I. NHÌN LẠI SỰ HÌNH THÀNH THI PHÁP THƠ VIỆT NAM

Thuật ngữ thi pháp mới chỉ được phổ biến nhiều ở Việt Nam trên ba mươi năm nay. Trước đó, nếu kể từ thời văn chương trung đại, khái niệm này mới chỉ được nhắc đến trong một số sáng tác và các bài tựa sách, bình văn. Việt âm thi tập của Phan Phu Tiên soạn năm 1433, trong đó có bài Vịnh Văn Miếu của chính soạn giả:

Thần minh dòng trước nẻo Thang Thương
Thơ ngọc làu làu sớm ứng tường
Đức cả hồn toàn so thái cực
Đạo màu tinh túy sánh tam quang
Giáo là đàn hạnh còn vang tạc
Phép để kinh luân hãy sáng gương
Nền mở thăng bình nhuần tám cõi
Thử hình thức thức đối thiên trường.

Phan Phu Tiên viết bằng chữ Nôm cách nay trên sáu thế kỷ, một vài ngôn từ hơi xưa cũ đối với chúng ta ngày nay nhưng có thể xem đó là quan điểm sơ khai về khuôn phép của văn chương.

Đời Hồng Đức 1497, Tiến sĩ Hoàng Đức Lương viết lời tựa cuốn Trích diễm thi tập: “Thơ là màu sắc ngoài mọi màu sắc, không thể ngắm bằng con mắt thông thường; là mùi vị ngoài mọi mùi vị, không thể nếm với khẩu vị thông thường. Chỉ có chính thi nhân mới có năng lực nhìn ra màu sắc ấy và nghiệm thấy mùi vị ấy. Đó là lý do thứ nhất khiến cho thi ca không lưu lại hết ở đời…”.

Gần một thế kỷ sau, năm Quang Hưng thứ sáu 1583, trong lời tựa Huấn đồng thi tập, Phùng Khắc Khoan tiếp cận gần hơn với phép tắc thể thức làm thơ: “Làm thơ trước hết phải lập ý, như người làm nhà, khuôn thước hình thể tất phải chứa sẵn trong đầu, sau mới dùng đến búa rìu. Cách thức làm thơ: câu phá đề hoặc mở đầu bằng bối cảnh hoặc mở đầu bằng tức sự, hoặc theo đầu đề để làm câu mở đầu, hoặc dùng ý liên hợp với đầu đề để làm câu mở đầu cần phải đột ngột cao xa như gió to cuốn sóng lên, thế muốn ngập trời. Câu hạm liên hoặc tả ý, hoặc tả cảnh, hoặc chép việc để dẫn chứng, cần phải liên kết với câu phá như hạt ngọc ở hàm con rồng gấn chặt không rời… Câu cảnh liên hoặc tả ý hoặc tả cảnh, chép việc, hoặc dùng việc để dẫn chứng, cùng với ý câu trên hô ứng nhau, tránh trùng điệp… Câu kết hoặc mở ra một đường hoặc nối theo ý câu trên…

Thơ cần phải trình bày có đầu mối dụng ý sâu xa, luyện câu trang nhã, chữ dùng đúng, âm hưởng vang. Câu kết lại càng khó. Người làm thơ nếu không làm được câu kết đẹp đẽ thì có thể biết được người ấy tương lai không thành đạt được”(1)

Năm 1786 trong tập Hoàng Việt thi lục, Lê Quý Đôn viết: “Văn chương của mỗi nhà đều có thể cách riêng. Thơ tỏ bày ý chí cần phải trang trọng; viếng cổ cần cảm khái, tặng nhau nên mềm mỏng, lưu luyến. Ý tứ lập trước, từ điệu theo sau, thế mới là tinh xảo…”

Tiếp đến các tác phẩm gần đây hơn của Phan Kế Bính, Bùi Kỷ, Dương Quảng Hàm, Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức… Tác phẩm xuất bản ở Miền Nam trước năm 1975 của các tác giả: Phạm Ngọc Hiền, Thế Tài Trương Minh Ký, Trần Thái Đinh, Nguyễn Văn Trung, Trần Thiện Đạo, Huỳnh Phan Anh, Bằng Giang… Phần lớn các tác giả viết về nguyên tắc, quy tắc thơ ca, chưa quan tâm nhiều đến thi pháp các thể loại văn học khác. Để nâng lên, đúc kết thành lý luận thi pháp học ở Việt Nam thì phải đến đầu thập niên 80 của thế kỷ 20.

