Được mệnh danh là “Bà Chúa thơ Nôm”, Hồ Xuân Hương còn được biết đến như một nhà thơ của phụ nữ. Sống trong chế độ phong kiến, nơi người phụ nữ phải hứng chịu thân phận lép vế, bất bình đẳng so với nam giới, nơi họ bị ràng buộc bởi quan niệm “tam tòng tứ đức”, không được tự do phát triển bản thân, tự do lựa chọn hạnh phúc.
Bà đã khảng khái thể hiện quan điểm, bộc lộ bản thân và cá tính, đặc biệt bà dám cất lên tiếng nói phản kháng, đòi quyền bình đẳng cho giới mình. Thơ Nôm của bà, với tiếng cười trào phúng, đã góp một tiếng nói riêng, độc đáo, thấm đẫm khát vọng nữ quyền cho văn chương nữ giới thời trung đại nói riêng và văn học Việt Nam nói chung.
1. Ý nghĩa của tiếng cười trào phúng trong văn học nữ quyền
Với đặc thù của loại hình nghệ thuật ngôn từ, có khả năng biểu đạt tư tưởng con người, phản ánh tâm tư, tình cảm, khát vọng, văn học trào phúng đã biến tiếng cười thành một phương tiện biểu đạt. Tiếng cười trào phúng trong văn học có thể là nỗi đau, có thể là sự chê bai, giễu cợt, mỉa mai, châm biếm, cũng có thể là khát vọng của con người về một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng dù là gì, nó cũng đã được cất lên như một thứ sức mạnh. Theo Văn Tân, tiếng cười trào phúng thể hiện sự đánh giá một đối tượng nào đấy, “sự đánh giá này thể hiện ở sự khinh bỉ, sự chê bai một cách sâu cay, của kẻ được ở vào cái thế được mỉa mai kẻ khác”[1]. Có người cho rằng “tiếng cười hài hước bật ra là do sức mạnh nội tại của tâm trí chúng ta, tức là sự phản kháng và sự thắng lợi của tư duy logic đối với những hiện tượng muốn lọt ra khỏi phạm vi giải quyết của nó. Tiếng cười hài hước thể hiện sự thắng lợi của trí tuệ”[2].
Như vậy, tiếng cười trào phúng trong văn học bắt nguồn từ sự không hài lòng với thực tế, và tiếng cười thực chất là sự đánh giá (mỉa mai, giễu cợt, chê bai, hạ bệ, lên án…) đối với một đối tượng nào đấy, thể hiện tâm thế bề trên của chủ thể. Nó chính là tiếng nói tố cáo, lên án cái xấu xa, qua đó thể hiện khát vọng muốn thay đổi thực tại sao cho tốt đẹp hơn. Tiếng cười, ở khía cạnh này, chính là “sức mạnh nội tại của tâm trí”.
Trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương nói riêng và văn học nữ quyền Việt Nam nói chung, tiếng cười trào phúng phá vỡ những định kiến, quan niệm lỗi thời về vai trò của phụ nữ trong xã hội. Bằng cách chế giễu quan niệm trọng nam khinh nữ, lên án sự bất công trong xã hội mà nữ giới phải gánh chịu, các tác phẩm này đã giúp thay đổi nhận thức xã hội và đòi hỏi, đấu tranh cho bình đẳng giới.
Tiếng cười trào phúng là công cụ hiệu quả để phê phán những bất công và phân biệt giới tính trong xã hội. Bằng cách sử dụng sự hài hước, mỉa mai, châm biếm, các nhà văn có thể chỉ ra những bất cập và bất công mà phụ nữ phải đối mặt, từ đó khơi gợi sự chú ý và đồng cảm của người đọc. Khác với cách biểu đạt thông thường, cách thức của tiếng cười giúp khơi dậy nhận thức, sự tỉnh thức về những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến giới tính và quyền lợi của phụ nữ. Sự hài hước, mỉa mai có thể giúp người đọc nhận ra những điều bất thường, phi lý mà trước đó họ (có thể) từng coi và chấp nhận như một điều bình thường. Từ đó, các tác phẩm nữ quyền có thể thúc đẩy sự thay đổi xã hội bằng cách chỉ ra những khía cạnh cần được cải thiện, khơi dậy tinh thần đấu tranh cho sự bình đẳng giới. Khi vấn đề được trình bày một cách hài hước và sắc sảo, nó có thể khiến công chúng dễ tiếp cận, dễ nhận ra và thấy được sự cần thiết phải thay đổi xã hội.
