Người ta nói “Văn học là Nhân học” tức là nói đến một lĩnh vực khoa học nghiên cứu và thể hiện con người một cách đặc thù. Lịch sử văn học chính là lịch sử của những quan niệm về con người. Nhưng văn học là một loại hình nghệ thuật cho nên tên gọi đầy đủ của thuật ngữ phải là Quan niệm nghệ thuật về con người. Quan niệm nghệ thuật về con người là các nguyên tắc cảm nhận thẩm mĩ về con người của nhà văn trong quá trình nhìn nhận, phát hiện, đánh giá và miêu tả, thể hiện con người thông qua các phương tiện nghệ thuật trong tác phẩm văn học. Nó chứng tỏ chiều sâu chiếm lĩnh con người của mỗi nhà văn.
Trong quá trình nghiên cứu các tiểu thuyết viết về đề tài thế sự và đời tư của Ma Văn Kháng, chúng tôi nhận thấy quan niệm nghệ thuật về con người của ông chủ yếu được nhìn nhận, cắt nghĩa trên hai bình diện cơ bản là cấu trúc nhân cách và cấu trúc số phận. Ở bình diện cấu trúc nhân cách, Ma Văn Kháng cho rằng: “Một con người là một cá thể hữu hạn nhưng cũng là cái vô hạn, vô cùng”[1, tr.362] tức là quan niệm con người cá nhân lưỡng diện, đa chiều, luôn tồn tại cả hai mặt tốt và xấu; con người không trùng khít chính nó. Ở bình diện cấu trúc số phận, nhà văn quan niệm: “Cuộc sống đã chịu những chấn động quá nặng nề và con người trong hoàn cảnh ấy đã trở thành nạn nhân khốn khổ rất đáng trách và đáng thương”[2,tr.468] tức là quan niệm con người nạn nhân của những chấn động xã hội. Hai quan niệm này có quan hệ mật thiết với nhau và nó đã chi phối mọi hình thức cắt nghĩa cũng như cấu trúc tác phẩm của nhà văn này. Tuy nhiên do khuôn khổ bài báo có hạn nên ở đây chúng tôi chỉ bàn về con người nạn nhân của những chấn động xã hội qua ba cuốn tiểu thuyết tiêu biểu của ông là Mùa lá rụng trong vườn (1985), Đám cưới không có giấy giá thú (1989) và Ngược dòng nước lũ (1999).
1. Từ “cuộc sống đã chịu những chấn động quá nặng nề …”
Thế giới bao quanh nhân vật trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng là một thế giới đầy những chấn thương. Chấn thương ở đây là tình trạng xuống cấp về mặt nhân cách do sự đảo lộn các giá trị chuẩn của cuộc sống trong buổi giao thời (khi những chuẩn giá trị cũ đã lỗi thời con những chuẩn giá trị mới lại chưa kịp hình thành để thay thế). Đó là sự chao đảo, biến dạng những giá trị đạo đức của truyền thống gia đình, là lối sống vụ lợi, thực dụng đến trắng trợn trong quan hệ giữa người với người đang hoàng hành xã hội. Đó là sự chuyên quyền độc đoán, thói tư lợi của những phần tử a dua, xu thời đang nắm trong tay quyền lực nhà nước tạo ra sự bất công vô lí đến nghẹt thở. Tất cả đang rơi vào hỗn tạp, biến dạng khiến cuộc sống chao đảo, bất an. Con người trong xã hội ấy, đặc biệt là những người có tâm huyết, có trách nhiệm với cuộc đời đều lâm vào bi kịch: Bị chà đạp, bị vùi dập, bị rơi vào khủng hoảng niềm tin và bế tắc không lối thoát. Có thể khái quát trạng thái chấn thương xã hội bằng cái nhìn của Tự trong Đám cưới không có giấy giá thú: “Ở những nơi này, cái hỗn độn thắng cái trật tự. Cái thật thua cái giả. Đạo đức thua vô liêm. Ở những nơi này, chủ nghĩa nhân văn thua bạo chúa, kẻ dốt nát thống trị người hiền tài. Ở những nơi này, con người, xã hội đi lộn ngược, đi giật lùi”[1, tr.325].
