Một nhà văn nào đó đã từng nói, đại ý: Tiểu thuyết là thể loại làm khổ người viết nhiều nhất, và nó cũng làm khổ cả người đọc nữa. Trong nhịp sống hối hả của đô thị hiện đại, quả thực, để tĩnh tâm đọc hết một truyện ngắn dài 4000-5000 chữ đôi khi đã quá ngại ngần, nói gì đến việc kiên nhẫn đọc hết một cuốn tiểu thuyết vài trăm trang. Thế mà, Cô Độc của Uông Triều đã làm tôi phải đọc hết, đọc liền mạch, liên tục trong hai đêm muộn.

Cảm giác đầu tiên của tôi, là tác giả có lẽ đã phải mất rất nhiều thời gian để xây dựng bố cục/cấu trúc cho tác phẩm này. Truyện gồm 60 khúc, mỗi khúc trung bình từ 2 đến 4 trang, xoay quanh hai nhân vật Ba và B. Cứ một khúc nói về Ba thì lại một khúc nói về B, liên tục như thế cho đến khi kết thúc tác phẩm. Bởi số khúc của tác phẩm là một số chẵn (60), nên khi khúc số 1 mở ra câu chuyện về Ba thì khúc cuối cùng chính là nói về B, dùng chính cái chết của B để khép lại tác phẩm. Có thể gọi tên cấu trúc của Cô Độc là một lối sóng đôi/song trùng khá đẹp mắt (gợi liên tưởng đến Linh Sơn của Cao Hành Kiện), truyện nằm trong truyện, nhân vật này đồng hành cùng nhân vật kia, thậm chí, cả hai đều là nhân vật chính. 60 khúc của tác phẩm còn có thể xem như 60 truyện ngắn, đọc bất cứ khúc nào trước cũng được. Cái kì công của nhà văn là đã tạo ra được tính độc lập tương đối cho từng khúc đoạn của mình, đồng thời lại đặt ra khó khăn cho chính bản thân khi không được phép lặp lại, nhàm chán trong tất cả những tiểu khúc ấy.

Một vấn đề được đặt ra ở đây là, tại sao tác giả không để cho hai nhân vật cùng nhập làm một cho tiện, bởi hai câu chuyện về Ba và B có những tương đồng cùng cực. Họ đều là những biên tập viên, đều gắn bó và nặng tình với những con chữ, đều say đắm phụ nữ trong một cảm giác bản năng rất cao, và quan trọng nhất, họ đều mang trong người một căn tính cô độc. Mà trước khi cô độc, đương nhiên họ từng có rất nhiều cô đơn. Như vậy, có thể nghĩ đến một ẩn ý mà nhà văn đã đan cài gửi gắm ở đây, hai nhân vật này thực ra cũng chỉ là một mà thôi. Tác giả tạm thời dùng thủ pháp phân thân, tách đôi để dễ bề mổ xẻ những góc khuất, những trạng thái tâm lí/tình cảm đan xen phức tạp, nhưng trên cơ bản họ vẫn chỉ là một người. Một con người đó tách làm đôi, những tưởng đã là số nhiều, nhưng rốt cục họ vẫn chỉ có một mình, thăm thẳm cô đơn.

Chọn nhân vật chính với nghề nghiệp làm biên tập sách, chính là một cách để Uông Triều tự bạch về mình, về nghề nghiệp đã gắn bó với anh bao năm nay. Trong truyện, ta không thấy tác giả nói đến việc Ba/B ngoài việc biên tập có sáng tác hay không, nhưng chắc mọi người đọc đều cảm thấy, những câu chuyện của họ là câu chuyện muôn đời của người nghệ sĩ: họ cô độc khi sáng tạo và sáng tạo trong cô độc. Một điều rất thú vị nữa là sự chơi chữ khi đặt tên nhân vật của Uông Triều. Hai nhân vật đều mở đầu bằng chữ B, nhân vật này chỉ khác nhân vật kia bằng chữ “a” đứng cạnh như một tiếng reo, một tỉnh thức, một ngạc nhiên ngỡ ngàng bừng ngộ nào đó. Và nhà văn của chúng ta, tên thật cũng bắt đầu bằng một chữ B: Xuân Ban. Từ Ban đến Ba rồi B, việc rụng dần những chữ cái ấy cũng như biểu tượng của sự cô đơn.