Vốn bị lép vế trước nam giới, giờ đây tiếng cười trào phúng có thể là một chỗ dựa cho nữ giới. Sự trào phúng trong sáng tác văn chương giúp phụ nữ mạnh dạn hơn trong việc lên tiếng về những bất công mà họ phải chịu đựng. Sự châm biếm, hài hước là một phương tiện mạnh mẽ để phụ nữ thể hiện quan điểm của mình mà nếu đấu tranh bằng các phương tiện khác có thể bị bác bỏ hay coi thường. Tiếng cười trào phúng cho phép các tác giả nữ quyền sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh một cách sáng tạo để thể hiện những suy nghĩ và cảm xúc của mình. Điều này không chỉ làm cho các tác phẩm trở nên hấp dẫn hơn mà còn mở rộng không gian cho sự tự do biểu đạt trong văn học.
Như vậy, tính chất trào phúng trong văn học nữ quyền không chỉ là một công cụ phê phán mạnh mẽ mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thúc đẩy sự thay đổi xã hội, và khuyến khích sự tự do biểu đạt, sáng tạo của phụ nữ.
2. Khát vọng nữ quyền trong thơ Nôm trào phúng Hồ Xuân Hương
Theo một số nhà nghiên cứu, mặc dù những biểu hiện phản kháng của người phụ nữ trong văn học dân gian và văn học trung đại chỉ là sự “quẫy đạp” vô vọng, ý thức phái tính và nữ quyền vẫn được thể hiện bằng âm sắc riêng của những người phụ nữ giàu lòng trắc ẩn và luôn khát khao hạnh phúc. Đặc biệt, “từ thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX, khi Nho giáo thực sự vẫn giữ vai trò thống trị, khi những luân lý Nho học đã ăn sâu vào tâm thức toàn xã hội Việt Nam, khi người phụ nữ nhất nhất phải tuân thủ những lễ giáo phong kiến hà khắc của đạo Nho thì dường như những khúc ca ai oán của người cung nữ, những lời tâm sự hao gầy, héo mòn của người chinh phụ, những lời phản kháng, lên án xã hội bất công, đòi bình đẳng nam nữ của những người phụ nữ bị xã hội phong kiến dồn đến tận đáy cùng lúc được cất lên”[3]. Biểu hiện của ý thức phái tính ở mỗi nữ tác giả là khác nhau, chẳng hạn ở Đoàn Thị Điểm là khát vọng giải phóng tài năng, đòi hỏi quyền tự chủ, theo đuổi hoài bão, lý tưởng cho người phụ nữ (thông qua một loạt các hình tượng nhân vật nữ như Cung phi Bích Châu, Thánh Mẫu Liễu Hạnh… trong Truyền kỳ tân phả). Ở Đạm Phương nữ sử là sự đồng cảm, khâm phục đối với những người phụ nữ tiết hạnh, gặp cảnh oan nghiệt (qua các bài thơ như Bà Mỵ Châu, Bà Mỵ Ê, Lời tạ ơn bà Trần Thị Thọ ở Nam Kỳ…). Còn ở thơ Nôm Hồ Xuân Hương, đặc trưng ý thức nữ quyền là tiếng cười trào phúng vừa xót xa vừa ngang tàng, mạnh mẽ. Qua tiếng cười đó, nữ sĩ muốn thể hiện khát vọng tự do, khát vọng tình yêu đôi lứa, muốn giải thiêng hình tượng nam giới, đả phá nam quyền.
