“Nếu biết con cái là một lũ sinh vật lúc nào cũng hào hứng làm những chuyện ngốc nghếch sau lưng đấng sinh thành, chắc các bậc làm cha làm mẹ phải họp hành căng thẳng để bàn tính xem có nên đẻ ra bọn tôi hay không. […] Ờ, có lẽ điều đáng kể nhất mà người lớn đóng góp cho cuộc đời chính là họ làm ra trẻ con một cách hồn nhiên.” (Trích lời cu Mùi – Cảm ơn người lớn)
“Cảm ơn người lớn” chỉ vỏn vẹn gồm 264 trang, chia làm 19 chương, là sự kế thừa và tiếp nối thành công cảm xúc của mạch truyện “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” – một hiện tượng văn học của Nguyễn Nhật Ánh phát hành 10 năm trước.
Vẫn là những cu Mùi, cái Tủn, Tí Sún và Hải cò, vẫn là những câu chuyện nho nhỏ, những trò nghịch ngợm đáng yêu, vẫn duyên, vẫn điên điên như giọng văn Nguyễn Nhật Ánh vốn thế. Thế nhưng cuốn sách này có một khung sườn chắc chắn hơn, được xây đắp bởi những chiêm nghiệm, những trăn trở khi trẻ con đã không còn là trẻ con nữa, mà phải bước qua nấc thang thời gian để trở thành người lớn.
Tác giả thông qua nhân vật cu Mùi để so sánh hai thế giới tưởng chừng cách biệt lại luôn giao hoà ấy, rồi tài tình vẫy thêm vết màu loang ngẫu hứng gợi những suy tư về tình yêu, hôn nhân, tiền bạc, sức khỏe, thời gian, cái chết… Những nỗi ám ảnh muôn thuở của con người.
Nội dung bài viết
Ôi, bạo chúa thời gian!
Thật khó để một bé con 8 tuổi tưởng tượng ra được sau hơn 40 năm cuộc đời nó sẽ đi về đâu. Và Nguyễn Nhật Ánh đã giúp nhiều đứa trẻ cụ thể hóa cái tương lai đó đến từng suy nghĩ.
Là khi nhóm bạn tuổi thơ gặp mặt nhau sau khi tất cả đã là người lớn. Thậm chí là “lớn hơn cả những người lớn”, ở cái tuổi mà cơ thể đã bắt đầu biểu tình, là khi thấy hình trái tim cũng chỉ nghĩ đến bệnh động mạch vành và phòng khám tim mạch chứ không còn sức liên tưởng về tình yêu nữa. Với bao nhiêu thứ đảo lộn sau ngần ấy năm, tất cả chỉ có thể thốt lên rằng: Ôi, bạo chúa thời gian!
“Thời gian biến tóc ta thành hoa lau, nhuộm hồn ta thành lá đỏ. Và đến một ngày nó sẽ biến đời cuộc đời ta thành mây trắng lang thang.”
“Cảm ơn người lớn” kể chuyện về bộ tứ tuổi thơ Mùi – Hải – Tủn – Tí, nhóm bạn thanh mai trúc mã, từ lúc 8 tuổi cùng bày ra đủ trò tinh quái cho đến khi ngũ tuần, rồi mỗi lần tụ tập và hồi tưởng lại phải thốt lên đầy hậm hực rằng: “Tao mà gặp lại thằng Hải cò ngày xưa tao sẽ xáng cho nó một bạt tai vì cái tội chơi ngu!” – Đấy, ông Hải cò bảo vậy.
Trẻ con đáng yêu
Trẻ con có trí tưởng tượng vô cùng phong phú, mơ những thứ rất lạ, rất phi khoa học. Tỉ như muốn tự mình bay như chim, bốn đứa nghĩ thế là rủ nhau làm thật, chim bay được nhờ cánh, vậy thì cùng nhau làm cánh, hậu quả sau chuyến bay là Hải cò xuất viện với cánh tay trắng toát vì bó bột.
