Vào những ngày cuối cùng của chế độ thuộc địa Pháp và Nhật, cũng như nhiều nghệ sĩ lúc bấy giờ, Nguyễn Tuân rơi vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về quan niệm nghệ thuật. Ông không viết được nữa. “Nguyễn Tuân đã sống những ngày ở bên bờ vực thẳm huỷ diệt ấy và ông cũng sống những ngày đổi mới của cả dân tộc: Khởi nghĩa Tháng Tám. Ông đã thấy đây thật sự cũng là những ngày đổi đời đối với riêng ông: năm 1945, trong một bài nửa truyện nửa ký tên là Vô đề, sau này đặt lại là Lột xác, ông đã kể lại việc ông từ chỗ định tự tử, đã tìm thấy một nhân sinh quan, và giữa những ngày dân ta chết đói ấy, ông quyết chí tự lột xác để đi vào một cuộc sống mới trong cách mạng. Chính Cách mạng Tháng Tám đã giúp Nguyễn Tuân thoát khỏi những bế tắc trong cuộc sống và sáng tác nghệ thuật, đem đến cho ông một nguồn cảm hứng sáng tạo mới. Nguyễn Tuân đã hồi sinh, say mê trong niềm vui lớn của đất nước: “Mê say với ánh sáng trắng vừa được giải phóng, tôi đã là một dạ lữ khách không mỏi quên ngủ của một đêm phong hội mới. Ban ngày nếu không đi biểu tình thì đi ra Hàng Đào xem người ta dọn hàng đỏ đông cứ như họp chợ. Cờ nhớn, đỏ rực Phố Hàng Đào đã mang tên phố Hàng Cờ, đỏ rực một góc trời (…). Lòng khoẻ, chưa đủ. Thân hình cũng phải khoẻ nữa. Tôi liền đi cạo râu. Tình cờ gặp lại anh bạn cũng vừa đi cạo phăng bộ râu quai nón xanh rậm mọi ngày. Chúng tôi đã ôm lấy nhau mà mừng ra nước mắt như hai con bệnh già mới uống liều thuốc cải lão hoàn đồng” (Ngày đầy tuổi tôi Cách mệnh). Nguyễn Tuân đến với cách mạng và kháng chiến, hăng hái đi thực tế, dùng ngòi bút để ca ngợi đất nước và con người Việt Nam trong chiến đấu và trong lao động sản xuất. Nếu như nhân vật trung tâm trong sáng tác trước Cách mạng của ông là những ông Nghè, ông Cử, ông Tú, những con người tài hoa bất đắc chí, thì giờ đây, hình tượng chính trong sáng tác của ông là nhân dân lao động và người chiến sĩ trên mặt trận vũ trang, những con người bình thường mà vĩ đại. Đường vui (1949), Tình chiến dịch (1950), Tuỳ bút kháng chiến và hoà bình (tập I – 1953, tập II – 1956), Sông Đà (1960), Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972),… đánh dấu những chặng đường của một cây bút độc đáo và tài hoa trên con đường nghệ thuật gắn bó với dân tộc, với nhân dân và đất nước.
