Là một hiện tượng mang tính đặc trưng, cũng có thể nói là một quy luật đặc thù của văn học thời trung đại, không chỉ ở Việt Nam mà còn là ở thế giới nói chung. Nó đã là một phương diện để phân biệt văn học trung đại với văn học hiện đại, và nếu tôi không lầm thì chính từ hiện tượng này, quy luật này, mà trong lý luận văn chương của nhiều nước trên thế giới và Việt Nam đã đưa ra các khái niệm định tính cho văn học trung đại như văn học hành chức, văn học chức năng, văn học cận văn học, văn học phi văn học… Những khái niệm này với tôi, xin thú thật, biết vậy nhưng không dám dùng vì dễ gây hiểu lầm cho người khác trong việc nhận thức về văn học trung đại. Hiện tượng văn sử triết bất phân là hiện tượng đặc trưng và phổ biến của văn học trung đại mang tính chất thế giới như thế, cho nên đã được nhiều người bàn đến. Năm 1958, trên tạp chí Văn Sử Triết
(Sơn Đông – Trung Quốc) đã có một số bài viết về vấn đề văn – sử – triết bất phân trong văn học trung đại của Trung Hoa. Ở Việt Nam, từ đầu những năm 60 của thế kỷ XX vừa qua, một số người trong đó có tôi cũng nói đến hiện tượng này. Tuy nhiên, tất cả chỉ mới nói sơ qua trong vài ba dòng. Do đó, nhân dịp này tôi muốn nói rõ hơn, đầy đủ hơn để mong góp phần vào việc nhận diện văn học trung đại đúng với đặc trưng của nó.
Hiện tượng văn – sử bất phân, văn – triết bất phân, văn – sử – triết bất phân trong văn học trung đại trước hết là đặc trưng của văn hoá trung đại nói chung một khi mà khối lượng tri thức của xã hội chưa phong phú tới độ đòi hỏi phải có sự phân ngành rạch ròi như về sau ở thời hiện đại. Ở Việt Nam, trong thời trung đại, nho sĩ là người trí thức mang tính chất hỗn hợp. Nho sĩ kiêm cả nho y lý số. Lê Hữu Trác, Nguyễn Đình Chiểu… ở thời trung đại vừa là bậc danh y, vừa là bậc văn nhân có tầm cỡ lớn so với một bác sĩ nào đó có tài thơ tài văn thời nay, bề ngoài là một, ở phương diện cá nhân là một, nhưng xét về phương diện quy luật văn hoá của thời đại thì khác nhau cơ bản. Bởi hiện tượng trên là mang tính phổ quát. Còn hiện tượng sau chỉ mang tính cá nhân.
Hiện tượng văn – sử – triết bất phân, đặc biệt là văn – triết bất phân vốn là sản phẩm của một trình độ tư duy nghệ thuật mà trong đó sự phân hoá giữa hai hình thái tư duy: luận lý (cũng gọi là khái niệm, lôgic) và hình tượng chưa được tách biệt như về sau trong thời hiện đại. Nói đến hiện tượng văn – sử – triết bất phân ở thời trung đại chính là nói đến hiện tượng đan xen giữa hai hình thái tư duy luận lý và hình tượng; chính là nói đến trạng thái trong sáng tác văn chương, tư duy hình tượng chưa lấn át được hoàn toàn tư duy luận lý như ở thời hiện đại về sau. Với văn học trung đại, nội dung các ý tưởng, các khái niệm mang tính chất triết học, nói chung vẫn tồn tại trong các tác phẩm một cách trực hiện bằng tư duy luận lý, trong khi với văn học hiện đại, chúng đã tồn tại theo kiểu gián tiếp, tan biến vào trong hình tượng.