Có nhiều luận giải về thi pháp, theo tôi, có thể quy tụ lại như sau: Thi pháp là hệ thống các nguyên tắc, quy tắc và các thủ pháp nghệ thuật cấu thành tác phẩm; là hệ thống các yếu tố dân tộc, thời đại và dấu ấn cá nhân của chủ thể sáng tạo.

Năm 1981, tạp chí Văn học lần lượt in một số bài nghiên cứu về thời gian nghệ thuật, cái nhìn nghệ thuật trong Truyện Kiều của Trần Đình Sử. Mấy năm sau ông viết nhiều bài bổ sung rồi in thành sách Thi pháp Truyện Kiều. Có thể nói đây là một trong những tác phẩm nghiên cứu đầu tiên theo hướng thi pháp học soi chiếu vào tác phẩm văn chương. Một số tác phẩm về thi pháp học của Liên Xô cũ cũng được dịch và lần lượt xuất bản trong đó đáng kể nhất là Thi pháp tiểu thuyết của Bakhtin do Phạm Vĩnh Cư dịch.

Cũng thời gian đó trường Đại học Sư phạm Hà Nội mở chuyên đề Thi pháp học. Nhiều cuộc diễn thuyết về Thi pháp học của Nguyễn Kim Đính, Phạm Vĩnh Cưu, Trần Đình Sử ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, Hội Nhà Văn Việt Nam, rồi tiếp đến các cuộc hội thảo ở các thành phố Hồ Chí Minh, Huế… Từ cách nhìn nhận thẩm bình tác phẩm văn chương chủ yếu theo hướng Xã hội học, nay có thêm cách nhìn nhận thẩm bình theo hướng Thi pháp học, đó là một chuyển biến sâu sắc mới mẻ mang tới luồng gió mát lành cho bầu không khí văn chương cuối thế kỷ XX. Các cuộc hội thảo chuyên đề mới mẻ này rất được đông đảo công chúng yêu văn học tham gia. Năm 1985, Nhà XB Tác phẩm mới in Thi pháp thơ Tố Hữu của Trần Đình Sử, đến nay tái bản nhiều lần.

Còn nhớ thởi điểm ấy văn đàn Việt Nam mới sôi nổi làm sao, lý luận đi trước gợi ý và khích lệ sáng tác văn học tìm tòi khai phá những vỉa tầng mới mẻ tươi ròng của hiện thực đời sống. Tiếp theo đó, công cuộc đổi mới của đất nước ta bắt đầu từ sau Đại hội VI của Đảng, luồng gió mới mát lành và cởi mở tràn ngập lãnh thổ Việt Nam. Có thể ví như thiên thời địa lợi nhân hòa tạo nên sức sống mới mẻ cho vườn hoa văn học Việt Nam bừng nở nhiều tác phẩm đặc sắc, có giá trị tư tưởng nghệ thuật cao. Vận hội mới ấy kéo dài qua thời điểm lịch sử: chuyển giao giữa thế kỷ XX và thế kỷ XXI cho đến nay.

II. NHỮNG CUỘC CHUYỂN ĐỔI THI PHÁP LỚN

1/ Cuộc chuyển đổi thi pháp thơ lần thứ nhất

Hệ mỹ học Trung Hoa cổ đại chiếm ngự văn đàn Việt hàng nghìn năm. Dẫu nước ta giành được độc lập từ thời Ngô Quyền năm 939 nhưng hệ mỹ học ấy còn kéo dài sự trì trệ bảo thủ nghìn năm sau. Cuối thế kỷ XIX, người Pháp làm xong công việc chinh phục triều đình Nhà Nguyễn, thiết lập nền thống trị trên toàn cõi Việt Nam, hệ mỹ học Châu Âu nhanh chóng thay thế hệ mỹ học Trung Hoa.

