Hội tao đàn thường được hiểu là “Hội nhà văn cung đình của Việt Nam” (Từ điển Văn học 2006, tr. 649), được thành lập vào năm 1495. Hội này còn được gọi là Hội tao đàn Nhị thập Bát tú được thành lập bởi vua Lê Thánh Tông (1442-1498) cùng 28 triều thần.

Trong đó, nhà vua là Tao đàn Nguyên súy, Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận là Tao đàn Phó nguyên súy, Lương Thế Vinh là Tao đàn Sái phu.

Thế nhưng, không có tư liệu nào thời Hồng Đức chép các chữ “Hội tao đàn” hay các chức danh kia cả. Việc coi tao đàn như là một hội theo kiểu Hội Nhà văn chỉ là một cách “hiện đại hóa” lịch sử theo quan điểm của thế kỷ XX-XXI. Vậy lý do gì để có thể khẳng định điều này?

Thứ nhất, theo các nguồn sử liệu đương thời như Đại Việt sử ký toàn thư (viết tắt là TT) và tư liệu văn bia thời Hồng Đức, đều không đề cập đến hội này. Các từ “Tao đàn nhị thập bát tú” hay “Hội tao đàn” là do đời sau ca ngợi. TT và văn bia Thánh Tông Chiêu Lăng bi minh (soạn năm 1498, kí hiệu 13473, Viện Nghiên cứu Hán Nôm) không có các chữ “Tao đàn hội”, nhưng Hoàng Việt văn tuyển của Bùi Huy Bích đã cố gắng chép thêm những chữ này vào trong bản sao văn bia đời Minh Mệnh. Lê triều khiếu vịnh thi tập [A. 315, tr.13a] của Hà Nhậm Đại (đỗ Tiến sĩ năm 1574, sau gần 100 năm) có ghi hoàng đế tự xưng Tao đàn Nguyên súy, lấy Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận làm Phó nguyên súy…. Nhưng đây chỉ là một bản chép tay vào triều Nguyễn.

Còn các sách như Kiến văn tiểu lục, Lịch triều hiến chương loại chí, Thoái thực ký văn, Đăng khoa lục, Việt sử thông giám cương mục,… đều là các ghi chép từ cuối thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX. Các tư liệu này đều thể hiện sự hình dung của đời sau về tao đàn thời Hồng Đức, hay nói cách khác “hội tao đàn” là một truyền thống đã được kiến tạo bởi người đời sau. Vậy “tao đàn” khác gì với “hội tao đàn”?

Tao đàn là một từ Hán Việt mượn từ tiếng Hán dùng để chỉ các nhóm văn nhân cùng sinh hoạt nghệ thuật với các hoạt động xướng họa thi ca, bình luận các vấn đề về văn chương và đạo học. Các nhóm này có khi được đặt tên riêng như Bích Động thi xã, Bạch Vân thi xã, nhóm Chiêu Anh Các. Cũng có khi không có tên như tao đàn triều vua Lê Thánh Tông.

“Tao đàn” không phải là một danh từ riêng như “Hội Tao đàn” được đời sau sử dụng với tư cách là một tổ chức có cơ cấu nhân sự chặt chẽ, mà là một từ chỉ nhóm các thi nhân hoạt động sáng tác, và thù tạc thơ ca. Xướng họa là một hoạt động thường nhật của sinh hoạt văn chương của Nho sĩ, quan lại, đặc biệt là trong các môi trường cung đình hoặc các thi xã thời trung đại.

Vậy tao đàn thời Lê Thánh Tông đã tồn tại và hoạt động như thế nào? Trước tiên, cần khẳng định rằng, Tao đàn thời Lê sơ không phải được thành lập năm 1495 với việc xướng họa trong tập Quỳnh uyển cửu ca, và hoạt động vỏn vẹn có hai năm đến khi hoàng đế Lê Thánh Tông băng hà vào năm 1496, mà nó tồn tại trong suốt những năm tháng trị vì  của vị vua này.

Tao đàn đời Lê sơ hoạt động trong nhiều lĩnh vực văn chương, từ hàn, chính trị trong thời gian gần bốn mươi năm. Năm 1460, Lê Thánh Tông họa 12 bài với Lê Hoằng Dục và xướng họa với một số người khác như Nguyễn Cư Đạo. Năm 1463, ban dụ cho Lương Nhữ Hộc để dạy về kỹ thuật làm thơ Nôm. Hồng Đức quốc âm thi tập gồm 107 bài của nhà vua và 38 bài họa của các bề tôi [TT, 1998 tr.142].

