Là nhà giáo – nhà nghiên cứu, PGS.TS. Nguyễn Thành Thi đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu văn học và giáo dục học bộ môn có giá trị. Bên cạnh các chuyên luận, tiểu luận phê bình văn học, ông cũng viết khá nhiều tài liệu bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, tham gia biên soạn sách sách giáo khoa, sách tham khảo cho giáo viên và học sinh trong các đợt thay sách, đổi mới chương trình giáo dục môn Ngữ văn ở trường phổ thông. Với hơn bốn mươi năm nghiên cứu và giảng dạy văn học, cùng với các đồng nghiệp, ông đã có những đóng góp đáng ghi nhận cho ngành giáo dục và khoa nghiên cứu văn học nước nhà.
Ông sinh ra trên quê hương Diễn Châu xứ Nghệ – vùng đất có bề dày “văn hiến, nhân kiệt địa linh, nhân tài đời đời bối xuất” mà ở đó, mỗi khi nói tới Diễn Châu mấy ai không nhắc nhớ “Nhà Thánh (làng Vân Tập, xã Minh Châu) thờ những bậc Tiên Thánh, Tiên Sư nhằm động viên khích lệ việc học hành thi cử; gìn giữ truyền thống Tôn sư trọng đạo, lề thói thuần phong, mỹ tục”. Và, hẳn nhiên, Nguyễn Thành Thi đã bẩm thụ khí chất chốn quê nhà, nơi chôn nhau cắt rún của ông. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế năm 1979,
Nguyễn Thành Thi có vài chục năm gắn bó với miền thùy dương cát trắng Nha Trang. Vừa dạy học, vừa nghiên cứu, ông là đồng soạn giả, đồng tác giả một số công trình đáng chú ý gắn với đời sống văn hoá giáo dục ở địa phương như: Vấn đề chuẩn chính tả đối với học sinh lớp 4,5 Phú Khánh (chủ nhiệm đề tài, 1985); Truyện cổ Phú Khánh (đồng sưu tầm, biên soạn, 1986); Khánh Hòa, diện mạo Văn hóa một vùng đất (đồng tác giả,1998); Văn hóa phi vật thể Khánh Hòa (đồng tác giả, 1999)… Mặt khác, ông cũng thường có bài đăng trên một số tạp chí, nguyệt san, bán nguyệt san như Kiến thức ngày nay, Thế giới mới, Văn hoá và đời sống, Văn nghệ Nha Trang,…
Năm 2000, sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ về sự nghiệp văn học của nhà văn Thạch Lam, ông chuyển về giảng dạy, nghiên cứu văn học tại khoa Ngữ văn Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh. Thời gian này, ông quan tâm nhiều đến lí thuyết và lịch sử văn học, dành nhiều tâm huyết nghiên cứu chuyên sâu về văn học cận hiện đại/ hiện đại, đặc biệt là văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
Trong số các công trình nghiên cứu của ông những năm gần đây, theo chúng tôi, rất đáng lưu ý là tập tiểu luận, phê bình Văn học – thế giới mở. Đây là tập sách do Nhà xuất bản Trẻ TP Hồ Chí Minh ấn hành năm 2010. Văn học – thế giới mở, như cái tên của nó, không chỉ mang lại cho độc giả những kết quả nghiên cứu cụ thể mà quan trọng hơn, còn mang lại một quan niệm và hướng tiếp cận các hiện tượng văn học một cách hiện đại và đầy chủ kiến. Do vậy, khi lật mở dần từng trang viết, chân dung của tác giả tập sách hiện dần lên trong tâm người đọc. Chân dung ấy dường như đã hội tụ được nét thông thái của nhà phê bình, nét mực thước của nhà sư phạm, nét tinh tế, tài hoa của nhà nghệ sĩ,… Theo đó, vẫn là cái nhìn của một chủ thể, nhưng cái “thế giới mở” trong văn học mà tập sách mang lại cho người đọc là sự kết hợp cái nhìn từ nhiều phía: phía nhà phê bình, phía nhà sư phạm và cả phía nhà nghệ sĩ.
1. Thế giới văn học mở từ góc nhìn nhà nghiên cứu
Với cái nhìn của nhà nghiên cứu, Nguyễn Thành Thi không nhìn các sự kiện văn học ở bề mặt mà có khát vọng đi sâu vào bản thể, tìm kiếm quy luật vận động lịch sử văn học. Tức là đi vào vấn đề mang tính cốt lõi, nguyên lý. Đó là cái nhìn khái quát hóa, trừu tượng hóa, luận lí hóa của nhà nghiên cứu khi đứng trước một đối tượng “mở” – tức đối tượng đang trong trạng thái vận động mà xu hướng vận động của nền văn học quốc ngữ Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nay là một biểu hiện cụ thể, sinh động. Từ thực tế cụ thể sinh động ấy, ông xác lập cách tiếp cận lịch sử văn học theo dạng thức “lược đồ” trên nền tảng lí thuyết về thể loại và tương tác thể loại của M. Bakhtin:
“Việc phác thảo và nghiên cứu theo “lược đồ” văn học – nhìn từ quá trình vận động, tương tác thể loại là cách tiếp cận có triển vọng. Xuất phát từ bản thể của văn học nhà nghiên cứu sẽ đến gần hơn và nắm bắt đúng hơn những sự kiện thuộc về bản thể của lịch sử văn học. Nhưng cách tiếp cận này thực sự chỉ có ý nghĩa khoa học khi việc xem xét quá trình hình thành và tương tác thể loại không tách rời các nhân tố “siêu thể loại” từ bối cảnh văn học như nền tảng văn hóa truyền thống, tiềm năng của văn học dân tộc, giao lưu văn hóa và vay mượn hình thức từ bên ngoài, tâm thế thời đại, nhu cầu thực tế về đổi mới tư tưởng và kĩ thuật thể loại của đời sống văn học đương đại, … Đó là các nhân tố nằm bên ngoài hệ thống thể loại nhưng có ý nghĩa quyết định, chi phối chiều hướng và kết quả của quá trình tương tác thể loại” ([1]: tr.44).