Một lớp thanh niên theo nền học vấn mới, tiến bộ đã tiếp thu văn hóa Châu Âu đặc biệt là thơ Pháp. Họ không thể chịu đựng nổi cái thể thức niêm luật quá cũ của lối thơ có xuất xứ từ thời cổ ở phương Bắc. Hệ thi pháp cũ, bên cạnh những thành tựu lớn góp phần tạo nên nền văn hiến Việt rất đáng tự hào, nhưng còn phần hạn chế không nhỏ, đó là kìm hãm sự thăng hoa của tâm hồn người Việt hàng chục thế kỷ. Lớp nhà thơ trẻ sáng tác những bài thơ hoàn toàn mới lạ làm công chúng ngỡ ngàng không biết gọi tên là gì, tạm gọi “thơ mới”. Và thế là hai tiếng “thơ mới” rất giản dị như một sự tình cờ của lịch sử trở thành phổ biến, ghi dấu ấn đậm nét trong văn học sử Việt Nam.

Cuộc chuyển đổi thi pháp đầu thế kỷ XX diễn ra thật ngoạn mục, có thể tóm tắt:

* Hệ thi pháp cũ: Niêm luật gò bó, khuôn sáo, ảnh hưởng từ thơ cổ đại Trung Hoa, cái tôi phải giấu kín.

* Hệ thi pháp mới: Tự do, bay bổng, ảnh hưởng thơ hiện đại Châu Âu, cái tôi được mặc sức phô bày.

Lớp nhà thơ trẻ đầy tài năng và khát vọng sáng tạo, tác phẩm của họ làm sáng bừng thi đàn Việt Nam vốn đang mịt mờ ảm đạm. Họ say mê với luồng gió văn hóa Châu Âu hiện đại nhưng vẫn tôn vinh văn hóa dân tộc, hai yếu tố ấy luôn hài hòa trong lý tưởng thẩm mỹ mới. Những gương mặt tiêu biểu như Thế Lữ, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Anh Thơ, Vũ Hoàng Chương… Hai nhà phê bình Hoài Thanh, Hoài Chân có công đầu trong việc tuyển chọn, biểu dương đội ngũ các nhà thơ mới trong cuốn Thi nhân Việt Nam. Trong bài tổng luận mở đầu “Một thời đại trong thi ca”, ông đã khái quát bối cảnh lịch sử và chỉ rõ điều tất yếu dẫn đến sự hình thành phong trào Thơ mới.

Khát vọng sáng tạo, đổi mới, cách tân của thi nhân là không có điểm dừng, ngay từ thời Thơ mới đang rực rỡ ở đỉnh cao, một số nhà thơ đã nghĩ đến phải viết khác đi, Thơ mới dù mới cũng vẫn cần phải đổi mới hơn nữa, họ đã tìm tòi và sẵn sàng dấn thân vào con đường khai phá. Nguyễn Xuân Sanh cùng nhóm Xuân thu nhã tập, nhóm Dạ Đài đã đi đầu trong cuộc dấn thân đó. Và đến lúc này thì dù tài năng như Hoài Thanh – Hoài Chân cũng đã bộc lộ phần hạn chế. Ông rất tâm đắc với cái hay, cái đẹp đã tương đối ổn định:

Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương.

(Bích Khê)

Còn như ảo diệu, biến hóa đến độ này:

Lẵng xuân
Bờ giũ trái xuân xa
Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà
Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm
Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa…

(Nguyễn Xuân Sanh)

Thì dẫu tài năng như Hoài Thanh – Hoài Chân cũng thấy… xa lạ, các ông không tuyển tác giả này.

Cuốn Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh – Hoài Chân chọn 45 tác giả, rất tiếc có một số tác giả rất xứng đáng nhưng không có mặt trong sách như Nguyễn Xuân Sanh cùng nhóm Xuân thu nhã tập, Trần Huyền Trân, TT Kh chỉ bình, trích thơ chứ không chọn bài nào… Thị hiếu thẩm mỹ mỗi người mỗi khác, chuyện này là bình thường, ta không thể trách gì hai ông. Sự đóng góp của hai ông dẫu còn chút hạn chế nhất định nhưng bấy nhiêu thôi, cũng đủ để các thế hệ yêu thơ ngả mũ bái phục dài lâu.

