Tao Đàn – Ở Một Góc Nhân Gian là tiểu thuyết chuyển thể từ manga cùng tên của Fumiyo Kono, xoay quanh cô gái Suzu làm dâu xa nhà giữa bối cảnh những năm cuối của Thế chiến thứ 2. Cuốn sách tái hiện một góc rất khác của chiến tranh, nơi dù thực tại có khắc nghiệt đến mức nào, con người ta vẫn phải cố gắng xoay xở để tồn tại. Và chính ở một góc nhân gian ấy, tình người lại càng hiện rõ trên khói lửa mù mịt của bom đạn chiến tranh.
Ở Một Góc Nhân Gian là câu chuyện về một cô gái đơn thuần, may mắn gặp được nhiều người có trái tim hiền hậu
Suzu hiện lên qua nhận xét của chính cô và các nhân vật khác chỉ với chữ NGƠ. Cô hay mơ màng, đắm chìm trong thế giới của riêng mình, ngờ nghệch và hơi chậm chạp trong ứng xử với mọi người. Bù lại, cô lại có một đôi tay tài hoa, đôi tay ấy vẽ rất đẹp. Cô vẽ lại quê hương Hiroshima, nơi cô lớn lên và phải rời xa để lấy chồng. Cô cũng gửi gắm vào những trang giấy của mình hình bóng của Kure quê chồng. Nét vẽ tài hoa ấy giúp cô đem lại niềm vui cho những người xung quanh, như cháu gái đáng yêu nhà chồng hay là cô gái làng chơi Suzu vô tình gặp giữa mùa đông giá lạnh.
Rồi cũng chính nét vẽ khiến cô vướng vào những rắc rối dở khóc dở cười, như bị tưởng nhầm là gián điệp chẳng hạn. Kết quả, cả nhà cười lăn cười bò, vì ai chứ Suzu ngơ ngơ của họ làm sao làm nổi vai trò “to lớn” thế chứ. Chuyện nối chuyện, từng mẩu chuyện nhỏ nhặt đời thường nối tiếp nhau, phần nào phác họa lên bức tranh về mối quan hệ giữa Suzu và nhà chồng, hay là cách thức người dân Nhật Bản sinh tồn trong những năm 1945.
Viết về những tháng năm bom đạn rải khắp nơi, thiếu lương thực, thiếu điện, thiếu nước, nhưng Ở Một Góc Nhân Gian không hề u ám. Từng nhân vật đều toát lên một vẻ bình thản đến lạ. Họ chỉ nhau cách tiết kiệm cái này, bảo nhau học theo cái kia để bữa cơm nhà trông đầy đủ hơn một chút.
Trong truyện có một hình ảnh mang tính đại diện rất cao. Đại diện cho khát vọng hòa bình và niềm hy vọng đang được thắp lên trong lòng mỗi người dân Nhật Bản thời khắc chiến tranh kết thúc. Đó là một buổi tối, bố chồng Suzu trở về và thấy mâm cơm phần mình có một bát cơm trắng đầy – cả nhà ăn mừng chiến tranh kết thúc. Ông nhìn bát cơm trắng, rồi đứng dậy lột tấm vải che bóng đèn bấy lâu nay. Ánh sáng lan tỏa, bừng sáng trên khuôn mặt từng người. Và ánh đèn bắt đầu tỏa trong từng nhà, rực rỡ chiếu sáng cả vùng đất đã im lìm trong bóng tối quá lâu. (Đây cũng chính là chi tiết khác biệt, vốn không có trong nguyên tác manga)
Ở một góc nhân gian, tình yêu luôn ngập tràn
Kể chuyện làm dâu thì sẽ có chuyện làm vợ. Nghe theo lời sắp đặt của bố mẹ, Suzu về làm dâu ở một gia đình xa lạ, làm vợ Shusaku – người cô tưởng-là chưa gặp bao giờ. Cả quyển truyện, không một lời yêu trực tiếp nào được thốt ra, nhưng người đọc đều cảm nhận được tình cảm mà hai vợ chồng trẻ dành cho nhau. Gặp gỡ, kết hôn, yêu nhau, cãi cọ, ghen tuông, giận hờn, làm lành,… Giữa những năm tháng bom dội xuống đầu, Shusaku luôn tìm được cho mình một góc an bình bên người vợ ngốc nghếch của mình. Đồng thời, Suzu cũng tìm được một mái nhà vững chãi che chở cho cô giữa thời bom đạn tàn khốc.