2.1. Khát vọng tự do, chống lại tư tưởng trọng nam khinh nữ, khẳng định vai trò của người phụ nữ
Hồ Xuân Hương trong nhiều bài thơ đã khẳng định vai trò, giá trị của bản thân nói riêng và người phụ nữ nói chung. Chẳng hạn trong bài Bánh trôi nước, bà đã miêu tả người phụ nữ với vẻ đẹp đầy đặn, trong ngần: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn”. Còn trong bài Đề tranh tố nữ, Hồ Xuân Hương đã khắc họa hình ảnh người phụ nữ bằng giọng điệu dí dỏm. Tương tự, Thiếu nữ ngủ ngày ca ngợi vẻ đẹp trinh trắng ngây thơ của người thiếu nữ với một nụ cười hóm hỉnh. Không chỉ đẹp về hình thể, người phụ nữ trong thơ bà còn đẹp về tâm hồn. Giữa thời buổi nhiễu nhương, dưới chế độ phong kiến ngột ngạt, bị chèn ép, mang thân phận của chiếc bánh trôi “bảy nổi ba chìm”, “rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn” (Bánh trôi nước), của quả mít “vỏ nó xù xì” (Quả mít), của con ốc nhồi “đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi” (Ốc nhồi), người phụ nữ “vẫn giữ tấm lòng son” (Bánh trôi nước).
Đặc biệt, giọng điệu trào phúng trong bài Không chồng mà chửa đã đạt đến một tầng nấc mới của sự lên án, đả kích: nhà thơ dám thách thức cả chế độ phong kiến bằng quan niệm đi ngược lại với quan niệm của xã hội. Việc “không chồng mà chửa” được bà giải thích một cách tỉnh bơ, với một thái độ bông lơn như với chuyện tầm phào: do “cả nể”. Thậm chí, cái việc mang thai khi chưa có chồng của người phụ nữ còn được bà dõng dạc tuyên bố: “Quản bao miệng thế lời chênh lệch/Không có, nhưng mà có, mới ngoan”. Tố cáo tập tục khắc nghiệt, bóp nghẹt quyền sống của người phụ nữ, tiếng cười trào phúng trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương chính là tiếng nói bày tỏ khát vọng được tự do của nữ giới.
Khẳng định vẻ đẹp hình thể, tâm hồn, trí tuệ của người phụ nữ, Hồ Xuân Hương cười mỉa tư tưởng trọng nam khinh nữ của chế độ phong kiến. Hơn thế, bà đả kích, châm biếm thói hư tật xấu của những nhân vật đại diện cho chế độ này, từ vua chúa, quan thị cho đến sư sãi và những kẻ được coi là “hiền nhân quân tử”. Thói mê hoa, hiếu sắc của chúa bị cười chê trong bài Vịnh cái quạt: “Hồng hồng má phấn duyên vì cậy/Chúa dấu vua yêu một cái này”. Cuộc sống trái lẽ tự nhiên của đám quan lại bị phơi bày dưới ngòi bút trào phúng của Hồ Xuân Hương: “Đố ai biết đó vông hay trốc/Còn kẻ nào hay cuống với đầu” (Quan thị).
Chống chế độ phong kiến, Hồ Xuân Hương còn chống tư tưởng thần quyền trong xã hội, đại diện là những kẻ đội lốt tu hành. Lối nói lái được bà sử dụng nhiều nhằm thể hiện tiếng cười khinh miệt, trong đó nhiều lần được dùng để chỉ các bộ phận sinh dục, chuyện tình dục: “đáo nơi neo”, “suông không đấm”, “đếm lại đeo”… Với phép nói lái đầy mỉa mai này, Hồ Xuân Hương muốn hạ bệ các nhà sư, từ “sư cụ” đến “tiểu” và “vãi”. Trong một loạt các bài như Hang Thánh Hóa, Sư bị ong châm, Chùa Quán Sứ… nữ sĩ mô tả sư với hình ảnh thô tục. Tiếng cười mỉa mai giễu cợt của bà không quên cất lên trước những hình ảnh lố lăng, phản cảm này. Bà chống lại thứ tôn giáo đi ngược lại bản tính tự nhiên của con người, thứ tôn giáo bóp nghẹt cuộc sống của họ mà trong xã hội phong kiến, người phụ nữ chịu thiệt thòi, áp bức hơn bất cứ ai khác.
