Một giáo viên người Mỹ từng nói: “Cha mẹ muốn đứa trẻ trở thành người thế nào thì trước tiên bản thân hãy làm người như thế. Hình mẫu của cha mẹ là tương lai của trẻ. Không một đứa trẻ nào tự nhiên trở nên ưu tú, chúng đều có lý do đằng sau mà mọi người đều có thể thấy được. Nguyên do nằm ở gia đình và nguồn gốc nằm ở cha mẹ”.

Ông cha ta cũng có những đúc kết vô cùng sâu sắc: “Rau nào sâu nấy” hay “Cây xanh thì lá cũng xanh/ Cha mẹ hiền lành để đức cho con”. Hàm ý rằng: “Bố mẹ thông thái thì con cái thông minh” “Bố mẹ ăn ở hiền lành, sống tích đức thì con cái sinh ra cũng nết na, dịu hiền”.

Trong bài luận này, hãy cùng Tao Đàn tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng tới sự hình thành và phát triển tính cách của mỗi cá nhân nói riêng hay con người nói chung để có cái nhìn thấu đáo, sâu sắc hơn về vấn đề: Bố mẹ tệ hại thì con cái có khá hơn được không?

Đầu tiên, các bạn hãy cùng chúng tôi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi:

“Nếu bố mẹ là giang hồ, đầu gấu thì con cái có khá hơn được không?.”, “Những đứa trẻ được nuôi dạy bởi người đồng tính thì sau này liệu có “lệch lạc về mặt giới tính” giống cha mẹ nó hay không?”

Mỗi người sinh ra và lớn lên đều có một gia đình và đồng thời chịu ảnh hưởng của ba môi trường giáo dục chính là: Gia đình, nhà trường và xã hội. Có thể xem ba môi trường ấy là cái nôi nuôi dưỡng, tác động rất lớn đến việc hình thành nhân cách, trong đó gia đình là cơ sở, là nền tảng quan trọng nhất có tính chất quyết định nhân cách trong quá trình trưởng thành.

Tại sao chúng ta phải hạn chế “ăn tục, chửi thề” trước mặt trẻ con?
Tại sao từ khi còn nằm trong bụng mẹ, chúng ta đã phải cho chúng nghe nhạc giao hưởng?
Tại sao nhiều bố mẹ lại muốn gửi các con vào những trường chuyên, lớp chọn?

Bởi chúng ta hiểu môi trường giáo dục và nuôi dưỡng là hai yếu tố then chốt quyết định tạo nên tài năng và tính cách của mỗi con người. Sự nuôi dạy con trẻ sát nhất là gia đình, tiếp đến là xóm giềng và xã hội. Nhân cách con người bắt đầu hình thành từ lúc còn nằm trong bụng mẹ cho đến khi trưởng thành vẫn chưa dừng lại. Lứa tuổi ấu thơ là giai đoạn quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Nhân cách mặc dù chưa được thể hiện rõ ràng nhưng thông qua hành vi bắt trước hành động của người lớn trẻ em bắt đầu thâu nhận tất cả các tương tác nhân – sinh – quan để hình thành nhân cách của mình.

Trong mỗi gia đình vai trò của bố mẹ có vị trí quan trọng. Người cha là trụ cột, là biểu hiện của nhân cách văn hóa cao đẹp nhất để con cái học tập và noi theo. Còn người mẹ là chỗ dựa, là hạt nhân tâm lý chủ đạo, nguồn lửa sưởi ấm yêu thương trong gia đình, nguồn tình cảm vô tận cho các con. Cho nên gia đình là cái nôi văn hóa đầu tiên hình thành nhân cách cho trẻ em.

Người xưa có câu “cha mẹ sinh con trời sinh tính”, nghĩa là sự tồn tại tính cách của con người còn do thượng đế hay ông trời ban tặng một cách ngẫu nhiên. Liệu rằng đây có phải là lời giải thích chuẩn mực đúng đắn? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng tới sự hình thành và phát triển tính cách của mỗi cá nhân nói riêng hay con người nói chung để có cái nhìn thấu đáo, sâu sắc hơn.