Để diễn tả trạng thái cuộc sống bị chấn thương, tiểu thuyết Ma Văn Kháng thường xuất hiện nhiều danh từ chung chỉ không gian rộng lớn đang trong trạng thái biến dạng. Đó là “đời”: “đời là vại dưa muối hỏng”, “đời chỉ là một chữ T thôi”, “đời là một cái chợ”. Đó là “trần đời”, “cuộc đời”, “cuộc sống”: “trần đời chưa thấy cái loạn nào to như loạn này, loạn âm dương thầy Tự ạ!”, “Cuộc đời chúng ta dữ dội quá”, “cái cuộc đời nó chẳng ưu ái gì anh hết”, “buồn thay, cuộc sống chẳng lẽ là một bà mẹ ghẻ, một vại dưa muối hỏng, lại còn đầy ma quái”. Đó là “khắp nơi”, “thế giới”: “khắp nơi chỗ nào cũng chấn thương”, “khắp nơi tràn ngập sự vô lý”, “khắp nơi đầy rẫy các cuộc đánh tráo, phản bội các giá trị thiêng liêng”, “thế giới đang ngập tràn thói tư lợi”…Đôi lúc cuộc sống đó được thay bằng những từ đồng nghĩa kèm theo những từ chỉ thời gian hiện tại như:“thời này”, “thời buổi này”, “thời đại này”, “đất nước này”: “chưa có thời nào trí thức lưu manh hóa nhiều như thời này”, “có lẽ chưa có thời nào học trò hư đốn như thời này”, “người có tâm luôn bơ vơ, kẻ có tri thức suốt đời buồn…thời buổi này tạo ra bi kịch đó”, “thời buổi này Lê Lai toàn chạy trước Lê Lợi”, “đất nước này khắc nghiệt ra trò chứ đâu có muôn phần tươi đẹp”, “đất nước này, nạn nhân của bao mưu toan độc ác, máu xương đổ cho cuộc giành giật ấy đâu có ít”… Những danh từ chỉ số nhiều có chức năng khái quát lớn được lặp lại ở một mật độ dày đặc, vì vậy, bức tranh toàn cảnh xã hội đang trong trạng thái chấn thương được thu gọn một cách sinh động. Điều đặc biệt ở đây, bức tranh xã hội ấy thường được nhà văn quan sát kĩ ở bình diện đời sống có liên quan đến tầng lớp trí thức. Đó là những biến động, đổi thay trong cuộc sống của một gia đình trí thức trong Mùa lá rụng trong vườn. Đó là thân phận, bi kịch của đội ngũ trí thức và bộ mặt thật của nền giáo dục đang diễn ra trong một ngôi trường trung học số 5 trong Đám cưới không có giấy giá thú. Đó là bóng dáng và tâm địa của bọn lưu manh khoác áo đạo đức núp dưới danh nghĩa là văn nhân, trí thức là cán bộ cao cấp đại diện cho quyền lực của nhà nước trong Ngược dòng nước lũ. Từ những điểm nhấn này, cái nhìn của Ma Văn Kháng hướng ra ngoài cuộc sống để đến với những vấn đề có ý nghĩa xã hội rộng lớn hơn. Bức tranh toàn cảnh trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng vì thế được soi rọi nhiều chiều, nhiều bình diện; tính chất thế sự vì thế cũng được tăng lên bội phần và trở thành cảm hứng chủ đạo xuyên suốt trong ba cuốn tiểu thuyết.
Cảm quan chấn thương trong cái nhìn nghệ thuật về thế giới đã chứng tỏ Ma Văn Kháng là nhà văn có thiên hướng nhạy cảm với những mặt trái của xã hội. Không bằng lòng với thực tại xã hội, luôn nhìn cuộc sống diễn ra từ cái nhìn đối chiều, cái nhìn lật tẩy – đõ cũng chính là một cách thụ cảm mới không kém phần sâu sắc về đời sống mà Ma Văn Kháng đã có lần nêu rõ ý đồ của mình trong tác phẩm: “Nghệ sĩ là con người nhậy cảm. Tác phẩm của họ rất có thể giúp cho người đọc nhìn rõ hơn cái nguyên cớ khuất chìm của tình trạng suy đồi nhân thế”[2,tr.465]. Chính có sự đổi mới trong quan niệm về thế giới như vậy nên cùng với Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Mạnh Tuấn, Lê Lựu, Ma Văn Kháng đã có những đóng góp quan trọng cho khuynh hướng “nhận thức lại”- một khuynh hướng văn xuôi phát triển mạnh mẽ trong văn học thời kì đổi mới.