Hiện tượng văn – sử – triết bất phân có liên quan mật thiết với quan niệm văn chương thời trung đại trong đó khái niệm văn vừa có nghĩa hẹp vừa có nghĩa rộng, nhưng nói chung là rộng. Hẹp là trong trường hợp văn được đặt vào quan hệ đối xứng với chất để chỉ vào hình thức trong khi chất là thuộc nội dung: Văn chất bân bân (hình thức và nội dung đều hoàn mỹ). Rộng là trong trường hợp văn gần như đồng nhất với văn hoá, văn hiến, với học thuật nói chung. Chữ văn trong luận đề “Tiên học lễ, hậu học văn” có nghĩa rộng như thế. Ở thời trung đại, một khi quan niệm văn chương còn được mở rộng như thế thì có hiện tượng văn – sử – triết bất phân là chuyện dễ hiểu. Khác với thời hiện đại sau này, dù trong nội hàm của khái niệm văn (littérature) vẫn có nghĩa rộng do đó vẫn có thể bao gồm cả sử, địa, triết… (littérature historique, littérature géographique, littérature philosophique…) nhưng chủ yếu lại đã thiên vào nghĩa hẹp tức là văn mỹ thuật (littératre esthétique, belles lettre). Trong quan niệm văn chương trung đại, nổi lên chủ đạo như mọi người đã thừa nhận là quan niệm “văn dĩ tải đạo” (văn để chở đạo), “văn dĩ quán đạo” (văn để quán triệt đạo), “văn dĩ minh đạo” (văn để sáng tỏ đạo), “thi ngôn chí” (thơ để nói chí). Với những quan niệm như thế thì trong sáng tác văn chương, chức năng giáo huấn sẽ được đặt lên hàng đầu, lấn át chức năng thẩm mỹ, chức năng phản ánh, nhận thức là điều dường như tất yếu. Và chính đó cũng liên quan tới hiện tượng văn – triết bất phân bởi nội dung triết (cần hiểu theo nghĩa rộng là tư tưởng) chính là nội dung giáo huấn được tồn tại trực hiện như đã nói. Trong thời trung đại, bên cạnh quan niệm coi văn là phương tiện chở đạo đã thành chính thống, không phải là không xuất hiện quan niệm về tính độc lập tương đối của văn. Ở Trung Quốc, cùng với quan niệm “văn dĩ tải đạo”, “văn dĩ quán đạo”, … cũng đã có quan niệm “văn thị văn, đạo thị đạo” (văn là văn, đạo là đạo). Với quan niệm này, ý thức về tính độc lập tương đối của văn đã nảy sinh. Ở Việt Nam, khi Nguyễn Đình Chiểu viết: “Văn chương ai cũng muốn nghe/ Phun châu nhả ngọc báu khoe tinh thần” cũng là tỏ ra đã thấy được cái vẻ đẹp cần có về hình thức song song với giá trị quý báu trong nội dung của văn chương. Tuy nhiên, mức độ tự giác về tính độc lập tương đối của văn chương ở đây vẫn chưa đủ để vươn tới trình độ của thời hiện đại một khi mà chức năng thẩm mỹ của văn chương đã được nhận thức sâu sắc, những thuộc tính mang tính đặc trưng của văn chương so với các loại hình nghệ thuật khác đã được phát hiện tường minh. Trạng thái đó dĩ nhiên liên quan tới hiện tượng văn – sử – triết bất phân, nhưng mặt khác, cũng chính trạng thái sẽ là mầm móng báo hiệu khả năng tách văn khỏi sử, khỏi triết sẽ là hiện thực ở thời hiện đại sau.