Yếu tố di truyền

Di truyền là hiện tượng chuyển những tính trạng của cha, của mẹ cho con cái thông qua gien của bố mẹ. Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng tính cách cũng bị ảnh hưởng bởi sự di truyền đó. Ví dụ cụ thể, trong gia đình khi người bố hoặc mẹ có thiên hướng năng khiếu bẩm sinh về hội họa hay toán học thì con cái của họ cũng có khuynh hướng thừa hưởng những khả năng này. Chúng sẽ có đam mê, cách nhìn sự vật, sự việc và lấy hình tượng bố mẹ để làm mục đích hướng tới. Qua đó, tính cách của đứa con sẽ được hình thành dựa trên tính cách lí tưởng của cha mẹ. Tiến sĩ David Reiss và các đồng nghiệp từ Đại học George Washington, đã tiến hành một nghiên cứu toàn diện và dài hạn về tác động của di truyền học. Kết quả nghiên cứu cho thấy dường như di truyền có ảnh hưởng khá lớn đến sự phát triển tính cách của mỗi con người.

Yếu tố gia đình

Gia đình chịu trách nhiệm đối với quá trình xã hội hóa ban đầu của cá nhân, ảnh hưởng đến việc hình thành phẩm chất, nhân cách gốc của trẻ. Nếu ngay từ đầu các phẩm chất đó bị sai lệch, trẻ sẽ dễ sinh hư. Ông bà ta xưa cho rằng muốn con cái trở thành thương nhân thì nên ở gần chợ, muốn con hay chữ thì ở gần trường học, nếu gần trộm, gần cướp thì sớm hay muộn cũng trở thành cướp.

“Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, câu tục ngữ mang tính giáo dục đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Sống trong các gia đình có bố mẹ hoặc người lớn khác có hành vi thiếu văn hóa, đạo đức thậm chí có cả những hành vi phạm tội, như bố mẹ bất hòa hay đánh chửi nhau, nghiện rượu, nghiện ma túy, trộm cắp, tham ô…thì những gương xấu này làm cho trẻ em dần dần coi thường pháp luật, nhiễm các thói hư tật xấu và dễ bị lôi kéo rồi dần dần vi phạm pháp luật. Chỉ có những trẻ có ý chí kiên cường, có lòng tự trọng cao, sớm đánh giá được đúng sai mới tránh được những ảnh hưởng xấu đó. Cũng có nhiều trường hợp bố mẹ là người tốt, có đủ kiến thức nhưng không chú ý đúng mức đến việc giáo dục con cái hoặc không có điều kiện gần gũi trẻ, có người ỷ lại cho nhà trường, một số mải làm ăn, kiếm sống hoặc phải đi công tác trong thời gian dài;

Có những cặp đôi mà cuộc hôn nhân của họ đã chết từ bên trong nhưng chẳng dám ly hôn, vì họ sợ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của những đứa nhỏ.
Có những ông bố, bà mẹ không dám chia sẻ cuộc sống, công việc bình thường của mình, vì họ sợ con cái của họ sẽ có những mặc cảm hoàn cảnh.
Có những cặp đồng tính không dám nhận con nuôi, vì họ sợ những điều tiếng và áp lực đè nặng lên con mình: “Êu ơi, bố mẹ mày như thế thì mày còn ra cái giống gì?”.

Yếu tố xã hội

Không ai có thể sống mãi trong vỏ bọc che chở của bố mẹ hay gia đình. Bất kì người nào cũng phải tự đứng trên đôi chân của bản thân để bước đến con đường danh vọng của chính mình. Họ phải tự mình lăn lộn trong xã hội mới có thể nhận được bài học cũng như kinh nghiệm quý giá có ích. Tuy nhiên, xã hội luôn cạnh tranh phức tạp và đầy rẫy sự khắc nghiệt. Có những người xuất phát là người tốt nhưng vì chịu ảnh hưởng tác động lớn của xã hội dẫn đến hủy hoại bản thân và hình thành những tính cách tiêu cực trái ngươc hoàn toàn với những gì vốn có. Từ những cô gái trong sáng , ngoan ngoãn, lễ phép trở thành gái bán hoa, giang hồ thô tục, hung bạo, đanh đá. Hay từ những anh thanh niên chăm chỉ, cần cù trở thành những tay giết người khét tiếng, buôn lậu ma túy, v.v. Vì vâỵ, xã hội có thể coi là yếu tố quyết định tính cách của mỗi con người khi trưởng thành.

Những đứa trẻ ở nông thôn tự ti khi đứng trước những đứa trẻ ở thành phố, bởi vì chúng biết ai có điều kiện sống tốt hơn đương nhiên sẽ trưởng thành tốt hơn. Tại sao người nông thôn luôn muốn đến thành phố làm việc, tại sao nhà nước phải đẩy mạnh đô thị hoá? Bởi vì ai cũng cho rằng sự cách biệt về điều kiện sống sẽ hình thành nên một con người tốt hay xấu, giỏi hay dốt, tương lai có thể làm nên trò trống gì không?

