“Pháo đài số” – Tác phẩm đầu tay của Dan Brown chứa đựng đầy đủ yếu tố hấp dẫn và kịch tính. Hơn cả tác phẩm trinh thám thông thường, cuốn sách còn là sự kết hợp các kiến thức chuyên môn về công nghệ số mới nổi và những pha hành động gây cấn nghẹt thở, nhưng vẫn truyền tải rõ ràng, không gây mơ hồ cho độc giả quan tâm hoặc không tìm hiểu sâu sắc về lĩnh vực này.
Xuất bản năm 1998 và tạo thành cú hích với hơn 40 quốc gia trên thế giới. “Pháo đài số” chính là khởi đầu của một cây bút bậc thầy mới vào đầu thế kỷ 21.
Cuốn sách tập trung vào chủ đề công nghệ số và máy tính cũng như mạng liên kết Internet trên toàn thế giới. Với ngòi bút đầy sắc sảo của Dan Brown, tác phẩm khai thác sâu kiến thức về lĩnh vực IT cho người đọc dễ nắm bắt nhất. “Pháo đài số” không bàn sâu về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ mà chỉ dùng một phần nhỏ để tô điểm thêm cho vấn đề của thời đại “bảo mật thông tin”.
Khởi đầu câu chuyện là cỗ máy vượt trội TRANSLTR được chế tạo thành công nhưng lại bị công bố là sản phẩm thất bại và không tồn tại của NSA, có khả năng tích hợp và giải mọi thuật toán, mật mã, xâm nhập vào hầu hết dữ liệu khắp quốc gia. Cỗ máy xuất hiện như là con mắt quan sát thế giới dưới bàn tay của chính phủ Hoa Kỳ. Cùng với đó là sự xuất hiện của một thuật toán tạo ra bởi lập trình viên Ensei Takado được nhập vào TRANSLTR khiến cỗ máy gặp rắc rối.
Trước tình cảnh đó, giám đốc NSA đã cử David Becker đi tìm chìa khóa mật mã được Takado nắm giữ ở Tây Ban Nha. Trong khi bạn gái anh Susan Fletcher, nhân viên của NSA, được giám đốc giao trọng trách truy tìm người bạn mà Takado liên lạc trước khi chết nhằm tìm ra chìa khóa còn lại. Từ đó họ dần dần khám phá ra bí mật và những mục đích tư lợi đằng sau đoạn mật mã này.
Phong cách của Dan Brown
Dù là tác phẩm đầu tay nhưng Dan Brown vẫn không làm người đọc thất vọng với cách xây dựng cốt truyện, nhân vật và phân đoạn plot twist(tình tiết bất ngờ) ăn điểm, bất ngờ, hồi hộp.
Nếu như đem so sánh “Pháo đài số” với những tác phẩm sau này, truyện vẫn không kém phần hấp dẫn và li kì. Mạch truyện được viết rất tinh tế lúc chậm lúc nhanh, các yếu tố hành động nổi chiếm tỉ lệ nhiều hơn khiến người đọc đang xem cuốn phim có tiết tấu nhanh, gây cấn hơn bình thường.
Tác giả xây dựng nhiều tuyến truyện đan xen vào nhau, các nút thắt được tháo gỡ qua từng chương, từ đó người đọc tò mò hơn về sự liên kết cuối cùng cũng như bức tranh toàn diện của vấn đề.
Nhân vật là một điểm cộng lớn ở tập truyện truyện này, khác với các tác phẩm sau này tập trung vào các mối quan hệ nhiều hơn, sản phẩm đầu tay được Dan Brown miêu tả rất sâu sắc trong tính cách, những điểm nổi bật, chiều sâu tâm lý qua các giai đoạn trong truyện rất chi tiết và cụ thể. Đặc biệt suy nghĩ tình cảm của hai nhân vật chính dành cho nhau xuất hiện không ít và xuyên suốt câu chuyện, một khía cạnh mà Dan Brown rất ít khai thác và xây dựng sau này.
Có lẽ sự thành công của tác phẩm ảnh hưởng sâu sắc đến lối viết, phong cách của ông.