Trẻ con có thể nghĩ đến mọi thứ, trừ cái chết. Bởi chúng thấy cái chết xa tít mù, chẳng có liên quan gì đến mình cả, có nhiều thú vui quan trọng hơn, sống mà không vui thì có gì thú vị đâu? Nên trẻ con thường bày trò nghịch dại, như khoái cái cảm giác đi trên đầu tường chênh vênh, chân run run, người lắc lư…
Đầu óc trẻ con nói chung đơn giản, dễ nhớ, mau quên, cả thèm, chóng chán – khi đã chán (hoặc sợ) “bay” rồi thì muốn làm vua để có đặc quyền sai bảo đứa khác “gãi lưng” cho mình.
Từ trò vua tôi đến trò vợ chồng, cãi nhau chí chóe rồi thoắt cái đã gật đầu và nghiêm túc thực hiện vai trò của mình ngay. Cùng lên “kế hoạch lớn” như vẽ bản đồ nơi mình sống, hay là “sản xuất và phát hành” một bộ truyện tranh để kiếm tiền giúp bạn được đi học.
Cu Mùi lại còn làm cái điều ngớ ngẩn như tự viết thư tỏ tình, ký tên con Tủn rồi qua bưu điện gửi cho chính mình. Ấy thế mà khi nhận thư cu cậu vẫn hồi hộp đọc. Mà “ngu” nhất là khi đọc xong thư, sau cái ửng đỏ trên má và tâm trạng phơi phới như con Tủn gửi thư tình cho mình thật, cu Mùi lại đi khoe thư với đám bạn. Kéo theo đó là chuỗi ngày tụi nhỏ gần nhà gửi thư cho nhau, đôi khi chỉ để nói một câu tán gẫu: “Đố mày biết ngày mai cô giáo mặc áo màu gì?”, “Bạn làm bài tập chưa?”.
Những kỷ niệm hồn nhiên đó là quãng thời gian mà tác giả “tôi” luôn hồi tưởng và nhắc nhở bản thân mỗi lần muốn dạy dỗ con cái, để rồi nhận ra hồi đó ông còn điên gấp mười lần con bây giờ, xong kịp thời dừng lại những lời trách mắng và đổi giọng cười xòa “Ờ, ờ… tuyệt lắm, con!”
Người lớn dễ thương
Thoạt đầu, “Cảm ơn người lớn” mới chỉ là vài mẩu chuyện trong sinh hoạt hằng ngày của cu Mùi và đám bạn. Rồi mở rộng không gian nhờ “Bản đồ thị trấn” mà có thêm các nhân vật Hiệp còi, cái Lý, ông Hiên, anh Sỏi, bà Ngát, chị Chiêu… Tiếp nối một chuỗi các câu chuyện đời vô cùng phong phú, thú vị và bất ngờ.
Như câu chuyện về ba mẹ con Lý, nhà con Lý bán nước mắm lẻ, cạnh cái muỗng ống trúc đong nước mắm cho khách, mẹ nó có để cái bảng các-tông chi chít tên người và con số – đó là sổ ghi nợ khi hàng xóm mua trước trả sau. Rồi một ngày mẹ con Lý rượt ba nó vì cái tội xóa sạch tấm bảng ấy.
Điều đáng nói là mẹ nó rượt ba nó chạy lòng vòng chứ không đánh cái nào hết, còn ba nó thì co giò chạy mà vẫn cười hì hì, vin vào cái quyền làm chồng để xóa cái sổ nợ đó, vì thương hàng xóm ai cũng nghèo. Vậy tại sao mẹ con Lý không ghi nợ chỗ khác rồi cất đi? Một điển hình cho trò chơi một người thích ghi cho người kia xóa, một người thích rượt và một người thích bị đuổi!
“Thỉnh thoảng có những người lớn dễ thương. Người lớn dễ thương thỉnh thoảng nghĩ ra những trò chơi dễ thương.”