Hiện tượng văn – sử – triết bất phân trước hết được thể hiện trong hệ thống thể loại của văn học trung đại gồm hai loại hình chính là văn vần và văn xuôi. Trên đại thể, hiện tượng văn – sử – triết bất phân thể hiện ở phạm vi văn xuôi rõ nét hơn ở văn vần. Bởi bản chất trữ tình vốn là thuộc tính nổi trội của loại hình văn vần nên tự nó đã có khả năng hạn chế sự xâm lấn của sử và triết nếu so sánh tương đối với loại hình văn xuôi. Mặc dù, trong loại hình văn vần có thể loại diễn ca lịch sử được coi như là một hiện tượng văn – sử bất phân không chỉ thể hiện đặc trưng văn học trung đại mà còn có khả năng tồn tại lâu dài, ngay ở thời hiện đại. Trong loại hình văn xuôi của thời trung đại, với các thể loại của nó, có thể chia làm hai bộ phận: bộ phận thứ nhất bao gồm các loại cụ thể như chiếu, chế, biểu, bi, minh, ký, văn sách, luận thuyết, triết lý, tự, bạt… là những thể loại – nói theo thuật ngữ hiện nay là thuộc văn chính luận – đều được viết bằng tư duy khái niệm. Tư duy hình tượng nếu có thì chỉ ở cấp độ chi tiết mà thực ra cũng chẳng có nhiều. Với bộ phận này, hiện tượng văn – triết bất phân trở thành đặc trưng thể loại. Bộ phận thứ hai gồm các thể loại cụ thể như tiểu truyện, liệt truyện, tiểu thuyết chương hồi, kể cả các thể loại thuộc văn học Phật giáo như truyện truyền đăng, truyện thần kỳ, truyện các thánh, hoặc các thể loại gắn với lễ nghi tôn giáo như thần tích, thần phả… đều ít nhiều đã có yếu tố truyện, có nghĩa là đã có yếu tố văn hơn, nhưng vẫn chưa đủ để tách khỏi sử, khỏi triết. Thể liệt truyện, tiểu truyện chẳng hạn đầu tiên vẫn có mặt là trong các sách sử. Có thể nói, các thể loại này là sản phẩm của quy luật văn – sử bất phân. Bởi thế mà sau này, các sử gia vẫn khai thác nội dung các liệt truyện như khai thác bất kỳ công trình sử học nào khác. Trong khi các nhà văn học sử, nói đến sự ra đời của thể loại truyện ngắn, vẫn không quên nhắc đến tiểu truyện, liệt truyện, các loại truyện gắn với việc tuyên truyền Phật giáo, coi như là một trong những mầm mống ban đầu. Tất nhiên ngay ở thời trung đại, trong thể loại truyện cũng đã có một bộ phận về cơ bản tách khỏi sử, khỏi triết. Nhưng ngay ở đây, dấu vết của quan hệ văn – triết bất phân, văn – sử – triết bất phân không phải không còn. Thực tế, nó vẫn in dấu vết trong cơ chế nghệ thuật của tác phẩm, trong bút pháp. Xét cơ chế nghệ thuật của nhiều truyện trung đại, ở cả hai loại hình văn xuôi và văn vần (tức truyện thơ), nhiều nhà nghiên cứu từng nói đến tính chất tiên nghiệm (à priori). Điều đó không gì khác, chính là dấu vết chi phối của hiện tượng văn – triết bất phân trong cơ chế nghệ thuật của tác phẩm.
Hiện tượng văn – sử – triết bất phân trong thời trung đại, về đại thể là như trên. Nhưng ở phạm vi tác phẩm cụ thể thì sự thể hiện của nó là vô cùng sinh động, thiên hình vạn trạng. Sau đây xin nêu một số trường hợp cụ thể để bạn đọc thấy rõ vấn đề hơn.
Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn là hiện tượng văn – triết bất phân, bởi ở đây, nội dung là thuộc về triết, tư duy là luận lý nếu xét ở cấp độ tổng thể. Nhưng ở cấp độ chi tiết, tư duy hình tượng đã có mặt và kết quả đã tạo được một hình ảnh hấp dẫn bao đời nay với người đọc Việt Nam. Đó là hình ảnh về “cái thế rồng cuộn, hổ ngồi” của đất Thăng Long được chọn làm kinh đô mới của Nhà nước đang trên đường vươn tới, chuyển từ cái thế thụ động sang thế chủ động. Hình ảnh đó, về đặc tính là thuộc về văn, mặc dù nhà sử học, nhà triết học cũng có thể dựng lên hình ảnh đó như Lý Công Uẩn đã làm. Ngoài ra, như các nhà lý luận văn học từng nói, trong văn chính luận có thể có hai trạng thái: chính luận đơn thuần, nghĩa là thuần lý và chính luận có chất trữ tình mà hình thức biểu hiện không lộ rõ như trong thơ trữ tình, vì đã ẩn chìm vào bên trong lý lẽ. Bài Chiếu dời đô hẳn là thuộc trạng thái sau. Xét yếu tố văn của tác phẩm này, phải tính thêm đến điều đó.
