Nam Kỳ là nơi thực dân Pháp chiếm làm thuộc địa đầu tiên ở Đông Dương. Tại đây, người Pháp nhanh chóng thiết lập hệ thống giáo dục của họ sớm nhất cả nước. Từ đó, Việt Nam, với nguồn du học từ Pháp trở về, sớm hình thành tầng lớp trí thức tân học khá đông đảo.

Một hệ thống giáo dục mới

Ngay khi mới chiếm được một phần Nam Kỳ, người Pháp đã thành lập một số trường theo kiểu Pháp. Năm 1861, các vị linh mục Hội Thừa sai thành lập Trường d’Adran Sài Gòn (Trường Bá Đa Lộc). Trường được chính quyền thuộc địa tài trợ chi phí và đã đi tiên phong trong việc dạy học bằng chữ quốc ngữ và tiếng Pháp thay vì chữ Hán. Năm 1971, thành lập Trường Sư phạm Sài Gòn.

Sau khi chiếm được toàn bộ Nam Kỳ, năm 1874, quyền Thống đốc Nam Kỳ ban hành quy chế cho ngành học chính ở Nam Kỳ, chia ngành giáo dục thành hai bậc tiểu học và trung học, bắt đầu thiết lập hệ thống giáo dục với 58 trường học, 1.368 học sinh.

Từ tháng 3/1879, người Pháp ban hành quy chế mới, đặt hệ thống giáo dục Pháp – Việt; thành lập Sở Học chính Nam Kỳ, thiết lập hệ thống giáo dục 3 cấp: Cấp 1 (hàng tổng), cấp 2 (hàng quận), cấp 3 – trung học (hàng tỉnh). Toàn Nam Kỳ có 20 trường cấp một, 6 trường cấp hai và 2 trường cấp 3. Các trường làng vẫn được duy trì nhưng có sự kiểm soát của chính quyền.

Sau khi hoàn tất xâm chiếm Việt Nam, chính quyền thực dân đã tiến hành hai cuộc cải cách giáo dục lớn vào các năm 1906 và 1917 nhằm xóa bỏ nền giáo dục Hán học, thiết lập hệ thống giáo dục mới với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho người Pháp.

Năm 1906, Toàn quyền Đông Dương P. Beau đưa ra kế hoạch cải cách giáo dục lần thứ nhất. Theo đó, giáo dục Nam Kỳ với hệ thống trường Pháp – Việt được chia làm hai bậc, tiểu học và trung học. Bậc tiểu học 4 năm, học chủ yếu bằng tiếng Pháp và chữ quốc ngữ. Bậc trung học chia làm 2 cấp, trung học đệ nhất và trung học đệ nhị.

Trung học đệ nhất chỉ học 1 năm và phân thành hai ban, ban Văn học và ban Khoa học. Đến lúc này hệ thống trường chữ Hán vẫn tồn tại, gồm 3 cấp: ấu học, tiểu học và trung học. Bậc ấu học có 3 loại trường, loại trường một năm dành cho các vùng xa chỉ dạy bằng chữ quốc ngữ; loại trường hai năm dạy bằng chữ Hán và chữ Pháp, loại trường ba năm dạy đồng thời bằng chữ Hán, chữ Pháp và chữ quốc ngữ, trong đó chữ Pháp là bắt buộc.

Cuộc cải cách lần thứ hai, Toàn quyền A. Sarraut đã thay đổi hoàn toàn nền giáo dục ở Nam Kỳ. Hệ thống trường học được chia làm hai loại: Trường Pháp dạy cho người Pháp theo chương trình chính quốc và trường Pháp – Việt dạy theo chương trình bản xứ. Các trường chia làm 3 cấp: Tiểu học (Đệ nhất cấp), Trung học (Đệ nhị cấp) và Cao đẳng, đại học (Đệ tam cấp); ngoài ra còn có các trường dạy nghề tương đương bậc tiểu học và trung học.

Nếu cuộc cải cách lần thứ nhất là hạn chế hệ thống trường học Hán học, xây dựng hệ thống trường Pháp – Việt thì cuộc cải cách lần thứ hai với việc ban hành bộ Học chính tổng quy (chương trình giáo dục) đã chính thức xóa bỏ nền giáo dục Hán học và thiết lập một nền giáo dục mới có chương trình giảng dạy tuy gọi là chương trình bản xứ nhưng thực chất giống chương trình tú tài của Pháp.

Với chương trình cải cách này, hệ thống giáo dục ở Nam Kỳ được mở rộng, bên cạnh các trường trung học đã có từ trước như Taberd (1872), Le Myre de Vilers/Mỹ Tho (1880), Pháp – Hoa (1913), trung học nữ Sài Gòn/Áo tím (1913), nay có thêm các trường trung học tư như trung học P. Doumer (1934), trung học Chaseseloup – Laubat Saigon… và một số trường khác.

Các nhà trường giảng dạy bằng tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ. Từ năm 1920, chính quyền thuộc địa còn đưa khá nhiều giáo viên người Pháp sang giảng dạy ở các cấp học.

