Mượn cốt truyện và chất liệu dân gian, Nguyễn Dữ đã viết nên thiên kỳ bút Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên – một trong những tác phẩm truyền kỳ hay nhất của Truyền kỳ mạn lục. Truyện xoay quanh nhân vật Từ Thức sống vào năm Quang Thái thời nhà Trần, trong một lần tình cờ đã gặp được nàng tiên Giáng Hương, để rồi sau này hai người nên duyên vợ chồng, sống ở nơi tiên cảnh bồng lai. Từ Thức là nhân vật trung tâm của truyện. Các sự kiện chàng gặp phải, các hành động chàng làm đều có liên quan mật thiết đến lựa chọn của chính bản thân chàng chứ không chịu sự tác động từ nhiều phía khác. Chính vì vậy, người viết chọn tìm hiểu về cách Nguyễn Dữ khắc họa Từ Thức, thông qua các motif xây dựng nhân vật để hiểu thêm về con người và về đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt.
1. Motif nhân vật yêu thích tự do, không ưa kiềm thúc
Không giống với các nhân vật trong truyện cổ tích thường có những xuất thân đặc biệt, khác thường, Từ Thức ngay từ đầu đã được Nguyễn Dữ đi thẳng vào vấn đề nghề nghiệp, giới thiệu là tri huyện Tiên Du. Tuy nhiên, Từ Thức, cũng giống như rất nhiều nhân vật trong các truyện liêu trai, truyền kỳ khác của Việt Nam và Trung Quốc, lại không chịu nằm trong vòng cương tỏa của quyền chức, lợi danh. “Ta không thể vì số lương năm đấu gạo đó mà buộc mình trong đám lợi danh. Âu là một mái chèo về, nước biếc non xanh vốn chẳng phụ gì ta vậy.” [182] Qua lời nói này, có thể thấy bản thân Từ Thức vốn là người nhận thức được những bó buộc của tiền và quyền khi làm quan, để rồi từ đó, chàng chọn cách ứng xử cởi trả ấn tín, từ quan để đi ngao du thiên hạ.
Motif nhân vật yêu thích tự do, không ưa kiềm thúc này cũng xuất hiện ở nhân vật Phạm Tử Hư trong Chuyện Phạm Tử Hư lên chơi thiên tào của Nguyễn Dữ. Điểm chung của cả Từ Thức và Phạm Tử Hư đều là họ yêu thích lối sống phóng khoáng, tự do, tìm thấy niềm vui ở thú ngao du sông nước. Chính vì vậy, câu chuyện có những nhân vật được xây dựng theo motif này thường là những câu chuyện phiêu lưu, kể lại hành trình nhân vật đi đây đi đó, gặp được những con người và những câu chuyện kì lạ. Bắt đầu từ nhân vật như thế, những motif khác xuất hiện, dần dần khắc họa nhân vật rõ nét hơn.
2. Motif kì ngộ và lấy vợ tiên
“Kì ngộ” là một từ Hán Việt, có nghĩa là cuộc gặp gỡ lạ lùng. Trong thể loại truyện truyền kỳ, các nhân vật thường có những cuộc gặp gỡ lạ lùng với thần tiên, ma quỷ, những sinh vật huyền bí hoặc những thế lực từ cõi siêu nhiên khác. Những cuộc gặp gỡ mang đậm màu sắc kỳ ảo này khiến câu chuyện hấp dẫn hơn, cốt truyện cũng có sự phát triển. Trong truyện truyền kỳ, kì ngộ đã trở thành motif đặc trưng trong xây dựng nhân vật và cốt truyện.
Với trường hợp Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên, bạn đọc sẽ bắt gặp hai lần kì ngộ. Lần đầu tiên là khi Từ Thức cứu nàng Giáng Hương trong hội xem hoa diễn ra vào tháng Hai năm Bính Tý thời Trần. Khi ấy, Giáng Hương lỡ tay làm gẫy một cành hoa và bị người trông hoa bắt giữ lại. Từ Thức lúc này dù đang làm quan nhưng vẫn đi chơi hội, tình cờ thấy chuyện bất bình nên ra tay cứu giúp Giáng Hương. Ở lần gặp đầu tiên này, Nguyễn Dữ chỉ kể sơ qua trong ba câu, không gian cũng là không gian lễ hội đời thường, không mang màu sắc kỳ ảo, cho thấy đây chưa phải lần gặp gỡ mang tính bước ngoặt. Tuy nhiên, với việc đề cập đến cuộc sơ ngộ này, Nguyễn Dữ đã xây dựng được một nhân vật Từ Thức một mặt không hứng thú với chốn quan trường; một mặt lại là người vô cùng yêu thích cái đẹp, biết đối nhân xử thế và có lòng nhân từ, biết giúp đỡ người khác.