Cách viết của PGS.TS. Nguyễn Thành Thi khiến độc giả nhận thấy ông hầu như không quá “mất sức” vào việc phác thảo một bối cảnh hay một khung lý thuyết nào, nhưng mọi diễn giải liên quan đến quy luật vận động nội tại của văn học vẫn bảo đảm một chiều sâu lý thuyết. Các trang viết không trực tiếp trình bày lí thuyết, song, thông qua việc phân tích, lí giải về các sự kiện/ hiện tượng văn học cụ thể, những vấn đề lý thuyết tự nó hiện lên, độc giả không cần nghe giảng giải lí thuyết mà vẫn cảm thấy tin tưởng về nền tảng lý thuyết đang được vận dụng. Cũng nhờ thế, những trang trình bày kết quả nghiên cứu của ông ít khi phải bày biện thuật ngữ, khái niệm lí thuyết. Ở đây nhiều vấn đề sâu sắc, hiện đại đã được truyền tải một cách nhẹ nhàng, giản dị, gần gũi và thân thiện. Đó là nhờ khả năng phân tích, minh hoạ giàu sức thuyết phục của tác giả công trình.
Dưới góc nhìn hệ thống của nhà nghiên cứu, việc phân kì lịch sử văn học quốc ngữ Việt Nam – một trong những vấn đề phức tạp, dễ gây tranh cãi – được tác giả Văn học – thế giới mở đề xuất phương án điều chỉnh bổ sung. Bên cạnh những cách phân kì truyền thống, như phân kì theo các dấu mốc lịch sử xã hội, hay phân kì theo sự tiếp nối của các trào lưu, trường phái,… cách phân kì theo quá trình vận động, tương tác qua lại giữa các thể loại của nền văn học là rất đáng tham khảo. Ông đề xuất: “Từ góc nhìn thể loại và tương tác thể loại, việc phân kì văn học quốc ngữ Việt Nam, phải được xem xét, điều chỉnh lại. Chẳng hạn, từ góc độ này, không thể xác lập những chặng đường văn học quen thuộc gần như trùng khít với lịch sử chính trị xã hội (1900/đầu thế kỉ XX – 1930; 1930-1945; 1945-1975; và sau 1975) mà là sự phân kì xuất phát từ lịch sử thể loại, theo quá trình hình thành và tương tác thể loại” ([1]: tr.44-45). Đó là một góc nhìn lịch sử văn học có tính phản biện và cảnh tỉnh. Nó có thể tránh cho nhà nghiên cứu trượt theo những đường lối cũ, quá yên tâm và bằng lòng với những kết quả đã công bố vốn được xem như là những chân lí mặc nhiên trong hiện tại và quá khứ.
Riêng về vấn đề sự vận động của văn học theo quá trình tương tác thể loại, tác giả Văn học – thế giới mở khi cần, cũng chú trọng đúng mức đến vấn đề xác lập nội hàm khái niệm lý thuyết cơ bản. Chẳng hạn, tương tác thể loại là một khái niệm mới và không dễ diễn giải, tác giả vẫn đưa ra được định nghĩa khái quát và dễ hiểu: “Tương tác thể loại – có thể hiểu bao quát hơn – là hiện tượng hai hay nhiều thể loại của một giai đoạn, một thời kì, một nền văn học, thuộc về một hay nhiều hệ thống thể loại, tác động, ảnh hưởng lẫn nhau, xâm nhập lẫn nhau, mô phỏng nhau, … để cùng biến đổi hoặc hình thành thể loại mới (với một cấu trúc ít nhiều thay đổi về tố chất thẩm mĩ chủ đạo”, “giọng điệu”, “dung lượng và cấu trúc chung của tác phẩm”) và “Sự tương tác thể loại có thể diễn ra trên các loại quan hệ khác nhau (giữa loại với loại, thể với loại, thể với thể, yếu tố với yếu tố)”” ([1]: tr.49). Cách xác lập khái niệm như thế không chỉ gãy gọn, thuyết phục đối với độc giả thuộc giới chuyên môn mà còn dung dị, dễ hiểu đối với độc giả là người đọc phổ thông.
