Triều Ân là một trong những cây bút già dặn của văn học Cao Bằng với lối viết mộc mạc, giản dị, am hiểu sâu sắc về đời sống, con người và phong tục tập quán của các dân tộc nơi mảnh đất miền biên viễn. Được in trong Tuyển tập thơ văn Triều Ân, Dặm ngàn rong ruổi là một trong số những tiểu thuyết thành công nhất của nhà văn. Cuốn tiểu thuyết gây ấn tượng nhờ lối kể chuyện uyển chuyển, hấp dẫn và những nhân vật miệt mài tìm kiếm hạnh phúc cá nhân được nhà văn dụng công xây dựng.

Tiểu thuyết mở đầu bằng câu chuyện về Lìn, con gái cả trong gia đình ông Hạng – một gia đình đông con, ít học, có quan niệm dạy con sai lệch. Lìn không phải là con đẻ của ông Hạng mà là con riêng của mẹ Lìn và thầy giáo Long từng dạy học nơi đây. Chồng chết, lập mưu cướp chồng em gái không thành, Lìn bỏ xuống phố tìm cha. Được sự giúp đỡ của Hoa – cô bạn đồng ngũ nhân hậu năm xưa, Lìn tìm được cha đẻ và kết hôn với bác sĩ Phương nhưng Lìn không thực lòng yêu chồng còn khinh chồng nghèo. Lìn ngã vào vòng tay của gã trai đểu Hồng Ngọc và kiếm được nhiều tiền từ những chuyến đi buôn cùng gã, cô bỏ chồng, lấy Hồng Ngọc. Về sau, bị Hồng Ngọc ruồng rẫy, đánh đập, bị thầy lang Thuần từ chối tình cảm, Lìn phát điên, nhảy sông tự vẫn.

Dặm ngàn rong ruổi còn là những tình tiết về cuộc hôn nhân éo le giữa Thuần và Lơ. Hôn nhân tan vỡ do tính nhu nhược của Thuần, Lơ dứt ruột để lại đứa con theo đề nghị của người em dâu không có con rồi bỏ xứ ra đi. Trưởng thành, Dưỡng tình cờ biết được thân phận con nuôi, biết Thuần và Lơ mới là cha mẹ đẻ của mình, cậu quyết tâm đi tìm cha mẹ. Gặp được mẹ, biết mẹ có gia đình riêng và một con gái, bố dượng đã mất; Dưỡng tìm đến nhà Thuần ở Nguyên Bình để gặp cha. Dưỡng mong cha mẹ tái hợp nhưng Lơ (đã đổi tên thành Hạnh) quyết tâm ở vậy thờ chồng, nuôi con gái.

Kết thúc tiểu thuyết, Bác sĩ Phương lấy Lan; Thuần tìm thấy hạnh phúc với Lưu, cô gái người Dao được anh chữa khỏi căn bệnh hắc lào toàn thân.

Những con người kiếm tìm hạnh phúc

Nằm trong Tuyển tập thơ văn Triều Ân, Dặm ngàn rong ruổi có số trang viết và nhân vật nhiều hơn hẳn so với hai tiểu thuyết Nắng vàng bản Dao, Nơi ấy biên thuỳ. Qua bốn phần, nhà văn đã xây dựng được hơn 20 nhân vật với nhiều tính cách khác nhau. Các nhân vật, mỗi người một hướng, ai cũng mải miết tìm đường đến với hạnh phúc của đời mình. Tuy nhiên, tính cách, lối sống của nhiều nhân vật khiến con đường đến với hạnh phúc của họ không dễ dàng.

Đầu tiên, phải kể đến Lìn, nhân vật chính ở phần một. Lìn không được xếp vào loại có nhan sắc, thậm chí hơi xấu: “Mặt trơ trán bóng. Mắt một mí sưng húp ẩn dưới hàng lông mày mờ mờ gần như không có”. Khi Lìn căm giận, “diện mạo chị ta lúc này như con quỉ hoặc yêu tinh trong trí tưởng tượng của loài người…”. Lìn lăng loàn, ngoa ngoắt, gian xảo nhất trong số những người con của ông Hạng. Tính Lìn tỵ hiềm, không thực lòng đối xử tốt với ai. Trong quân ngũ, Lìn ganh ghét bạn đồng ngũ là Hoa, vu vạ Hoa ăn cắp áo ngực của mình để đổ tiếng xấu cho Hoa nhằm tranh chức tiểu đội trưởng. Nhưng Lìn không ngờ rằng có ngày mình phải tìm đến Hoa trong tình cảnh thê thảm: bỏ trốn khỏi nhà trong sự xấu hổ, nhục nhã vì cướp chồng của em gái. Lìn là nhân vật có cá tính mạnh nhất trong Dặm ngàn rong ruổi. Cô thể hiện khát khao hạnh phúc mãnh liệt, thậm chí không từ một thủ đoạn nào để giành giật hạnh phúc cho riêng mình kể cả dẫm nát hạnh phúc của người khác.

