Cách nay không lâu, một số sinh viên nước ngoài học tại TP Hồ Chí Minh có nhờ chúng tôi chọn giúp một số bài thơ, văn để các em tập dịch ra ngôn ngữ nước họ. Tôi lựa chọn rồi phô tô ra hai mươi tác phẩm từ cổ đại đến hiện đại. Thời gian sau thẩm tra lại, chúng tôi thấy tám mươi phần trăm số sinh viên trên chọn dịch Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi theo bản dịch tiếng Việt. Trong các bài dịch trích đoạn, chúng tôi đều thấy câu:
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ dưới hầm tai họa
Và:
Đem đại nghĩa thắng hung tàn
Lấy chí nhân thay cường bạo
Điều đặc biệt là tất cả các em đều thuộc lòng những câu ấy bằng tiếng Việt.
Tìm hiểu kỹ những câu trên, tôi thấy đều có đặc điểm chung là tác giả sử dụng hình ảnh từ ngữ tương phản rất rõ nét. Một bên là “dân đen, con đỏ” bên kia là “lửa hung tàn, hầm tai họa”, một bên là “đại nghĩa”, chí nhân”, bên kia là “hung tàn, cường bạo”.
Họ cũng rất thích thơ Chế Lan Viên, nhiều người dịch và chép câu này vào sổ tay:
“Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá”.
(Người đi tìm hình của nước)
Câu này cũng có đặc điểm là dùng hình ảnh tương phản. Thì ra thủ pháp tương phản có lợi thế dễ gây ấn tượng và có sức hấp dẫn mạnh.
Lại nhớ một lần trong bàn tiệc rộng khoảng hơn mười người, một vị khách hỏi tôi: ‘’Anh đọc thơ nhiều, có biết câu thơ này của tác giả nào không:
Có khi lỗi hẹn một giờ
Lần sau muốn gặp phải chờ trăm năm? “
Tôi trả lời vị khách là lần đầu tiên được nghe. Một chị nói: “Câu thơ hay quá”. Một vị khác đọc lại ra chiều tâm đắc. Rồi cả bàn tiệc gật đầu khen hay.
Bẵng đi một thời gian, những người có mặt hôm ấy, khi gặp lại, hoặc bằng điện thoại, họ hỏi lại tôi, “đã biết hai câu thơ đó ở trong bài thơ nào chưa? Tác giả là ai?”. Tôi trả lời là vẫn chưa! (Gần đây tôi mới rõ tác giả là Nguyễn Đình Ảnh). Thì ra mới chỉ thoáng qua trong bữa tiệc mà câu thơ đã in được vào trí nhớ của mọi người, lạ thật. Một trường hợp hi hữu. Các vị khách đều ở tuổi tứ, ngũ, lục tuần. Có lẽ câu thơ gợi lên kỷ niệm xa xôi nào đó, hoặc chạm vào nỗi sâu thẳm tâm tư! Nhưng thiếu gì những bài thơ tình sâu sắc, cảm động, hay và dễ thuộc mà đã chắc gì có may mắn lưu vào bộ nhớ của nhiều người như thế? Vì sao nhỉ?
Đây rồi, “một giờ” và “trăm năm”, một đơn vị thời gian ngắn đặt cạnh đơn vị thời gian dài, một đời người, kiếp này và kiếp sau. Nghĩ đến dễ rùng mình, ớn lạnh. Chắc là một mối tình đẹp mà chỉ một sơ suất nhỏ hoặc vì một trở ngại nào đó khiến cho tình duyên dang dở, mang hận cả một đời. Muốn gặp lại phải chờ cho đến… kiếp sau.
Ở cặp lục bát trên, tác giả cũng sử dụng thủ pháp nghệ thuật tương phản.
Giả sử vẫn với nội dung tình duyên lỡ làng dang dở mà câu lục bát trên viết khác đi, không có yếu tố tương phản:
Em ơi dang dở kiếp này
Kiếp sau biết có được ngày gặp nhau…
Dù câu này có những chữ “em ơi”, “kiếp này, kiếp sau” nghe rất lâm li thống thiết có vẻ nặng ký nhưng so với đòn độc chiêu “một giờ” và “trăm năm” là thấy ngay cái anh ra vẻ nặng ký này bị đo ván!