Hai kẻ xa lạ, về chung một mái nhà, giữa họ ắt sẽ có những hiểu lầm và khoảng cách. Nếu như anh chồng Shusaku nghĩ rằng mình là kẻ chia uyên rẽ thúy, chia rẽ Suzu và cậu bạn Tetsu, thì Suzu lại nghĩ mình chỉ là “cái cọc thay thế” mà Shusaku vớ được khi gia đình phản đối anh đến với người con gái xinh đẹp anh yêu.
“Tình sử” rắc rối của đôi bên được tác giả ghi lại rất nhẹ nhàng, mà ở đó, 4 con người, 4 số phận, bị ông Tơ bà Nguyệt lỡ quấn dây hồng với nhau nhưng đều ứng xử rất văn minh và chân thành.
Quyết định vội vàng và liều lĩnh khi cưới người mình chỉ biết tên đã thay đổi số phận của Shusaku và Suzu, may sao, đó lại là đường dẫn đến hạnh phúc. Quá khứ cứ ngủ yên, hai người sẽ cùng nhau băng qua mưa bom bão đạn đến với những ngày thanh bình về sau.
Còn hai mảnh ghép chơi vơi kia, bị cuốn giữa khói lửa chiến tranh, họ đến và đi, để lại trong lòng Shusaku, Suzu và cả độc giả những hình ảnh trong trẻo, đẹp đẽ nhất.
Chuyện tình yêu trong Ở Một Góc Nhân Gian bình dị thế đấy. Dịu dàng như một dòng nước róc rách chảy, dẫu có pha lẫn cát bụi, thì nước vẫn sẽ chảy trôi, cát bụi lắng lại, chìm sâu, nghỉ yên trong quá khứ.
Giữa chiến tranh, dù Ở Một Góc Nhân Gian, người ta vẫn phải chịu đựng mất mát
Bởi có chiến tranh nên người ta phải làm quen với đau thương, mất mát. Nhưng chẳng vì thế mà những nỗi đau Suzu và người nhà phải chịu đựng sẽ kém đau hơn chút nào.
Truyện bị đẩy lên cao trào khi Suzu mất đi tay phải của mình cùng với Harumi – đứa cháu gái của chồng. Bom đạn vẫn vô tình như cách nó cướp đi sinh mạng người con trai nhà hàng xóm, phá hủy cả quê hương Hiroshima của cô. Tác giả đi sâu vào nội tâm Suzu trong suốt những tháng ngày cô chênh vênh nhất: chị chồng đau khổ vì mất con nên buông lời trách móc; bàn tay phải giúp cô nấu ăn, dọn dẹp, vẽ vời giờ cụt ngủn, vô dụng; đến tự đi dép với Suzu còn khó khăn. Nỗi đau đớn, ân hận cứ tụ lại trong lòng cô, đợi người đến gỡ bỏ. Tình người nồng đậm lại càng rõ ràng hơn trong khoảng thời gian này, nỗi đau len lỏi muôn nơi, rồi cũng chính nỗi đau kéo người với người lại gần nhau hơn. Bởi mất mát khiến họ hiểu rõ hơn về sự may mắn họ đang có được, họ cần trân trọng và nỗ lực để sinh tồn giữa cái nghèo, cái đói cái vất vả ập xuống gấp nhiều lần, bởi ít nhất giờ họ đã có hòa bình.
Có lẽ Ở Một Góc Nhân Gian không phải một tác phẩm kinh điển về chiến tranh, nhưng đây chắc chắn sẽ là một tác phẩm dịu dàng và ấm áp về cuộc chiến tàn khốc. Không giáo điều, không hô hào cổ động, Ở Một Góc Nhân Gian nhẹ nhàng gieo vào lòng người đọc cái khát khao trân trọng, hi vọng hòa bình. Và để độc giả tin tưởng rằng, dẫu trong thời khắc đen tối nhất, con người ta vẫn luôn tìm được cách để sống, và sống thật tốt.