2. Đến “con người đã trở thành nạn nhân khốn khổ rất đáng trách và đáng thương”.
Từ cái nhìn cuộc sống đầy rẫy những chấn thương nên thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng là thế giới những con người nạn nhân của những chấn động xã hội. Trước cuộc sống hiện thực luôn xô bồ, khắc nghiệt; trước sự cám dỗ khó cưỡng nổi của lối sống thực dụng đang hoành hành, con người trở nên chao đảo, mất phương hướng dẫn đến tình trạng hoặc bị tha hóa, biến chất hoặc bị nhấn chìm vào bi kịch không lối thoát. Trạng huống nạn nhân của con người dưới sự tác động của hoàn cảnh là điểm nhấn trong cái nhìn bao quát của nhà văn về con người và đời sống thế sự đang diễn ra. Đứng trên lập trường của chủ nghĩa nhân văn, cái nhìn ấy mang tính nhân bản sâu sắc, thể hiện nét phong cách tiêu biểu của Ma Văn Kháng qua toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông.
Tính chất nạn nhân của con người trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng thể hiện ở chân dung khái quát và những nguyên tắc xây dựng nhân vật. Nhìn bất cứ chương nào của ba cuốn tiểu thuyết nói trên, người đọc cũng cảm nhận được tính chất bức bí, bị kìm nén làm cho băng hoại phẩm giá của nhân vật thể hiện trên hai phương diện đó. Trong Mùa lá rụng trong vườn: Đông là “nạn nhân của vở kịch gia đình này”; Luận thì “nổi cơn bi phẫn từ vị trí nạn nhân”; vợ chồng Cần là nạn nhân của thói trù dập: “anh tưởng bọn chúng em chưa hề phải chịu tai họa do cái tồi tệ của xã hội gây ra hay sao”. Đến cả những đứa trẻ thơ ngây như Quân Anh, Quân Em “chúng là nạn nhân cần phải cứu chúng”. Ngay cả những nhân vật như ông Bằng, bà lang Chí, Phượng cũng không nằm ngoài số phận “một đời nhân hậu, một đời thiệt thòi”. Trong Đám cưới không có giấy giá thú, nếu giáo chức Tự là “kẻ tuẫn nạn của một sở nguyện, tin cậy? bị bạc đãi. Bị khinh rẻ. Bị đày đọa. Bị ruồng rẫy. Bị chà đạp. Bị vây bủa bốn bề. Bị phản bội. Bị vu cáo. Bị tước đoạt. Bị cướp bóc hết” và những đồng nghiệp như Thuật, Thống cũng phải được cứu giúp bởi “Thuật tiêu biểu cho một kẻ bị chà đạp rồi sau đó tự mình đánh mất mình luôn” thì đến những thế hệ học trò như Ngọc, Lễ, Thức, Lý…đã trở thành “nạn nhân của những đầu óc tư duy giản đơn, kém phát triển”. Còn trong Ngược dòng nước lũ, nếu Kiển “chính là sản phẩm của một cơn chấn thương lịch sử và Liệu là nạn nhân của cơn chấn thương đó”; Hoan “là nạn nhân của những biến loạn”; Khiêm “đã bị hại do một âm mưu sâu hiểm”; ông Tuệ “trở thành nạn nhân của sự sáng tạo” thì ngay cả bác sĩ Thịnh cũng không nằm ngoài “tấn bi kịch của một trí thức ở một thế kỉ khốn khó”. Tựu trung lại, ông Bằng, Đông, Luận, chị Hoài, Phượng, Tự, Thuật, Thống, Khiêm, Hoan, Thịnh là nạn nhân của hoàn cảnh (tức là nạn nhân của thói ích kỉ, a dua, xu nịnh, trù dập; nạn nhân của bao mưu toan, thiên kiến hẹp hòi, những định kiến khắc nghiệt, duy ý chí) thì Lý, Cừ, Xuyến, Thoa…là “nạn nhân của chính mình” (tức là nạn nhân của những dục vọng, những cám dỗ vật chất của đời sống hiện tại để rồi bản thân lại tự đánh mất chính mình). Cuộc sống hiện tại “chưa bao giờ con người đương đầu với hoàn cảnh một cách anh hùng, bền bỉ và sáng ngời phẩm cách như thế. Nhưng cũng chưa bao giờ đời sống khó khăn lại kích thích tâm lí hưởng thụ vật chất, thói ích kỉ vô luân đến như thế”[3,tr.645-646]. Trong buổi giao thời, hệ thống chuẩn giá trị xã hội cũ đã bộc lộ những mặt không hợp thời trong khi đó hệ thống chuẩn giá trị đạo đức mới chưa được định hình rõ nét nên con người hoang mang, dao động, mất phương hướng cũng là đương nhiên. Nhiều người khác nhận thức được điều quyết tâm “có thủ” giữ gìn phẩm chất của mình thì phải chịu một kết cục thiệt thòi, còn lại những người không ý thức được thì bị rơi vào sự băng hoại, tha hóa.
