Trong truyện ngắn “Tiếc thương những ngày đã mất”, Lỗ Tấn đề cập đến những trí thức trẻ, có học vấn, có lý tưởng cao đẹp. Cụ thể đó là thanh niên nam nữ trong trào lưu tư tưởng mới, là câu chuyện của hai nhân vật Tử Quân và Quyên Sinh. Họ là người yêu, từ đồng điệu, họ tìm thấy nhau ở nhiều điểm chung, cùng nhau hít thở và tiếp nhận làn gió thời đại của một cuộc sống mới, không khuôn mẫu cổ hủ. Chuyện tình bắt đầu ở Hội quán, họ dọn về sống chung và kết thúc ở ngõ Cát Triệu. Không chỉ “ghi lại những năm tháng chứa chan ý vị làm cho người ta không sao quên cho đành”(1), “Tiếc thương những ngày đã mất” còn là sự phê phán thói sống ích kỉ của thanh niên trí thức có nguy cơ đánh mất đi bản chất tốt đẹp của mình. Họ có thừa trí tuệ và tình yêu nhưng dường như thiếu đi lòng dũng cảm, sự can đảm đối mặt và thừa nhận khiếm khuyết hay lỗi lầm của mình. Từ đầu, chính tình yêu chân thành đã tạo động lực cho Tử Quân và Quyên Sinh sống kiên cường, mạnh mẽ, vượt qua bao điều dị nghị, lễ giáo phong kiến để tiến đến tình yêu tự do. Có thể họ chia tay và dẫn đến kết cục như vậy vì nhiều yếu tố tác động nhưng vì thiếu đi lòng dũng cảm, sự bao dung đã đẩy chuyện tình của họ đến bên bờ vực thẳm.
Truyện ngắn được viết dưới dạng tự sự, bút kí, kể lại qua lời của nhân vật “tôi”_Quyên Sinh. Phương thức trần thuật, cách xây dựng điểm nhìn từ nhân vật chính đã mở ra câu chuyện với ngôn từ giản dị, có đôi phần trầm buồn, day dứt. Ngôi kể này cũng là một trong những chất xúc tác đưa tác phẩm này đi đến phản ánh khả năng tự nhận thức “con người bên trong con người” của nó, nhấn mạnh rằng hiểu được bản thân mình chưa bao giờ là dễ dàng. Điều đó được nhà văn lồng ghép vào truyện ngắn dưới những cụm từ được lặp đi lặp lại trong tác phẩm, như là xoáy sâu thêm vào tình thế của nhân vật, như là một bản án mà nhân vật phải đối diện. Những câu từ đầy phiếm chỉ, vô định như “Mà không những bây giờ, ngay sau lúc đó, tôi cũng không còn nhớ được ra sao nữa”, “Trong một tương lai không xa nữa,…và sau này cũng không hề thấy lại một lần nào như thế nữa”, hay “Về sau, dần dần cũng thưa đi, không mấy khi như thế nữa” và “Bây giờ thì đến các bức ảnh kia đã biến đi đâu rồi, cũng chẳng biết nữa”(2) nằm rải rác từ đầu truyện đã thể hiện sự mông lung, rạn vỡ của nhân vật. Chưa biết câu chuyện sau đó diễn biến ra sao, người đọc “va vào” những cụm từ này thường sẽ suy đoán nhân vật “tôi” đang trong trạng thái chần chừ, anh ta cơ hồ nhớ về quá khứ nhưng đồng thời cũng muốn quên lãng nó đi, muốn bước ra khỏi điều gì đó nhưng không biết bắt đầu từ đâu hay phải bước ra như thế nào. Khi tiến vào giữa truyện, vào giai đoạn trước và sau khi Quyên Sinh cất lên mấy câu vô tình, lựa chọn nói ra hết tâm tư của mình rằng là anh ấy không còn yêu Tử Quân nữa thì chi tiết “Tôi bỗng nghĩ nàng có thể chết đi cho rảnh, nhưng tôi liền tự trách mình và lấy làm hối hận”(3) xuất hiện đến ba lần, có lẽ đến đây, mối quan hệ giữa họ đã không còn cứu vãn được nữa, tinh thần nhân vật bị dồn ép đến cùng cực, không nói ra thì mỗi giây phút như bóp nghẹn lấy mình, nói ra rồi thì cũng không cảm thấy thoải mái hơn chút nào. Đến cuối, truyện được bao trùm bởi những cụm từ lặp đi lặp lại: “gánh nặng hư không”, “sự uy nghiêm của ông bố và sự khinh bỉ lạnh lùng của người xung quanh”, đoạn cuối là cái chết của Tử Quân, đoạn mà nhân vật “tôi” tự nhủ “Con đường sống mới vẫn còn nhiều. Tôi cần phải tiến vào vì tôi còn sống”(4), anh ấy sẽ bước những bước đầu tiên vào cuộc đời mới đó, và liệu “tôi “ có bước tiếp được hay không, không ai biết, chỉ biết truyện kết thúc nơi trang bút kí bỏ lửng nhuốm màu ảm đạm của quên lãng, lòng hối hận và nỗi đau thương.
