u Quang Vũ không chỉ là một nhà viết kịch xuất sắc, mà còn là một nhà thơ tài năng. Tài năng thơ của ông được bộc lộ từ rất sớm và đã hình thành một phong cách riêng, không giống với những nhà thơ cùng thời. Thơ ông cũng có những cảm hứng khác với thời đại ông đang sống, mà đến ngày nay còn vẹn nguyên ý nghĩa. Một trong những cảm hứng của thơ ông là cảm hứng về một đất nước Việt Nam tươi đẹp, anh dũng mà đau thương qua những bước thăng trầm của lịch sử. Đó là nỗi đau chiến tranh, là cảnh gian khó và trên hết là lòng tin vào những công dân của đất nước này.

Các nhà khoa học ngữ văn đã viết nhiều về Lưu Quang Vũ, trong đó đáng chú ý nhất là những công trình của PGS.TS. Lưu Khánh Thơ, người em gái yêu quý của Lưu Quang Vũ. Tuy nhiên, với một tác giả lớn như Lưu Quang Vũ, thiết tưởng có viết nhiều bao nhiêu vẫn là chưa đủ để soi rọi hết tài năng của ông. Đó là tài năng trên nhiều lĩnh vực: làm thơ, viết kịch, viết truyện ngắn, phê bình sân khấu… Về kịch, Lưu Quang Vũ đã được vinh danh là nhà viết kịch xuất sắc của Việt Nam thời hiện đại, tuy nhiên, về thơ, ông còn được đánh giá rất cao như lời nhận xét của nhà thơ Vũ Quần Phương: “Thơ mới là nơi anh ký thác nhiều nhất và tôi tin nhiều bài thơ của anh sẽ thắng được thời gian… Tôi thấy trước sau, cốt cách thi sĩ vẫn là nét trội nhất trong tâm hồn anh. Tôi cũng trộm nghĩ, về lâu dài sự đóng góp của Lưu Quang Vũ về thơ còn lớn hơn kịch” . Cùng đồng ý với nhà thơ Vũ Quần Phương, có không ít người, trong đó có nhà văn Lê Minh Khuê với ý kiến: “Nhiều người hay cho rằng Lưu Quang Vũ là người của sân khấu. Nhưng bạn bè anh vẫn nghĩ: Vũ là thơ. Bản thân anh khi còn sống cũng luôn đánh giá thơ là quan trọng của đời anh” .
Tuy vậy chúng ta đều biết chính những bài thơ của Lưu Quang Vũ đều có một đời sống thăng trầm theo năm tháng. Nhưng dù thăng trầm đến đâu thì ở thời đại nào, giá trị của thơ Lưu Quang Vũ vẫn còn nguyên vẹn. Lịch sử văn học rất công bằng. Lịch sử văn học chỉ giữ lại trong lòng người đọc những bài thơ hay vượt thời gian. Và thơ Lưu Quang Vũ là một trường hợp như vậy.

Trong những cảm hứng nổi trội của thơ Lưu Quang Vũ, phải kể đến một cảm hứng đặc biệt. Đó chính một cảm hứng có thời đã làm cho đời thơ Lưu Quang Vũ thăng trầm. Đó là cảm hứng về một đất nước Việt Nam giàu truyền thống lịch sử mà buồn đau, nhưng không bi lụy, không tuyệt vọng, mà tràn đầy lạc quan và hy vọng. Tuy nhiên, điều này cũng đã làm cho thơ Lưu Quang Vũ rất khác với các nhà thơ cùng thời. Một mình ông mạnh dạn dấn thân trên một con đường riêng, tạo thành một phong cách riêng. Cảm hứng về một đất nước Việt Nam buồn đau là cảm hứng về một đất nước nghèo khó, gian lao, chiến tranh nhưng ở đó con người vẫn không lụi tàn niềm tin và lòng yêu nước.

1. Cảm hứng về một đất nước có truyền thống văn hóa, lịch sử

Nổi bật trong cảm hứng về đất nước buồn đau của Lưu Quang Vũ, không thể không nhắc đến những dòng thơ thấm đượm nỗi buồn nhưng tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của cha ông. Cảm hứng đó rất khác với cảm hứng của các nhà thơ Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khoa Điềm… Đó là cảm hứng về nỗi đơn độc của người xưa, cảm hứng về những mảnh vụn của lịch sử mà đủ sức làm lay động lòng người.