Năm 1468, khi về Lam Kinh cúng tế tông miếu, nhà vua đã cùng Hoàng Thái tử (khi ấy mới 7 tuổi, sau là vua Lê Hiến Tông), và các quan theo hầu gồm Lê Niệm, Lê Hoằng Dục, Đỗ Nhuận, Quách Đình Bảo cùng nhau xướng họa thành tập Anh hoa hiếu trị thi tập* [TT, tr.434].

Năm 1470, khi đánh Chiêm Thành, ông soạn Chinh Tây kỷ hành, các bề tôi theo giá như Đỗ Nhuận, Lương Thế Vinh viết thơ phụng họa. Tập Minh lương cẩm tú được quần thần sao chép và họa lại [TT, tr.108]. Tên “minh lương cẩm tú” có nghĩa là những lời gấm thêu của vua sáng tôi hiền, cho thấy đây cũng là một tập thơ của nhiều tác giả.

Năm 1475, nhân dịp tiễn Quách Cảnh sứ giả nhà Minh về nước, vua Lê Thánh Tông làm bài Thiên Nam động chủ Đạo Am tự và sai các bề tôi gồm Thái phó Lê Niệm, Lại bộ Thượng thư Hoàng Nhân Thiêm, Binh bộ Thượng thư Đào Tuấn, Hàn lâm viện Thị độc Thân Nhân Trung, Đông các Hiệu thư Đỗ Nhuận, Đông các Hiệu thư Quách Đình Bảo, Hàn lâm viện Thị thư Vũ Kiệt, Sử quan Tu soạn Ngô Sĩ Liên làm thơ tiễn sứ.

[TT, tr.465] Năm 1484, vua sắc dụ cho Thân Nhân Trung, Quách Đình Bảo, Đỗ Nhuận, Đào Cử, Đàm Văn Lễ biên soạn sách Thiên Nam dư hạ tập và Thân chinh ký sự. Vua đích thân đề một bài thơ vào Thiên Nam dư hạ tự của Thân Nhân Trung [TT, tr.488] Năm 1485, sai sắc cho các quan trong Hàn lâm viện và Đông các soạn văn bia đề danh Tiến sĩ, bao gồm Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Đào Cử, Đàm Văn Lễ, Ngô Luân, Nguyễn Đôn Hậu, Lương Thế Vinh, Lê Tuấn Ngạn, Nguyễn Xung Xác [TT, tr.492] Năm 1491, nhân dịp về bái yết sơn lăng tại Lam Kinh, vua Lê Thánh Tông lại cùng Hoàng Thái tử, các hoàng tử và quần thần xướng họa, thành tập Văn minh cổ xúy (A.254, tr.32a-61b).

Tập thơ có 6 bài của nhà vua, sau mỗi bài đều có lời bình của quần thần, có thơ họa của Hoàng Thái tử, và các Hoàng tử Kiến Vương, Lương Vương, Phúc Vương, các bề tôi như Thân Nhân Trung, Đào Cử, Dương Trực Nguyên. [TT, tr.510].

Năm 1494, nhân việc hai năm liền được mùa, vua Lê Thánh Tông cùng 28 triều thần trong khối cơ quan văn phòng (Đông các và Viện Hàn lâm, gồm Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Ngô Luân, Ngô Hoán, Nguyễn Xung Xác, Lưu Hưng Hiếu, Nguyễn Quang Bật, Nguyễn Đức Huấn, Vũ Dương, Ngô Thầm, Ngô Văn Cảnh, Phạm Trí Khiêm, Lưu Thư Ngạn, Nguyễn Nhân Bị, Nguyễn Tôn Miệt, Ngô Quyền, Nguyễn Bảo Khuê, Bùi Phổ, Dương Trực Nguyên, Chu Hoãn, Phạm Cẩn Trực, Nguyễn Ích Tốn, Đỗ Thuần Thứ, Phạm Nhu Huệ, Lưu Dịch, Đàm Thận Huy, Phạm Đạo Phú) sáng tác tập Quỳnh uyển cửu ca thi tập [TT, tr.486]. Hai mươi tám vị ứng với hai mươi tám vì sao (Nhị thập bát tú). Vua xướng 9 bài theo các chủ đề năm được mùa, đạo làm vua, tiết làm tôi, vua sáng tôi hiền, bậc anh hiền, khí lạ, chữ thảo, văn nhân, hoa mai. Các bề tôi họa lại có đến vài trăm bài. Vua tự viết lời tựa và sai Đào Cử làm lời bạt.