Nhân vật Quyên Sinh trong “Tiếc thương những ngày đã mất” cũng có những thôi thúc diễn ra trong vô thức. Cụ thể, anh ta có ba lần thiếp đi và nằm mộng, cả ba lần đều diễn ra ở Thư viện bình dân. Sigmund Freud đã nhận định rằng những cơn mộng mị của chúng ta không gì khác hơn là những mong muốn mà chúng ta đang tìm kiếm để thực hiện trong cuộc sống thức giấc của mình(5). Như một điềm báo hay tiên đoán, lần mộng mị thứ nhất, khi chưa nói chia tay Tử Quân, anh ta đã mơ thấy nàng không còn bên cạnh mình nữa, tuy nàng không còn dũng khí nhưng cũng chẳng gầy ốm đi tí nào. Lần thứ 2, sau khi đã thổ lộ tâm tình, Tử Quân vẫn chưa bỏ về quê, Quyên Sinh đã mộng thấy nàng bỏ đi khỏi căn nhà mà không oán hận, còn mình thì “bồng bềnh như một đám mây bay giữa không trung”. Mà việc “bay lượn”, theo lý thuyết của Freud, nó là một trong mười điểm chung nhất mà con người trải nghiệm qua giấc mơ, nó đại diện cho một khao khát được trốn thoát và được tự do khỏi một tình huống. Tới đây, người đọc có thể mường tượng được tâm trạng quẫn bách của Quyên Sinh lúc bấy giờ, anh ta đã nói ra tâm sự của mình với nàng nhưng lại không nhận được sự phản hồi như anh ta mong muốn; “tình huống” mà cơn mộng đưa đến có lẽ đang ám chỉ mối quan hệ nhiều vấn đề của họ. Đến lần nằm mộng thứ ba, lúc này Tử Quân đã về quê nhưng Quyên Sinh vẫn chưa hay tin nàng mất, anh ta đã mộng thấy “Tử Quân với khuôn mặt vàng sạm giương đôi mắt ngây thơ nhìn mình, cầu khẩn”. Mà trong truyện, đôi mắt ngây thơ đó ở Tử Quân chỉ xuất hiện ở ba thời điểm: khi nàng nhận lời tỏ tình của Quyên Sinh, khi anh ngồi nói về cảnh gia đình chuyên chế, về nam nữ bình đẳng, về việc phá bỏ tục lệ cũ, về Ipsen, Tago, Se li…và khi nghe Quyên Sinh nói câu “anh không còn yêu em nữa”. Thủ pháp “vẽ rồng điểm mắt” này là một trong những đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn của Lỗ Tấn. Ông có khuynh hướng chọn những điểm đặc biệt gây ấn tượng về hình dáng để miêu tả nhân vật, và cho rằng cách tốt nhất để vẽ chân dung một người là vẽ mắt. Mắt cũng là một trong năm đặc điểm của yếu tố mà một bức tranh truyền thần đẹp cần chú trọng. Ánh mắt thường được Lỗ Tấn miêu tả không phải để tả ngoại hình, mà là nhấn mạnh đến một trạng thái tinh thần hay một tình thế nào đó của nhân vật, thậm chí còn là để chuyển tải một ngụ ngôn ẩn dụ nào đó của chính tác giả. Vậy có thể hiểu, ánh mắt của Tử Quân trong “Tiếc thương những ngày đã mất” được miêu tả như một minh chứng cho tình yêu của nàng và Quyên Sinh, nó ở đó khi chuyện tình bắt đầu, ở đó khi tình yêu thăng hoa và ở đó khi tình yêu rạn vỡ. Giờ đây, anh ta lại mộng thấy đôi mắt ngây thơ đó của nàng, nó thể hiện sợi dây liên kết cảm xúc giữa hai người họ. Xét từ hai lần nằm mộng trước, sợi dây liên kết đó sẽ đứt sau lần nằm mộng thứ ba. Và đó là khi Tử Quân qua đời. Có những người không thể gặp lại, có những đoạn tình cảm không thể quay lại, Quyên Sinh rồi đây sẽ không thể bắt gặp đôi mắt đó thêm lần nào nữa, hoặc nếu có thì cũng là trong mộng mị, trong một cuộc đời khác, dưới một hình hài khác…
Cái chết của Tử Quân như một nốt trầm lặng lẽ trong “Tiếc thương những ngày đã mất”, nhưng dường như sự ra đi này vẫn có thể được đoán trước khi câu chuyện dần đi đến hồi kết, bởi cái không khí nặng nề và u ám mà những dòng hồi kí mang lại. Dẫu thế, không thể không nói, cái chết luôn là cảm giác ám ảnh về sự mất mát, khiến người ta tê rần sống lưng. Tác giả không tiết lộ vì sao Tử Quân chết, nàng chết khi nào hay chết ở đâu…Không có bất kì thông tin cụ thể nào xác minh cho cái chết ấy, vậy thì, liệu Tử Quân có chết thật không, hay chỉ là “chết” trong tâm