NGUYỄN VĂN THỌ: Đôn – Ki hote quả là một cuốn sách hay nhất của mọi thời đại. Tôi tin vào trí tuệ của những học giả lớn. Bởi cuốn sách ấy đã chứa trong nó lời giải cho con người ở tất cả mọi thời. Nhưng dẫu sao, đó cũng vẫn là chuyện xa xôi quá. Tốt nhất, ta về ta tắm ao ta. Để cho sát thực với văn học nước nhà, tôi đề nghị chúng ta lại quay về hiện tượng văn học Nguyễn Huy Thiệp.Tôi không đồng ý với nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức khi ông ta đánh giá Nguyễn Huy Thiệp chỉ viết về đề tài lịch sử với nông thôn và như thế là không có tư tưởng. Tôi đồng ý khi Nguyễn Hoàng Đức bảo: “bút pháp nội dung cũng là hàm chứa tư tưởng.’’ Nhưng bút pháp nội dung lại là vấn đề có khi không hề liên quan tới đề tài.
Đừng đánh tráo khái niệm ở đây. Bởi suy tới chân ngã, thực ra, mọi đề tài cũng nhiều khi chỉ là cái cớ để nhà văn làm cái đinh, mắc lên một nội dung mới của mình. Nói như Nguyễn Hoàng Đức, ông Nguyễn Huy Thiệp không có tư tưởng, vì ông ấy chỉ quẩn quanh với đề tài lịch sử và nông thôn. Vậy thì ngày xưa, Lỗ Tấn cũng không có tư tưởng chỉ vì ông cụ đã viết về dã sử và nông dân ư? Ai cũng biết truyện ngắn Cố hương. Tác phẩm này chỉ kể về một cái làng nhỏ với một vài nhân vật nông dân. Nhưng ở đó hàm chứa nhiều lắm, nó là tư tưởng của Lỗ Tấn về vấn đề nông dân. Nhờ có tư tưởng ấy của Lỗ Tấn mà người nông dân Trung Quốc đã vượt qua được biên giới hạn hẹp của mình mà đến được với chúng ta và thế giới.
Nói đến Lỗ Tấn, e bạn đọc lại bảo chúng ta chỉ khen Phò mã tốt áo. Thôi ta quay về văn học Việt Nam, quay về với chính Nguyễn Huy Thiệp. Tôi muốn nói rõ thêm, về đặc điểm giọng kể của Nguyễn Huy Thiệp mà ông cho là nó mang dấu ấn của của văn cổ Trung Hoa. Theo tôi, mỗi nhà văn có quyền kế thừa tinh hoa của nhân lọai, nhất là văn chương Trung Hoa lại kề cận với chúng ta. Nguyễn Huy Thiệp không chỉ kế thừa mà còn cập nhật được ngôn ngữ hiện đại vào giai điệu cũ. Điều ấy thích hợp với lối kể của một thời đại mới, đòi hỏi thông tin nhanh hơn, tốc độ hoạt động của các hệ thống nhân vật linh hoạt hơn. Nguyễn Huy Thiệp còn sử dụng, bệ cả nhiều chi tiết cũ mà các tác phẩm cổ đã đề cập, nên “vết chàm trên mặt cô gái đẹp” bị hồ li di tay vào trong Liêu Trai Chí Dị, ở đoản truyện Thụy Vân, biến thành vết chàm trên ngón tay của nàng Vinh Hoa trong Phẩm tiết …