Năm 1494, Hoàng đế Lê Thánh Tông còn sáng tác tập Cổ kim bách vịnh thi (Cổ tâm bách vịnh). Trong tập thơ này, có bốn văn thần tham gia, gồm Nguyễn Xung Xác và Lưu Hưng Hiếu họa vần, Thân Nhân Trung và Đào Cử phụng bình [TT, tr.513] Tập thơ gồm 10 quyển, 100 bài thơ theo thể ngũ ngôn tuyệt cú, nhà vua ngự chế và họa thơ vịnh sử của nhà Nho đời Minh là Tiền Tử Nghĩa. Năm 1496, vua Lê Thánh Tông sáng tác tập Xuân vân thi tập [TT, tr.513].

Năm 1496, ông còn sáng tác tập Cổ kim cung từ thi tập, đích thân viết bài tựa, lại sai Thân Nhân Trung và Ngô Luân bình luận [TT, tr.513]. Bộ tùng thư Thiên Nam dư hạ được soạn trong thời Hồng Đức cũng là một sản phẩm tập thể của Lê Thánh Tông và các bề tôi như Nguyễn Trực, Vũ Vĩnh Mô, Thân Nhân Trung, Quách Đình Bảo, Đỗ Nhuận, Đào Cử, Đàm Văn Lễ,… [TT, tr. 519]. Ngoài việc ghi chép điển chương chế độ, bản đồ, quan chế,… còn ghi chép cả việc chú thơ bình thơ, đặc biệt là thơ Đào Uyên Minh và các nhà thơ nổi tiếng thời Đường, Tống.

Như vậy, tao đàn thời Lê sơ tồn tại trong khoảng thời gian ít nhất 37 năm (từ 1460 đến 1496), chưa kể các hoạt động này còn được tiếp nối bởi các vị vua sau đó như Lê Hiến Tông, Lê Tương Dực.

Số lượng các tác phẩm không chỉ vỏn vẹn có mỗi Quỳnh uyển cửu ca mà có đến hàng trăm bài thơ, với 12 tập thơ và một bộ tùng thư là Thiên Nam dư hạ. Số lượng tác giả không chỉ có 28 ngôi sao (nhị thập bát tú), mà có thể lên đến dăm chục vị, như Toàn thư đã nêu.

Thành phần chính không chỉ là các vị văn thần chuyên trách từ hàn trong Đông các và Viện Hàn lâm, mà còn có các Thái tử, Hoàng tử, các vị đại thần, thậm chí sứ thần.

Chưa kể, trên thực tế số lượng 500 tiến sĩ của thời này đều là các nhân vật có tài năng văn chương, họ có thể trực tiếp hoặc gián tiếp xướng họa theo các lĩnh xướng của hoàng đế. Tiếc là sử liệu và thi liệu còn lại quá ít ỏi.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận một điều rằng vua Lê Thánh Tông chính là người lĩnh xướng của tao đàn thời Lê sơ, là người đã tạo nên một trào lưu văn học cung đình, chính vì lẽ đó người đời sau mới tôn xưng ông là “Tao đàn Nguyên súy” (Hà Nhậm Đại, sống sau thời Lê Thánh Tông 100 năm).

Trong 38 năm tại vị, Lê Thánh Tông đã nhiều lần thực hiện xướng họa với các hoàng tử và bề tôi hầu cận quanh mình. Tao đàn thời này vừa là để phục vụ chính trị, ngoại giao, chinh phạt, tế lễ tông miếu, soạn văn bia đề danh tiến sĩ, vừa là một hoạt động chuyên môn như thù tạc ngẫu hứng, bình chú thơ văn cổ, thảo luận về đạo học và nguyên lý thi ca.

Với những sử liệu như đã nêu, chúng tôi cho rằng, không có các danh từ riêng “Hội tao đàn” hay “Tao đàn Nhị thập Bát tú” mà chỉ có tao đàn thời Lê sơ, với tư cách là một danh từ chung (không viết hoa). Việc không viết hoa này không phải là để nhằm phủ nhận lịch sử mà là để tiệm cận đến với văn hóa xướng họa, để nhận thức lịch sử như nó có thể là, chứ không phải lịch sử là cái để người đời sau kiến tạo và sử dụng.

TRẦN TRỌNG DƯƠNG