Như tên gọi tập sách đã chỉ ra, quan niệm và góc tiếp cận của tác giả công trình là mới mẻ và cởi mở. Quan niệm và góc tiếp cận “mở” này đã tạo cơ hội giúp tác giả làm rõ thực trạng văn học quốc ngữ Việt Nam, đồng thời nêu lên một số vấn đề còn tồn đọng, những thành tựu cần phát huy và dự báo đương hướng tương lai,… Nói khác, tính chất “mở” này cũng gói ghém kỳ vọng của ông đối với sự vận động phát triển văn học nước nhà nói chung. Bởi, khi bàn tới tính mở, ông động chạm đến hầu hết các thành tố hữu quan của một thời kì văn học như đời sống văn học, chủ thể sáng tạo, bức tranh thể loại, những kết tinh từ tác phẩm, công chúng văn học và bối cảnh tiếp nhận, v.v. Đặt vấn đề đa dạng hoá góc nhìn văn học theo tinh thần mở, cũng là một cách tác giả thể hiện niềm mong mỏi của nhà nghiên cứu, không chỉ nhận diện, mô tả bức tranh văn học hay tình hình nghiên cứu văn học hiện thời mà còn góp một tiếng nói thúc đẩy vận động phát triển nền văn học dân tộc; khích lệ ý thức trách nhiệm của cả lực lượng sáng tác và giới nghiên cứu phê bình. Với niềm tin vào quy luật vận động nội tại của văn học, ông cho rằng: “Khi một nền văn học, một sự nghiệp văn học, một thể loại văn học,… không ngừng vận động, biến đổi, không ngừng tự làm mới, làm giàu; khi nhà văn ý thức cao về nghề, về cá tính sáng tạo của mình; và, khi độc giả ý thức đầy đủ về chủ kiến của mình trong tiếp nhận văn học; … đó là những khi văn học mang đầy đủ nhất và có cơ hội phát huy cao nhất tính chất “mở” của nó” ([1]: tr.5). Tính chất “mở” cũng cho thấy yêu cầu cập nhật và cái nhín “động” ở nhà nghiên cứu. Ông không bằng lòng với hiểu biết hiện tại, ông luôn khao khát mở rộng, tự vượt qua chính quan niệm của mình – tự vượt qua mình để làm mới chính mình! Theo dõi những bước đường nghiên cứu giảng dạy văn học của nhà nghiên cứu – nhà giáo Nguyễn Thành Thi có thể thấy phạm vi, đối tượng nghiên cứu của ông ngày một thêm mở rộng và chuyên sâu các bài viết công trình nghiên cứu của ông sau Văn học – thế giới mở: từ văn chương của Tự lực văn đoàn đến văn học học quốc ngữ trước 1945; từ văn xuôi quốc ngữ Nam Bộ đầu thế kỉ đến văn học đương đại Việt Nam, văn học Nam Bộ đương đại; từ tác giả Thạch Lam mà ông yêu thích đến hàng loạt tác gả như Nguyễn Chánh Sắt, Nhất Linh, Khái Hưng, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Dần, Trần Bảo Định,…; từ vấn đề về phong cách nghệ thuật, tâm lí – cá tính sáng tạo đến vấn đề văn học đại chúng hóa, các vấn đề về diễn ngôn tự sự, diễn ngôn chấn thương, diễn ngôn sinh thái, diễn ngôn trần thuật “nguồn”; từ thể loại đến tương tác thể loại; từ giáo trình chuyên đề đại học, sau đại học đến sách giáo khoa ngữ văn cho học sinh phổ thông trong những năm gần đây.
Tinh thần cởi mở trong nghiên cứu của ông còn thể hiện ở chỗ sẵn sàng tiếp nhận cái mới, cũng như những ý kiến trái chiều. Đó là, tinh thần của nhà khoa học tôn trọng sự thật. “Bước vào Thế giới mở, dĩ nhiên không ai có quyền nhân danh bất cứ thế lực nào để đòi độc quyền xác lập chân lí, và đòi phát biểu lời tối hậu. Tuy nhiên, trong nghiên cứu phê bình văn học, phàm là tiếng nói có giá trị (hoặc ít ra, có ấn tượng), phải là tiếng nói có chủ kiến, mang tính quan niệm và tính chủ thể cao” ([1]: tr.6). Chân lý không độc quyền. Thế nên trước chân lý, mọi người đều bình đẳng. Nhà nghiên cứu do đó có thể mạnh dạn đưa ra chủ kiến (dựa trên lập luận và khảo cứu nhiệt thành). Đáng nói, tác giả Nguyễn Thành Thi đặc biệt coi trọng chủ kiến của nhà nghiên cứu trên trang viết. Đó là, ý thức trách nhiệm của nhà cầm bút chân chính. Phàm khi viết, tức là thẳng thắn với đối tượng, mà trước hết, đã tự thẳng thắn với chính bản thân mình. Nhà nghiên cứu trước khi phóng tầm nhìn đến đối tượng cũng chính là phóng cái nhìn trở lại chính mình. Và, công việc phê bình văn học, cơ hồ, trở thành con đường tự tìm kiếm chính mình. Trên con đường tìm kiếm chính mình và minh định đối tượng, nhà nghiên cứu đã tương phùng tất cả mọi người.
Văn học – thế giới mở trải rộng từ bình diện lịch sử văn học, đến tâm lý sáng tạo và văn bản tác phẩm, cho thấy khả năng nhìn và đặt vấn đề với tầm bao quát rộng rãi. Tập sách cho thấy có sự kết hợp giữa tầm nhìn rộng với ý thức tiên phong và tinh thần phản biện tinh tế. Sự cởi mở của tập sách này còn thể hiện ở chỗ, nhà nghiên cứu gợi ra thêm nhiều hướng nghiên cứu khả dĩ đóng góp/ bổ khuyết cho phần còn trống trong bức tranh nghiên cứu phê bình nói chung. Cho nên tinh thần phản biện gắn liền với sự gợi mở vấn đề và hướng nghiên cứu khả thi. Chẳng hạn, ông gợi mở:
“Từ góc nhìn thể loại và tương tác thể loại, dễ dàng nhận thấy còn khá nhiều khoảng trống cần tiếp tục nghiên cứu kĩ để hoàn chỉnh bức tranh miêu tả lịch sử văn học quốc ngữ Việt Nam, như nghiên cứu từng thể loại và tương tác thể loại trong từng giai đoạn, tương tác biến đổi của từng thể loại, tương tác thể loại trong sáng tác của từng tác giả, nhóm tác giả (trường phái), nghiên cứu tính đứt đoạn và liên tục của sự hình thành và phát triển thể loại, thể tài văn học. Chẳng hạn: văn học quốc ngữ (bộ phận công khai hợp pháp) ở phía Nam “giới tuyến” (1954-1975) có phải là một sự tiếp tục văn học Việt Nam 1932-1945 hay không? Chủ nghĩa thực dân và hậu thực dân đã tác động đến văn học nói chung, tác động đến sự hình thành, tương tác thể loại như thế nào? Đâu là sự tiếp nối, đâu là những biến đổi thể loại (nếu có)? Tương tác thể loại đã có ý nghĩa thế nào trong việc phát triển các thể thơ và các loại hình câu thơ, hay việc đổi mới trần thuật trong truyện kí hiện đại? Vai trò “thống soái” của tiểu thuyết hiện đại Việt Nam đã bộc lộ như thế nào trong quá trình tương tác thể loại? v.v…” ([1]: tr.45-46).
