Văn mẫu đang trở thành vấn nạn bất khả kháng trong giáo dục phổ thông, trói buộc tư duy học sinh trong “chiếc vòng kim cô”. Giáo viên dạy Ngữ văn theo khuôn mẫu, thậm chí đổi mới cũng theo… khuôn mẫu.

Mới đây, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Trung học do Bộ GD-ĐT tổ chức. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đặc biệt nhấn mạnh tới tinh thần học thật, thi thật. Riêng với môn Ngữ văn, Bộ trưởng lưu ý cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò.

Về vấn đề này, TS. Trịnh Thu Tuyết (nguyên giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) đã chia sẻ những trăn trở về cách dạy và học Văn theo lối mòn tư duy như chiếc vòng kim cô kìm hãm sự sáng tạo của học trò.

Dưới đây là góc nhìn phân tích của TS Trịnh Thu Tuyết.

Tâm lý tìm thấy sự an toàn trong “đồng phục”

Có thể coi văn mẫu đang trở thành vấn nạn bất khả kháng trong giáo dục phổ thông, tác động tiêu cực tới đồng thời hoạt động dạy và học của thầy và trò trong nhà trường. Giáo viên dạy theo khuôn mẫu từ phương pháp, giáo án, ngữ liệu, đề bài, đáp án…; thậm chí kể cả đổi mới cũng theo khuôn mẫu. Cứ nói tới phương pháp dạy học tích cực, giáo viên nhắc tới Sơ đồ tư duy xanh đỏ tím vàng, Bể cá, Khăn trải bàn, Công não, Mảnh ghép… bất chấp có phù hợp hay không!

Học sinh đương nhiên cũng phải học theo khuôn mẫu “nhất hô bá ứng”, nhiều nơi quy trình học, dù tiểu học hay THCS, THPT đều thu gọn lại trong các bước: Thầy đọc, trò chép, về học thuộc lòng, và trả bài theo nghĩa đen, tức là viết/ đọc càng chính xác văn mẫu bao nhiêu, điểm càng cao bấy nhiêu.

Những thầy cô có gia công vào quy trình nhiều hơn thì cũng là đọc cho trò chép lời giảng của mình; còn nếu thầy lười biếng, hoặc không đủ cả tự trọng lẫn năng lực thì lên mạng copy bài giảng mẫu, văn mẫu; quy trình này biến việc chấm môn Văn thành chấm điểm học thuộc lòng và viết đẹp.

Thực ra, tư duy khuôn mẫu không phải mới có thời nay, nguồn gốc sâu xa có lẽ từ tư tưởng “phi ngã, vô ngã” (không có cái riêng, cái tôi) trong tư tưởng Nho giáo, Phật giáo, chi phối vào nguyên tắc “thuật nhi bất tác” (ta kế tục của người đi trước mà không sáng tác) trong văn học trung đại suốt cả ngàn năm nay, tạo nên tâm lý tôn sùng khuôn mẫu…

Tâm lí thông thường của hội chứng đám đông khiến con người thường mong tìm thấy sự an toàn trong đồng phục, thích bắt chước đám đông, thích làm theo khuôn mẫu hơn là sáng tạo, ghi dấu ấn cá nhân, thể hiện cái tôi cá nhân, bản ngã cá nhân. Ngoài ra, nguyên nhân khá quan trọng đưa tới hiện trạng khuôn mẫu trong nhà trường hiện nay chính là tâm lí vị thành tích, lười biếng tư duy, sợ đổi mới, sợ khác biệt…

Ai thấy xúc động khi dùng văn mẫu dạy và học?

Dùng văn mẫu làm phương tiện dạy và học, thầy và trò sẽ không thể phát triển được năng lực hay hình thành nhân cách cá nhân.

Không có ai thấy xúc động khi dùng văn mẫu của người khác để dạy hay học, văn mẫu mài mòn xúc cảm của con người. Không phải động não tư duy, văn mẫu khiến thầy trò mất thói quen quan sát, khám phá thế giới, cuộc sống, con người, không cần tới năng lực quan sát hay tư duy.

Văn mẫu tràn lan trên mạng, không được kiểm định, khi thầy/ trò sử dụng và coi đó là chuẩn cho tư duy, nhận thức…, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng lực nhận thức, diễn đạt, khả năng tư duy… của họ.

Chưa kể, tư duy văn mẫu có thể dẫn tới những tình huống khó xử trong quan hệ thầy trò. Tệ hại nhất, khi thầy trò dùng văn mẫu – sản phẩm tinh thần, trí tuệ của người khác để dạy và học, họ đều không còn khả năng hình thành nhân cách độc lập, tự chủ, lòng tự trọng, trung thực, đánh mất ý thức về giá trị khác biệt của cá nhân…

Khai thác văn mẫu ra sao?

Theo quan điểm của tôi, “mẫu” chỉ là phương tiện tham khảo, giúp học trò có thể học tập, rút kinh nghiệm về phương pháp, cấu trúc… chứ không để sao chép, bắt chước… (ngay niêm luật trong thơ cổ điển cũng chỉ để các nhà thơ có khung thể loại, còn những nhà thơ tài hoa vẫn tìm cho mình con đường riêng từ khung chung).

Văn mẫu có thể dùng để cung cấp kiến thức và phương pháp một cách hệ thống, mạch lạc cho học sinh. Giúp học sinh hình thành khái niệm đoạn văn (lớp 2), bài văn (các lớp trên), phân biệt đoạn văn và bài văn (cấu trúc, dung lượng, nội dung…).

