Khi viết những dòng này, trong tâm trí tôi hiện lên câu nói của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư:
“Tôi bắt đầu tin văn chương cũng có lửa, làm tan chảy những bức tường thép mà mỗi người tự dựng lên; văn chương cũng là băng, gắn kết những ốc đảo người thành một khối; văn chương cũng là nước, dịu dàng mà mãnh liệt vượt qua những rào cản của lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ…”
Chúng ta vẫn thường nhắc tới văn chương với sức mạnh vô biên trong khả năng gắn kết những mảnh vỡ của thế giới, níu gần lại mối quan hệ giữa con người với con người. Nhưng tôi tin rằng, sự kết nối ấy của văn chương – thiết nghĩ, nó trở nên mạnh mẽ và bền vững bởi lẽ nó không kết nối con người trong những hệ giá trị và chuẩn mực ảo ảnh. Hẳn chúng ta sẽ cảm thấy trống rỗng và bơ vơ lắm nếu như ai đó chỉ chuyện trò với chúng ta về những ước mơ kỳ vĩ hay một lý tưởng hoàn hảo về kế hoạch hoạch định tương lai.
Hoàn hảo luôn là cái đích đẹp đẽ – nhưng khiếm khuyết mới là điểm chung của tất cả loài người.
Khi văn chương phơi bày con người với những mảnh vụn khiếm khuyết, hoặc chính xác hơn là khiến cho ranh giới giữa hoàn hảo và khiếm khuyết trở nên mờ dần, thì có lẽ, khi ấy, con người mới thật sự thấy con người gần nhau. Càng tịnh tiến đến xã hội hiện đại, tôi cảm nhận rõ rằng văn chương nghệ thuật càng ngày càng khao khát có thể gắn kết “bản thể” gần “bản thể” hơn, càng ước mong con người có thể đi qua nhau và nhìn thấy một phần cuộc đời mình trong kẻ khác hơn. Đó là niềm ước ao về một lòng gắn kết “chân thật”.
Tôi rất thích một ý niệm mà nhà văn Milan Kundera từng đề cập: Nghệ thuật – lãnh địa nơi mà “những phán xét đạo đức tạm ngưng”. Bước vào thế giới của văn chương, hãy tạm bàn về việc đâu là nhân vật tốt, đâu là nhân vật xấu, tính cách nào là đẹp, tính cách nào là không… Khi những phán xét được treo lại, văn chương đã để cho con người ta được một lần đối diện với chân thật bản thể của chính mình và thừa nhận nó như những gì nó vốn là. Cũng như cách mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã từng viết về hình bóng người anh hùng trong truyện ngắn “Mưa Nhã Nam”. Một vỡ lẽ sâu xa mà thầm kín nhất tôi cảm nhận được khi lật giở từng trang truyện, có lẽ là về bản thể con người: “Nhu nhược” là đức tính tốt hay xấu, nên có hay không nên có ở một người anh hùng như nhân vật Đề Thám? Tốt hay xấu thì cũng mặc, nên hay không cũng chẳng quan trọng nữa. Nhu nhược đã trở thành một phần bản thể của Đề Thám. Kể cả ông ta có muốn chối từ nó, muốn khoác lên bản thân một vỏ bọc anh hùng để che đậy nó thì nó vẫn luôn ở đây. Nó là một phần bản thể của con người.
Tôi biết rằng, ngòi bút của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khi lần đầu tiên gây tiếng vang trên văn đàn năm 1987 với “Tướng về hưu” đăng trên báo Văn nghệ, đã là một tiếng vang nhiều tranh cãi. Cho đến năm 1988, khi ông sáng tác bộ ba “Vàng lửa – Kiếm sắc – Phẩm tiết” thì tiếng vang này thật sự đã trở một cơn chấn động trên văn đàn. Từ “tướng” trong chiến trận đến anh hùng lịch sử, từ thánh cho đến thần,… ngòi bút sắc lạnh đến dửng dưng của con người này chẳng kiêng nể một ai. Mặc cho sự chỉ trích dữ dội của dư luận, Nguyễn Huy Thiệp cứ thế mà lần lượt “giải thiêng” tất thảy các vị anh hùng đứng trên đài cao, dùng ngòi bút giả tưởng của mình để xác lập sự hiện hữu của họ trong những dáng vẻ tầm thường, bất toàn và đầy khiếm khuyết.
Vì sao ông làm vậy?
Có lẽ vì một nỗi ám ảnh.
Hình như bên trong những trang văn của Nguyễn Huy Thiệp luôn trở đi trở lại một nỗi ám ảnh về bản thể con người. Con người là ai khi được soi chiếu trong góc nhìn của cộng đồng, là gì khi được tô điểm bằng hào quang của chiến công và thắng lợi. Trong khi chúng ta luôn đinh ninh một sự thật đã rành rành trong sử sách: Quang Trung là một bậc anh hùng, Tướng Thuấn là thiếu tướng, cũng có thể coi là một vị anh hùng, Đề Thám là hùm thiêng Yên Thế, là một bậc anh hùng. Nhưng Nguyễn Huy Thiệp thì luôn day dứt lắm: “Anh hùng còn chi?”