Sau CM Tháng Tám: Nguyễn Đình Thi, Hữu Loan, Trần Dần, Văn Cao, Lê Đạt, Phùng Cung… nối tiếp cách tân thơ.

Dễ nhận thấy một thành công đáng kể của Hữu Loan trong bài “Đèo Cả”:

Chân đèo
máu giặc
mấy lần
nắng khô
Sau mỗi trận thắng
Ngồi bên suối đánh cờ
Kẻ hái cam rừng ăn nheo mắt
Người vá áo thiếu kim mài sắt
Người đập mảnh chai vểnh cằm cạo râu…

Chế Lan Viên chuyển đổi thi pháp rất sớm trong chùm bài “Những cành phong lan biển”, “Tàu đến tàu đi”. Nhưng rõ nhất là tập “Những bài thơ phác thảo”, sau đó in sách đổi là “Di cảo”.
Sau 1954, Miền Nam có nhóm Sáng Tạo, tiêu biểu là Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa:

Tôi thèm sống như thèm chết
Giữa hơi thở giao thoa
Ngực cháy lửa
Tôi gọi khẽ
Em
Hãy mở cửa trái tim
Tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ
Trong sạch như một lần sự thật.
Thanh Tâm Tuyền

Vẫn hỏi
lòng mình là hương cốm
chả biết tay ai làm lá sen.
Nguyên Sa

Đặc biệt, tôi rất ấn tượng bài của Triệu Từ Truyền, mỗi lần đọc lại, sống mũi như chạm phải khói lựu đạn cay:

NGHĨ TỚI EM

Anh gắn lên môi điếu thuốc chưa đốt
Vì không hộp quẹt

Có dòng khói từ trong mũi bay ra
Dòng khói của trái đạn cay
Và giọt máu hồng
Trên đầu điếu thuốc của anh

Anh nghĩ tới em
Điếu thuốc đã tàn
Dù không hộp quẹt.

Cùng thời gian đó, ở miền Bắc, Phạm Tiến Duật đổi mới một cách tự nhiên, như chính thực tế cuộc sống sôi động đã cho anh chất/ giọng thơ mới mẻ này:

Có lẽ nào anh lại mê em
Một cô gái không nhìn rõ mặt
Ðại đội thanh niên đi lấp hố bom
Áo em hình như trắng nhất…

Tuy nhiên do hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, những tìm tòi thể nghiệm đổi mới cách tân bị gián đoạn.

2/ Cuộc chuyển đổi thi pháp thơ lần thứ hai

Trong hành trình trên ba mươi năm dòng văn học Việt Nam đổi mới 1986 – 2018, thơ ca được tiếp cận nhiều hơn chân trời sáng tạo qua chuyển đổi hệ thi pháp.

Trước đó, trách nhiệm công dân của người cầm bút trong thời kỳ đất nước có chiến tranh, tác phẩm của nhà thơ không thể thiếu yếu tố cổ vũ động viên các nhiệm vụ xã hội. Vì thế ta thường gặp không ít bài thơ có chung mô hình kết cấu: kể câu chuyện, sự việc cảm động, kết hợp tả người, tả cảnh, tả tình, phần kết thúc là suy luận, chốt lại nội dung, vấn đề. Các bài thơ như: Lượm, Bà má Hậu Giang, Mẹ Tơm (Tố Hữu), Bài thơ Hắc Hải (Nguyễn Đình Thi), Má Năm Căn (Xuân Diệu), Anh Tài Lạc (Huy Cận), Kể chuyện Vũ Lăng (Anh Thơ), Núi Đôi (Vũ Cao), Quê hương (Giang Nam), “Anh chủ nhiệm” (Hoàng Trung Thông), Bài ca chim chơrao (Thu Bồn)… Nhiều bài thơ không có nhân vật cụ thể nhưng cũng mang dáng dấp tương tự. Thơ thường thiên về tả thực với nhiều diễn biến sự việc, giàu chất trữ tình bay bổng, mượt mà uyển chuyển, dễ đọc dễ hiểu, dễ thuộc, dễ ngâm ngợi. Hay gặp những kết thúc “có hậu”:

Mắt tôi ôm hết cả đồng xanh
Cả dáng hình anh trong bức tranh.