Nói về người anh hùng bị sa cơ lỡ bước, thơ xưa cũng dùng thủ pháp tương tự:
“Một bước sa cơ muôn thuở hận
Muốn quay đầu lại đã trăm năm”
Có nhiều hình thức tạo nên sự tương phản, chẳng hạn như bằng hình ảnh về âm thanh:
“Đại bác gầm thì chim họa mi ngừng tiếng hót”
Đặt cái dữ dội khủng khiếp bên cạnh cái mỏng manh nhỏ bé. Ai là người viết nên câu tuyệt bút này? Vừa xuất hiện, chẳng bao lâu nó đã được lưu truyền khắp thế giới, trở thành một thành ngữ rất điển hình.
Bằng khái niệm và hình ảnh quen thuộc:
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà
(Nguyễn Đình Chiểu)
Tác giả khéo sắp xếp cặp tương phản đối lập: đạo lý của “bên ta” và gian tà ở “bên nó” để làm nổi rõ chính nghĩa và phi nghĩa.
Trong văn chương cổ điển, sự tương phản thường gặp ở những cặp biền ngẫu, đăng đối. Nếu non tay bút rất dễ bị rơi vào tình trạng khuôn mẫu, công thức cũ mòn. Trong văn chương hiện đại, sự tương phản được biến hóa linh hoạt tự nhiên gần gũi với đời sống, phát huy được cao nhất ưu thế nổi trội của nó.
Bằng phạm trù nhân cách:
“Sai lầm đục đời người, nước mắt sẽ trong”
(Vũ Duy Thông)
Đây là nước mắt ân hận nhận ra lỗi lầm. Nhà thơ dùng hình ảnh nước mắt trong gột tả cái đục của sai lầm. Sự tương phản trong và đục tăng sức thuyết phục rất cao.
Bằng vị ngọt, đắng:
“Hỡi đôi môi dịu dàng mật ngọt
Xin chớ nói năng gì
Hãy ném vào mắt ta li biệt
Tẩm thật nhiều đắng cay”.
(Tặng tình yêu thứ nhất – Chim trắng)
Bằng cảm giác thân thể:
Người đẹp trông như tuyết
Chạm vào lại thấy nóng
Người đẹp trông như lửa
Sờ vào lại thấy mát
Người không khát – nhìn thấy người đẹp cũng khát
Người muốn chết – nhìn thấy người đẹp lại không muốn chết nữa
(Người đẹp – Lò Ngân Sủn)
Bằng lối chơi chữ:
Cái thời được nhận, được cho
Cứ lang bạt giữa rừng mơ bồn chồn
Vừa khi dò được ngọn nguồn
Người vui bến đục, ta buồn… bến trong
(Hành trình chùa Hương – Phạm Hồng Oanh)
Bằng nỗi niềm được cụ thể hóa:
Vay em một nửa nụ hôn
Là tôi nhận cả nỗi buồn chung thân
(Vay trả – Inrasara)
Trong thủ pháp tương phản thường là tác giả huy động những hình ảnh, từ ngữ có nội dung tính chất trái ngược nhau, đối chọi nhau, rồi tạo ra cho chúng một tương quan mới. Trong tương quan mới lạ này vừa có sự khác biệt cần thiết để phần này làm nổi rõ thêm phần kia, vừa tạo ra mâu thuẫn trong sự thống nhất.
Tục ngữ cũng thường sử dụng phương pháp này: “Phép vua thua lệ làng”, “Miệng nam mô, bụng bồ dao găm”; trong nhiều câu chuyện cổ tích: sự tương phản giữa cái thiện và cái ác: giữa nhân ái và đố kỵ, giữa ích kỷ tham lam và vị tha hào hiệp, giữa thông minh và ngu đần… Trong văn xuôi hiện đại: sự tương phản giữa hoàn cảnh điển hình và tính cách nhân vật; giữa các tính cách nhân vật với nhau trong cùng một tuyến song hành, trong những xung đột ngoại cảnh và nội tâm…
Sử dụng thủ pháp tương phản tốt, thường mang lại hiệu quả đặc biệt: dễ đạt được tốc độ cao về tính thuyết phục; độ sâu sắc về khắc ghi ấn tượng; độ bền vững trong kiến trúc vào bộ nhớ…
Nguyễn Vũ Tiềm