Để cắt nghĩa trạng huống nạn nhân của con người, thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng được chia làm hai tuyến chính: tuyến con người nạn nhân và tuyến đối nghịch lại (thủ phạm tạo ra những nạn nhân đó). Con người nạn nhân hầu hết là những nhân vật trí thức chân chính, có phẩm chất, có tài năng, trách nhiệm và những con người của tầng lớp thị dân ban đầu có bản tính lương thiện nhưng cuối cùng lại tha hóa, biến chất. Ngược lại, thủ phạm tạo ra nạn nhân chính là loại “trí thức lưu manh hóa”[1,tr.15] nắm trong tay quyền uy khuynh đảo xã hội. Mặc dù có hai thế giới nhân vật được đặt trong thế đối cực nhưng cả hai đều có chung một kiểu tính cách bất biến. Tính cách bất biến thể hiện ở tính nhất quán, một chiều của nhân vật. Đã là nhân vật tốt thì tốt từ ngoại hình đến lời ăn tiếng nói, hành động. Đã là nhân vật tiêu cực, nhân vật lưu manh thì lưu manh không chỉ ở ngoại hình mà biểu hiện cả trong hành vi ứng xử với môi trường xung quanh. Tính một chiều của nhân vật được thể hiện xuyên suốt cả ba tác phẩm mà dường như không có một sự đổi thay nào và được thực hiện trên hai mô hình cơ bản: khắc họa con người trí thức chân chính thì mô hình chung là “một đời nhân hậu, một đời thiệt thòi” và con người trí thức lưu manh hóa thì luôn được xây dựng trên mô hình dị dạng hóa.
Trước hết, loại nhân vật trí thức chân chính trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng tuân là những con người tốt nhưng kết thúc tác phẩm nếu họ không rơi vào cái chết thì cũng sống trong đắng cay, túng quẫn, tủi cực. Ông Bằng – chân dung một bậc túc nho đến phút lâm chung vẫn không nguôi được những lo âu, trắc ẩn trên những dòng di chúc: “Ba mong các con yêu thương nhau, lấy cái chính ngăn cái tà, theo gương cha ông gìn giữ và bồi bổ tinh hoa, truyền thống dân tộc, phục vụ nhân dân tổ quốc”[3,tr.639]. Bà lang Chí, chị Hoài, Luận, Phượng, Vân, Cừ… kết thúc tác phẩm vẫn là những con người phải nhẫn nhục cam chịu trong cái đói nghèo về vật chất và phẫn uất về tinh thần. Tự phải chia tay với nghề nghiệp của mình. Ông Thống, Thuật chết vì những chấn thương tinh thần quá lớn. Thịnh phải bỏ xác nơi đất khách quê người. Khiêm bị mất chức…Mô hình “Một đời nhân hậu một đời thiệt thòi” trong quá trình xây dựng nhân vật như vậy rất phù hợp với cái nhìn về tính chất nạn nhân của con người. Nếu kết thúc tác phẩm diễn ra theo kiểu có hậu thì rõ ràng cảm quan nạn nhân ở đây không còn lí do tồn tại.