Sự lạnh lùng, đĩ thoã của Lìn thể hiện ngay trong ý nghĩ trước xác người chồng đầu tiên chết vì “phạm phòng”: “đời sao lại thiếu đàn ông được? Lúc cần phải có cả lừa đảo…”. Lìn nhanh chóng để mắt tới Lương – người sắp trở thành chồng của Phón. Lìn ghen với hạnh phúc của em gái trong cả lời nói và hành động. Khi Phón và Lương thành vợ thành chồng, Phón đi học xa, Lìn lập kế hoạch cướp lấy Lương –  khi đó đang ở rể nhà cô. Một mặt Lìn đốt hết thư của Phón gửi về rồi phao tin Phón theo trai. Mặt khác Lìn dùng xác thịt mồi chài, lôi kéo Lương. Lìn điên đảo dựng lên màn kịch bị ma nhập để mọi người tin rằng Phón là con ma gà đáng sợ. Hành động “há mồm cho tiết chảy vào; nuốt ừng ực” khiến người đọc không khỏi ghê sợ con người thủ đoạn này. Lìn còn thể hiện sự vô lương tâm khi Phón đang lên cơn đau tim (Lìn nói với Phón rằng Lương ở nhà thay lòng đổi dạ) thì Lìn vẫn phóng xe đạp về, mặc kệ em sống chết với suy nghĩ sẽ có Lương mãi mãi. Lìn còn trơ tráo xin mẹ lấy Lương làm chồng sau khi Phón mất tích (sau khi lên cơn đau tim, Phón ngã xuống“Rù rằng”). Phón trở về, Lìn bỏ đi tìm cha nhưng thực chất là tìm chỗ nương tựa, dung thân mà liệu cuộc sống êm đềm, có khi nào Lìn nghĩ tới?

Cuộc hôn nhân với Phương – bác sĩ ở bệnh viện thị xã và là học trò cũ của ông Long cũng nằm trong toan tính của Lìn. Cô muốn có một tấm chồng cho yên ổn, trong sạch. Cuộc hôn nhân giữa cô và Phương vốn không xuất phát từ tình yêu nên Lìn cũng không dành cho chồng sự trân trọng, cảm thông. Cô khinh chồng nghèo, đồng lương chẳng đủ nuôi thân. Cô tự hào khi chỉ một chuyến đi buôn đã đem về một túi đầy tiền. Cả đời chinh phục đàn ông với đủ chiêu trò mánh khoé, Lìn chỉ thất bại trước con người lọc lõi hơn mình là Hồng Ngọc. Hắn biết cách chiều chuộng, đánh vào thói tham lam, sĩ diện hão của Lìn. Hắn luồn vào tay Lìn “một cái nhẫn vàng” khiến Lìn ngây ngất, mê mẩn. Hắn gọi Lìn là “tiên nữ cao sơn”, tung hô cô là “Em gái núi cao trinh trắng”. Lìn không biết rằng, Hồng Ngọc chỉ muốn chơi bời và lợi dụng Lìn để làm giàu cho mình nên khi đạt được mục đích, hắn đánh đập, vứt bỏ Lìn như một cái giẻ rách. Cha mất, ly hôn Phương, bệnh khớp hành hạ, Hồng Ngọc công khai qua lại với gái điếm, Lìn như mất tất cả.

Hạnh phúc đến với Lìn đều do tranh cướp hoặc toan tính nên không bền vững. Những rung cảm với Thuần mà Lìn có sau khi được Thuần khám bệnh âu cũng chỉ là cảm tính của một cô ả dễ dãi. Trải qua tới bốn đời chồng, Lìn vẫn lăm le ý định “cướp chồng” người khác. Lìn phát điên, tự vẫn không phải do hối hận về những điều xấu đã gây ra mà sâu thẳm trong con người dở điên dở tỉnh này là sự đau khổ, thất vọng tột cùng khi cố gắng hết sức mà vẫn không cầm giữ được hạnh phúc. Cách giải quyết cho nhân vật này đầy bế tắc, nhưng dường như đây là cách hợp lý nhất Triều Ân chọn cho người đàn bà đĩ thoã, nhiều tham vọng về hạnh phúc như Lìn.

Hai lần lấy vợ, Thuần vẫn không có được hạnh phúc do tính cách nhu nhược, thiếu quyết đoán của mình. Về Nguyên Bình xin cha mẹ gà, gạo để chăm người vợ xác xơ đang ở cữ, Thuần đã không trở lại, bỏ mặc người vợ trẻ ôm con mòn mỏi chờ mong. Anh chịu sự sắp xếp của cha mẹ làm chồng Đoạn Thị Vòng trong một cuộc hôn nhân hoàn toàn không có tình yêu. Thuần thiếu bản lĩnh của người chủ gia đình nên bị vợ coi thường, thường xuyên bạo hành. Khi Dưỡng tìm đến Thuần, Thuần cũng muốn tái hợp với Lơ nhưng lí lẽ anh đưa ra đã không thuyết phục được người vợ cũ đức hạnh ấy.