Đồng thời với hệ thống trường phổ thông, chính quyền thuộc dịa còn lập thêm nhiều trường dạy nghề, kỹ thuật như Trường Mỹ nghệ Gia Định ((1901), Mỹ nghệ Biên Hòa (1903), tiếp đến là các Trường Nông nghiệp Bến Cát, Trường cơ khí Á châu, Trường kỹ nghệ thực hành…

Ngoài ra, họ còn thiết lập một số cơ sở nghiên cứu như Viện Nghiên cứu nông nghiệp và kỹ nghệ Sài Gòn (1898), Viện Nghiên cứu giống cây trồng Thủ Dầu Một, Viện Vi trùng học Sài Gòn (1901)…

Tại hệ thống các trường học, các viện nghiên cứu đầu tiên này học sinh, nhân viên được tiếp thu một cách tương đối có hệ thống các nền tảng kiến thức Pháp/châu Âu, họ tiếp nhận các tư tưởng xã hội mới và từng bước trưởng thành trở thành đội ngũ dẫn dắt tư tưởng của cộng đồng. Trong đó, thế hệ đầu tiên có thể kể đến Diệp Văn Cương, Nguyễn Văn Mai, Nguyễn Thành Giung, Cao Bữu Đính…

Một đội ngũ trí thức mới

Nam Kỳ là nơi có sự thay đổi hệ thống giáo dục sớm nhất cả nước, có số người du học nhiều nhất, nên đã hình thành đội ngũ trí thức tân học đông đảo nhất, sớm nhất trong cả nước tại thời điểm đầu thế kỷ XX.

Ngoài hệ thống giáo dục bản địa, một nguồn cung cấp nhân lực cho đội ngũ trí thức Nam Kỳ là những người du học ở Pháp về. Theo một số liệu cho biết, năm học 1925 – 1926, có 394 du học sinh ở Pháp là người Nam Kỳ, bằng số lượng người Đông Dương du học trong 20 năm trước đó. Nhiều du học sinh đã đạt trình độ học vấn cao, trở thành những trí thức có uy tín và vai trò quan trọng ở Nam Kỳ.

Cũng cần nói thêm là các trí thức hình thành/trưởng thành từ cuối thế kỷ XIX, đã tạo dựng nên các phong trào yêu nước ở Nam Kỳ đầu thế kỷ XX. Các phong trào này và các trí thức thủ lĩnh đã tiếp sức cho sự hình thành, ý chí và bản lĩnh cho đội ngũ trí thức Nam Kỳ đầu thế kỷ XX, đặc biệt là cuộc vận động Minh Tân. Cũng cần nói thêm vai trò dẫn đường, khích lệ của các phong trào yêu nước như trường Đông Kinh nghĩa thục, phong trào Duy Tân, Hội Duy Tân/ Đông Du…

Riêng Nam Kỳ, trong phong trào Đông Du, đã chiếm khoảng 50% số du học sinh của cả nước (100/200 người). Ngoài ra, đội ngũ trí thức Nam Kỳ, trong hành trình của mình còn được tiếp nhận thêm không ít người từ Bắc Kỳ và Trung Kỳ “hành phương Nam” như Trần Huy Liệu…

Báo chí, ở Nam Kỳ, được xác nhận nơi đi đầu của báo chí Việt Nam, đã có vai trò to lớn trong việc tập hợp đội ngũ đồng thời là phương tiện hành động của trí thức Nam Kỳ và cả nước.

Nam Kỳ là vùng đất mới, Nho học chưa cắm rễ sâu sắc như ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ; lại là nơi bị người Pháp thôn tính đầu tiên, chịu ảnh hưởng sớm nhất, mạnh mẽ nhất bởi văn hóa, khoa học và kinh tế Pháp, có nền tân học sớm nhất cả nước nên quá trình thiết lập hệ thống giáo dục mới và hình thành đội ngũ trí thức tân học không bị cản trở quá mạnh mẽ bởi tư tưởng Nho học như ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ.

Năm 1913, Nam Kỳ có 48.131 học sinh tiểu học (Bắc Kỳ 34.292, Trung Kỳ 15.052). Năm 1924, Nam Kỳ có 72.709 học sinh. Năm 1930, Nam Kỳ có 1.591 trường công lập với 250 giáo viên người Pháp, 3.800 người Việt với 138.330 học sinh ghi danh.

Ngoài ra còn có 32.543 học sinh các trường tư với một đội ngũ giáo viên đủ để đứng lớp. Theo một thống kê của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Thống, trí thức Việt Nam vào năm 1929 có khoảng 40 vạn người, trong đó Nam Kỳ chiếm một tỷ lệ khá cao bởi hệ thống giáo dục tân học ở đây phát triển sớm hơn.

Theo GS Trần Văn Giàu, “Nói tri thức lúc bấy giờ là nói tất cả những người Tây học, những người không làm việc tay chân mà làm việc trí óc, làm việc bàn giấy, làm việc dạy học ở cấp 1, cấp 2, cấp 3…”. Vì vậy, đội ngũ trí thức Nam Kỳ lúc này khá đông đảo, mặc dù xét về trình độ học vấn, họ không đồng đều nhau, từ bậc tiểu học, trung học đến đại học và sau đại học.

Trong một khảo sát của E.Osborne, giai đoạn 1860 – 1865 ở Nam Kỳ có chỉ 10 người được người Pháp xem như thuộc giới tinh hoa. Nhưng đến năm 1943, danh sách này đã là 141 người.

Nhiều người có trình độ cao, các công chức cao cấp của chính quyền thuộc địa hoặc giảng dạy tại nhà trường các cấp, hoặc hoạt động văn hóa, báo chí, học thuật, hoạt động xã hội… Nhiều người có mức độ Tây học, Âu hóa, “đủ tiêu chuẩn” để nhập quốc tịch Pháp. Theo GS Nguyễn Thế Anh, trong nhiều năm có 3/5 người vào “Làng Tây” là gốc Nam Kỳ.

Trí thức tân học Nam Kỳ là bộ phận quan trọng của trí thức Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX. Không chỉ đông về số lượng mà họ còn tiên phong đi đầu trong các hoạt động văn hóa, giáo dục, học thuật, tư tưởng; là cầu nối giao lưu văn hóa Đông – Tây, góp phần hiện đại hóa nền văn hóa, giáo dục, học thuật đất nước; là lực lượng sáng lập hoặc tham gia các phong trào yêu nước tiến bộ và cách mạng.

Vĩnh Khánh