“Chảy đi sông ơi
Băn khoăn làm gì
Rồi sông đãi hết
Anh hùng còn chi?”
Cuối cùng thì, con người còn lại gì sau tất cả?
Truyện ngắn “Mưa Nhã Nam” viết về Đề Thám. Đề Thám là ai? Đề Thám là nhân vật mượn nguyên mẫu từ vị anh hùng lịch sử Hoàng Hoa Thám, “hùm thiêng Yên Thế”, người đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân oanh liệt và kéo dài nhất trong lịch sử Việt Nam lúc bấy giờ. Ngay cả khi bước vào trong trang truyện, Đề Thám vẫn là một người anh hùng. Bề ngoài, trong mắt mọi người, trong mắt nhân dân, trong mắt bà Ba, ông đồ Hoạt hay cả công sứ Pháp – Đề Thám luôn hiện lên là một người anh hùng uy nghiêm và đáng nể. Hay kể cả cô Xoan cũng thầm yêu mến và kính ngưỡng Đề Thám vì ông là một người đàn ông lý tưởng. Chỉ có Đề Thám, duy chỉ có một mình Đề Thám mới biết: Đề Thám là ai.
“Còn ông Đề Thám như tôi biết (tôi biết rõ ông ta): ông ta là một anh hùng, cũng là một người nhu nhược.”
Bi kịch bên trong của nhân vật cũng vì vậy mà dần lộ ra, là một con người nhu nhược nhưng khoác vẻ ngoài của một anh hùng. Đề Thám là chỗ dựa của biết bao nhiêu con người, là niềm trông chờ tin cậy của biết bao nhiêu quần chúng. Nhưng ai biết, Đề Thám, ông ấy yếu đuối, nhạy cảm, do dự. Hoàng Hoa Thám do dự nhiều chuyện, từ chuyện có nên đi dự buổi tiếp tân của công sứ Pháp, đi thì nên mặc gì, nên đi ngựa hay đi xe…?
“Cả Dinh dẫn người đưa thư đến gặp Đề Thám.
– Có nên đi không? – Đề Thám hỏi các thủ hạ của mình.
– Đi chứ! – Những người già quả quyết.
Thế đấy, những người già! Với họ chẳng có việc gì là đáng kể. Trước mặt họ là cái chết. Những cơ hội tốt nhất trong đời họ bỏ lỡ cả rồi.
– Đi làm gì! – Cả Dinh, Cả Trọng, Cả Huỳnh cau có trả lời.
Thế đấy, các bác Cả! Các bác Cả thường rất khoảnh. Chúng ta thông cảm với họ, nếu chúng ta tự mình như họ, trần lực như họ, không có ai để bàn bạc, không có ai đáng bàn bạc, họ phải tự gánh lấy trách nhiệm của họ, nghĩa vụ của họ, giá trị của họ.
Thế còn bà? – Đề Thám hỏi bà Ba Cẩn.”
Cho đến cả chuyện có nên đưa Xoan chạy trốn hay không, Đề Thám cũng đã do dự trước những ngả đường. Cuối cùng, trong làn mưa rừng xối xả, lạnh lùng và tàn nhẫn, người anh hùng ấy đã bật khóc đắng cay trong sự thất bại. Đề Thám đã thỏa hiệp với chính mình vì lời hứa kẻ sĩ với ông đồ Hoạt. Anh hùng đã không cứu được cuộc đời mỹ nhân.
Đề Thám cũng là một con người bất an và nhạy cảm. Ông thốt lên ngậm ngùi với một bông hoa:
“Này bông hoa hồng
Giá trị của mày là khoảnh khắc”
Không chỉ riêng gì với Đề Thám trong “Mưa Nhã Nam”, ám ảnh “khoảnh khắc” ấy đã trở đi trở lại xuyên suốt các nhân vật lịch sử trong các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Trong truyện ngắn “Phẩm tiết”, khi vua Quang Trung hỏi nhỏ: “Vận Tây Sơn được mấy đời?” Vinh Hoa bảo: “Sao không hỏi được bao nhiêu ngày”. Hóa ra, cái giá phải trả của trò chơi “anh hùng” đó chính là ám ảnh của khoảnh khắc “trao vương”. Giá trị của bậc anh hùng luôn được đặt trong trung tâm soi chiếu của cộng đồng, được ca tụng với những mỹ từ, được củng cố với những chiến công. Nhưng mấy ai nhớ rằng: Trước khi là một người anh hùng, có ai không phải là một con người? “Hùm thiêng Yên Thế” trong lược sử uy nghiêm, anh dũng là vậy – nhưng khi bước vào những trang văn của Nguyễn Huy Thiệp lại hiện diện trong một bản thể tồn tại với đầy những mâu thuẫn, day dứt, cũng là một con người yếu đuối, nhạy cảm và do dự. Dẫu có là anh hùng, Đề Thám cũng vẫn mắc sai lầm, cũng biết khổ đau. Để cô Xoan trở về làm con dâu ông đồ Hoạt như đã hứa – trong mắt người khác đáng ra, đó phải là một hành động giữ chữ “tín” của bậc trượng phu; nhưng với Đề Thám, đó là một lựa chọn đau đớn mà anh hùng đã phải đánh đổi bằng rất nhiều nước mắt ứa ra từ tâm can bản thể.