Bên cạnh con người nạn nhân là hình ảnh bọn trí thức lưu manh hóa (thủ phạm chính gây ra những khổ đau, kịch cho con người và cuộc sống) và mô hình dị dạng hóa đã được nhà văn sử dụng triệt để làm mẫu chuẩn để xây dựng chân tướng của chúng. Lưu manh ở đây là trạng thái đạo đức của con người đã xuống cấp trầm trọng, mọi hành vi, suy nghĩ đều đi ngược lại lẽ phải của cuộc đời, với lẽ công bằng của xã hội. Thay vào tình yêu thương, lòng bác ái, độ lượng, sự công minh, niềm tin yêu, tinh thần tương trợ con người thì loại người này chỉ sống bằng mưu mô, thủ đoạn, thói ganh ghét, đố kị, bằng sự lộng quyền, quyết hãm hại, đè bẹp những con người có tài năng, đức độ thật sự. Đó là một “thằng” hiệu trưởng, một “con” giáo viên, một “vị” văn nhân đại diện cho tầng lớp trí thức. Đó cũng là những chức danh như: Tổng cục trưởng, Bí thư chi bộ, Bí thư huyện ủy, Trưởng ban tuyên huấn, Chủ nhiệm, Phó chủ nhiêm…đại diện cho công lí và quyền lực của nhà nước. Tất cả đều hiện ra trong một hình thù dị dạng. Dị dạng từ những cái biệt danh. Hầu hết chúng đều có biệt danh: Dương – đức cha Dương kính, tên đầu cơ sinh mệnh chính trị; Cẩm – tên bần nông gian xảo, Cẩm mõ; bà Thảnh – con bỉ tiện, Thảnh cú; bí thư Lại – tên đồ tể, tên cường hào ác bá; tổng cục trưởng Phô – cái thằng cha mặt đâm lê, thằng gốc cửu vạn; phó chủ nhiệm Quanh – cóc cụ, chàng lé, ông thiềm thừ; Phù – ông thiên lôi đâm lồi bụng vợ; Khoái – công tử Sài Ghềnh, thằng cha lem lém như ngựa ăn bánh rán; ông trưởng ban tuyên huấn – thằng cầy tơ…Dị dạng cả nhân hình lẫn tính cách. Những tính từ có cùng một trường nghĩa chỉ sự xấu xa, bỉ ổi như: cục mịch, kệch cỡm, đần đần và gian gian, nham hiểm, bần hèn, dị ngợm, vô học, ranh ma…những cách miêu tả, ví von giống nhau ở mục đích như: “mặt thô, lạnh, tròn như cái mâm”, “mặt nạc đóm dày”, “mặt ngay như cán tàn”, “mũi tròn nở như một cục mật”, “là rắn mà giả lươn”, “cái cười ngô nghê như cái cười của con nghé”…cứ thi nhau gắn chặt vào nhân vật tạo cho nó từ hình hài, tướng mạo đến tâm địa, bản tính đều toát lên tính quái dị, bất nhân. Có thể nói, những cái biệt danh, những biện pháp so sánh, ví von trong miêu tả đã khái quát một cách đầy đủ về hạng người lưu manh, đểu cáng. Đám trí thức lưu manh này đang có sức mạnh khuynh đảo xã hội bởi tính chất nhân danh của chúng. Chúng nhân danh Đảng, nhân danh cho quyền lực và cán cân công lý của xã hội nhưng thực chất là hạng người thô thiển, tâm địa hẹp hòi, tư duy máy móc, giản đơn và trì trệ. Nói tóm lại, chúng là những trở lực kìm hãm sự phát triển xã hội. Mọi giá trị cuộc sống vì chúng mà trở nên hỗn độn, băng hoại, cuộc sống vì chúng mà trở nên thảm hại, chấn thương. Vì vậy, gọi tên chúng, xưng hô với chúng chỉ có lớp từ bụi bặm, đậm chất chợ búa như: thằng cha, con mẹ, tên này, gã kia …mới tỏ ra phù hợp nhất.
Kiểu tính cách bất biến của hệ thống nhân vật trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng có những mặt mạnh và những hạn chế nhất định của nó. Mạnh ở chỗ nó đã thể hiện được tính chất vô lí cao độ của cuộc sống, của bi kịch con người từ đó nhà văn dễ dàng lên án, tố cáo một cách mạnh mẽ, đanh thép. Nhưng mặt hạn chế của nó làm cho nhân vật không hoàn thiện. Nếu là nhân vật tích cực thì trở nên quá yếu đuối, nhu nhược và nếu là nhân vật tiêu cực thì tính chất đội lốt của nó chưa được thực hiện một cách gian manh, quỉ quyệt. Loại nhân vật gây bao tai họa cho con người về cơ bản vẫn còn giản đơn, một chiều, chưa có những điển hình sinh động. Thực tế cuộc sống vẫn có những con người lưu manh nhưng lại đóng kịch rất khéo và cũng có những con người rất tốt nhưng họ lại ấu trĩ, ngây thơ đúng như cố GS. Phan Cự Đệ đã từng nhận xét: “cái nhìn nhân vật tiêu cực trong hàng ngũ lãnh đạo ở đây đôi lúc còn giản đơn và phiến diện… Tính khái quát của nhân vật này chưa cao. Trong số này, ngoài đời tôi thấy có những người xấu nhưng biết ngụy trang một cách thâm hiểm hơn hoặc có người tốt chân thành ngay cả trong sự ấu trĩ, máy móc của họ”[1,phụ lục,tr.396].