Người đọc nhiều khi cảm thấy thích thú trong cách lí giải thả đáng một số hiện tượng lạ trong thực tiễn sáng tạo của nhà văn, nhà thơ. Chẳng hạn, ông phát hiện và chỉ ra hiện tượng thú vị của thơ ca tiếng Việt qua bài thơ Nhạc của Bích Khê: một bài thơ lạ lùng với hàng loạt “cách đọc”, vượt xa cả lối thơ “thuận nghịch độc” truyền thống. Ông viết: “Cơ sở của việc tạo nhiều cách đọc: (đặc điểm loại hình của tiếng Việt; đặc điểm cách tạo tác hình ảnh và kết cấu “lỏng” của thơ tượng trưng, siêu thực; những phẩm chất đặc thù của bài thơ). a/ Tính đơn âm (phân tiết tính), tính tiềm tàng về nghĩa của tiếng (âm tiết) trong đặc điểm loại hình của tiếng Việt. Đây cũng là cơ sở của thơ “thuận nghịch độc” hay thơ nhiều cách đọc trong văn học Trung đại. b/ Tính “hỗn độn”, “bất ngờ” trong kết cấu lơi, “lỏng” một cách đầy dụng ý nghệ thuật của thơ tượng trưng, siêu thực. c/ Đặc điểm “lắp ghép” của hình ảnh tượng trưng siêu thực, một nguyên tắc mĩ học mà hình ảnh được xây dựng trên liên tưởng làm cho “xáp lại gần nhau” hai đối tượng xa nhau nhiều hoặc ít” ([1]:tr.183). Từ một vấn đề hầu như rất nhỏ, ít ai để ý, nhà nghiên cứu có khả năng khái quát một vấn đề rộng lớn và sâu sắc vừa liên quan đến đặc trưng loại hình của tiếng Việt vừa liên quan đến tư duy của nhà thơ tượng trưng. Trang viết của Nguyễn Thành Thi thường mang lại cái nhìn có tính phát hiện, và khả năng khái quát vấn đề, cắt nghĩa hiện tượng giản dị, sáng rõ như thế.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu, sự vận dụng khái niệm liên ngành một cách đích đáng, chừng mực là rất quan trọng. Nếu bạn để ý, có thể thấy thể thức nghiên cứu khá phổ biến hiện nay: nhà nghiên cứu thường lệ thuộc vào khung lý thuyết để xác định và phân tích đối tương. Việc này ít nhiều dẫn đến khiêng cưỡng. Tuy nhiên, ngay từ đầu, Nguyễn Thành Thi đã dựa trên thực tiễn để điều chỉnh “hệ quy chiếu”. Do vậy, khi nghiên cứu văn xuôi Nguyễn Huy Thiệp dưới góc nhìn chủ nghĩa hiện sinh, ông không đưa nhà văn này vào quỹ đạo của chủ nghĩa hiện sinh. “Thực ra, trong sáng tác, ảnh hưởng và việc tiếp thu ảnh hưởng của một tư tưởng, một trào lưu triết học, thường mang tính tổng hợp, lại thường không được phát biểu một cách hiển ngôn, mà bộc lộ đầy ẩn ý bằng hình tượng nghệ thuật. […] Theo tìm hiểu của chúng tôi, âm hưởng hiện sinh trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp rất gần gũi với chủ nghĩa hiện sinh vô thần” ([1]: tr.197). Nguyễn Thành Thi giữ được mức “trung đạo”, ông không quá đà trong việc nhìn nhận (dẫu từ phía thực tiễn hay khung lý thuyết). Có lẽ vì thế, ông sử dụng khái niệm “âm hưởng hiện sinh”/ “ám ảnh hiện sinh” trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Vốn dĩ, văn là đời, hay “văn học là nhân học” (M.Gorky) thì “văn” với ý nghĩa rộng rãi nhất của nó chẳng phải đã ẩn chứa ý niệm hiện sinh thuyết rồi hay sao? Và, nếu cố kết đối tượng vào chủ nghĩa hiện sinh như trào lưu triết học ở Pháp hồi giữa thế kỷ XX, e rằng có thể khập khiễng. Bởi những quan niệm cơ bản của thuyết hiện sinh vốn đã bàng bạc trong nhiều tư tưởng học thuyết cổ kim. Đến thời kỳ đổi mới, việc du nhập các hệ thống triết học khác nhau có lẽ giúp giới nghiên cứu Việt Nam nhận ra những hạn chế trong góc nhìn của thời kỳ trước đó. Bởi có một thời, hiện sinh trở thành “mode” thời thượng, trở thành vấn đề rôm rả từ đầu đường ngoài ngõ cho tới buồng the. Mà trên thực tế và trong thực chất lại sa vào tình trạng “vàng thau lẫn lộn”! Sự đúng mực của PGS.TS. Nguyễn Thành Thi trong trường hợp này, cũng như của nhiều nhà nghiên cứu khác gần đây cho thấy sự tái nhận thức đối với chủ nghĩa hiện sinh và sự hiện diện của nó ở Việt Nam, giúp định vị một cách xác đáng hơn dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh trong văn chương hiện đại Việt Nam.