Đi dọc một triền sông
Những chiếc trống đồng vùi trong cát
Những mảnh bình vỡ nát
Những mũi tên lăn lóc
Khắp đồi núi hoang vu
Những rìu đá cổ sơ những hang động khổng lồ
Những đống lửa còn tro tàn sót lại.

Đi tìm lại thời gian đã mất
Thuở biển cả điên cuồng gầm thét
Những con chim lạc mỏ dài
Bay qua vầng trăng lớn
Cánh sừng sững tắm hoàng hôn đỏ rực
Cất tiếng kêu hoang dại dưới đêm nồng.

(Đất nước đàn bầu)

Bài thơ “Đất nước đàn bầu” là một bài thơ dài 238 câu viết trong những năm 1972, 1983. Bài thơ này có thể nói là kết tinh của cái nhìn của Lưu Quang Vũ về đất nước mình. Bằng một giọng điệu tha thiết, trìu mến và lãng mạn, Lưu Quang Vũ đã khắc họa một quá khứ hào hùng của dân tộc, một dân tộc trưởng thành từ những “bờ bãi sông Hồng” và “gió biển Đông”.

Tôi đi tìm dòng máu của tôi
Hơi thở đầu sôi sục của tôi
Trong cuồn cuộn những ngực trần đen bóng
Những bộ lạc mình vẽ đầy rồng rắn
Quần hôn trên bờ bãi sông Hồng
Những mái tóc dài bay gió biển Đông
Những mái lá có bùi nhùi giữ lửa
Những người đàn bà tết cỏ cây che vú
Đã ngọt ngào dòng sữa
Điệu ru con đầu tiên
Bức tranh đầu tiên khắc mặt người lên đá
Điệu múa đầu tiên theo nhịp thuyền.

(Đất nước đàn bầu)

Và dân tộc Việt ấy không thiếu những truyền thông văn hóa với hồn dân tộc: cô Xúy Vân giả dại, hát phường vải, hát quan họ, vạt áo tứ thân, nón quai thao, phường chạm bạc, phường đúc đồng, rượu Kẻ Mơ, lụa làng Trúc, với những hình ảnh sông Cầu, Kẻ Chợ, Tây Hồ, hàng Điếu, hàng Buồm, hàng Bát, hàng Hài, Tràng Thi,…

Anh con trai phường vải không về
Sông Cầu xa thăm thẳm
Vạt áo tứ thân lau nước mắt
Bà hát tôi nghe những điệu buồn
Đưa tôi về làng quan họ
….
Cháu lên Kẻ Chợ cùng bà
Nón quai thao, áo màu bay rực rỡ
Những lò rèn phập phù bễ lửa
Phường chạm bạc, phường đúc đồng
Phố hàng Hài thêu những chiếc hài cong.
Những cô gái dệt the và phất quạt
Những hàng Điếu hàng Buồm hàng Bát
Rùa trao gươm, chim lạ đến Tây Hồ
Lụa làng Trúc, rượu Kẻ Mơ
Phố Tràng Thi ngựa hí
Phố Tràng Thi những thầy khoá trẻ
Giấy hồng điều phấp phới bút hoa

(Đất nước đàn bầu)

Có cảm giác khi viết những câu thơ này, Lưu Quang Vũ không chỉ viết mà còn vẽ, vẽ đất nước bằng những nét vẽ của một họa sĩ tài ba. Từ những vui buồn dân tộc ấy, Lưu Quang Vũ khẳng định niềm tin bất biến vào văn hóa truyền thống của dân tộc:

Cháu đã đi từ lòng bà ấm áp
Để sống hết những vui buồn dân tộc
Những hoa bìm hoa súng nở trên ao
Những ban mai xanh biếc tiếng đàn bầu
Bà hiền hậu têm trầu bên chõng nước
Em đi gặt trên cánh đồng cổ tích
Lúa bàng hoàng chín rực những triền sông…

(Đất nước đàn bầu)

Một biểu trưng rõ nét nhất của đất nước Việt chính là tiếng mẹ đẻ, thứ tiếng Việt “như bùn và như lụa”, “óng tre ngà”, “mềm mại như tơ” mà Lưu Quang Vũ từng ca ngợi:

Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ.

Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.