Cuộc gặp gỡ thứ hai diễn ra khi Từ Thức đã từ quan. Một hôm, ông nhìn trời thấy có mây ngũ sắc, liền theo hướng đó chèo thuyền ra cửa biển Thần Phù. Tại đây, Từ Thức thấy một trái núi sừng sững với vách đá cao vút. Vốn tính hiếu kỳ, Từ Thức liền trèo lên bờ ngắm cảnh. Chính trong không gian đầy những yếu tố thần kỳ: trên trời có mây xanh ráng đỏ, trong núi có lâu đài nguy nga, dưới đất có cỏ hoa kỳ lạ,… Từ Thức đã gặp lại nàng Giáng Hương.
Trong lần gặp thứ hai này, Từ Thức không chỉ có một cuộc hạnh ngộ với Giáng Hương, mà còn có một cuộc kì ngộ đối với những thần tiên nơi tiên cảnh. Nếu trong những truyện khác trong Truyền kỳ mạn lục như Chuyện kì ngộ ở trại Tây hay Chuyện nàng Túy Tiêu, các nhân vật đều có cuộc gặp gỡ với tiên hoặc ma trong khung cảnh đời thường có đan xen yếu tố huyền ảo, thì trong Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên, khung cảnh từ đầu đến cuối đều là khung cảnh thần tiên. Địa điểm Từ Thức gặp lại nàng Giáng Hương chính là “núi Phù Lai, động tiên thứ sáu trong ba mươi sáu động, bồng bềnh ở ngoài bể cả, dưới không có bám víu…”. Có thể nói, đây chính là lần ngao du mà Từ Thức cảm thấy sung sướng, thỏa chí nhất, bởi giữa chốn bồng lai này, chàng còn có thể gặp lại được người đẹp.
Như vậy, ở Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên, motif kì ngộ được thể hiện ở hai cấp độ dần tăng tiến. Ở cấp độ đầu tiên, Từ Thức còn đang là một tri huyện chưa thỏa chí bình sinh, cứu được người con gái tình cờ gặp mặt. Đến cấp độ thứ hai, Từ Thức đã thỏa lòng ngao du, vừa biết được nơi tiên cảnh, lại vừa nên duyên với nàng Giáng Hương xinh đẹp. Hai lần kì ngộ đánh dấu hai giai đoạn khác nhau trong cuộc đời Từ Thức, nhưng lại vô cùng thống nhất với tính cách nhân vật này.
Kết quả của duyên kì ngộ này chính là hôn lễ giữa Từ Thức và Giáng Hương, cũng chính là cuộc hôn phối giữa trần gian và tiên giới, giữa không gian hữu hình đã biết và không gian siêu hình chưa biết. Từ đây, Từ Thức chính thức sống ở cõi tiên.
3. Motif đến thế giới khác và trở về
Đến thế giới khác là một motif quen thuộc trong truyện cổ tích (Thạch Sanh) và được Nguyễn Dữ áp dụng rất thành công trong Truyền kỳ mạn lục (Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, Chuyện người con gái Nam Xương, Chuyện Phạm Tử Hư lên chơi Thiên tào). Trong số những truyện ấy, Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên là tác phẩm miêu tả hành trình đến thế giới khác của nhân vật chính kĩ lưỡng và chi tiết nhất.
Trong truyện kể dân gian hay trong truyện truyền kỳ, có nhiều lí do để một nhân vật đến thế giới khác: được mời xuống Thủy cung chơi (Thạch Sanh), bị xử án (Ngô Tử Văn), hồi sinh trong thế giới khác (Vũ nương)… Tuy nhiên, các nhân vật trong truyện kể trên đều có nét khác biệt so với Từ Thức. Cả Thạch Sanh, Ngô Tử Văn hay Phạm Tử Hư đều chỉ đến thế giới khác trong chốc lát rồi trở về với thế giới trần gian; còn Từ Thức trong Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên lại có thời gian sống trên tiên giới đến một năm. Trong một năm đó, Từ Thức và Giáng Hương vui vầy bên nhau, cùng vui thú vui đôi lứa, cùng tận hưởng cái đời sống tiệc rượu trà hoa nơi điện Quỳnh Hư, gác Dao Quang.
Với motif đến thế giới khác này, Nguyễn Dữ không chỉ khắc họa rõ nét được một thế giới thần tiên mang đậm màu sắc tu tiên của Đạo giáo, mà còn cho thấy một nhận thức về thế giới siêu hình bên ngoài đời sống thế tục của con người. Đặc biệt, nhận thức về thế giới siêu hình ấy được thể hiện qua quan niệm về thời gian: một năm ở tiên giới bằng hơn tám mươi năm chốn hồng trần. Như vậy, ở thế giới siêu hình kia, không chỉ có sự tách biệt về không gian, mà còn tồn tại một khoảng cách nhất định về thời gian.