2.2. Khát vọng tình yêu và nhu cầu giải phóng tính dục
Khát vọng tự do yêu đương trong thơ Hồ Xuân Hương là điều không phải bàn cãi. Thậm chí nhiều người cho rằng thơ bà luôn có ý lẳng lơ. Từ góc độ trào phúng, có thể thấy yếu tố cười cợt, trào lộng, châm biếm trong những bài thơ đề cập đến tình yêu và hôn nhân của bà đã góp một tiếng nói riêng, độc đáo trong hành trình đấu tranh cho nữ quyền. Nếu như Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm hay Đạm Phương nữ sử bày tỏ khát vọng được sống bình đẳng với nam giới một cách nhẹ nhàng, nghiêm cẩn và đầy xa xót, thì Hồ Xuân Hương, với cá tính mạnh mẽ của mình đã cười vào chế độ đa thê, mỉa sự bất công mà phụ nữ phải gánh chịu trong tình yêu. Trong Hồ Xuân Hương và dòng thơ Nôm Đường luật (Tài liệu bồi dưỡng giáo viên môn Văn – Tiếng Việt, Nxb. Giáo dục, 1996), Đặng Thanh Lê khẳng định rằng đây là lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, một phụ nữ tài hoa và dũng cảm đã lên tiếng trên giấy trắng mực đen đấu tranh cho quyền lợi của giới mình.
Sống giữa xã hội mà đàn ông có quyền “năm thê bảy thiếp”, người phụ nữ chịu thân phận “bảy nổi ba chìm”, không được tự quyền định đoạt số phận mình, “rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”, Hồ Xuân Hương vẫn khẳng định vẻ đẹp trọn vẹn, trinh trắng của họ. Cay đắng là vậy nhưng nữ sĩ không cam chịu trong nghẹn ngào, bà ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ bằng một giọng điệu dí dỏm, khiến cho mọi khổ hạnh dường như nhẹ bẫng, chỉ còn lại tiếng cười tiềm ẩn trong đó sự tự tin và sức mạnh. Trong Đề tranh tố nữ, tác giả viết: “Ngàn năm còn mãi cái xuân xanh”. Hay như trong Mời trầu, bà viết như đang đùa vui mà lại ẩn chứa trong từng câu chữ, giọng điệu một sự đòi hỏi đầy tha thiết và mãnh liệt về tình yêu đôi lứa: “Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi/Này của Xuân Hương đã quệt rồi”. Bà không ngần ngại đưa tên mình một cách đầy thách thức vào trong thơ, với hàm ý khẳng định chủ quyền. Khát khao yêu đương, khát khao tình duyên “thắm lại”, nhưng Hồ Xuân Hương cũng không quên nhẹ nhàng cảnh cáo đối phương: “Đừng xanh như lá, bạc như vôi”.
Trong một bài thơ khác, Hồ Xuân Hương cũng bày tỏ mong muốn này nhưng bằng cách thức hài hước hơn. Mượn quả mít để nói về người phụ nữ và khát vọng yêu đương, bà cảnh báo: “Quân tử có thương thì đóng cọc/Xin đừng mân mó, nhựa ra tay” (Quả mít). “Đóng cọc”, “mân mó” đều là những động từ được tác giả dùng để ám chỉ những hành động của nam giới trong mối quan hệ yêu đương với nữ giới. Bằng cách nói dí dỏm này, Hồ Xuân Hương khẳng định rằng phụ nữ có quyền đòi hỏi một tình yêu nghiêm túc, có trách nhiệm. Khát vọng cháy bỏng về một tình yêu chân chính, chung thủy còn được thể hiện trong một loạt các bài thơ như Qua sông phụ sóng, Trách Chiêu Hổ III, Làm lẽ…
Không những lên án chế độ đa thê coi thường phụ nữ, gây ra những cảnh trớ trêu khiến người phụ nữ khốn khổ, Hồ Xuân Hương còn mạnh dạn hơn trong đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho nữ giới khi đả phá những quan niệm, tập tục phong kiến khắc nghiệt về người phụ nữ “không chồng mà chửa”. Điều đáng nói là nữ thi sĩ bày tỏ thái độ của mình theo cách châm biếm, mỉa mai. Nó giống như một tiếng cười mỉa đầy thách thức đối với chế độ phong kiến hủ lậu: “Quản bao miệng thế lời chênh lệch/Không có, nhưng mà có mới ngoan” (Không chồng mà chửa).