Nhìn chung, cách đề xuất luận điểm khoa học trong những trang viết của tác giả Văn học – thế giới mở cho thấy sự chuẩn mực trong tác phong, vững vàng trong lập luận, sáng rõ trong tư duy nghiên cứu. Không hay tham gia vào những vấn đề nghiên cứu có tính chất “thời thượng”, dường như nhà nghiên cứu này có khuynh hướng xây dựng các công trình nghiên cứu mang ích lợi lâu dài, vượt qua tính thời sự cấp thời, song vẫn luôn giàu tính thực tiễn.
2. Thế giới văn học mở từ góc nhìn nhà sư phạm
Từ tập sách Văn học – Thế giới mở, nếu bạn đọc để tâm có thể nhận ra sự nghiệp nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thành Thi, về cơ bản, thuộc về ba địa hạt chính: 1) các công trình nghiên cứu văn học; 2) các công trình nghiên cứu phương pháp dạy-học ngữ văn trong nhà trường và 3) sách giáo khoa (SGK) và một vài lãnh vực nghiên cứu ứng dụng khác. Trong đó, số lượng công trình về phương pháp dạy-học ngữ văn và SGK chiếm số lượng rất lớn[*]. Được biết tác giả Văn học – Thế giới mở đã ba lần tham gia biên soạn SGK. SGK thí điểm theo chương trình phân ban trước năm 2006, SGK hiện hành, viết theo chương trình cải cách giáo dục năm 2006, và, SGK viết theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, ban hành năm 2018. Nhưng, nếu hai lần trước ông tham gia với tư cách tác giả thì lần này, ông được NXB Giáo dục Việt Nam mời làm chủ biên bộ sách Chân trời sáng tạo. Theo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể năm 2018, nội dung và phương pháp dạy học môn Ngữ văn có một thay đổi lớn: dựa trên hệ thống văn bản tiêu biểu về thể loại, tích hợp dạy văn với ngữ, tích hợp phát triển các kĩ năng đọc hiểu văn bản theo thể loại với thực hành tiếng Việt, tích hợp các kĩ năng đọc – viết – nói và nghe. Văn học – Thế giới mở ấn hành năm 2010 trên thực tế là kết quả chuẩn bị từ nhiều năm trước. Đáng lưu ý rằng, đây là công trình tiếp cận văn học từ phương diện thể loại. Chương trình môn ngữ văn 2018 cũng chủ trương dạy đọc hiểu văn bản theo thể loại. Phải chăng nhà nghiên cứu – nhà giáo Nguyễn Thành Thi đã có sự kết nối từ trước giữa công trình nghiên cứu của ông với công việc thiết kế, biên soạn SGK Ngữ văn mà ông đang đảm nhiệm hiện nay? Những ai từng giảng dạy Ngữ văn ở trường phổ thông đều thấy rõ, nhiều bài viết trong Văn học – Thế giới mở nhất là ở phần cuối của tập sách đều là những bài viết về tác phẩm được tuyển chọn để dạy – học trong nhà trường. Không khó để nhận ra tác giả Văn học – Thế giới mở không chỉ viết từ tâm thế, tư duy của nhà nghiên cứu mà còn viết từ tâm thế, tư duy của nhà sư phạm. Như thế, với cương vị nhà giáo, PGS.TS. Nguyễn Thành Thi đã góp phần thiết thực vào việc đổi mới nội dung phương pháp dạy và học ngữ văn ở nước ta hiện nay.
Nhiều năm giảng dạy, gắn bó với mái trường và người học ở bậc phổ thông và đại học, PGS.TS. Nguyễn Thành Thi hẳn đã nhìn thấy được nhu cầu và đặc điểm tiếp nhận của đối tượng học sinh, sinh viên. Có lẽ vậy, tuy Văn học – Thế giới mở không phải là một giáo trình đại học, nhưng cũng là tài liệu học tập tham khảo hữu ích đối với sinh viên ngữ. Trong cách trình bày trang viết, dường như ông cũng có ý cân nhắc sắp xếp sao cho phù hợp với người học và bạn đọc là sinh viên ở bước khởi đầu tìm hiểu văn học quốc ngữ Việt Nam. Trang viết của ông giúp học sinh, sinh viên và bạn đọc trẻ nói chung dễ dàng hệ thống hóa, hình dung mạch lạc, trật tự chặt chẽ về quá trình vận động của văn học quốc ngữ dân tộc. Có những trang những đoạn được viết như một sự tổng hợp, thâu tóm sáng rõ, khúc chiết: “… Theo đó, ta sẽ có một bản “lược đồ” văn học – nhìn từ quá trình hình thành và tương tác thể loại – gồm hai thời kì và bốn giai đoạn chính: Thời kì thứ nhất: Văn học quốc ngữ “hiện đại hóa” trong bối cảnh giao lưu văn hóa Đông-Tây (nửa cuối thế kỷ XIX đến 1945) [ ….] Thời kỳ thứ hai: Văn học quốc ngữ “hiện đại hóa” trong và sau “chiến tranh…” (từ 1946 đến nay)” ([1]: tr.45). Những tri thức cơ bản, nền tảng về lí thuyết và lịch sử văn học thường được trình bày mạch lạc, lập luận thận trọng, dẫn liệu tin cậy. Đó cũng chính là biểu hiện của tính khoa học và sư phạm trong công trình.