Cuộc chuyển biến tư tưởng, thay đổi tư duy nghệ thuật và lí tưởng thẩm mỹ của Nguyễn Tuân là cả một quá trình phức tạp và đầy gian khổ. Quan niệm về quá trình “lột xác” ấy được ông thể hiện trong Vô đề và Chùa Đàn còn quá dễ dàng, đơn giản. Phải đến Đường vui (1949), ngòi bút Nguyễn Tuân mới thực sự có sự chuyển biến về quan niệm nghệ thuật. Tuy vẫn còn những “rơi rớt” của chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa duy mĩ, nhưng Đường vui là một tác phẩm mang cảm hứng chủ đạo và nội dung mới, thể hiện tình cảm chân thành của Nguyễn tuân đối với quê hương, đất nước, đối với cách mạng và kháng chiến. Đường vui là kết quả của một chuyến đi dài của Nguyễn Tuân, đi công tác, khi thì đi thăm bộ đội ở mặt trận, khi thì thăm đồng bào ở vùng địch tạm chiến… Tập tuỳ bút mở đầu bằng những trang chếnh choáng say sưa, trong đó cái “tôi” nghệ sĩ của Nguyễn Tuân được thăng hoa nhờ chất men lãng mạn cách mạng. Giọng văn Nguyễn Tuân đầy hào hứng chân thành và cảm động: “Bạn ơi, ta lên dốc cho chắc bước, cho đều bước, ta xuống dốc cho giòn cho dẻo. Rừng mai rừng trúc, chậm lại mà thấm lấy phong quang của cảnh sắc quê hương. Chỗ nào là núi đất rừng nứa, ta nhanh bước lên, muỗi vắt nhiều lắm đấy. Suối trong mời ta tắm, vò giặt luôn quần áo trên những tảng đá của tranh thuỷ mặc Tàu. Rồi vừa đi vừa phơi luôn quần áo trên lưng mình, trên đầu mình, ta hãy dành một phút mà mặc niệm người thợ giặt cũ”…
Nối tiếp Đường vui (1949), Nguyễn Tuân viết Tình chiến dịch (1950). Đây là kết quả của chuyến đi thực tế, hưởng ứng chủ trương “cách mạng hoá tư tưởng, quần chúng hoá sinh hoạt” của Đảng”. nhập sâu hơn vào đời sống kháng chiến, cùng hành quân với bộ đội. Tình chiến dịch thể hiện sâu sắc ý thức, trách nhiệm nhà văn – chiến sĩ của Nguyễn Tuân. Từ thực tế của cuộc kháng chiến, ông nhân ra tình chất của thời đại mới: “Thời đại này đặt trọng tâm vào hành động”, và cảm thấy tự hào: “sống trong tranh đấu là một điều vinh dự cho cảm xúc mình” (Đời lại mấy mươi tươi). So với Đường vui, trong Tình chiến dịch, tình cảm của nhà văn đối với nhân dân và cuộc kháng chiến sâu sắc hơn, đồng thời tình yêu thiên nhiên đất nước cũng thắm thiết hơn. Đây là bức tranh thiên nhiên ở chiến khu Việt Bắc được vẽ bằng ngòi bút tài hoa và bằng cả tấm lòng yêu thắm thiết của nhà văn nữa: “Đầu các chỏm núi hai bên sông vươn lên cái màu đỏ những cây coỏng đang lung linh lá thắm. Một dòng lá thắm, một đàn chim lam. Thiên nhiên buổi đò ngang sớm mai thênh thang ấy được tô lục chuốt hồng từ bến tự do này qua bến giải phóng nọ. Hong hóng như chờ coỏng nở. Đàn chim lam ấy líu ríu nhìn lá đỏ chòm núi không chớp mắt (…). Tôi đăm đắm nhìn coỏng đỏ ngọn núi xa vời (…). Tây Bắc bôi những vệt song lòng chai lên một bức tranh sơn mài” (Đời lại mấy mươi tươi).
Đầu năm 1958, sau một cuộc học tập chính trị dành cho văn nghệ sĩ, Nguyễn tuân đi thực tế – một chuyến đi dài hạn lên Tây Bắc. Ở đây, ông sống với bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân cầu đường, cán bộ khảo sát và đồng bào các dân tộc ít người. Thực tiễn xây dựng cuộc sống mới, con người mới vùng cao của Tổ quốc đã đem đến cho nhà văn một nguồn cảm hứng sáng tạo mới, say mê và mãnh liệt. Ngòi bút Nguyễn Tuân tràn đầy cảm hứng lãng mạn khi viết những bài tuỳ bút về Điện Biên và sông Đà, sau này được tập hợp lại trong cuốn Sông Đà. Tập tuỳ bút Sông Đà do Nhà xuất bản Văn học in lần thứ nhất năm 1960 gồm mười bốn bài tuỳ bút và một bài thơ ở dạng phác thảo. Nhà xuất bản Tác phẩm mới in lần thứ hai năm 1978 có thêm bài Sông Đà đỏ (viết năm 1976), đặt vào cuốn sách, có ý nghĩa như lời bạt.