(Anh chủ nhiệm – Hoàng Trung Thông)

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.

(Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật)

Cùng chung những đặc điểm như thế, sự khắc họa dấu ấn riêng của mỗi tác giả có thể phần nào hạn chế. Tuy nhiên, cùng sống và chiến đấu với chiến sĩ, đồng bào, các nhà thơ với lòng yêu nước nồng cháy, tài năng và sức sáng tạo thăng hoa, mỗi người một vẻ họ đã góp mặt tạo nên hai nền thơ chống Pháp và chống Mỹ sáng chói trong lịch sử văn học Việt Nam mãi mãi không thể phai mờ. Một đặc điểm của thời kỳ văn học này là cái chung đại nghĩa nâng dắt cái riêng thân phận, nhiều tiếng nói riêng hợp lại thành khu rừng văn học sầm uất. Nhiều tác giả, tác phẩm tiêu biểu đã nhanh chóng trở thành mẫu mực cổ điển của dòng văn học đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước, thơ đã đóng góp rất xứng đáng “Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy” (Chế Lan Viên).

* * *

Công cuộc đổi mới của đất nước mở ra, tạo điều kiện cho văn học đổi mới cả nội dung và hình thức trong đó có thơ ca. Trách nhiệm công dân của nhà thơ đồng nghĩa với trách nhiệm thẩm mỹ. Để thơ ca hòa nhịp được với công cuộc đổi mới của đất nước và hội nhập toàn cầu thì quan trọng nhất lúc này là vấn đề chuyển đổi hệ thi pháp.

Thi pháp thơ có thể ví như công nghệ trong đời sống. Ai cũng nhận thấy đời sống của chúng ta được nâng cao hơn rất nhiều, tất cả đều có phần đóng góp rất lớn của công nghệ mới. Còn “công nghệ thơ”? Đương nhiên cũng thay đổi, nhưng khó khăn hơn nhiều bởi nó còn phụ thuộc vào mỗi cá tính sáng tạo. Những nếp cảm, nếp nghĩ, quan niệm triết học, thói quen, bản tính, phong cách mỗi người không dễ gì một sớm một chiều thay đổi để có cách viết khác trước.

Thực ra, khát vọng thay đổi đã tiềm ẩn từ lâu. Năm 1974, Phạm Tiến Duật chuyển thi pháp mới qua bài “Vòng trắng”, nhưng ngay lập tức anh bị phê phán khá nặng nề. Đây là một trong những bài thơ hay nhất của anh.

Với Hữu Thỉnh, ngay từ năm 1977, trong bài “Gửi từ đảo nhỏ”, kết thúc bài thơ vẫn là chốt lại nhưng đã có phần hé mở:

Em có thấy đảo gần hơn một ít
Ở nơi này anh vừa thả trăng lên.

Để đến khi đổi mới, anh rất thành công trong tập “Thương lượng với thời gian”. Kết thúc bài

“Xa vắng” có chiều sâu tâm trạng:
Người soi gương đã một lần trở lại
Soi tưng bừng rồi lặng lẽ quay đi.

Trần Đăng Khoa vẫn chỉnh chu trong thể thơ năm chữ nhưng kết thúc bài “Đỉnh núi” đã có phần ảo diệu:

Bỗng ngời ngời chóp núi
Em xòe ô thăm ta?
Bàng hoàng xô toang cửa
Hóa ra vầng trăng xa.