Tính chất nạn nhân của con người là yếu tố phổ biến cứ trở đi trở lại như những ám ảnh trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng. Chính cái nhìn về trạng huống con người nạn nhân khiến tác phẩm của ông đậm chất luận đề. Làm thế nào để con người thoát khỏi tình trạng nạn nhân của những chấn động xã hội là câu hỏi day dứt xuyên suốt trong toàn bộ các sáng tác của ông. Là một nhà văn vốn có giác quan nhậy cảm với các vấn đề xã hội, Ma Văn Kháng đã không ngần ngại thực hiện thiên chức chân chính của người nghệ sĩ là “phê phán mạnh mẽ sự lộng hành của những thế lực hắc ám, ôm ấp những tham vọng, quyền lực quá sức mình, tìm mọi cách thỏa mãn khát vọng đè bẹp người khác bằng sự chuyên quyền độc đoán và lố bịch, những phần tử a dua, nịnh bợ, tha hóa nhân cách khi xu phụ kẻ nắm quyền”[4]. Mục đích của việc phê phán là vì con người, là để “đề cao, khẳng định cái tốt đẹp, cái tích cực không thể không làm rõ mặt đối lập từ phía cái xấu, cái chống lại sự tiến bộ và sự phát triển của cái mới”[4] đúng như nhà văn đã từng quan niệm: “Văn chính là nó, ở chỗ nó chỉ có một nhiệm vụ là miêu tả con người một cách văn chương. Nó tự nhiên như đời sống vì chính nó là đời sống”[2,tr.149]. Những gì mà một nhà văn chân chính viết ra đều có thể “làm cho con người hoặc sung sướng đến phát điên lên hoặc đau đớn, quặn thắt đến từng khúc ruột hoặc ngơ ngẩn như một kẻ mắc bệnh trầm cảm. Con người nhờ văn chương nhận ra mình ở những tầm kích chưa từng thấy”[2,tr.149] v.v.
Cắt nghĩa, lý giải trạng huống nạn nhân của con người như để bộc bạch, chia sẻ, đồng cảm, như để thức tỉnh, cảnh báo đã trở thành tôn chỉ và lòng nhiệt thành nghề nghiệp của nhà văn. Ma Văn Kháng đã dũng cảm nhìn thẳng vào những vấn đề bức xúc, nhức nhối của xã hội để nói lên tiếng nói chân thành, thiết tha của mình dẫu biết rằng tiếng nói thật, sự ngay thẳng đôi lúc phải trả giá, phải biết “cắn răng chịu đựng trong thế ngược dòng”: “có sáng tạo nào mà không hàm chứa ở trong nó khả năng dám chấp nhận và sự hiểu nhầm, nỗi oan khuất, thói vu khoát và sự hy sinh”[2,tr.152]. Tiếng nói lên án, tố cáo những thế lực đưa đẩy con người vào trạng huống nạn nhân trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng có lúc thật mãnh liệt, góc cạnh, tưởng chừng như rơi vào cực đoan, thái quá: “đời chỉ là một chữ T thôi”, “đời là một cái chợ”, “Đời thối như cứt. To ăn to. Nhỏ ăn nhỏ”… Con người trong xã hội đôi lúc được cường điệu đến mức trâng tráo, thú vật: “Bác sĩ là thằng đầu cơ cái chết”, “chưa có thời nào trí thức lưu manh hóa nhiều như thời kì này” v.v.nhưng cũng có lúc, nhà văn tỏ ra hết sức bình tĩnh, thận trọng như lời khuyên của ông Tổng biên tập trong Mùa lá rụng trong vườn: “Chúng ta đã tạo ra những thành quả hết sức vĩ đại nhưng cũng đẻ ra vô số cái tồi tệ… Cái xấu, cái vô lý như cậu nói chính là sản phẩm của chúng ta… Cậu dùng chữ tố cáo là chưa ổn… Nên nhớ dũng cảm chịu đựng trên cơ sở phân tích khoa học cũng là một đức tính cần thiết bên cạnh đức tính bình tĩnh”[3,tr.602].