tưởng của Quyên Sinh? Há chẳng phải Lỗ Tấn từng cho rằng: “Người chết chỉ thực sự chết khi không còn sống trong lòng người khác” đó sao? Phải nói thêm, hình tượng nhân vật Tử Quân gợi sự liên tưởng đến người vợ sau của Lỗ Tấn_Hứa Quảng Bình. Bà ngày trước cũng là một nữ sinh viên, sau thành nữ văn sĩ Trung Hoa. Lỗ Tấn và người vợ đầu_Chu An đều là “vật hi sinh” cho lễ giáo phong kiến, giữa họ là mối quan hệ “đồng sàng dị mộng”. Hứa Quảng Bình vì tình yêu chân thành, vì muốn phản kháng xã hội cũ, muốn cùng Lỗ Tấn “đứng chung trên một chiến tuyến nên mới kết đôi với ông”(6). Giữa họ không đơn thuần chỉ có tình yêu, mà còn có tiếng nói “tri âm” về thời cuộc, về vận mệnh dân tộc. Nói về câu chuyện của mình, bà từng thẳng thắn: “Chúng tôi cho rằng giữa chúng tôi là tình đầu ý hợp, đối xử với nhau như đồng chí, tương thân tương kính, tin cậy lẫn nhau, bởi vậy không cần đến bất kì một thói tục nào. Chẳng phải chúng tôi đều chủ trương đả phá mọi lễ giáo cũ đó sao?”. Tuy tác phẩm không được kể lại qua điểm nhìn của Tử Quân nhưng người đọc vẫn có thể nhìn nhận được rằng: nàng chịu trách nhiệm cho cuộc đời nàng, nàng can đảm tìm kiếm tình yêu tự do, sống với khát khao yêu thương và lý tưởng, chấp nhận rời bỏ tình yêu khi không thể tìm được tiếng nói chung. Năm 1933, văn đàn Việt Nam đón nhận phát súng nổ đầu tiên_sự ra đời của tiểu thuyết “Hồn bướm mơ tiên”, đây là tác phẩm đầu tay của Khái Hưng, và cũng là sản phẩm đầu tiên của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Nếu đi từ sự đối lập giữa tình yêu tự do và mưu cầu hạnh phúc đời thường với sự gò bó hà khắc của lễ giáo và ràng buộc xã hội, truyện ngắn “Tiếc thương những ngày đã mất” sẽ có vài điểm liên hệ với tác phẩm này của Khái Hưng. “Hồn bướm mơ tiên” là câu chuyện về Ngọc, một thanh niên Tây học trong dịp nghỉ hè lên thăm người bác tu hành ở chùa Giáng Long và gặp Lan, một chú tiểu giả trai. Tình yêu của họ chịu sự giằng xé giữa “đạo” và “đời”, đến cuối cùng nó không đủ mạnh để vượt qua lằn ranh tôn giáo. Tuy không đến được với nhau nhưng họ xem đó là thứ tình cảm đẹp đẽ mà cất giữ trong lòng đến bạc đầu và nguyện tôn thờ nó –“Tôi không lấy ai, chỉ sống trong cái mộng ảo của ái tình lý tưởng, của ái tình bất vong bất diệt”(7) (trích lời nhân vật Lan). Nhìn về truyện ngắn của Lỗ Tấn, từ nhân vật Tử Quân – Quyên Sinh và câu chuyện của họ, tác giả đang ám chỉ đến thế hệ thanh niên Trung Quốc những năm 1920, họ lựa chọn sống thử không hôn nhân như một trào lưu, một phương thức tự giải phóng chính mình. Nhưng chính từ sự thiếu kĩ năng xã hội, bài học giới tính cùng những dự liệu cho tương lai, họ dễ dàng bị chông chênh, hụt hẫng, quay ra hoài nghi chính lý tưởng mà họ theo đuổi. Không đủ can đảm đối mặt thừa nhận khiếm khuyết, không mạnh dạn vượt qua rào cản trong lòng, những người trẻ trí thức bắt đầu từ tình yêu, lý tưởng sống và kết thúc ở bi kịch, dường như là một điều tất yếu.
Đường Diệp Kha
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) -> (4) Truyện ngắn Lỗ Tấn (1994) (Trương Chính dịch), NXB Văn hoá, Hà Nội.
(5) Sigmund Freud (2019) (Nguỵ Hữu Tâm dịch), Về giấc mơ và diễn giải giấc mơ, NXB Văn học
(6) Phạm Tú Châu (2007), Hai người phụ nữ trong đời Lỗ Tấn, Nguồn: https://vnexpress.net/hai-nguoi-phu-nu-trong-doi-lo-tan-1973440.html
(7) Khái Hưng (1933), Hồn bướm mơ tiên, NXB Văn nghệ
(8) Trần Lê Hoa Tranh (2009), Nhân vật nữ trung tâm và những chấn thương tinh thần trong truyện ngắn Lỗ Tấn, Nguồn: http://khoavanhocngonngu.edu.vn/nghien-cuu/van-hoc-nuoc-ngoai-va-van-hoc-so-sanh/370-nhan-vt-n-trung-tam-va-nhng-chn-thng-tinh-thn-trong-truyn-ngn-l-tn.html