Suy nghĩ tư tưởng của người lớn và môi trường xung quanh ảnh hưởng rất lớn đến trẻ con. Đúng! Nhưng đã bao giờ bạn gặp trường hợp: Giữa một vùng sỏi đá khô cằn, cây hoa dại vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp. Trên hoang mạc khô cằn bỏng rát vẫn có những loài xương rồng phát triển, sinh sôi, nảy nở và còn kết hoa nữa.

Cho con một môi trường tốt để hoàn thiện và phát triển là không sai. Nhưng không thể đánh giá đứa trẻ sẽ lớn lên thế nào nếu chỉ dựa vào điều kiện sống của nó, chỉ nhìn vào những cha mẹ của nó. Những người có khả năng thì con họ sống đầy đủ như vậy, thế những người chỉ đủ sống thì con họ sẽ ra sao đây? Chẳng lẽ chúng bán vé số hay nhặt ve chai giống cha mẹ?

Cuộc hôn nhân khi đã đến đà đổ vỡ, thì ly hôn là điều đương nhiên phải xảy ra. Cha mẹ ly hôn không có nghĩa con cái sau này cũng ly hôn, rối loạn tâm lý,… Kết thúc để bước đi tìm hạnh phúc không phải sẽ dễ chịu hơn cố gắng nhẫn nhịn mỗi ngày ư? Mối quan hệ của cha mẹ tốt hay xấu KHÔNG HỀ ảnh hưởng đến cách giáo dục con. Bản thân trải qua đổ vỡ thì phải biết dạy con mai sau chọn bạn đời đúng đắn, chứ không phải tuyên truyền cho nó tư tưởng hận đàn bà/ đàn ông.

Cha mẹ gay càng không liên quan đến chuyên con có gay hay không. Tại sao vô số ông bố bà mẹ thẳng tuột đến với nhau bằng tình yêu chân chính, đứa trẻ sau này vẫn thừa nhận mình gay? Xu hướng tính dục và cách giáo dục là hai đường thẳng song song. Họ gay nhưng họ biết cách dạy dỗ và đảm bảo tương lai cho con mình.

Có những điều sẽ di truyền từ cha mẹ sang con. Đó là vấn đề về di truyền học, nơi các cặp tính trạng trội – lặn gặp gỡ và nếu nói ra ở đây thì chính người viết cũng sẽ không hiểu. Nhưng trí thông minh, phẩm chất, lối sống, cách hành xử không thể chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào gen di truyền. Cha mẹ thông thái chưa chắc sinh con ra đã thông minh. Không có tố chất, cũng không biết cố gắng, thì bồi đắp thế nào cũng không thể thừa hưởng những phẩm chất tốt. Nếu trí tuệ được di truyền dễ dàng như vậy, chẳng lẽ những người IQ cao đi kết hôn sinh con với nhau hết, để tạo ra một thế hệ mới đưa nhân loại tiến về tương lai hay sao? No!.

Các cụ có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” – câu nói được người ta vẫn đem ra để “khò khè” nhau về nguồn gốc xuất thân và hoàn cảnh. Nhưng họ lại quên rằng các cụ cũng từng nói “Bóng tối dưới chân đèn” hay “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Tại sao những học sinh nghèo luôn gắn liền với tấm gương vượt khó? Bởi vì họ biết tự mình cố gắng. Chẳng ai lại soi xét cha mẹ của đứa trẻ “úi dời ôi chúng mày làm hót rác lao công bảo vệ thế này thì hỏng rồi”. Chưa bao giờ vấn đề lại nằm ở gia đình hay điều kiện sống của bạn. Quan trọng là bản thân phải tự mình phấn đấu. Dùng cái nhìn phiến diện về cha mẹ người khác để rồi đánh giá nên con người họ, chẳng phải chính là gián tiếp khẳng định mình không sống được như hoa sen, chỉ biết lấy cái “đen”, cái “rạng” của hoàn cảnh để tồn tại?

Con người không phải gia súc, tìm được giống tốt không có nghĩa sẽ cho ra giống mới cũng tốt. Đứa trẻ lớn lên theo cách của mình thì sao? Giúp nó hiểu điều gì là đúng là sai, để tự nó phát triển, không phải sẽ tốt hơn rất nhiều sao?

SAU CÙNG, CHỈ CÓ NỘI LỰC CÁ NHÂN MỚI ĐỊNH NGHĨA ĐƯỢC MÌNH!