Từ Thức đến cõi tiên, lấy vợ tiên, đánh dấu một hành trình mới trên bước đường ngao du sơn thủy của chàng; nhưng hành trình ấy chỉ có thể khép lại khi Từ Thức đi cho hết con đường. Từ Thức cần phải trở về, bởi giống như tất cả các nhân vật trong truyện kể dân gian hay truyện truyền kỳ, kết thúc cho chuyến phiêu lưu của nhân vật chính sẽ là khi anh ta quay trở về điểm bắt đầu, nhưng với tâm thế của một con người mới đã vượt qua nhiều thử thách. Đối với Từ Thức, dù ở cõi tiên nhưng chàng vẫn còn lưu luyến với quê hương, với nhà cửa, cũng chính là lưu luyến với thế giới cũ mà trước đây Từ Thức đã để lại sau lưng. Vậy nên motif đến thế giới khác thường đi cùng với motif trở về từ thế giới khác.
Tuy vậy, motif trở về của Từ Thức cũng rất khác với những lần trở về khác trong truyện truyền kỳ của Nguyễn Dữ hay trong truyện kể dân gian. Phạm Tử Hư trở về trần thế, thay tâm đổi tính để rồi thi đỗ Tiến sĩ; Vũ nương từ Thủy cung trở về, gặp lại chồng cũ, minh oan cho bản thân; Ngô Tử Văn từ âm ty trở về, giải quyết việc công, về sau mất đi được làm quan Phán sự. Có thể nói, ngoại trừ Từ Thức, các nhân vật trên đều được Nguyễn Dữ gửi gắm cho một cái kết đẹp, chỉ riêng Từ Thức từ cõi tiên trở về phải chịu cảnh bi ai: gia đình không còn, vợ cũng không được gặp lại, cuối cùng chàng “mặc áo cừu nhẹ, đội nón lá ngắn, vào núi Hoành Sơn, rồi sau không biết đi đâu mất”.
Cuối cùng, tất cả những gì Từ Thức từng ước ao có được lại tan biến đi ngay trước mắt chàng. Từ Thức vốn không phải tiên, cũng chẳng phải người theo đuổi chuyện tu tiên. Chàng là người vẫn còn nguyên lòng tục: vẫn còn nguyên sự hiếu kỳ, còn nguyên cả nỗi nhớ thương cố hương, còn cả ham muốn được trở lại chốn tiên cùng Giáng Hương vui vầy chồng vợ. Có thể nói, với motif đến thế giới khác và trở về, Nguyễn Dữ đã xây dựng được một Từ Thức độc nhất trong truyện truyền kỳ, một Từ Thức luôn khát khao một chốn dung thân (làm quan thì luôn ôm giữ mộng ngao du, ở chốn tiên lại hoài mong về cõi tục) nhưng không có được chốn dung thân như ý muốn. Là người từng lăn lộn chốn quan trường, từng lui về ở ẩn, lại từng tìm đến cõi tiên, đến cuối cùng, cái Từ Thức nhận được chỉ là sự chảy trôi của thời gian. Không chốn dung thân, một đời lỡ dở có lẽ là những từ chính xác nhất để nói về Từ Thức.
Dựa trên truyện kể dân gian về Từ Thức, Nguyễn Dữ đã sáng tạo nên Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên. Nhưng dù là nhân vật cổ tích hay nhân vật truyền kỳ thì Từ Thức vẫn là một nhân vật đặc biệt, độc đáo. Các motif xây dựng nhân vật Từ Thức có thể tìm thấy trong nhiều truyện truyền kỳ khác, nhưng sẽ khó lòng tìm được một nhân vật hoàn toàn giống Từ Thức. Chàng không phải người anh hùng, không phải nhân vật có tài trong thiên hạ; chàng cũng không phải Nho sinh say mê nữ sắc mà Nguyễn Dữ từng khắc họa trong Chuyện kì ngộ ở trại Tây hay Chuyện cây gạo, càng không phải kẻ sĩ cứng cỏi như Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên. Từ Thức, xét đến cùng, chỉ là một con người bình thường được trải nghiệm những chuyện lạ trên đời; và chuyện đời chàng phản ánh những nhận thức của con người về thế giới: có trần thế và có cõi tiên. Về mặt không gian, con người ở hai thế giới có thể đi lại từ nơi này sang nơi khác mà không bị chi phối bởi những ranh giới rõ ràng; nhưng mặt thời gian lại cực kỳ tách biệt. Nguyễn Dữ đã xây dựng nhân vật Từ Thức và kể lại chuyện chàng lấy vợ tiên chính là để thể hiện cho nhận thức về không – thời gian; đồng thời khắc họa những khác biệt giữa thế giới hữu hình và thế giới siêu hình thông qua các yếu tố kỳ ảo đặc trưng của truyện truyền kỳ.
Xem thêm: Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên (Trích Truyện kỳ mạn lục) – Nguyễn Dữ