Sông Đà trước hết là một bài ca về thiên nhiên Tây Bắc vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, bài ca về Tổ quốc giàu đẹp của chúng ta. Đó là cảnh núi lớp lớp mênh mông như biển đá, “núi xa, núi gần liên miên như trùng dương thạch trận”; là những thung lũng màu mỡ, lúa chín vàng choé lên, trên đó mây trắng điểm như thêu nổi. Đó là trăm ngàn thứ hoa toả hương đưa sắc, hoa gạo đỏ, hoa mận trắng, hoa lau tia tía, hoa trẩu hoa đào… Đẹp nhất là con sông Đà “như một áng tóc mây ngang ngàn vạn sải”, “tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. Nguyễn Tuân đầy hào hứng khi nói đến sự giàu có, tiềm năng kinh tế to lớn của vùng đất Tây Bắc. Chỉ riêng Than Uyên đã có nhiều gỗ quý và nhất là những mỏ than lộ thiên “vân lên những đường sóng than đen đen uốn khúc song song với những sóng nâu của đất núi”. Mỏ nhiều biết bao, nào là mỏ xi măng thiên tạo, mở than mỡ, mỏ lân tình, mở đồng, mỏ chì, nào là mỏ thạch anh làm thuỷ tinh ngũ sắc và đồ sứ. Trong sự hoang sơ và dữ dằn của sông núi, tiềm ẩn trong sự cằn cỗi của đất và đá, Tây Bắc đang giấu trong nó biết bao tiềm năng kinh tế phong phú, hứa hẹn một sức phát mạnh mẽ trong tương lai. Trên cơ sở của “cái thế giới cao lồng lộng những nắng, những gió, những mây, những giời của vùng cao Tây Bắc”, Nguyễn Tuân mơ ước tới một tương lai “tiếng máy” nổ của kế hoạch kinh tế sẽ trùm lên tiếng cối nước” giã gạo cầm canh và nghĩ đến “một sự chuyển vần mới, một vận hội mới đang nở ra trong lòng mọi người”.
Nguyễn Tuân trong tập tuỳ bút Sông Đà không chỉ tìm kiếm vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn trân trọng phát hiện vẻ đẹp của lòng người, ông gọi đó là “chất vàng mười” của tâm hồn con người Tây Bắc. Nhà văn tự thấy mình cũng có phần giống như anh cán bộ khảo sát đi tìm quặng: “Tôi cũng tự thấy mình là một con người đi tìm vàng ở quanh sông Đà, đi tìm thứ vàng của màu sắc sông núi Tây Bắc, nhất là cái thứ vàng mười mang sẵn trong tam trí tất cả những con người ngày nay đang nhiệt tình gắn bó với công cuộc xây dựng cho Tây Bắc thêm sáng sủa tươi vui và vững bền”. Ngược dòng thời gian, Nguyễn Tuân đi tìm chất vàng đó ở những anh bộ đội, những anh chị em dân công hồi tiến công vào Điện Biên, ở những người cán bộ thời kì kháng chiến chống đế quốc Pháp “được tôi luyện qua lò lửa địch hậu miền Tây”, ở những người cộng sản kiên cường hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám đã nêu cao tấm gương bất khuất ở nhà tù Sơn La mà tiêu biểu là Tô Hiệu “một bậc lãng mạn cách mạng lấy hoa đào để thể hiện cái vui hoa của xã hội chủ nghĩa ở Sơn La, thủ phủ của Tây Bắc ngày nay”. Ông trở về hiện tại, say mê khám phá vẻ đẹp của những con người dũng cảm và không chút ồn ào, hăng say lao động, khắc phục mọi khó khăn gian khổ để xây dựng cuộc sống mới ở vùng cao Tây Bắc. Đó là những cán bộ địa chất trẻ tuổi đi tìm quặng mỏ, những người dân công Tây Bắc dũng cảm vượt thác dữ sông Đà để vận tải hàng mậu dịch, những anh bộ đội từng chiến đấu dũng cảm để giải phóng Điện Biên, nay lại tự nguyện đem cả gia đình lên mảnh đất chiến trường năm xưa để lập nghiệp, những người đi mở đường lao động hết mình suốt ngày đêm, nắng cũng như mưa “không bao giờ để kỉ lục nằm quá 24 tiếng”, những chiến sĩ biên phòng ở tiền đồng Tây Trang sống heo hút trong nắng thiêu, gió Lào thổi lộng óc, nhưng vẫn hiên ngang chắc tay súng, thường trực cảnh giới bảo vệ mảnh đất miền Tây của Tổ quốc.