Thuần từng có quan hệ xác thịt với Lìn, gieo vào lòng cô chút hi vọng về cuộc sống lứa đôi nhưng anh không nghiêm túc trong mối quan hệ với người phụ nữ này. Sự mềm lòng của Thuần chỉ là do ham muốn thể xác nhất thời mà thôi. Câu nói “Thương, rất thương” Thuần dành cho Lìn chỉ là câu trả lời bột phát chứ chưa phải tình cảm thực được bồi đắp qua năm tháng. Thuần là nguyên nhân lớn nhất khiến Lìn trở nên điên dại. Sự thiếu quyết đoán, không rạch ròi, dứt khoát của Thuần đã để lại bao đau khổ cho những người phụ nữ đi qua đời anh. Lưu có lẽ là người con gái cuối cùng Thuần đi cùng hết cuộc đời bởi giữa họ đã sẵn có sự tin tưởng, hiểu nhau. Khi đến với nhau, Lưu trẻ trung, xinh đẹp, chưa có lứa có đôi, còn Thuần đã rũ bỏ hết những khát vọng, giận hờn của những cuộc hôn nhân trước.

Đoạn Thị Vòng cũng là nhân vật đáng nhắc đến trong tiểu thuyết này. Vòng từ ngày còn trẻ đã cậy con nhà gia thế nên lấc cấc, hỗn láo, át vía chồng, sẵn sàng đánh chồng, chửi chồng. Thuần không phải là mẫu người chồng lý tưởng của Vòng. Nói như Vòng thì Thuần “không là người đáng để tao dựa dẫm”. Thực ra bản chất của nhân vật này không hoàn toàn xấu. Chị ta cũng có lúc yếu đuối, biết phục thiện. Khi Thuần quay lưng, Vòng cũng muốn làm hoà với chồng. Vòng có ý định đứng ra tổ chức hôn lễ cho Dưỡng. Khi nghe Ngọc Thị Hạnh (Lơ) kết tội “cướp chồng”, chị ta “mặt tái mét, cúi gằm không nói”. Giây phút được Hạnh tha thứ và cho phép Vòng tiếp tục làm phận sự của một người vợ, một người mẹ kế, Vòng “run rẩy xúc động, đứng lên, đi không vững” đến ôm lấy người vợ cả ấy mà cảm ơn; bị chồng lạnh lùng, cự tuyệt, Vòng đã có lúc tủi thân, bỏ xuống bếp khóc thút thít. Sự quan tâm của gã thợ ảnh Dương Kim đã làm thức dậy ham muốn rất đỗi đàn bà ở người vợ thiếu hơi ấm từ chồng. Biết Vòng vẫn muốn có một đứa con trai, Hắn đã cho Vòng thoả khao khát làm mẹ. Cuối tiểu thuyết, sự việc Vòng hả hê với chiếc bụng lùm lùm, mê muội bảo vệ Dương Kim tới cùng dù hắn là kẻ bạc nghĩa, ăn cắp khiến Vòng trở thành người đàn bà vừa đáng trách vừa đáng thương.

Nhìn chung, khát vọng hạnh phúc trong Dặm ngàn rong ruổi không chỉ xuất hiện ở những con người sống lương thiện, vô tư, hồn hậu mà ở cả những người đã từng tranh đoạt hạnh phúc, những người đanh đá, lẳng lơ, nanh ác như Lìn, Vòng, hay những cô gái sống phóng túng, buông thả như chị em Bích Ngọc, Hoàng Điệp – chủ quán trọ ở phố chợ Cao Bình trong tác phẩm.

Vậy trong “Dặm ngàn rong ruổi”, Triều Ân quan niệm như thế nào về hạnh phúc?