Cũng chính vì mang tâm thế nhà sư phạm nên trang nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Thành Thi đầy đủ tính mô phạm. Đặc trưng này biểu thị ở cấu trúc tập sách. “Phần dầu gồm các bài viết mang tính khái quát theo hướng tiếp cận lịch sử văn học quốc ngữ Việt Nam từ quá trình hình thành và tương tác thể loại, cùng các sự kiện, hiện tượng văn học như là những hệ quả mang dấu ấn của quá trình này. Phần giữa gồm các bài viết về một số tác giả văn học quốc ngữ Việt Nam hiện đại, chủ yếu xoay quanh vấn đề ý thức về nghề và về cá tính như là một động lực của niềm khát khao và thực hành sáng tạo của nhà văn. Phần cuối gồm một số lời bình tác phẩm (hoặc trích đoạn tác phẩm) văn học quốc ngữ Việt Nam chọn lọc quen thuộc với công chúng, nhất là công chúng học đường (chủ yếu là các tác phẩm từng được đưa vào chương trình Ngữ văn ở trường trung học phổ thông)” ([1]:tr.5-6). Khuynh hướng mô phạm và sự quan tâm đến đối tượng độc giả trong nhà trường, giúp tập sách đáp ứng trực tiếp yêu cầu học tập của các thầy cô giáo trẻ và học sinh trung học.
Là một người thầy từng trực tiếp giảng dạy ở nhiều bậc học khác nhau, PGS.TS. Nguyễn Thành Thi đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ người học, từ các cử nhân văn học, đến các thạc sĩ, tiến sĩ. Nhà sư phạm bao giờ cũng quan tâm đến nội dung, mục đích, phương pháp giáo dục. Dù bình luận về tác phẩm của bất kì ai, Thạch Lam, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Bích Khê, Nguyễn Huy Thiệp, … ông đều xác định thành tựu, đóng góp của họ với giọng văn nhiệt thành, trìu mến để truyền cảm hứng, giúp bạn đọc nhìn nhận lại tâm thế của họ ở hiện tại. Chẳng hạn qua trường hợp “âm hưởng hiện sinh”/“ám ảnh hiện sinh” trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, nhà nghiên cứu giúp độc giả nhận ra tiếng vọng thời đại và một sức sống mới đầy hứa hẹn. Một vấn đề có lẽ không còn mới nữa (âm hưởng hiện sinh) nên nhà nghiên cứu gọi là lần “vẫy gọi” thứ hai, ở lần này, ông nhận ra “giới nghệ sĩ, trí thức Việt Nam hơn bao giờ hết cần đến những cơ sở lí luận triết mĩ để phân tích lí giải đời sống, phát hiện động cơ tâm lí, cắt nghĩa hành vi, tính cách của con người trong đời sống đương đại. Cũng hơn bao giờ hết, con người phải thường xuyên suy tư về sức mạnh của đức tin về nguy hại của ngụy tín, về tự do, hạnh phúc cá nhân, và về thân phận của mình” ([1]: tr.213). Ông không chỉ nhìn thấy đóng góp của riêng Nguyễn Huy Thiệp mà còn nhìn nhận đóng góp của cả thế hệ nhà văn thời đổi mới. Đúng như ông viết: “Đưa “những ray rứt hiện sinh” “trở lại bằng con đường hình tượng”, ám ảnh hiện sinh trong truyện ngắn của anh thật rõ rệt, sâu sắc, đầy sức ngân vọng. Sẽ không hề quá lời khi cho rằng: chính Nguyễn Huy Thiệp (cùng thế hệ của anh) đã mang lại một sức sống mới cho chủ nghĩa hiện sinh – một học thuyết tưởng như đã lỗi thời, già cỗi – trong văn học ở đất nước này” ([1]: tr.214). Như vậy, vấn đề không phải “cũ” hay “mới” mà ở khả năng làm mới/ tái tạo. Và trên hết, trong chừng mực nhất định, nhà nghiên cứu vẫn có thể truyền cảm hứng cho bạn đọc học sinh, sinh viên, giúp họ nhìn lại chính những “vấn nạn hiện sinh” trong cuộc sống bản thân, khiến họ suy ngẫm.
