn mùa xuân” phản ảnh cái nặng lòng với ơn nghĩa cuộc đời của nhà thơ Cao Duy Thảo.

Nhà thơ Cao Duy Thảo sinh ra ở Bình Định, Quảng Nam là nơi nhà văn sống và chiến đấu, nên những địa danh ở những nơi này vào thơ ông giản dị, tự nhiên mà sâu sắc, bởi mỗi nơi đều in hằn cảm xúc của cái tôi trữ tình của thi nhân. Nếu nhìn vào năm sáng tác, năm xuất bản tập thơ chúng ta sẽ nhận ra nhà thơ đã rất mới trong thi pháp thể loại; trong 20 bài thì có 17 bài theo thể tự do, trong 17 bài theo thể tự do thì những bài sử dụng câu thơ 7 chữ, 8 chữ thường rất hay. Bài thơ “Nói với bạn khi đất nước liền một dải” thể thơ như “đoản khúc trường ca”, cảm hứng sử thi và lãng mạn là cảm xúc chủ đạo trong cả bài thơ.

Tôi đọc anh là để mến yêu anh”([3]) – mến yêu giọng điệu hồn hậu, chân thành, sâu lắng trong thơ Cao Duy Thảo. Hiểu thêm cảm xúc trữ tình cùng những rung động, suy tư của cái tôi trữ tình thi nhân và “Đọc kỹ tập thơ “Cảm ơn mùa Xuân”, mới nhận thêm ra những bài thơ của Cao Duy Thảo một cái tôi trữ tình lặng lẽ góp những minh chứng cho sự chân thành và cương trực tạo thành một nhân cách sống Cao Duy Thảo, từ thời chiến qua thời bình”([4]).

Huế ngày 27/4/2024
TS. Hoàng Thị Thu Thủy


Chú thích:

([1]) Cảm ơn Cao Duy Thảo, tr.5 – Thanh Quế – Cảm ơn mùa xuân – Nxb Đà Nẵng, 1998

([2]) Nhớ nón Gò Găng – Mai Thìn – https://baobinhdinh.vn/643/2003/8/5624/

([3]) Đọc thơ Nguyễn Xuân Thâm – Mai Quốc Liên

([4]) Nhà văn Cao Duy Thảo: Một cốt cách Bình Định, Nguyễn Thanh Mừng,
https://daidoanket.vn/nha-van-cao-duy-thao-mot-cot-cach-binh-dinh-10248709.html