Mưu cầu hạnh phúc cá nhân, khát khao mái ấm gia đình nhưng các nhân vật Lơ, Dưỡng, Hoàn, Lan không tranh giành, tước đoạt với bất kỳ ai. Hạnh phúc dù muộn màng rồi sẽ với những con người tử tế, ngay thẳng, trong sạch như họ. Ngọc Thị Lơ, người phụ nữ Trùng Khánh xinh đẹp, nết na, đức hạnh không ngờ bị chính người chồng mình hết mực tin yêu phụ bạc. Chị đã phải nếm trải nỗi đau xé lòng khi ngày lần mò tìm đến Nguyên Bình lại là ngày cưới của Thuần và Vòng. Lơ đến với anh đánh cá nghèo khổ, chết hai đời vợ, xuất phát từ mong muốn có một cuộc sống bình lặng, một chỗ dựa tinh thần nhưng càng về sau, chị càng yêu và trân trọng người chồng hiền lành, tình nghĩa. Trước mong muốn tái hợp của Thuần, chị “thấy ghét Thuần hơn là thương hại. Lơ thấy Thuần ích kỷ đang muốn trốn tránh trách nhiệm để về đây hưởng một cuộc sống gia đinh hoà thuận sẵn có của người khác tạo nên”. Lơ tỉnh táo, lí trí :“…sao anh Thuần không tìm đến ta từ ngày còn trẻ? Đứa con ngây thơ chưa từng trải đã từ quê ra có dăm hôm đã tìm được mẹ. Đằng này từ đầu Thuần đã không dứt được Vòng; nay về già còn giở giọng thương nhớ…”. Chị ý thức được mình: “vẫn là vợ goá của Ban Văn Nẹng, mẹ của Ban Thị Chăm”. Chị tự dặn mình phải “giữ tình cảm mẹ con trong sáng và trọn vẹn giữa mình mình với con gái họ Ban”. Lơ thấy Thuần không xứng đáng để chị đánh đổi tình cảm dành hết cho người chồng đánh cá xấu số. Dù từng căm hận Vòng “cướp chồng” nhưng sau cùng, chị chọn cách tha thứ cho Đoạn Thị Vòng. Lơ là điển hình cho người phụ nữ miền núi có phẩm chất cao đẹp, nhân hậu, thuỷ chung.

Dưỡng là kết quả của tình yêu nồng cháy giữa Thuần và Lơ. Rời vòng tay mẹ khi còn nhỏ, Dưỡng lớn lên trong sự chăm sóc của cậu, mợ. Buổi đầu biết yêu, Dưỡng xao động trước Giếng – cô gái cùng quê Trùng Khánh. Nhưng Giếng mãi chỉ là niềm ao ước xa vời với lời trách móc nhẹ nhàng mà xót xa như dao cứa vào tim: “Anh chỉ sống độc thân, không có cha mẹ thì anh lấy đâu tiền bạc để sắm lễ vật đến bên nhà em? Mà không có lễ vật thì không có cưới xin gì cả …”. Tính toán, ham vật chất, Giếng không phải là cô gái thích hợp với chàng trai nghèo như Dưỡng. Trái ngược với Giếng, Hoàn – cô gái người Dao nết na, hiền thảo mà Dưỡng cảm mến ngay từ lần gặp đầu tiên lại chưa bao giờ xét nét gia cảnh của anh. Vậy là sau bao ngày khổ đau vì hoàn cảnh, chàng trai ấy đã có thể mỉm cười sánh đôi bên người con gái thật lòng thương anh.

Nhà nghèo, bị Lìn ganh ghét, coi thường, bị Hồng Ngọc lừa tình đến mức có thai nhưng nhân vật Lan vẫn chiếm được thiện cảm của người đọc bởi lối cư xử nghĩa tình, thơm thảo. Cô nhanh nhẹn giúp đám tang ông giáo Long, biếu mẹ Lìn ít đồ ăn trước khi bà về. Cách Lan nhiệt thành mời Thuần và Phương ăn cơm trong lúc Phương không còn một đồng đãi khách khiến Phương cảm động. Hạnh phúc với bác sĩ Phương là phần thưởng xứng đáng cho người hiền lành như cô.

Dặm ngàn rong ruổi là cuốn tiểu thuyết thể hiện trình độ nghệ thuật già dặn, chín muồi của ngòi bút Triều Ân. Cảm hứng thế sự – đời tư với ngôn từ mộc mạc, giản dị, lối kể chuyện chậm rãi, theo trình tự diễn biến và tâm lý của nhân vật, am hiểu sâu sắc văn hoá các dân tộc địa phương,… cũng góp phần rất lớn tạo nên thành công của tiểu thuyết này. Văn học là một phương thức nghệ thuật phản ánh đời sống. Vậy nên ở đâu đó, ta vẫn bắt gặp những con người, những số phận như Triều Ân đã viết. Xuyên suốt Dặm ngàn rong ruổi, Triều Ân không phát biểu hạnh phúc là gì, con người phải làm sao chạm đến hạnh phúc nhưng ta vẫn nhận ra quan niệm nhà văn ngầm gửi gắm: hạnh phúc phụ thuộc vào mỗi người nhưng hạnh phúc chỉ bền vững khi ta hết lòng xây đắp. Nhà văn tin rằng hạnh phúc sẽ đến với người biết sống và yêu chân thành. Gấp cuốn sách lại, người đọc băn khoăn tự hỏi: Dặm ngàn rong ruổi hay chính là hành trình tìm kiếm hạnh phúc của con người?

TÔ QUỲNH NHƯ