Để phù hợp với nhiều đối tượng bạn đọc, PGS.TS. Nguyễn Thành Thi lựa chọn cách viết uyển chuyển. Với đối tượng bạn đọc trẻ, ông có khuynh hướng biến những vấn đề phức tạp thành ra đơn giản, dung dị. Đây không phải là điều dễ dàng. Nhất là đối với những vấn đề mang tính nguyên lý vận động lịch sử của một giai đoạn văn học. Bằng cái nhìn sâu sắc, toàn diện, ông phân tích từng khía cạnh vấn đề thông qua cách trình bày rất dễ nắm bắt. Hình thức liệt lê, gạch đầu dòng, kèm với cụm từ chỉ thứ tự, … trong việc dẫn dắt, diễn giải rất phù hợp cho người đọc sơ khởi. Chẳng hạn như khi ông phân tích sự tác động của thể loại tiểu thuyết đối với thể loại truyện ngắn trong văn học quốc ngữ trước 1945, ông chỉ ra cụ thể: “Kĩ thuật di chuyển điểm nhìn trần thuật; kĩ thuật phân tích tâm lí, độc thoại nội tâm; kĩ thuật lắp ghép, lồng truyện, phân rã cốt truyện; kĩ thuật trì hoãn, tạo các khoảng lặng, khoảng chùng; kĩ thuật liên kết chùm”([1]: tr.57). Đây cũng là cách Nguyễn Thành Thi lý giải và giúp cho bạn đọc hiểu sâu sắc hơn tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng – “Vĩnh biệt Cửu Trùng đài”. Không chỉ là mâu thuẫn giai cấp bộc lộ ở bề mặt tác phẩm, mà ở bề sâu, nhà nghiên cứu đã giúp cho bạn đọc nhận ra các vấn đề triết mỹ sâu sắc: “Tính đa nghĩa, thâm trầm, giàu sắc thái triết mĩ của vở kịch liên quan nhiều đến các biểu tượng mà tác giả đã dụng công tạo ra, hướng độc giả ít nhiều các suy tư về Tự do, Quyền lực, Sắc, Tài, Tình, Nhân dân, Cái Thiện, Cái Ác, Cái Đẹp, … Trong đó hình tượng đa nghĩa mang tính biểu tượng nghệ thuật cần phải nói đến trước tiên là Cửu Trùng Đài” ([1]: tr.219). Từ tâm thế người thầy, góc nhìn và cách diễn giải của ông cũng hướng bạn đọc nhận ra tính giáo dục của tác phẩm văn học. Tựu trung, sự diễn giải tác phẩm văn học của ông (Lão Hạc – Nam Cao; Việc làng – Ngô Tất Tố; Tống Biệt Hành – Thâm Tâm; Tây Tiến – Quang Dũng; …) đều hướng người đọc đến những điều tốt đẹp và đồng thời, nhận ra chân giá trị muôn đời trong cuộc sống con người.
Trên cương vị người thầy, PGS.TS. Nguyễn Thành Thi cũng như nhiều thầy cô đã góp phần giữ nền học chân chính. Thời buổi “lộng giả thành chân” rất cần những “ông từ” giữ đền giáo dục dám đối diện với “chiêu trò” “thơ thật”-“thơ giả” (như chính cách dùng từ của Vũ Trọng Phụng đã sử dụng và thầy Nguyễn Thành Thi đã nhắc lại). Nhưng, là nhà mô phạm, ông không giễu nhại kiểu như nhà văn họ Vũ. “Không chắc Vũ Trọng Phụng đã giễu cợt các nhà lãng mạn; nhưng chắc chắn hơn là: chuyện hài của họ Vũ năm xưa, đến bây giờ vẫn còn chưa hết … hài!” ([1]: tr.157). Ông thận trọng, thắng thắn và cương kiện, không khoan nhượng với vấn đề “thật”-“giả” trong làng chữ nghĩa. Qua Số đỏ, cơ hồ, nhà giáo Nguyễn Thành Thi có ý nhắc đến những “người đương thời” chăng!
Điều này, gián tiếp cho thấy tâm thế nhà nghiên cứu có lẽ đã nhìn thấy và thấy một cách rất thấm thía những chuyện khôi hài trong làng chữ nghĩa. Trước đã tự nhắc mình rồi, sau nữa có lẽ cũng nhắc người một cách tế nhị! Bởi, chuyện chữ nghĩa không phải chuyện tán dóc nơi quán cà phê, nói rồi thôi! Chuyện khôi hài của làng chữ hẳn còn lưu lại – thậm chí, có thể trở thành bản án chấm hết nghiệp chữ của một người; là vết nhơ muôn đời không thể gột rửa! Ngay cả khi tấm thân đã vùi dưới lớp cỏ xanh. Cho nên, ý thức của người cầm bút rất quan trọng vậy! Ý thức sâu sắc về trách nhiệm chữ nghĩa, trách nhiệm thời đại ở mỗi thế hệ gánh vác, khiến người cầm bút tránh ngã nghiêng trước các tác động nhất thời của đời sống.
3. Thế giới văn học mở từ góc nhìn người nghệ sĩ
Đến với văn chương bằng tấm lòng chân thật – dù với cương vị nhà nghiên cứu nghiêm nhặt hay nhà sư phạm chuẩn mực – những trang viết của tác giả Nguyễn Thành Thi thường ẩn chứa một tâm hồn nghệ sĩ, trọng sự học rất đặc trưng “người con Diễn Châu nặng tình chữ nghĩa”. Mà, cũng phải thôi, bởi xứ sở của ông có truyền thống khoa bảng với những tên tuổi còn lưu lại đời sau, như: Trại Trạng nguyên Bạch Liêu (làng Nguyễn Xá, nay thuộc xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu), Tham đốc dũng nghĩa hầu Đại tướng quân Vũ Trung Lương (làng Đông Xương, Diễn Mỹ), Quản lan hầu Đề đốc Vũ Phác Lược (con trai cả của Vũ Trung Lương)…
Ngoài ra, có những dòng họ nhiều người đỗ đạt, như: họ Ngô ở Lý Trai (Diễn Kỷ) liên tiếp 4 đời đỗ 5 tiến sĩ, họ Đặng ở Nho Lâm (Diễn Thọ). họ Cao ở Tân Bình (Diễn Bình), họ Chu (Diễn Trường – Diễn Tháp), họ Dương (Diễn Yên), họ Trần (Diễn Hạnh)… Ấy là, chưa kể đến những đại khoa lưu danh, như: Chu Phúc Cổn, Ngô Trí Tri, Ngô Trí Hòa, Đặng Văn Thụy, Nguyễn Xuân Ôn, Cao Xuân Dục… Đã vậy, nơi PGS.TS. Nguyễn Thành Thi “chôn nhau cắt rún” lại là nơi được thiên nhiên ưu ái tạo thành danh lam thắng cảnh – người đời gọi tên “Đông Yên Nhị Châu” -– Trong tám cảnh đẹp, Diễn Châu sở hữu sáu, đó là: Dạ Sơn linh tích (Dấu thiêng núi Mộ Dạ), Cao Xá long cương (Gò rồng Cao Xá), Bùng Giang thu nguyệt (Trăng thu trên sông Bùng), Bích Hải quy phàm (Cánh buồm về cửa Bích), Thiên uy thiết cảng (Kênh sắt oai trời), Diễn Thành thạch bảo (Thánh đá phủ Diễn Châu). Dông dài vậy, nhằm hiểu sâu thêm về linh khí của vùng đất hun đúc nên một con người tận tụy với nghề giáo mang trái tim nghệ sĩ.