Vấn đề con người nạn nhân đã được đặt ra trong các sáng tác của dòng văn học hiện thực phê phán 1930-1945 với những cây bút trứ danh như Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao… Tuy vậy, tính chất nạn nhân của con người trong văn học hiện thực chưa được chỉ mặt đặt tên (tức là nó chưa trở thành khái niệm công cụ) như trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng. Cái nhìn về trạng huống con người nạn nhân của Ma Văn Kháng vì thế cũng có sự khác biệt. Do quan niệm con người trên tinh thần giai cấp, văn học hiện thực vì thế lí giải căn nguyên của con người nạn nhân là do phải tồn tại trong một “môi trường xã hội phi nhân tính”[5,tr.155]. Môi trường này là sản phẩm tất yếu của một giai cấp khác, một ý thức hệ khác tạo ra. Trong khi đó cái nhìn của Ma Văn Kháng không xuất phát từ quan điểm giai cấp mà xuất phát từ thực tiễn của cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội của đất nước ta nửa đầu thập kỉ 80 của thế kỉ XX. Trước sự sa sút nghiêm trọng của nền kinh tế, hệ thống các giá trị xã hội lúc này đang bị đảo lộn ghê gớm, dẫn đến tình trạng bất ổn định. Con người trong hoàn cảnh ấy hoang mang, mất phương hướng. Giữa thực tiễn cuộc sống đang diễn ra với lý tưởng, ước mơ mà họ ôm ấp, kì vọng đã nảy sinh những đối cực khó thể dung hòa. Họ đau đớn, thất vọng và đổ vỡ niềm tin: “ Vì sao Tự không gặp gỡ được lý tưởng, cuộc kết hôn của anh với cái đẹp của chủ nghĩa mà anh tôn thờ không thành…Vậy thì cái căn nguyên của tình trạng lộn ngược trên là ở đâu? Vì nền kinh tế thấp kém lại bị chiến tranh và thiên tai tàn phá nặng nề? Vì cơ chế? Vì sự tha hóa của nhân phẩm?”[1,tr.325-326]. Cách cắt nghĩa căn nguyên như thế đã thể hiện được sự tinh nhạy của Ma Văn Kháng trước thực trạng xã hội đương thời.
Tóm lại, cùng với những cây bút đi tiên phong cho nền văn học đổi mới như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Mạnh Tuấn…Ma Văn Kháng đã góp phần không nhỏ tạo nên nội dung mới giàu tính nhân văn trong quan niệm nghệ thuật về con người cho văn học nước ta từ sau năm 1975. Những đổi thay trong tư duy tiểu thuyết của Ma Văn Kháng cũng đã phản ánh được những đổi thay tuần tự của cả giai đoạn văn học thời kì này. Tuy nhiên, dù cùng chung một mô hình nghệ thuật khái quát về con người nhưng ở mỗi cây bút khác nhau lại có những điểm nhấn riêng trong quá trình cụ thể hóa quan niệm thông qua đề tài và hệ thống hình tượng nghệ thuật khác. Chính những điểm nhấn khác nhau đó đã tạo nên nét phong cách riêng của từng nhà văn mà trong đó Ma Văn Kháng là một trong những phong cách tiêu biểu.
Bùi Văn Thuận
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ma Văn Kháng, 2000, Đám cưới không có giấy giá thú, Nxb Văn học, H.
Ma Văn Kháng, 2003, Ngược dòng nước lũ, Võ sĩ lên đài, Nxb Công an Nhân dân, H.
Ma Văn Kháng, , 2003, Mùa lá rụng trong vườn, Mưa mùa hạ, Nxb Công an Nhân dân, H.
Nguyễn Ngọc Thiện, Một cây bút văn xuôi sung sức, một đời văn sáng tạo, www.binhthuan.gov.vn/KHTT/vanhoc/0001/0029/001.html
Lê Thị Vân, Nhân vật trong tiểu thuyết hiện thực từ đầu thế kỉ XX đến 1945, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, 2005, tr 155.