Rất quyết liệt trong sự chuyển đổi thi pháp phải kể đến Nguyễn Lương Ngọc qua bài “Hội họa lập thể”:

Để anh đủ sức đập vụn mình ra mà ghép lại
Nung chảy mình ra mà tìm lõi
Xé toang mình ra mà kết cấu…

Các tập “Gọi nhau qua vách núi” (Thi Hoàng), “Khối vuông rubic” (Thanh Thảo), “Tháp nghiêng” (Hoàng Vũ Thuật), “Giấc mơ hình chiếc thớt” (Trần Quang Quý), “Bầu trời không mái che” (Mai Văn Phấn)… đều có những bứt phá ngoạn mục. Năm 1993 Hội Nhà Văn trao giải thưởng cho tập “Sự mất ngủ của lửa” của Nguyễn Quang Thiều là một sự biểu dương thi pháp mới. Sau đó Nguyễn Quang Thiều còn đi xa hơn nữa trong thơ cách tân. Bài “Những con mồi” của anh:

“Đêm qua những con cá bơi quanh chiếc giường
Ngửi chúng ta rồi bỏ đi
Và bực dọc nói:
Chúng ta không bao giờ ăn những con mồi chết”.

Kể câu chuyện kỳ ảo chăng? Không phải. Tác giả đặt ra tình huống giả tưởng để chuyển đến người đọc thông điệp gì đó. Cuối bài thơ:

“…một con không chịu nhắm mắt
Trong suốt cuộc săn tìm
Rời bỏ bầy quay lại
Và nói với một con mồi:
Ngươi đã hết thời gian chết!”(2).

Xưa nay ta chỉ quen với khái niệm hết thời gian sống, nay nhà thơ đưa ra “hết thời gian chết”, vậy đang diễn ra cái chết kiểu gì vậy?

Bài “Bài thơ cũ” của Nguyễn Bình Phương, mở đầu:

“Ta sinh ra cô đơn
giờ cô đơn đã cũ
ta trưởng thành bởi sợ hãi
sợ hãi cũng cũ rồi”.

Những nghĩ ngợi và cảm xúc về những điều trải nghiệm chăng? Kết thúc:

“Ta lớn lên bởi kiếm tìm
kiếm tìm giờ đã cũ”(3).

Nhà thơ không suy luận với một ý cụ thể mà suy tưởng về điều gì đó khá trừu tượng và để ngỏ.

Bài “Mở nút áo” của Ly Hoàng Ly.

“Chầm chậm, mở một chiếc nút áo
Soi vào gương chầm chậm mở hai chiếc nút áo”.

Có vẻ như vẫn theo truyền thống thơ kể chuyện chăng nhưng không phải.

“Soi vào gương cố tìm nút thứ sáu
Nút thứ bảy, thứ tám, thứ chín
Mở mãi, muốn mở mãi
Mở bầu ngực đêm trong lồng ngực…”(4).

Tác giả chỉ mượn cái cớ đứng trước gương mở nút áo để nghĩ về điều gì đó thẳm sâu, xa xôi hơn là hình ảnh đang hiện hữu. Một cuộc thăm dò, khám phá bản thể chăng? Năm chiếc nút áo gợi cho ta nghĩ đến cái cơ chế đóng kín mà tác giả muốn cởi bỏ, nhưng chỉ cởi được phần hữu hình, còn phần vô hình vô hạn thì bất lực!

Bài “Những mảnh vỡ” – Đặng Huy Giang, mở đầu:

Đất muốn hoàn nguyên đất
Đâu có giản đơn gì.
Nước muốn hoàn nguyên nước
Đâu có dễ dàng chi…

Anh bỏ qua các “gián cách thẩm mỹ” mà nói trực tiếp nhưng đằng sau hình ảnh trực tiếp ấy ẩn hiện điều gì khác lạ. Bài thơ kết thúc:

Ôi, muôn vàn mảnh vỡ
Tôi muốn hoàn nguyên tôi(5).

Mong mỏi một điều gì đó mà biết trước bất thành! Kết thúc vẻ như thiếu lạc quan nhưng chưa hẳn. Nhìn chung, kết thúc không đóng chốt mà mở ra nhiều hướng liên tưởng. Trước kia, kết thúc bài thơ không ít trường hợp thường nhắc lại nhấn mạnh điều mà ai cũng biết cả rồi, nay thi pháp mới, mỗi dấu chấm hết của bài thơ lại mở ra chân trời chưa biết.