Nam quốc sơn hà (thơ Thần) là hiện tượng văn – triết bất phân bởi ở đây nội dung cũng thuộc về triết, bốn câu là bốn ý được diễn đạt bằng tư duy luận lý không khác gì so với Chiếu dời đô, nhưng cũng ở đây, yếu tố văn đã được thể hiện trên hai phương diện. Trước hết là việc sử dụng thể loại tứ tuyệt Đường luật vốn không liên quan gì đến thể loại của sử, của triết. Thứ đến là cảm xúc trữ tình cũng trong trạng thái đã được dồn nén vào trong ý tưởng, điều mà nhiều người phân tích thơ cũng từng nói đến. Từ bao đời nay và mãi mãi về sau, người Việt Nam ta vẫn tự hào có bài Nam quốc sơn hà với tư cách là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất nước nhưng cũng là một bài thơ (thơ Thần) chính là từ trạng thái đó.
Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi là hiện tượng văn – sử – triết bất phân. Ở đây, rõ ràng đã hội tụ đủ cả ba yếu tố văn – sử – triết. Về triết, đó là lý tưởng nhân nghĩa trực tiếp rực sáng lên trong lời mở đầu tác phẩm:
Từng nghe:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân;
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
và tiếp tục chói lọi ở cuối tác phẩm:
Xã tắc từ đây vững bền;
Giang sơn từ đây đổi mới.
Kiền khôn bĩ mà lại thái;
Nhật nguyệt hối mà lại minh.
Muôn thuở nền thái bình vững chắc;
Ngàn thu vết nhục nhã sạch làu. …
Về sử, đó là một bản tổng kết quá tài tình, theo tiêu chuẩn – cô đúc mà đầy đủ – thì khó trường hợp thứ hai về lịch sử khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo từ buổi đầu vô cùng gian khổ cho đến cuối cùng đại thắng vẻ vang. Về văn, trước hết là một nguồn cảm xúc trữ tình mang âm hưởng hào hùng bề thế tới mức có thể nói như vô tiền khoáng hậu, chẳng thế mà người đời sau đã mệnh danh là “thiên cổ hùng văn” (bài văn hùng của muôn thuở). Thứ đến, khả năng tư duy hình tượng này vận động ngược chiều nhau. Kẻ thù thì từ chỗ hung hăng tàn bạo đến hết chỗ nói nhưng rồi từng bước thất bại, thất bại sau nặng nề hơn thất bại trước, cuối cùng đại bại. Còn dân tộc, từ chỗ buổi đầu đầy gian truân vất vả, tưởng như thất bại đến nơi, nhưng rồi từng bước trưởng thành, chiến thắng, chiến thắng sau lớn hơn chiến thắng trước, cuối cùng đại thắng. Ở đây, cái phi thường là với mỗi tuyến, trong sự vận động, với từng sự kiện thất bại hay chiến thắng, đều đã có một hình tượng vừa sinh động, vừa phù hợp, không mảy may trùng lặp. Thứ nữa, còn là một năng lực kết cấu hoàn chỉnh, không một chút sơ suất trong một tác phẩm văn chương được viết theo thể cáo, điều không dễ có nhiều. Bình Ngô đại cáo quả là một kiệt tác văn chương kết tinh trên cơ sở của quy luật văn – sử – triết bất phân, khác Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chủ tịch sau này cũng là một kiệt tác nhưng lại là sản phẩm của một thời đại mà giữa văn và sử, văn và triết đã tách rời khỏi nhau. Có người không nhận ra điều quan trọng đó, cho nên đã cho rằng Bình Ngô đại cáo và Tuyên ngôn độc lập đều là tác phẩm chính trị trăm phần trăm.
Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái là hiện tượng văn – sử bất phân. Bởi Hoàng Lê nhất thống chí trước hết là một thành tựu sử học, chép về công cuộc nhất thống của nhà Lê diễn ra trong quãng thời gian 30 năm từ ngày Trịnh Sâm lên ngôi chúa (1768) đến lúc Gia Long lên ngôi vua (1802) trong đó nổi lên: một mặt là cuộc khủng hoảng nặng nề, triền miên, dẫn tới sụp đổ của triều đại Lê – Trịnh. Mặt khác là sự vùng dậy oai hùng của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, nhất là thời chiến thắng thù trong giặc ngoài, thu non sông về một mối nhưng rút cục đã thất bại, để lịch sử chịu rơi vào trạng thái bi kịch oái oăm. Nhưng Hoàng Lê nhất thống chí cũng là một kiệt tác văn chương mà ở đây yếu tố văn đã được thể hiện trước hết bằng hình thức thể loại tiểu thuyết chương hồi có nguồn gốc từ Trung Hoa, đặc biệt là với tiểu thuyết Minh – Thanh. Về bút pháp,Hoàng Lê nhất thống chí là một cuộc giao duyên tuyệt đẹp giữa văn bút và sử bút. Bút pháp này thể hiện rõ việc khắc hoạ tính cách các nhân vật và trong việc miêu tả sự kiện hiếm có một tác phẩm nào trong lịch sử văn học Việt Nam xưa nay lại có một khối lượng nhân vật lớn như Hoàng Lê nhất thống chí mà hầu như nhân vật nào cũng ra nhân vật nấy, có hành động và tính cách riêng. Nếu chỉ có vai trò của sử bút như thường gặp trong các sách sử khác thì hẳn là khó có điều như vừa nói. Được như thế, phải có thêm vai trò của văn bút. Văn bút cho phép, không chỉ nắm bắt mà quan trọng hơn là thể hiện bằng nghệ thuật ngôn từ cốt cách, cá tính nhân vật, thông qua việc lựa chọn, tạo dựng những chi tiết có hàm lượng tư tưởng thẩm mỹ cao. Chúng ta đều biết, với sử học, vai trò của sự kiện là quan trọng nhất. Nhưng với văn, quan trọng hơn còn là vai trò của chi tiết của sự kiện. Bởi chính từ đó mà tạo ra tính cá thể sinh động, hấp dẫn của tác phẩm. Thử đọc đoạn văn “Kiêu binh nổi loạn” trong Hoàng Lê nhất thống chí được trích dạy trong sách giáo khoa Văn lớp 11 của bậc phổ thông trung học hiện nay, với những chi tiết trong cảnh kiêu binh đón rước Trịnh Tông vào triều cho lên ngôi chúa, những chi tiết trong cảnh kiêu binh nổi loạn chiến với quận Huy, với voi của quận Huy… sẽ thấy rõ nếu không có con mắt nhà văn, bút pháp văn thì khó tạo ra được những cảnh tượng sinh động, tỉ mỉ, hấp dẫn như thế. Hoàng Lê nhất thống chí so với tiểu thuyết lịch sử trong văn học hiện đại, bề ngoài có vẻ không khác gì nhau, nhưng cơ sở quy luật để xuất hiện tác phẩm thì hai bên khác nhau cơ bản. Bởi Hoàng Lê nhất thống chí là sản phẩm của quy luật văn – sử bất phân, nên ở đây giá trị sử và giá trị văn được coi như đồng đẳng. Các sử gia vẫn có quyền khai thác sử liệu trong Hoàng Lê nhất thống chí như ở bất kỳ tác phẩm sử học nào khác, trong khi với tiểu thuyết lịch sử của thời hiện đại, yếu tố lịch sử đã nằm ngoài sự chú ý của sử gia bởi nó có mặt trong tác phẩm chỉ với tư cách phương tiện đơn thuần của tiểu thuyết gia. Nhà tiểu thuyết trong khi viết về đề tài lịch sử, tuy có dựa vào sử liệu nhưng đã tái hiện lịch sử theo lăng kính chủ quan và cũng là theo yêu cầu của tiểu thuyết, rất khác với sử gia khi viết sử.