“Đề Thám sụt sùi như một người thường: một anh bán bánh đa mật ở chợ Kế, một viên công chức quèn, một chàng thợ bạc vụng về, một ông giáo nghèo… Ông khóc như một người nhu nhược nhất đời, một người suốt đời thỏa hiệp, không bao giờ dám bước qua lằn ranh bổn phận, nghĩa vụ, cương tỏa. Ông khóc như chưa bao giờ là một anh hùng, một người khởi nghĩa.”
…
“Tôi không biết con người khát khao
điều gì trong cõi sống này.”
Đến cuối cùng thì, “anh hùng còn chi”? Gánh vác giang san, “tề gia trị quốc bình thiên hạ”,… – nhưng sau cùng, tất cả những thắng lợi hiển hách ấy cũng không đem đổi lại được lòng mãn nguyện và sự bình an trong trái tim của một kẻ anh hùng.
Phần kết truyện ngắn, Nguyễn Huy Thiệp đã khắc họa hình ảnh Hoàng Hoa Thám trong bức tượng xi măng cốt thép đứng trên đỉnh đồi ở gần di tích Phồn Xương “trơ như đá vững như đồng”. Nhưng một hình ảnh thứ hai nữa của người anh hùng là sự đổ bóng vào trái tim mỹ nhân. Cô Xoan, trớ trêu thay giờ đã là một bà già 80 tuổi, hàm răng móm mém. Một cách viết rất khiêu khích của Nguyễn Huy Thiệp khi mà ông để cho hình tượng người anh hùng đổ bóng trong một “tấm ngực trần hom hem với đôi vú teo tóp răn reo”. Nhưng mấy ai biết rằng sự hiện hữu ấy còn ý nghĩa gấp vạn lần bức tượng xi măng cốt thép. Cô Xoan, có thể chưa hẳn hiểu đến tận cùng con người của Hoàng Hoa Thám. Nhưng cô biết, Hoàng Hoa Thám, ông ấy có thể có nhiều hơn tư cách của hai chữ “anh hùng”…
Hóa ra, sống trong trái tim của người khác với những kết nối chân thật và bản thể lại là một sự sống đẹp đẽ đến mức nào. Đề Thám có cần gì đâu người ta tung hô, ghi tạc công danh của mình bằng bức tượng trơ như đá vững như đồng ấy. Có khi ông chỉ cần một sự thấu cảm từ tận sâu thẳm một lồng ngực bé nhỏ và hữu hạn như trái tim cô Xoan. Bà lão 80 tuổi ấy rồi sẽ có ngày rời xa cuộc sống, mang theo cả những thấu cảm thương yêu với con người chân thật của một vị anh hùng. Nhưng điều ấy, có lẽ chẳng sao.
Ngòi bút của nhà văn đã cào phẳng lịch sử, đã đưa đến cho bạn đọc thật nhiều những ngỡ ngàng – nhưng thực ra cũng là để đưa con người ta về một ý niệm tồn tại đơn sơ, xúc động và đầy bản thể. Văn học quả thực luôn khao khát kết nối con người, nhưng là một sự kết nối chân thật và thương yêu như thế. Trong chặng hành trình văn chương vô định không bờ cõi của mình, Nguyễn Huy Thiệp vẫn luôn canh cánh trong lòng về sự tồn tại chân thật nhất, sâu xa nhất của con người rốt cuộc được tạo nên từ điều gì? Từ thành công hay thất bại, vinh quang hay cay đắng? “Con người là ai? Đi đâu? Thế nào? Làm gì? Tiến đến đâu? Bao giờ thành tựu? Bao giờ kết thúc?” Tất cả những câu hỏi đầy day dứt vẫn bỏ ngỏ ở đó, cùng với một tấm lòng của một nhà văn nặng nợ – chân thật yêu thương, chân thật kính ngưỡng cuộc sống và khao khát được viết về những điều chân thật nhất ở con người…
Văn học nghệ thuật đã tồn tại hàng nghìn năm nay trong lược sử. Nó khởi phát từ một điều rất đơn giản và rồi tôi tin rằng, đến cuối cùng cũng lại trở về nhằm phụng sự cho một chân lý rất giản đơn:
Bởi vì nói như M.Gorki: “Văn học là nhân học”.
Chu Ngọc
Trường THPT Khoa học Giáo dục – Hà Nội