Cô Độc có nhiều đoạn trầm lắng nhưng rõ ràng nhìn trên tổng thể, ta thấy một văn mạch trôi rất nhanh, điệp trùng trong những cảm xúc mạnh mẽ, mãnh liệt, dữ dội của nhân vật B. Cái dữ dội mãnh liệt ấy có phần lấn át những miên man, trầm lắng, bùi ngùi, suy tư ở nhân vật Ba. Người đọc theo dõi tác phẩm luôn được hưởng cảm giác bất ngờ, xen lẫn hồi hộp, đợi chờ, để nhà văn dẫn dắt mình đi hết từ mê lộ này sang mê lộ khác.

Cô Độc là tiểu thuyết đan xen nhiều sự tương phản: giữa huyền ảo và trần trụi, giữa ngủ và thức, giữa mê và tỉnh, giữa khả tri và bất khả tri. Hai nhân vật Ba và B cũng là những tương phản hai trong một, vừa có tốt vừa có xấu, vừa tính thiện vừa tính ác, vừa nhẹ nhàng trầm tư vừa thô bạo cục cằn.
Có thể thấy rõ trong màu sắc cá tính các nhân vật hình ảnh của chủ nghĩa hiện sinh, dám sống tận cùng theo cảm xúc và bản năng của mình, từ quan điểm về mặt lí tưởng sống/sáng tạo cho đến đời sống tình dục. Người đọc có thể nghĩ đến những sự tương đồng giữa Ba/B và nhân vật chính trong Rừng Nauy của Murakami. Họ đều là những con người trên hành trình tìm kiếm chính mình, họ có một đời sống tình dục mạnh mẽ, phóng khoáng, tự nhiên. Về mặt tư tưởng, có lẽ họ đều gặp nhau ở suy nghĩ: cái chết là một phần của sự sống và thậm chí nó là hạnh phúc cuối cùng của sự sống khi người ta được tự do định đoạt thân thể và tư duy của mình. Dĩ nhiên, nhân vật Ba/B trong Cô Độc mang tính bi kịch nhiều hơn Toru trong Rừng Nauy bởi Toru vẫn còn có thể nương tựa vào một tình yêu đủ lâu bền.

Cái chết của B khép lại tác phẩm không khỏi khiến ta liên tưởng đến cái chết của rất nhiều văn tài nổi tiếng trên thế giới như Hemiway, Kawabata hay Jack London. Đó đều là những con người sáng tạo, dám sống mãnh liệt đến tận cùng, sẵn sàng tìm đến cái chết để đạt được trọn vẹn cảm xúc của mình. Việc để cho nhân vật nam chính của tác phẩm tự vẫn còn dễ khiến người đọc liên tưởng đến Naoe trong tiểu thuyết Đèn không hắt bóng (Watanabe, Nhật Bản) hay nhân vật Long trong Giông tố của Vũ Trọng Phụng. Long cũng tự tử bằng cách cứa vào cổ tay. Nguyên nhân và cảm xúc dẫn đến cái chết ở mỗi nhân vật có sự khác nhau nhưng nó cùng tương đồng ở chỗ đấy là điểm cao trào nhất của bi kịch.

Mặc dù dùng nhiều thủ pháp, kỹ thuật hiện đại mà gốc tích của nó hầu hết đến từ phương Tây (trong đó có cả những kỹ xảo của điện ảnh), tôi vẫn thấy tác giả của Cô Độc mang một căn tính của phương Đông. Căn tính phương Đông ấy hiện lên trong những tiết chế cô đọng của mỗi tiểu khúc, chất liêu trai kỳ ảo như thấp thoáng bóng dáng các truyện truyền kỳ, những cảm xúc khi đứng trước thiên nhiên, khi nghĩ về quê hương, cha mẹ, gia đình.

Chủ đề của Cô Độc đã chạm vào một vấn đề lớn, không chỉ của người nghệ sĩ sáng tạo mà còn là câu chuyện của mỗi con người trong đời sống dô thị hiện đại. Mọi thứ đều nằm trong nguy cơ đổi thay, tan vỡ, chia lìa, điều ấy không khỏi ném mỗi cá nhân vào sự hoang mang. Có lẽ, mỗi con người đành tự cứu mình theo cách riêng trong thế giới tinh thần của chính họ.

Tôi tin mỗi bạn đọc khi mở Cô Độc ra và theo dõi đến tận cùng hành trình của nhân vật sẽ còn muốn đọc lại bởi những ám ảnh giăng mắc trong từng trang sách.

Đỗ Anh Vũ