* * *

Sự chuyển giao hệ thi pháp của thơ Việt lần thứ hai này có hệ thống lý luận thi pháp học hiện đại làm nền tảng nên có nhiều thuận lợi. Có thể tóm tắt:

* Hệ thi pháp cũ: Kể – Tả – Suy luận – Kết thúc đóng (nghiêng về cổ vũ động viên)

* Hệ thi pháp mới: Nghĩ – Cảm – Suy tưởng – Kết thúc mở (nghiêng về chia sẻ nỗi niềm).

Cùng một đối tượng, nhiều người kể – tả có thể có kết quả tương đối giống nhau, nhất là chịu ảnh hưởng “thơ phải chân chân chân thực thực thực” (Xuân Diệu); nhưng nghĩ – cảm thì mỗi người một khác không thể giống nhau được. Hiện thực hiện hữu và hiện thực tâm trạng vừa tương đồng, vừa khác biệt tạo sự nhạy cảm thẩm mỹ, giúp thơ nhìn ra nhiều góc khuất của đời sống, rung cảm tới từng tế vi của tâm tư; hiện thực do đó phong phú, đầy đủ hơn. Hình ảnh, câu chữ tự nhiên, gần gũi; những buồn vui ít giả mà thật nhiều hơn; thơ đến với mọi cảnh ngộ, mọi số phận, an ủi và sẻ chia, nhất là thời hậu chiến, thơ làm vơi đi một giọt nước mắt là một đóng góp thiêng liêng.

Về kết thúc mở, nó có thể mở ra một mơ hồ hoặc hoài nghi. Sự hoài nghi khoa học nhằm thúc đẩy tìm tòi, khám phá là cần thiết, nhưng trước đây thì húy kị. Hệ thi pháp mới mở rộng chiều kích nội hàm thơ: không những phản ánh mà còn phản biện, không những cổ vũ động viên mà còn dự báo; không những nhận thức mà còn thức tỉnh lương tri.

Anh đã từng làm những câu thơ kiêu hãnh
Phản bác Einstein, rằng tình yêu không tương đối.(6)

(Scarlet áo xanh – Trịnh Sơn)

Lục bát là thể thơ thuần Việt, luôn giữ nghiêm chỉnh yếu tố vần, tham gia vào hệ thi pháp mới, tùy tài năng của thi nhân, nó nó có thể hài hòa đậm nhạt giữa truyền thống và hiện đại. Bài“Đồng chiều” của Đỗ Vinh:

Đôi sừng đã chạm cổng làng
Chân còn bì bõm chưa sang khỏi chiều
Cái đuôi sau rốt vòng vèo
Còn vung vẩy nốt chút heo may đồng (7).

Không gian, thời gian, thực và ảo hòa sắc trong bức tranh chiều quê thật đẹp.

So sánh hệ thi pháp cũ – mới trên đây là nhìn trên bình diện tổng thể khái quát, chứ thực tế thì thì văn bản luôn có sự lồng ghép giao thoa. Một số (rất ít) bài thơ trước đổi mới vẫn có phần nào yếu tố nghĩ – cảm – suy tưởng – kết thúc mở và ngược lại. Hệ thi pháp cũ: thơ cảm nhiều hơn nghĩ; hệ thi pháp mới: thơ nghĩ nhiều hơn cảm; tư duy đi trước cảm xúc do đặc điểm thời đại tác động, ít êm ái trữ tình mà nhiều góc cạnh duy lý, đậm chất đối thoại.

Tài năng là thứ hiếm trong trời đất, và chỉ tài năng mới có thể sáng tạo được mà thôi. Và lao động sáng tạo chỉ có hiệu quả khi không còn cái vòng kim cô của hệ quy phạm nào ràng buộc… Những ý tưởng sâu sắc mới lạ; những hình ảnh, hình tượng lung linh ảo diệu được mặc sức phô bày trong bầu trời tự do, góp nguồn sống và vẻ đẹp cho đời. Hệ thi pháp mới đáp ứng yêu cầu ấy. Đôi khi gặp những cấu trúc thơ khác lạ khó hiểu; theo nhãn quan nghệ thuật mới, cái bí ẩn, khó hiểu (ở mức độ nhất định) làm nên sự hấp dẫn cho thơ.