Những người đàn bà “không chồng mà chửa” được Hồ Xuân Hương mô tả theo lối trào lộng là “có mới ngoan”, còn với những người đàn bà có chồng chết, nữ sĩ cũng thả vào thơ một tiếng cười bỡn cợt. Theo giai thoại, Hồ Xuân Hương làm vợ lẽ Tổng Cóc và có cuộc sống vợ chồng không mấy mặn mà. Khi Tổng Cóc chết, tiếng cười vang lên trong thơ bà, qua đó thể hiện khát vọng tháo cũi sổ lồng, khát vọng được hạnh phúc trong tình yêu và hôn nhân. Bài thơ Khóc Tổng Cóc cùng một số bài thơ viết về những người đàn bà có chồng chết khác như Bỡn bà lang khóc chồng, Dỗ người đàn bà có chồng chết đều được viết với cùng một tinh thần như thế.
Điểm đặc biệt, cũng là điều gây tranh cãi trong thơ Hồ Xuân Hương chính là nhu cầu giải phóng tính dục được thể hiện một cách khá rõ nét. Liên quan đến vấn đề dâm, tục trong thơ bà, trong các nhà nghiên cứu chia ra nhiều luồng ý kiến. Trương Tửu trong khi áp dụng thuyết phân tâm học của Freud để lý giải hiện tượng Hồ Xuân Hương đã cho rằng “não trạng ấy là di tích của một tôn giáo thờ sự sinh đẻ”, rằng Hồ Xuân Hương là “thiên tài hiếu dâm đến cực điểm”, “bất kì tả cảnh vật gì, nàng cũng tả qua một cái khung dâm – cái giống”[4]. Trong một công trình khác, Trương Tửu cho rằng căn bệnh thần kinh của Hồ Xuân Hương thể hiện ở “ham muốn nhục tình sôi nổi” vì “đời Hồ Xuân Hương, tựu trung, chỉ là một sự tìm chồng”[5]. Nguyễn Văn Hanh, Văn Tân, Trần Thanh Mại cũng cho rằng Hồ Xuân Hương mắc bệnh thần kinh, bị khủng hoảng tình dục do thiếu thốn về tính dục. Văn Tân trong Văn học trào phúng Việt Nam (Nxb. Văn Sử Địa, Quyển Thượng, 1958) gọi đó là sự khủng hoảng tình dục luôn luôn sôi sục và trầm trọng.
Tuy nhiên luồng ý kiến khác lại nhìn nhận cái tục của Hồ Xuân Hương ở khía cạnh khát vọng giải phóng tính dục rất chính đáng của người phụ nữ. Nguyễn Đức Bính trong một số công trình khẳng định đó chính là bản năng sinh tồn của con người, là tự nhiên, là chính đáng và thơ viết về tình yêu thân xác là loại thơ trong trẻo, lành mạnh, thậm chí là lành mạnh và có giá trị nhất. Các nhà nghiên cứu Đỗ Đức Hiểu, Tam Vị, Đỗ Lai Thúy đều khẳng định cái tục trong thơ Hồ Xuân Hương không phải “tục để mà tục” mà nhằm thể hiện khát vọng sống hồn nhiên, khát vọng hạnh phúc chân chính của con người. Đặc biệt, nhiều nhà nghiên cứu coi cái tục trong thơ Xuân Hương như một thứ vũ khí châm biếm. Nguyễn Văn Hoàn cho rằng “cái tục ở đây không phải là mục đích, cũng chưa hẳn là đối tượng miêu tả chính, mà chỉ là một phương tiện nghệ thuật, một vũ khí châm biếm lợi hại”[6]. Còn Ngô Gia Võ nhận xét: “Phủ định phong kiến để rồi bà đi tới khẳng định đó là nhu cầu chính đáng, tự nhiên của con người. Do đó có hàng loạt bài thơ trào phúng của bà tràn trề một tiếng cười vui đùa, sảng khoái, ngợi ca và khẳng định nguồn sinh lực cường tráng của con người trong hạnh phúc tình dục”[7].