TRẦN ĐĂNG KHOA: Tôi muốn bàn thêm về cụm truyện biếm sử mà một thời, người ta đã tranh cãi. Thực ra, Nguyễn Huy Thiệp có viết truyện lịch sử đâu. Ông ta chỉ mượn lịch sử làm bệ phóng để vươn tới cái đích mà ông muốn tới. Đó là đập vỡ những định kiến quen thuộc đã trở thành xáo mòn. Để làm việc ấy, thoạt tiên, ông nương vào bóng các vĩ nhân. Đó là những vĩ nhân vừa có thật, vừa chỉ là huyền thoại, nhưng đã trở nên linh thiêng, thân thuộc trong tâm thức người Việt. Ví như Nguyễn Huệ, Nguyễn Du, Trương Chi, Nguyễn Thị Lộ, Hồ Xuân Hương và sau này là Nguyễn Bính, Vũ Trọng Phụng…
Khi viết về một nhân vật huyền thoại là Trương Chi, ông Thiệp đưa ra một cái kết thúc khác. Ông cũng nói thẳng rằng trong huyền thoại dân gian, Trương Chi đã tự tử, hồn anh nhập vào cái chén bạch đàn, khi Mị Nương uống nước, lại thấy đáy chén hiện lên bóng thuyền Trương Chi. “Tôi – tức Nguyễn Huy Thiệp – ghét cay ghét đắng cái kết thúc truyền thống rất thơ mộng và đẹp đẽ này. Tôi tin trước khi chết, thế nào Trương Chi cũng chửi tục”. Và rồi, với quan niệm ấy, ngay khi vào truyện, Nguyễn Huy Thiệp đã để Trương Chi đái sõng xuống sông và văng tục. Rồi ông cho Trương Chi vung cứt ra như một gã cục súc. Không những thế, Nguyễn Huy Thiệp còn có cả một truyện, trong đó có nhiều trang đặc tả cứt. Đó là Chuyện ông Móng. Ông già này chỉ làm một việc là kiểm nghiệm cứt. Ông không đeo khẩu trang mà còn dùng cả mũi trần để ngửi. Ông tỏ ra tinh tường đến mức kỳ quái, khi phát hiện cứt chua, chắc là hố xí ở cạnh lò làm đậu phụ. Rồi ông còn bày kinh nghiệm cho một chủ hàng ở chợ bán cứt : “Mày phải chắt cho kiệt nước đi thì phân mới ngon”. Chính vì những trang miêu tả đầy hào hứng này mà Nguyễn Hoàng Đức mới ghi nhận “Nguyễn Huy Thiệp là người đã có công đưa cứt tươi vào văn học”. Trong truyện ngắn “Mưa Nhã Nam’’, ông Thiệp cũng để cho vị Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám nhấp nháy với con gái bà chủ quán trọ rồi rủ rê kéo cô ra rừng. Vị lãnh tụ nông dân lừng danh của chúng ta, qua con mắt Nguyễn Huy Thiệp đã thành gã lục lâm thảo khấu. Và đây nữa, khi một người đàn bà quí phái hỏi Vũ (Vũ Trọng Phụng) rằng Tâm hồn là gì. Vũ kéo tay bà đặt vào dương vật mình rồi bảo: Đấy, tâm hồn nó ở đấy. Cũng tương tự như thế, Nguyễn Huy Thiệp để vị Hoàng Đế Quang Trung chết không nhắm được mắt chỉ vì không ăn nằm được với Vinh Hoa. Đến nỗi cô kỹ nữ này phải lấy ngón tay út quệt vào mắt Quang Trung thì nhà vua mới nhắm được mắt. Sau ngón tay đen như một vết chàm, không thể rửa sạch. Chi tiết này, đúng như ông nói, Nguyễn Huy Thiệp đã biến tấu từ một tình tiết của Bồ Tùng Linh. Nhưng giới sử học đã nổi giận. Nhà sử học