Văn mẫu cũng giúp cung cấp kiến thức về chính tả, ngữ pháp, từ vựng, kiến thức cuộc sống xã hội…

Giải pháp bắt đầu từ khâu ra đề…

Trong khâu ra đề, giáo viên cần chú ý có câu lệnh rõ ràng, ngắn gọn, minh xác yêu cầu, tránh để học sinh hiểu sai… Đề nên có những câu lệnh khái quát, tránh những yêu cầu cụ thể làm giới hạn bài viết của học sinh, hoặc đặt học sinh vào tình huống khó xử (kể về bố/ mẹ, về thần tượng…), có thể buộc học sinh phải bịa đặt, phải chép theo văn mẫu, phải nói dối, hoặc phải viết về những đối tượng các em không có hứng thú… (Tham khảo: Kể về bạn thân của em/ Tả lại một cảnh đẹp em yêu thích/ Kể về một người thân trong gia đình em/ Tả cảnh sân trường em trong thời điểm em yêu thích nhất/ Kể lại một việc em đã làm khiến em suy nghĩ nhiều nhất…).

Từ những đề bài với câu lệnh khái quát đó, học sinh sẽ thực hiện quá trình cá thể hóa thành đề bài của riêng mình, với những yêu cầu tả, kể về đối tượng có thật trong cuộc sống của các em, có tác động tới suy nghĩ, xúc cảm của các em, điều đó khiến mỗi bài làm của các em trở nên đầy hứng thú và luôn là một bản duy nhất, không có bản sao.

Cuộc sống muôn hình vẻ, dù chỉ hiện lên trong sự quan sát của các em, từ gia đình, nhà trường tới xã hội…, vì thế yêu cầu của đề Ngữ văn nên thay đổi, mở rộng phong phú, thay vì dừng lại một số dạng đề cũ kĩ, nhàm chán từ năm này sang năm khác.

Giáo viên ra đề cần hình dung tâm thế, sự quan tâm của các em, hướng tới khơi gợi ở các em những tình cảm trong sáng, thánh thiện (yêu quê hương, yêu gia đình, thầy bạn, yêu thiên nhiên, có ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan, ý thức làm việc tốt, bồi dưỡng lòng nhân ái, yêu thương con người, vật nuôi, ý thức giữ gìn vật dụng…)

Đáp án cũng phải được “cởi trói”

Khi mỗi học sinh là một cá thể duy nhất, không lặp lại, không phải bản sao của bất kì ai, kể cả bố mẹ hay thầy cô, chúng ta cần chấp nhận sự khác biệt trong cách diễn đạt, dùng từ, nhất là góc độ quan sát, cách cảm, cách nghĩ của các em với đối với người, vật, sự việc xung quanh mình.

Muốn chấp nhận các em, phải nhớ lại tuổi thơ của mình, đặt mình vào tâm thế các em, thời đại các em… chứ không đặt các em vào lứa tuổi của mình, thời đại của mình.

Đáp án môn Văn chỉ nên đặt ra yêu cầu về khung dàn ý, chính tả, ngữ pháp, dung lượng… Những uốn nắn về nội dung chỉ nhằm hướng tới hình thành ở các em suy nghĩ, nhận thức lành mạnh, đúng đắn chứ không áp đặt tình cảm của học trò.

Vì hầu hết các bài văn tiểu học đều hướng tới yêu cầu dạy trò yêu đối tượng kể, tả nhưng tình cảm luôn phải tự nhiên không giáo dục mà thành yêu được, và thật ra, tôi cho rằng không nhất thiết tả, kể về đối tượng nào, học trò buộc phải yêu đối tượng đó!

Cần có sự động viên những suy nghĩ, quan sát sáng tạo, mới mẻ, độc đáo của các em, nhất là khích lệ những góc nhìn khác biệt, nếu không lệch lạc, khích lệ các em nhìn khác, nghĩ khác, nhận thức khác so với những khuôn mẫu.

Trả bài có tương tác

Sau khi đã có đề văn mở, đáp án mở, giáo viên khi trả bài nên có nhận xét khái quát những ưu điểm của các em, nhấn mạnh những khác biệt độc đáo, đúng đắn, đọc những câu văn hay, chân thực, tình cảm…

Thầy cô dành thời gian chữa lỗi chính tả, ngữ pháp, diễn đạt, nội dung…, đưa nhiều phương án sửa, tránh áp đặt, giải thích thấu đáo, thuyết phục nguyên nhân sai của học trò.

Khi học sinh thoát khỏi “vòng kim cô” của văn mẫu, khi các em có niềm tin vào sự trân trọng của thầy cô với mỗi suy nghĩ, xúc cảm của mình, các em sẽ bộc lộ chân thực, hồn nhiên con người các em, đó là cơ hội để thầy hiểu trò, cha mẹ hiểu con cái, cũng tạo điều kiện để thầy cô có thể uốn nắn những suy nghĩ, xúc cảm, nhận thức nếu còn lệch lạc của các em, khơi gợi những tình cảm tốt đẹp, lành mạnh một cách nhẹ nhàng, khéo léo, không áp đặt.

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

Xem thêm: Môn Ngữ văn theo chương trình mới không còn kiểm tra đọc thuộc lòng

TRỊNH THU TUYẾT