Truyện Kiều của Nguyễn Du là tác phẩm có thể nói đã hoàn toàn thuộc về văn, cụ thể là thuộc về thể loại truyện thơ mà trong đó đã có cả yếu tố tiểu thuyết hiện đại như nhà văn Nguyễn Đình Thi từng nói. Tuy nhiên, dấu vết của hiện tượng văn – triết bất phân không phải là không còn trongTruyện Kiều. Nguyễn Du chẳng đã mở đầu Truyện Kiều bằng bốn câu thơ triết lý đơn thuần:
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh, khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Để rồi với 3250 câu Kiều tiếp theo với bao nhiêu cảnh ngộ, bao nhiêu nhân vật, bao nhiêu bức tranh thiên nhiên được dựng lên để làm nền cho cảnh ngộ, cho thân phận nhân vật, đặc biệt làThuý Kiều… mà theo một cách nhìn không phải không có căn cứ, là sự minh hoạ cho tư tưởng triết học của Nguyễn Du đã được trực tiêp nêu lên ở bốn câu đầu trên đây. Hiện tượng này chẳng riêng của Truyện Kiều, mà phổ biến trong truyện thơ trung đại. Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, mở đầu cũng là thế:
Trước đèn xem truyện Tây Minh,
Gẫm cười hai chữ nhơn tình éo le.
Hỡi ai lẳng lặng mà nghe,
Dữ răn việc trước lành dè thân sau.
Trai thời trung hiếu làm đầu,
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình…
Ở đây, dấu vết tồn tại của hiện tượng văn – triết bất phân liên quan đến tính chất tiên nghiệm trong tư duy nghệ thuật viết truyện trung đại là điều khác với tiểu thuyết hiện đại về sau. Về sau, không ai mở đầu tiểu thuyết bằng nội dung triết lí như cách Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu từng làm. Mở đầu tác phẩm Chí Phèo, Nam Cao viết: “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng của nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra… không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không? Thế có khổ hắn không? Không biết đứa chết cha chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này? …”
Cách mở đầu tác phẩm như thế, chứng tỏ ở đây, tư duy hình tượng trong sáng tác văn chương đã chiếm lĩnh hầu như hoàn toàn trận địa. Hiện tượng văn – triết bất phân đã cáo chung. Ở đây, không phải không có triết lý, ví như tác phẩm Chí Phèo, là sự tha hoá của người nông dân do nạn áp bức bóc lột của bọn cường hào ác bá ở nông thôn dưới chế độ thực dân nửa phong kiến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 gây nên, là khát vọng hạnh phúc, khát vọng trở lại lương thiện của con người dù đã bị tha hoá nặng nề. Nhưng những nội dung triết lý này đã không còn tồn tại trong tác phẩm theo kiểu trực hiện mà chúng đã tan thấm vào các hình tượng nghệ thuật. Điều này, dĩ nhiên ở Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng đã xuất hiện. Bởi trong Truyện Kiều, một bộ phận tư tưởng triết học mang tính chất siêu hình cũng đã được hình tượng hoá thành bóng ma Đạm Tiên, kể cả các nhân vật như người tướng sĩ, vãi Giác Duyên. Đúng là ở Truyện Kiều vẫn đang ít nhiều có sự giao thoa giữa kiểu tư duy luận lý liên quan đến tính chất tiên nghiệm và để lại dấu vết văn – triết bất phân trong nghệ thuật với kiểu tư duy hình tượng dù đã đắc thắng vẻ vang, nhưng chưa chiến thắng triệt để như ở tiểu thuyết hiện đại trong dạng điển hình nhất.