Tạ Ngọc Liễn cho rằng Nguyễn Huy Thiệp đã bỉ báng Quang Trung và phỉ nhổ vào lịch sử. Lịch sử không phải là nắm đất dẻo để nhà văn nhào nặn bóp méo và vày nghịch. Muốn hư cấu gì cũng phải tôn trọng sự thật lịch sử. Nhà phê bình Lại Nguyên Ân lại mắng ông Liễn là không biết đọc văn. Đọc văn phải khác với đọc sử. Sự thật thì đâu phải ông Liễn không biết đọc văn. Ai chả biết văn chương không phải là lịch sử. Nhưng văn viết về nhân vật lịch sử thì ít nhiều, nhà văn phải tôn trọng sự thật lịch sử. Với Quang Trung cũng thế. Quang Trung là một vị Đại Hoàng đế. Trong Hoàng Lê nhất thống chí, các nhà sử học dòng Ngô Gia Văn phái từng ghi rằng, khi tiến quân ra Bắc, Quang Trung bảo :“Ta đã biết hết con gái Nam Hà rồi. Giờ thử xem con gái Bắc Hà ra sao „ Rõ ràng, đối với các đấng Hoàng Đế thời phong kiến, đàn bà chỉ là một thứ đồ chơi, một vật hiến tế, nhằm mua vui trong chốc lát. Vậy thì làm sao một người như thế lại có thể chết không nhắm được mắt chỉ vì không ăn nằm được với một con hát vớ vẩn. Cái đó không đúng tính cách Quang Trung. Tất nhiên, Nguyễn Huy Thiệp cũng không hẳn là miêu tả Quang Trung. Ông chỉ mượn Quang Trung để diễn đạt ý tưởng của mình. Ví như đề cập đến mối quan hệ giữa quyền lực với văn nghệ chẳng hạn. Nhưng nếu thế, sao không viết một cách phiếm chỉ, dựng ông vua chung chung nào đó với một kỹ nữ thì chắc giới sử học chẳng bàn đến làm gì. Nhưng khi đã đề cập đến một nhân vật lịch sử cụ thể là Quang Trung, thì người ta sẽ lấy ngay cái thước Quang Trung để đo lại nhân vật của anh và thấy có gì không phải. Họ nổi giận cũng là điều dễ hiểu. Một cây bút có tài, lại từng là ông giáo dạy lịch sử, lẽ nào Nguyễn Huy Thiệp không hiểu cái điều rất sơ đẳng ấy. Thực tình, Nguyễn Huy Thiệp có viết truyện lịch sử đâu. Ông chỉ núp bóng nhân vật lịch sử để phát ngôn những điều muốn nói. Chúng ta quen thần thánh hoá những người mình yêu mến. Yêu thì đẩy lên thành vĩ nhân, thành các vị thánh. Điều ấy đã thành thói quen. Quen đến hoá nhàm. Nguyễn Huy Thiệp kéo các vị thánh về mặt đất trần thế. Đôi khi cực đoan hơn, ông ta còn dìm cả họ xuống bùn. Tôi không nghĩ Nguyễn Huy Thiệp là người đạp đổ các thần tượng như một số nhà phê bình quy chụp. Tôi nghĩ đơn giản, Nguyễn Huy Thiệp chỉ muốn xoá bỏ các thói quen, những nếp nghĩ cũ đã trở nên nhàm chán. Nhưng để làm điều ấy, nhiều khi Nguyễn Huy Thiệp quyết liệt đến mức không cần thiết, có khi lại rất cực đoan, đến nỗi không ít người điềm đạm, tử tế đã nghĩ ông là một kẻ nổi loạn.