Có thể rõ ràng nhận thấy nhiều bài thơ Nôm của Hồ Xuân Hương, nhất là các bài thơ có yếu tố tục, đều hướng đến tính dục. Bà thường xuyên ám chỉ các bộ phận sinh dục, ám chỉ chuyện tình dục. Có lẽ với bà, tình dục là một điều tự nhiên, quen thuộc, tất yếu. Và chính yếu tố trào phúng đã khiến cái tục trong thơ Hồ Xuân Hương trở nên duyên dáng. “Tiêu chí để tìm ra ý nghĩa, đối tượng trào phúng trong thơ Hồ Xuân Hương rất hay gắn với hạnh phúc tình dục”[8].
Ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ, Hồ Xuân Hương thường gắn với tính dục, nhưng lúc nào cũng mang tính trào phúng. Trong nhiều trường hợp, Hồ Xuân Hương sử dụng các biện pháp như ẩn dụ, phản ngữ để gây cười. Viết về cái giếng thơi, cái quạt mà ẩn dụ về hình thể người phụ nữ (Giếng thơi, Cái quạt – bài 2). Nhiều bài thơ mượn các sự vật, sự việc để ám chỉ về chuyện tình dục (Trống thủng, Cái quạt – bài 1, Dệt cửi, Đánh đu, Háng Thánh Hóa…). Phản ngữ được dùng nhiều: “Mỏng dày chừng ấy, chành ba góc/Rộng hẹp đường nào, cắm một cay” (Cát quạt – bài 1), hay: “Trai đu gối hạc khom khom cật/Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng” (Đánh đu). Bên cạnh đó, nữ sĩ còn chơi chữ, đánh tráo quan hệ cú pháp để tạo chất trào phúng. Như trong bài Kẽm Trống, Hồ Xuân Hương mập mờ ở nhịp ngắt trong câu thơ: “Qua cửa mình ơi nên ngắm lại”. Lối viết này của nữ thi sĩ tạo ra hai cách hiểu về ngắt nhịp khác nhau: “Qua cửa/mình ơi nên ngắm lại”, hoặc: “Qua cửa mình ơi/nên ngắm lại”. Cách tạo ra tính nước đôi, mập mờ này khiến thơ của Hồ Xuân Hương trở nên hài hước, sâu cay. Các thủ pháp độc đáo này đã “tạo nên phong cách tác giả Nôm Đường luật trào phúng Hồ Xuân Hương, hoàn toàn thoát ra khỏi lối thơ trang nghiêm cổ kính để đi theo lối bình dân hóa”, và tiếng cười trào phúng Hồ Xuân Hương “tuy là tiếng cười hồn nhiên, dân dã, tiếng cười của niềm vui sống, khát khao sống đến tận cùng chân thực, nhưng lời lẽ lại vô cùng hiểm hóc”[9].
2.3. Giải thiêng hình tượng nam giới, đả phá nam quyền
Khẳng định giá trị của người phụ nữ, thể hiện khao khát được tự do sống, tự do yêu đương, Hồ Xuân Hương còn đấu tranh cho nữ quyền bằng cách chĩa mũi nhọn tấn công vào nam giới. Tiếng cười mỉa mai, đả kích của bà chính là thứ vũ khí sắc bén, thể hiện “sự khinh bỉ, sự chê bai một cách sâu cay, của kẻ được ở vào cái thế được mỉa mai kẻ khác” như Văn Tân đã luận về tiếng cười.