Trở lên là một số hiện tượng tiêu biểu cho quy luật văn – sử – triết bất phân mà chúng tôi muốn trình bày với bạn đọc để góp phần nâng cao chất lượng nhận thức văn học trung đại. Nhưng ngoài những điều đó, thực ra còn phải kể đến hiện tượng văn – y bất phân, dù là không phổ biến nhưng ít ra cũng có một tác phẩm đáng nói là Ngư tiều y thuật vấn đáp của Nguyễn Đình Chiểu. Với tác phẩm này, về mặt y học, một số nhà nghiên cứu từng cho rằng Đồ Chiểu đã làm việc phổ biến kiến thức đồ sộ được lấy từ hàng trăm bộ sách Đông y. Còn về văn, thì đó là một truyện thơ, có cốt truyện, có nhân vật, có ngôn ngữ nghệ thuật… nhằm bộc lộ tư tưởng, tình cảm, thái độ, tâm trạng của Đồ Chiểu trong cảnh ngộ đất nước bị xâm lược, lục tỉnh Nam kỳ đã mất hẳn vào tay giặc Pháp, vì mù loà, già yếu không đi tị địa được, đành ở lại trong đất giặc chiếm với một tấm lòng thuỷ chung sắt son đối với Tổ quốc nhân dân. Hình tượng Kỳ Nhân Sư trong tác phẩm văn – y bất phân này đã là một hiện tượng nghệ thuật sáng giá trong văn nghiệp Đồ Chiểu, trong văn học giai đoạn cuối của thời trung đại. Với văn học hiện đại, chắc chắn khó có một tác phẩm nào thuộc về hiện tượng văn – y bất phân như Ngư Tiều y thuật vấn đáp nữa, vì quy luật văn chương và quy luật văn hoá đã đổi khác.
Tóm lại, văn – sử bất phân, văn – triết bất phân, văn – sử – triết bất phân là hiện tượng đặc thù của văn học trung đại. Nó liên quan đến quy luật văn hoá, quan niệm văn chương ở thời trung đại. Nó thể hiện trong hệ thống thể loại văn học và trong cơ chế nghệ thuật của mỗi tác phẩm văn học cụ thể, đa dạng, biến hoá. Nó còn chi phối cách làm tuyển tập văn thơ. Ví như trong Hoàng Việt văn tuyển của Bùi Huy Bích, một tuyển tập về văn gồm: phú cổ, ký, minh, văn tế, chiếu, chế, sách, biểu, tạ, khải, tản văn, tấu, công văn. Nó thể hiện trong cách biên soạn “nghệ văn chí”, “thư tịch chí”. Trong Nghệ văn chí (thuộc Đại Việt thông sử) của Lê Quý Đôn, “nghệ văn” là gồm bốn loại: hiến chương (ví dụ: Hình luật thư, Hoàng triều quan chế, Nam Bắc phân giới địa đồ …), thơ văn, truyện ký (Ví dụ: Tam tạng kinh, Đại tạng kinh …). Trong Văn tịch chí (thuộc Lịch triều hiến chương loại chí) của Phan Huy Chú, “văn tịch” là gồm bốn loại: hiến chương, kinh sử, thi văn, truyện ký. Sau này, vào thời hiện đại, khoa Sử ra đời. Buổi đầu, cách viết văn học sử ít nhiều vẫn dựa trên quan điểm văn – sử – triết bất phân. Bởi thế mà các tác phẩm như Vạn ngôn thư của Lê Cảnh Tuân, Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn… vẫn có mặt trong Việt Nam văn học sử yếu (viết 1941, in lần thứ nhất 1943) của Dương Quảng Hàm với tư cách là đối tượng trực tiếp của văn học sử. Điều này hẳn là khác với các sách văn học sử hiện thời. Bởi một khi quan niệm văn chương hình tượng, văn chương mỹ thuật đã thắng thế, thì loại tác phẩm vừa được nhắc tới đó trong Việt Nam văn học sử yếuhoặc đã để ra ngoài, hoặc có nói tới thì cũng chỉ nói với tư các những tác phẩm thuộc môi trường văn hoá của văn học, chứ không được coi là văn học nữa.
GS. Nguyễn Đình Chú