Dĩ nhiên là thỉnh thoảng người lớn mới dễ thương thôi, bởi khi trưởng thành thì người lớn có quá nhiều điều phải lo toan trong cuộc sống. Thế nên trẻ con phải biết ơn người lớn! Người lớn sinh ra trẻ con và luôn che chở bảo bọc để trẻ con sống một thời tuổi thơ đẹp đẽ như vậy.
Bài học về lòng bao dung
“Người lớn nên thấu hiểu và thông cảm cho trẻ con. Không phải vì người lớn nhiều tuổi hơn trẻ con. Mà là vì người lớn nay là “những đứa trẻ con đã lớn”.”
Người lớn đã từng là trẻ con, nhưng trẻ con chưa từng là người lớn.
Nguyễn Nhật Ánh luôn hoài niệm lại những điều hồn nhiên thú vị thời thơ bé. Để rồi buộc phải so sánh với góc nhìn hoàn toàn khác của người lớn. Phải làm người lớn rồi mới hiểu được lúc xưa mình đã ngây ngô như thế nào.
Điều người lớn hơn trẻ con là kinh nghiệm qua vốn thời gian dài hơn. Đặc quyền của người lớn là có thể nhìn lại thời thơ ấu của mình rồi đối chiếu với thực tại, để chiêm nghiệm về quãng đời mà mình đã sống.
Nhưng không thể bắt trẻ con phải luôn luôn hành xử cẩn trọng như người lớn được, vì trẻ con là quãng đời vui vẻ nhất của một con người, khi còn được chở che dưới đôi cánh của bố mẹ, được ăn chơi và được nghịch dại. Bắt trẻ con trưởng thành sớm cũng giống như việc giết chết quãng đời trẻ con của chúng đi vậy.
Người lớn cần giáo dục trẻ con, nhưng không bao giờ, không cần và không nên dùng bạo lực. Cả bạo lực thân thể lẫn bạo lực ngôn ngữ. Hãy quan sát các con, luôn trò chuyện và lắng nghe tâm sự như những người bạn tri kỷ. Hãy tạo không gian sáng tạo cho các con, để chúng được chơi, được nghịch, và từ những trò chơi đó lắng đọng lại trong tâm hồn non trẻ ký ức quý giá và bài học cho riêng mình.
“Bọn tôi còn cả cuộc đời phía trước để vật lộn, thậm chí để chịu đựng những đòn roi của cuộc sống; bọn tôi không biết tương lai của mình sẽ ra sao, cũng không biết cách chuẩn bị cho tương lai như thế nào nhưng hành động bồng bột thuở ấu thơ đó đã giúp bọn tôi hình thành một thói quen để sau này không phung phí hoặc phản bội lại những ý tưởng tốt đẹp mà tuổi thơ ban phát.”
Và vì những lẽ đó, trẻ con cảm ơn người lớn khi được hiện diện trên cõi đời này, được yêu thương, được nuôi nấng bảo bọc.
Đọc “Cảm ơn người lớn”, trẻ con sẽ thấy người lớn dễ thương theo cách mà họ không biết. Còn người lớn sẽ học được cách bao dung với các em hơn. Người lớn bao dung với trẻ con, cũng chính là bao dung với “một thời oanh liệt” của chính mình.
Nhà văn Ma Văn Kháng có lời nhận xét về “Cảm ơn người lớn”: “Viết như không viết. Nhẹ như một hơi thở vô tình. Mà mỗi ý tưởng của tuổi thơ tái hiện lọt đến tận tim gan… ‘Tôi viết cho những ai từng là trẻ em’. Đó là lời đề từ ở đầu cuốn truyện của Nguyễn Nhật Ánh. Tôi, một ông già đã ở tuổi bát thập, may mắn thay, hạnh phúc thay, đã được trở lại tuổi lên tám khi đọc cuốn sách này của một nhà văn được bạn đọc hôm nay rất yêu mến và ngưỡng mộ.”
Duyên