(Tiếng Việt)

Có những câu thơ như một lời dự báo tương lai, khi mà tiếng Việt trở thành hồn cốt của dân tộc, đưa những người từ mọi nơi, mọi phía tề tựu lại một nhà, chung một niềm sum họp:

Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển
Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?
Ai ở phía bên kia cầm súng khác
Cùng tôi trong tiếng Việt quay về.

Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình…

(Tiếng Việt)

Giữa những ngày tháng chiến tranh, giữa khung cảnh chiến tranh, những vần thơ của Lưu Quang Vũ như là một nơi để lưu giữ hồn dân tộc.

2. Cảm hứng về một đất nước chiến tranh và gian khó, khổ đau.

Thơ của Lưu Quang Vũ thắm đượm tình yêu nước. Nhưng tự hào về truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc, tự hào về đất nước con người không khiến cho Lưu Quang Vũ quên đi những gương mặt khổ đau, xót xa, gian khó của một đất nước đang trong khói lửa chiến tranh. Thời đại của Lưu Quang Vũ sống là thời đại của đạn bom, của đau thương, mất mát, hy sinh. Khi viết về chiến tranh, thơ của ông rất khác với hầu hết các nhà thơ cùng thời đại. Không phải là “Thù muôn đời muôn kiếp không tan” (Tố Hữu), không phải là “Ngô thuốc độc ngợi ca máy chém” (Chế Lan Viên), “Cái nền căm hờn” (Nguyễn Khoa Điềm)…, mà là một giọng thơ khác hẳn, đầy nhân tình, đầy nỗi lòng của một con người hiểu rõ bản chất phi nghĩa, vô lý của chiến tranh. Bên cạnh dòng mạch chung với những bài ca mang đầy tinh thần lạc quan phơi phới, những lời lên án quyết liệt, thì thơ Lưu Quang Vũ lại là một dòng mạch khác, trầm lắng hơn, xót xa hơn. Là người trực tiếp cầm súng, cũng là một chiến sĩ, Lưu Quang Vũ hiểu hơn ai hết về đời sống của những người lính trẻ. Với vai trò là một nhà thơ – chiến sĩ, Lưu Quang Vũ viết về người lính như viết về chính mình và người lính hiện lên trong thơ ông đầy bi tráng, đầu xanh tuổi trẻ đã phải ra trận.

Những đứa trẻ vô tư
Những đứa trẻ con 17 tuổi
Hôm nay tòng quân.

(Lại sắp hết năm rồi)

Chiến tranh hiện lên trong thơ Lưu Quang Vũ không phải là “anh đi xuôi ngược tung hoành, bước dài như gió lay thành chuyển non” (Tố Hữu), cũng không phải là “Tên Mỹ kia! Mày bị căm ghét đời đời” (Nguyễn Khoa Điềm”, cũng không phải là “Vậy ta chỉ còn một con đường, giết chúng mà thôi…” (Chế Lan Viên), mà là một cái nhìn nhân văn đến lạ kỳ với những tứ thơ tưởng chừng như rút ra từ máu thịt, tâm can.

tiếng thét xé mặt sông
chuyến phà công bom đắm
tiếng trẻ gào dưới tầng nhà đổ sập
thời khắc vỡ tan trên những chiếc đồng hồ
những bàn tay nát nhừ
những mặt người lộn ngược
gió khét mùi tóc cháy
máu bê bết trên lá cây run rẩy
khói đen che khuất mặt trời
bom la-de và bom hơi
thủy lôi đầy mặt biển
còi báo động đêm ngày gầm thét
như tiếng rú con bò khổng lồ
trên nóc nhà bị kẻ nào chọc tiết

(Hồ sơ mùa hạ 1972)

Chiến tranh bao giờ cũng là nỗi đau của nhân loại, của dân tộc. Chúng ta thấy trong thơ Lưu Quang Vũ, những dòng chữ đau thương nặng tình người. Giữa dàn đồng ca hào hùng ngợi ca đất nước, chiến công, Lưu Quang Vũ chọn cho mình một con đường riêng, nghiêng về những phận người bé nhỏ, những nạn nhân của cuộc chiến.

thành phố nửa đêm chạy giặc
trăng đỏ ngầu trong tiếng ve sôi
những đoàn người hối hả dắt nhau đi
tay xách vai còng gánh nặng
cửa ô chật nghẽn
tiếng còi giục người la
sách thư viện chất cao trên nhưng xe bò
bệnh xá chở những giường sắt trắng
những bệnh nhân què cụt
những cụ già ngồi bệt bên đường
bà mẹ gầy hốt hoảng gọi tìm con
thành phố của tôi đồng bào tôi đó
môi khô nẻ lòng như máu ứa.