NGUYỄN VĂN THỌ: Vâng! Văn chương Nguyễn Huy Thiệp ngoài thành công và thất bại mà ông đã nêu, tôi còn cho rằng Nguyễn Huy Thiệp đầy mâu thuẫn trong việc thể hiện tư tưởng của mình. Một mặt, Nguyễn Huy Thiệp đòi lật lại cái nhìn cũ, chống thần thánh hóa và tuyệt đối hóa các vấn đề của một xã hội, nhưng khi khuyên mọi người giã từ nó, ông lại nhẩy sang cực bên kia của đòn gánh nhận thức. Thay vì các nhân vật có tính huyền thoại của nhân dân mà dân tộc nào cũng có, ông đưa ra một mô hình, một xã hội li loạn chả còn niềm tin gì ở những mối quan hệ : Cuộc sống thì là đèn cù, đàn bà là con rắn, Tình yêu là hung thần, thằng lưu manh trên một chuyến đò là đứa tử tế nhất…. để dạy người ta giữ mình một cách cực đoan nhất. Bảo trọng, sống đã. Những từ như thế này lặp lại khá nhiều trong các truyện của Thiệp. Vậy là từ thái cực chủ nghĩa tập thể chung chung ông lại sa vào chủ nghĩa cá nhân cực đoan vô chính phủ. Tôi cho rằng, đó là thái độ hoảng loạn của một nhân vật xuyên suốt trong đời văn Nguyễn Huy Thiệp, một căn bệnh hay gặp ở những bộ phận vốn cả tin và nay vỡ mộng. Chính cũng vì lẽ đó, không ít bộ phận bạn đọc đã ngộ nhận Nguyễn Huy Thiệp thông thái nhận thức cuộc sống, phản ảnh toàn diện đời sống. Đấy là mâu thuẫn nội tại trong nhiều sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Tôi gọi đó là sự mập mờ. Có lần, Nguyễn Huy Thiệp đã nghiêm túc kể với tôi rằng có một độc giả đã viết thư cho Nguyễn Huy Thiệp, sau khi anh ta bán hết nửa kho quân trang, lấy tiền mua sắm cho cho vợ và con rồi bỏ trốn. Anh ta đã viết thư cám ơn Nguyễn Huy Thiệp, vì qua những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp mà anh ta đọc được, Nguyễn Huy Thiệp đã dạy cho anh ta biết cách sống. Câu chuyện này cứ ám ảnh tôi mãi cả khi tôi lại quay trở về nước Đức. Nguyễn Huy Thiệp thừa hiểu ai chính là thủ phạm đã đưa đến nỗi thống khổ cho đồng đội của người lính ấy.
Tôi chợt nghĩ tới câu chuyện trao đổi giữa hai cố thi sỹ có liên quan tới đời sống văn chương của cả ông và tôi; Xuân Diệu và Bế Kiến Quốc. Đấy là trước khi Xuân Diệu mất không lâu, Bế Kiến Quốc tới thăm, Xuân Diệu có nhắc tới Đoxtoievxki. Ông bảo: Ngày xưa, khi nói về Đoxtoiexpki người ta cho rằng, Đốt có những kẽ nứt rất lớn trong cuộc đời, và từ đó có thể sinh ra một thiên tài nhưng đồng thời có thể có một ác quỷ. Sau này, khi người ta xôn xao bàn về Nguyễn Huy Thiệp, Quốc nhắc lại lời Xuân Diệu, rồi bảo tôi: “Về một mặt nào đó, Thiệp có thể giống Đốt chăng?”. Thời gian đó tới nay đã mười lăm năm rồi. Tôi cho là Bế Kiến Quốc đã tiên lượng về số phận của một nhà văn cùng thế hệ ông một cách công bằng và với tâm thức của một thi sỹ, ông cũng gián tiếp công nhận những đóng góp của Nguyễn Huy Thiệp về mặt thể tài truyện ngắn với nền văn học chúng ta. Tất nhiên việc so sánh với Đốt cũng chỉ là một cách nhấn mạnh cho rõ một ý tưởng của Quốc mà thôi, bởi vì về thực chất, Nguyễn Huy Thiệp chỉ là nhân vật văn chương của một giai đoạn rất ngắn trong lịch sử văn học Việt Nam. Nguyễn Huy Thiệp mang mầm tài, trong một tâm thức bất yên, đôi khi hàm chứa sự cay nghiệt và hậm hực với đời sống. Đây là tính hai mặt của một vấn đề. Nguyễn Huy Thiệp chịu tránh nhiệm trước lịch sử văn học của nuớc ta một phần, về những gì ông đạt được và không đạt được, mặt khác cũng bởi vì nền văn chương của chúng ta có một thời gian quá trì trệ và bảo thủ, làm ngơ tới quan liêu với đời sống thực tế đau khổ của dân chúng, đó chính là mảnh đất để mọc lên mầm mống của những “tâm thức bất định”’chăng?