Cuộc chuyển đổi thi pháp thơ lần thứ hai có thể chia làm hai giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất, từ năm 1986 đến năm 2000: dòng thơ đổi mới phát triển sôi nổi nhất.

Giai đoạn thứ hai, từ năm 2001 đến năm 2015: dòng thơ cách tân phát triển sôi nổi nhất.

Khác với sự chuyển đổi hệ thi pháp thơ lần thứ nhất thơ mới thay thế thơ cũ, cuộc chuyển đổi lần thứ hai này, bên cạnh dòng thơ truyền thống hình thành rõ nét hơn hai dòng thơ đổi mới và cách tân. Ba dòng thơ đồng hành tạo nên sự phong phú, cởi mở, đa sắc diện.

Một số nhà thơ tham gia vào cả ba dòng thơ trên; một số tham gia ở dòng thơ truyền thống và đổi mới; một số tham gia ở dòng thơ đổi mới và cách tân; cũng không ít người kiên trì ở một dòng thơ.

* * *

Nói về tương lai của thơ, trước sự phát triển quá rộng lớn của các lĩnh vực nghe nhìn giải trí, đây đó có cái nhìn bi quan; tôi thấy khác, hãy nhìn vào những người trẻ, họ say mê khám phá sáng tạo thơ ca, đồng thời mang lại không khí dân chủ trong học thuật; nhiều tư tưởng triết học mỹ học tiến bộ đã in dấu ấn trong mỗi tìm tòi thể nghiệm. Họ sớm xác định vị thế bản thể sáng tạo để mong đóng góp những giá trị mới vào cuộc sống. Không ít người đã nhiều phen “cháy túi” nhưng vẫn đánh cược cả đời mình cho thơ, chỉ có điều đừng quá xa quỹ đạo thơ lạc sang quỹ đạo khác. Một ấn tượng nữa, đó là dũng khí của họ. Họ không sợ số đông không công nhận. Lại nhớ câu nói của Herbert B. Swope: “Tôi không thể cho bạn công thức của thành công, nhưng có thể đưa bạn công thức của thất bại, đó là: cố gắng làm vừa lòng tất cả mọi người” (8).

Sự chuyển đổi hệ thi pháp đã mang lại cho thơ ca Việt Nam diện mạo tươi tắn tràn đầy sức sống.
Trong buổi tọa đàm “Thơ trẻ – Truyền thống và Cách tân” tại Hội trường Bảo tàng Văn học Việt Nam ngày 29-9-2016, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch LHCHVHNT, Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam phát biểu nhấn mạnh: “Mọi cố gắng của chúng ta là tạo nên những giá trị mới bổ sung làm giàu thêm những giá trị truyền thống chứ không phải làm công việc thay thế”…

Nguyễn Vũ Tiềm


Ghi chú:

(1) Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, NXB Văn Hóa Thông tin 2007, tr 244.
(2) Tuyển thơ Châu thổ (NXB Hội Nhà văn, 2011)
(3) Báo Văn nghệ số 24 – 2014
(4) Báo Văn Nghệ số 12 – 2014
(5) Những mảnh vỡ hoàn nguyên (NXB Hội Nhà Văn 2015)
(6) Trịnh Sơn Thơ , NXB Hội Nhà Văn 2010
(7) Trích “Nghìn câu thơ tài hoa VN” NXB Hội Nhà Văn tái bản lần thứ 4 – 2015
(8) Trích “40 danh ngôn bất hủ bỏ túi trước khi vào đời” ione.vnexpress.net
Herbert B. Swope 1915 – 2005, New York, USA. Nhà sản xuất và đạo diễn phim, nổi tiếng với Lights Out (1946), The Bravados (1958), The True Story của Jesse James (1957)…