(Hồ sơ mùa hạ 1972)

Cũng thấp thoáng đâu đó một niềm tuyệt vọng trước cảnh chiến tranh tàn khốc, tuyệt vọng bởi vì cảm thấy bản thân mình bất lực, tuyệt vọng vì xung quanh mình toàn cảnh khói lửa chiến tranh và những cuộc chia ly lên đường không hẹn ngày gặp lại.

Gió hú ầm ào qua gạch vỡ
Người chết vùi thân dưới hố bom
Kẻ sống vật vờ không chốn ở
Lang thang trẻ ốm ngủ bên đường

Cơ sự làm sao đến nỗi này
Mông lung không đoán được ngày mai
Máu chảy thành sông thây chất núi
Bè bạn tan hoang mình rã rời.

(Đêm đông chí uống rượu với bác Lâm và bác Khánh nói về những cuộc chia tay thời loạn)

Một đất nước không chỉ chiến tranh mà còn nhiều năm nghèo đói nữa, thì là một bi kịch cho nhân dân. Trong thơ Lưu Quang Vũ không thiếu những dòng xót xa, cay đắng với những “mặt người màu cỏ héo”, “thiếu ăn thiếu mặc, thiếu nhà”, “thiếu nơi học hành dạy dỗ” :

Những năm khó khăn
Hè phố đầy hầm, tường đầy khẩu hiệu
Quần áo và mặt người màu cỏ héo
Thiếu ăn thiếu mặc thiếu nhà
Người đợi tàu ngủ chật sân ga
Trẻ con thiếu nơi học hành dạy dỗ
Các cô gái trở nên suồng sã
Những năm già trước tuổi
Những năm thương Hà Nội trăm lần hơn.

(Viết lại một bài thơ Hà Nội)

Nhà thơ đau xót trước thế sự của đất nước, nên đã bật thốt lên lời khẩn cầu với Tổ quốc, lời khẩn cầu của một người con yêu đất nước mình. Nhà thơ đã trân trọng gọi đất nước như là gọi một con người có linh hồn, có cảm xúc, có nhận thức:

Tổ quốc là nơi toả bóng yên vui
Nơi nghĩ đến lòng ta yên tĩnh nhất
Nhưng nghĩ đến Người lòng tôi rách nát
Xin Người đừng trách giận, Việt Nam ơi.

(Việt Nam ơi)

Lưu Quang Vũ nhiều lần đặt câu hỏi tự vấn bản thân mình, những câu hỏi tu từ dồn dập, trĩu nặng tâm tư, tình cảm, những câu hỏi cho tương lai mà chưa có lời giải đáp:

Người có triệu chúng tôi, tôi chỉ có một Người
Tất cả sẽ ra sao
Mảnh đất nghèo máu ứa?
Người sẽ đi đến đâu
Hả Việt Nam khốn khổ?
Đến bao giờ bông lúa
Là tình yêu của Người?
Đến bao giờ ngày vui
Như chim về bên cửa?
Đến bao giờ Người mới được nghỉ ngơi
Trong nắng ấm và tiếng cười trẻ nhỏ?
Đến bao giờ đến bao giờ nữa
Việt Nam ơi?

(Việt Nam ơi)

Nhưng trên tất cả, vẫn là “những năm đau xót và hy vọng”, những năm tháng cần có niềm tin để sống, cần có một chỗ dựa để tựa vào, và Lưu Quang Vũ đã có niềm tin ấy, như một lời khẳng định “chúng ta cần phải sống”:

Đứa trẻ nhà ai bỗng khóc thét lên
Ôm chầm lấy anh dưới cầu thang tối
Đừng sợ, bé em ơi, đừng sợ hãi
Chúng ta cần phải sống
Làm chứng nhân tấn kịch thảm thê này.