Những bài tuỳ bút in trong tập Sông Đà vừa tập trung, chụm lại trong một chủ điểm Tây Bắc, vừa mở rộng ra phong phú cả về không gian địa lý và thời gian lịch sử với những quan sắc sảo, những ấn tượng mạnh mẽ, những suy nghĩ miên man, những cảm nhận tinh tế để tạo ra một thế giới nghệ thuật Nguyễn Tuân. “Về phong cách nghệ thuật, Sông Đà đã mất đi cái giọng ngông nghênh của tác giả Vang bóng một thời, Thiếu quê hương, Chiếc lư đồng mắt cua,… nhưng vẫn kế thừa nét đặc sắc này của phong cách cũ: cách nhìn nghiêng về mặt mĩ thuật của sự vật và con người. Qua tác phẩm, Tây Bắc và sông Đà hiện lên như một công trình nghệ thuật thiên tạo. Và những người lái đò trên con sông đẹp và thơ ấy, nếu không giống như “người tình nhân muôn thở Trương Chi”, thì cũng là “những nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật vượt thác leo ghềnh”. Sông Đà được viết bằng cảm hứng lãng mạn cách mạng. Nhiều trang viết chan chứa chất thơ, thấm đẫm chất trữ tình; nhiều đoạn văn say sưa hướng tới những chân trời rộng mở của cuộc sống mới. Văn phong của Nguyễn Tuân trong Sông Đà nhất quán mà đa dạng, đầy biến hoá, thể hiện sức liên tưởng phong phú, táo bạo – một nét đặc trưng quen thuộc của phong cách Nguyễn Tuân. Ngôn ngữ nghệ thuật của Nguyễn Tuân giàu có, phong phú về từ vựng, vừa đặc sắc vừa đa dạng trong cách vận dụng các sắc thái, phương thức tu từ, được tổ chức trong một lối kiến trúc câu phóng túng và tài hoa. Sông Đà là đỉnh cao nghệ thuật của Nguyễn Tuân thời kỳ sáng tác sau Cách mạng, đồng thời cũng là một tác phẩm xuất sắc của văn học Việt Nam từ 1945 đến 1975.
Ngày 5-7-1964, đế quốc Mỹ đem không quân đánh phá miền Bắc nước ta. Nguyễn Tuân, rất kịp thời, đã dùng ngòi bút sắc bén của mình tham gia vào cuộc chiến đấu chung của toàn dân tộc. Tập Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972) của ông có nhiều trang bút kí có giá trị. Bằng bút pháp châm biến già dặn, Nguyễn Tuân đã vạch trần chân tướng bì ổi, hèn nhát của những “yên hùng không lực Huê Kỳ”; ngợi ca cách đánh giặc vừa anh dũng, mưu trí, vừa đàng hoàng, sang trọng của quân dân ta – những con người sinh ra trên một đất nước có hàng nghìn năm văn hiến.
Ngoài truyện và kí, Nguyễn Tuân còn viết tiểu luận phê bình và chân dung văn học. Với vốn hiểu biết phong phú trên nhiều lĩnh vực, với năng lực thẩm mỹ tinh tế và lối viết tài hoa phóng túng, những bài viết đó thường tạo được sự hấp dẫn riêng, có những phát hiện sâu sắc, độc đáo.
Trần Đăng Suyền
Đọc thêm:
Sáng tác của Nguyễn Tuân thời kỳ trước cách mạng Tháng Tám 1945