Nếu như chế độ phong kiến coi trọng nam giới, coi thường phụ nữ, thì Hồ Xuân Hương cất tiếng cười giải thiêng hình tượng nam giới, qua đó đả phá nam quyền. Bà chống lại những kẻ được mệnh danh là anh hùng quân tử nhưng bản chất thì hèn kém, dốt nát. Bên cạnh việc cười chê vua chúa, quan thị, bà còn cạnh khóe đám học trò, “quân tử hiền nhân”, gọi chúng là “phường lòi tói” (Tiễn người làm thơ), “lũ ngẩn ngơ”, xưng chị với chúng và đòi dạy chúng làm thơ (Lỡm học trò). Bà bắt chúng “mỏi gối chồn chân cũng muốn trèo” (Núi Ba Đèo).
Hạ bệ những nhân vật nam giới được xã hội phong kiến nể nang, kính trọng, Hồ Xuân Hương đã cất lên tiếng nói nữ quyền đầy gay gắt sâu cay thông qua tiếng cười trào phúng. “Cũng là tiếng cười Hồ Xuân Hương ấy, lại là bão tố thổi bay những mặt nạ mạo danh anh hùng quân tử, xé toạc, phanh phui, lột trần những tấm áo đạo đức giả để trơ ra những cái gì là hèn kém, thô lậu, bỉ ổi của thế giới những kẻ đáng lên án trong xã hội phong kiến hủ lậu ngày xưa”[10].
Với những thi phẩm trào phúng của mình, Hồ Xuân Hương đã tạo ra một cá tính sáng tạo độc đáo trong văn học nữ giới nói riêng và văn học trung đại Việt Nam nói chung. Nói như Trần Thị Lệ Thanh, Nguyễn Thu Hà, “nếu xét những đóng góp của Hồ Xuân Hương cho dòng thơ Đường luật trào phúng thì phải thấy Hồ Xuân Hương thực sự là một bước tiến vượt bậc trong lịch sử thơ Đường luật trào phúng trung đại Việt Nam”[11]. Còn nếu xét trên bình diện văn học nữ quyền, thơ Nôm trào phúng Hồ Xuân Hương đã thể hiện rõ nét ý thức phái tính, khát vọng được tự do, được yêu, được bình đẳng với nam giới. Tiếng cười của bà, dẫu ít nhiều chứa đựng xa xót, vẫn thể hiện sự dí dỏm, hài hước, hào sảng và cả sự mạnh mẽ, táo bạo trong khát vọng đầy tính nhân văn này.
PHẠM QUỲNH AN
Chú thích:
1. Văn Tân (1957), Tiếng cười Việt Nam. Nxb Văn Sử Địa, tr.20.
2. Đinh Gia Khánh (chủ biên) (2002), Văn học dân gian Việt Nam. Nxb. Giáo dục, tr.366.
3. Nguyễn Thị Thanh Xuân (2013), Về sự xác lập ý thức phái tính và nữ quyền trong văn học Việt Nam truyền thống. http://giaoducvaxahoi.vn, ngày 27/2.
4. Trương Tửu (1940), Kinh thi Việt Nam. Nxb Hàn Thuyên, tr.159,160.
5. Hoàng Ly – Tưởng Linh Tử (1950). Văn nghệ bình dân Việt Nam, HTX Văn hóa mới, Thanh Hóa xuất bản.
6. Nhiều tác giả (1983), Lịch sử văn học Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, tr.377,378.
7. Ngô Gia Võ (2002), Hồ Xuân Hương với dòng thơ Nôm Đường luật trào phúng. Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tr.127.
8. Ngô Gia Võ (2002), Hồ Xuân Hương với dòng thơ Nôm Đường luật trào phúng. Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tr.126.
9. Trần Thị Lệ Thanh, Nguyễn Thu Hà (2019), Thơ Đường luật trào phúng Việt Nam thời trung đại. Tạp chí Khoa học (Đại học Tân Trào), số 11, tr.37.
10. Lê Văn Hùng (2011), Lời thơ trào phúng – một biện pháp nghệ thuật xây dựng nên thơ Nôm Đường luật Hồ Xuân Hương. Tạp chí Khoa học, số 12, tr.119.
11. Trần Thị Lệ Thanh, Nguyễn Thu Hà (2019), “Thơ Đường luật trào phúng Việt Nam thời trung đại”, Khoa học (Đại học Tân Trào), số 11, tr.37.