(Ghi vội một đêm 1972)

Và có những câu thơ như tiên đoán cho tương lai, khi mà đất nước thanh bình, khi mà con người đang cần có niềm tin hơn bao giờ hết, khi mà ước nguyện “mang cho mọi người áo mặc cơm ăn”, khi mà xã hội chúng ta đang cần “những bàn tay dám làm, những tấm lòng dám thật”, thì những câu thơ của Lưu Quang Vũ vẫn đậm tính thời sự:

Người ta không thể sống bằng niềm tin đẹp
Bằng áp phích trên tường bằng những lời đanh thép
Phải mang cho mọi người áo mặc cơm ăn
Phải có nhà trường cửa sổ trời xanh
Những bàn tay dám làm những tấm lòng dám thật
Cuộc đời chẳng dừng chân một phút
Những điều hôm qua tưởng tuyệt vời tốt đẹp
Đến nay thành không đủ nữa rồi
Những người tốt tự bằng lòng với hôm nay
Mai sẽ là kẻ xấu
Thành phố lớn lao bí mật tựa cuộc đời
Tốt đẹp mà dang dở
Tôi dâng trọn đời tôi còn chưa đủ
Không đắn đo tôi gửi hết niềm tin.

(Viết lại một bài thơ Hà Nội)

Cảm hứng về đất nước buồn đau được Lưu Quang Vũ viết bằng giọng điệu thơ buồn, tha thiết, nhưng cũng không kém phầm mê say, đắm đuối. Mê say, đắm đuối là lòng yêu nước, yêu nền văn hóa, yêu lịch sử dân tộc Việt. Còn u buồn, tha thiết là khi viết về những nỗi đau chiến tranh, gian lao, nghèo khó của dân tộc. Nhưng dù viết bằng giọng điệu nào đi nữa, nổi bật nhất vẫn là giọng điệu buồn đau, tạo cảm hứng về một đất nước chiến tranh, đau thương, nghèo đói. Mặt khác, cảm hứng về đất nước được Lưu Quang Vũ diễn tả bằng những hình ảnh quen mà lạ, lạ mà quen, thổi hồn vào những hình ảnh ấy, thêm ý nghĩa mới cho chúng. Đó là những hình ảnh như “nắng ấm”, “tiếng cười trẻ nhỏ”, “sân ga”, “máu ứa”, “trăng đỏ ngầu” v.v…

Trong thời đại mà Lưu Quang Vũ sống, dường như cảm hứng về đất nước buồn đau là một cảm hứng ít được các nhà thơ quan tâm, thậm chí là cấm kỵ trong đời sống văn học thời bấy giờ. Nhưng Lưu Quang Vũ đã mạnh dạn viết, dũng cảm viết và tài năng viết. Sự nhạy cảm kỳ diệu của Lưu Quang Vũ đã khiến cho ông viết những vần thơ còn mãi với thời gian, không bao giờ xưa cũ. Khi trên mặt đất này còn chiến tranh, còn nghèo đói, còn bất công, còn độc ác, thì những vần thơ Lưu Quang Vũ vẫn còn mãi đó, như nhắc nhở chúng ta, nói với chúng ta về trách nhiệm của người công dân đối với đất nước. Giá trị của thơ Lưu Quang Vũ là ở đó. Ở phương diện này, ông đã đi vượt trước thời đại của ông, và đã tiên cảm được tương lai.

Hà Thanh Vân

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lưu Khánh Thơ (1994), Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ tình yêu và sự nghiệp, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.
2. Lưu Khánh Thơ (1997), Lưu Quang Vũ – thơ và đời. NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
3. Lưu Khánh Thơ (2001) Lưu Quang Vũ – tài năng và lao động nghệ thuật. NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
4. Lưu Khánh Thơ (2007), Đối thoại tình yêu Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ. NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.
5. Lưu Khánh Thơ (2008), Lưu Quang Vũ – Di cảo (nhật ký và thơ), NXB Lao động, Hà Nội.
6. Lý Hoài Thu – Lưu Khánh Thơ (2007), Lưu Quang Vũ về tác gia – tác phẩm. NXB Giáo dục, Hà Nội.
7. Lưu Quang Vũ – Bằng Việt (1968), Hương cây – Bếp lửa. NXB Văn học, Hà Nội.
8. Lưu Quang Vũ (1989), Mây trắng của đời tôi, NXB Tác phẩm mới (Hà Nội).
9. Lưu Quang Vũ (1993), Bầy ong trong đêm sâu, NXB Tác phẩm mới (Hà Nội).
10. Lưu Quang Vũ (2010), Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.