Ai sẽ canh gác những người canh gác
Chủ đề câu chuyện là bảo mật và tiếp cận dữ liệu. Tương tự như câu chuyện sau này, Dan Brown đã khéo léo nhận ra ranh giới mỏng manh giữa an ninh quốc gia và quyền lợi tự do cá nhân.
Tùy mỗi người sẽ có những lập luận, lý lẽ để thuyết phục bản thân nên nghiêng về bên nào trong cuộc chiến này, cũng như các nhân vật trong truyện cũng có những suy nghĩ riêng của mình.
Nếu nhìn nhận khách quan thì đây phải là sự tồn tại cần thiết bù trừ lẫn nhau, luôn luôn phải đảm bảo sự tồn tại của các bên. Nếu không có sự tiếp cận tự do của chính phủ đến với dữ liệu của từng cá nhân thì không thể ngăn chặn được các phần tử cực đoan đe dọa an ninh quốc gia. Nhưng nếu vì vậy mà xâm nhập vô tư, đặt quyền lợi cá nhân lên để tiếp cận thông tin người khác nhằm trục lợi cho bản thân thì đó là hành động phải lên án.
Xuyên suốt tác phẩm là sự đấu tranh giữa các cá nhân về âm mưu và mục đích xoay quanh an ninh quốc gia và quyền lợi tự do cá nhân. Nếu như TRANSLTR tồn tại như một vũ khí của chính phủ, thì Takado với đoạn mật mã đánh bại TRANSLTR là chìa khóa khiến chính phủ phải thừa nhận quyền tự do cá nhân trên lĩnh vực công nghệ số đang phát triển hiện nay.
Khi người quan sát chúng ta làm việc xấu, ai sẽ quan sát họ? Đây là vấn đề đáng băn khoăn và suy ngẫm khi gấp quyển sách lại. Nhưng chẳng phải con người mới là yếu tố quyết định cho mọi câu trả lời hay sao. Nếu chuẩn mực đạo đức đúng đắn được duy trì, thì việc bảo vệ tự do của mỗi cá nhân trên con đường phát triển của xã hội sẽ tìm ra được mẫu số chung.
Khi đó chính những giá trị đạo đức vĩnh cửu tồn này sẽ canh gác chính chúng ta.
Mặt khác của một sản phẩm đầu tay
Nếu đem so sánh tác phẩm này với những tác phẩm làm nên tên tuổi Dan Brown thì luôn tồn tại những khác biệt nhất định.
Dù “Pháo đài số” là một tác phẩm tốt ở nhiều khía cạnh nhưng vẫn tồn tại nhiều điểm khác biệt tùy vào mức độ nhận định so với những tác phẩm làm nên thương hiệu của ông sau này.
Dù phong cách xây dựng nhân vật của Dan Brown đã xuất sắc từ khi bắt đầu, hai nhân vật chính lại được xây dựng với bề dày lịch sử và kinh nghiệm khá giỏi giang lại không thể hiện được đầy đủ khí chất đó đến khi đi đến hồi kết, điều mà ông đã thay đổi trong các phần sau này khi xây dựng nhân vật ban đầu hoặc phát triển khả năng của họ xuyên suốt tác phẩm.
Ngoài ra, tình cảm giữa hai nhân vật được thể hiện rất chi tiết và đầy xúc động góp phần tạo thêm một hương vị mới mẻ cho một món ăn tưởng như đã quá đại trà. Nhưng các chi tiết dùng “mật mã thể hiện tình cảm”, một số còn khá gượng gạo gây cảm giác “ngọt” quá mức.
Phân đoạn gây cấn mang thương hiệu Dan Brown được thể hiện khá đặc biệt, tác giả tạo ra nhiều thông tin, xây dựng thêm nhiều nhân vật để củng cố chuỗi thông tin đó. Kèm theo chuỗi sự kiện khó phán đoán, khéo léo lồng ghép bí mật trong bí mật, chìa khóa trong chìa khóa khiến cú plot twist gây từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Nhìn chung, Pháo đài số vẫn còn các chi tiết hơi vụng về nhưng với sự đầu tư và trau chuốt tỉ mỉ, đây vẫn là lựa chọn trải nghiệm thú vị và đầy bất ngờ cho đến cuối cùng.