Tôi ngờ rằng, về sau này, con cái chúng ta sẽ tiếp tục đọc Nam Cao và Tô Hoài, nếu còn nữa thì người ta sẽ đọc thêm Nguyễn Minh Châu và một số tác giả, không nhiều lắm, đó là những nhà văn hướng con người “tới phần sáng của cuộc đời” v…v…. Và có thể người ta sẽ quên đi nỗi “ám ảnh Nguyễn Huy Thiệp”.
TRẦN ĐĂNG KHOA: Không quên đâu. Những tác phẩm còn lại với thế hệ sau thì nhiều chứ. Có thể kể thêm truyện ngắn Ma Văn kháng, truyện ngắn Kim Lân, tiểu thuyết Bảo Ninh, tiểu thuyết Nguyễn Khắc Trường, và nhiều nhà văn khác, mà tôi không thể liệt kê hết. Ngay cả truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp nữa cũng sẽ còn lại. Không nhiều. Nhưng vẫn còn lại. Chí ít cũng còn đến dăm bảy cái truyện ngắn. Và như thế cũng là đáng kể đấy. Chúng ta có đến gần 800 hội viên Hội nhà văn, nếu mỗi thành viên chỉ cần để lại một truyện ngắn thôi, thì ông cứ thử tính xem, nền văn học của chúng ta đồ sộ biết chừng nào. Nhưng liệu mỗi người có nổi một tác phẩm không? Tôi tin là không. Rất nhiều người có đến hàng đống sách mà hoá ra vẫn không có tác phẩm nào cả. Nói thế để thấy cái nghề văn vất vả như thế nào, qua đó mới quý sự đóng góp của Nguyễn Huy Thiệp. Mặc dù, nói cho thật công bằng, Nguyễn Huy Thiệp chỉ là người giỏi kể chuyện, và kể rất hấp dẫn, lại có giọng điệu riêng. Ông Thiệp cũng chỉ hơn một số người ở điểm đó. Còn đã nói đến nhà văn là nói đến nhân vật. Ông Thiệp chẳng dựng được nhân vật nào cả, vì thế ông cũng không thể tạo nổi ngôn ngữ riêng cho các nhân vật của mình. Trong khi đó, nhắc đến Nam Cao, người ta nhớ ngay Chí Phèo, Thị Nở, Lão Hạc. Nhân vật nào cũng có tiếng nói riêng, không thể trộn lẫn. Vũ Trọng Phụng có Xuân Tóc Đỏ, rồi cụ Cố Hồng, cái ông cụ điếc lác, cứ mở miệng là: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, mà thực chất thì chẳng biết cái gì. Lê Lựu có anh Sài, Nguyễn Minh Châu cũng may mà còn kịp có Lão Khúng. Cái gọi là nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp thường chỉ nói một giọng. Đó là cái gọng kiêu bạc, chán đời. Tuy thế, Nguyễn Huy Thiệp vẫn có một số truyện ngắn hay. Như thế, nhà văn vẫn có thể có truyện hay mà không cần phải tạo dựng nhân vật. Đây là vấn đề có phần mới mẻ đối với lý luận. Và như thế, vượt qua mọi sự yêu ghét mang màu sắc cảm tính của người đời nông nổi, Nguyễn Huy Thiệp vẫn còn có điều đáng để cho tôi và ông bỏ công sức ra để nghiên cứu và luận bàn. Nghề văn vốn là nghề vất vả, khổ hạnh. Chúng ta cầu mong Nguyễn Huy Thiệp không tự xoá đi những gì tốt đẹp mà ít nhiều, ông cũng đã để lại được trong tâm trí bạn đọc…
Hết.
Nguyễn Văn Thọ, Trần Đăng Khoa