Quả thật, từ góc nhìn của người nghệ sĩ, điều sống còn của văn học nghệ thuật nói chung, là vấn đề thẩm mĩ: cái đẹp, thẩm về cái đẹp. Và cái đẹp, nhà nghiên cứu Nguyễn Thành Thi hướng tới trong cuộc truy tầm chính là vẻ đẹp đa trị/ đa nguyên. Có lẽ đây cũng là một trong số nhiều lý do khiến cho tập sách này có tựa đề “Văn học – Thế giới mở”. “Sự đa dạng ấy trước hết là ở chỗ văn học chấp thuận nhiều vẻ đẹp: có cái đẹp đặc tuyển – đa trị (như trong sáng tác của Nguyễn Tuân), có cái đẹp đời thường, phổ thông – mà vẫn “đa trị” (kiểu cái đẹp bình dị trong văn chương Thạch Lam – cái đẹp tiềm tàng khuất lấp, lệ thuộc ở chủ thể thưởng thức). Nhưng điều quan trọng hơn là tính đa trị của các phạm trù thẩm mĩ trong một bảng pha màu tạo nên những hệ giá trị mới. Ở đó có cái đẹp nhiều khi tự thoát ra khỏi cái thiện, cái đạo đức, bởi nó không còn trùng khít, không đồng nhất với cái thiện, cái đạo đức”([1]: tr.119). Nhà nghiên cứu phân biệt “loại hình” cái đẹp. Ngược lại, sự phân loại ấy biểu thị một tâm hồn rộng mở với năng lực thẩm mỹ đa nguyên. Nói khác, tâm hồn người nghệ sĩ vận động về phía đa nguyên hóa.
Với tâm thế chẳng khác người trong cuộc, PGS.TS. Nguyễn Thành Thi đã ở trong cuộc tương phùng, tri âm tri kỷ với văn nhân quốc ngữ nửa đầu thế kỷ XX. Đôi chỗ, ông vừa là người tri âm tri kỷ, vừa như nhà khảo cổ khai quật để phát hiện giá trị mới, vừa như người thầy thuốc “bắt mạch bốc thuốc” nhằm chỉ ra những tồn đọng cần khắc phục và hướng nghiên cứu tiếp theo. Dẫu thế nào, điểm chung ở phần kết luận của các bài viết đều được chuyển tải bằng giọng điệu hòa nhã, thân tình, trìu mến! Như một người nghệ sĩ, ông đồng điệu, thấu hiểu nỗi lòng của văn nhân (có lẽ hiểu một cách cặn kẽ nhất là Thạch Lam). Ông phân tích những khía cạnh nội dung, xoáy sâu vào cả cách bố cục, trật tự sắp xếp, dụng ý trình bày của nhà văn Thạch Lam trong tập Hà Nội 36 phố phường. “Hơn 20 mẩu, bài ngắn, tập hợp trong một cái tên chung Hà Nội 36 phố phường là tập kí “xinh gọn” gồm: 2 bài nói về không gian công cộng, 2 bài nói về chợ, không khí thương mại, còn bao nhiêu nói về quà Hà Nội. Phần viết về quà cũng có một bố cục xinh xắn, gọn gàng: mở đầu là “Quà Hà Nội”, kết: “Quà … tức là người”. Cái lối tổng-phân-hợp, hay diễn dịch – quy nạp ở đây có cái ý vị riêng của nó” ([1]: tr.149). Ông thấu hiểu Thạch Lam và sự nghiệp văn học, báo chí của nhà văn này đến mức có thể viết cả cuốn sách về “Đặc trưng truyên ngắn Thạch Lam” về vẻ đẹp trong “phong cách văn xuôi nghệ thuật Thạch Lam”. Ở Việt Nam, có lẽ Nguyễn Thành Thi là một trong số ít người thấu hiểu Thạch Lam, dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu cặn kẽ và tôn vinh một cách thấu đáo con người và văn chương Thạch Lam.
Với vị trí của người trong cuộc, nhà nghiên cứu cơ hồ đồng nhất với bản thân chủ thể sáng tạo, cũng tức là đặt mình ở cùng vị trí/ tâm thế của văn nhân, không phải để phán xét mà để nói thay tiếng lòng của họ. Nói như vậy cũng tức là nhận thấy nhà nghiên cứu Nguyễn Thành Thi đã đặt nhà văn Thạch Lam vào điểm nhìn nghiên cứu trong chính “hệ quy chiếu” thời đại của Thạch Lam để nhìn nhận đóng góp và giá trị tác phẩm. “Đặt sáng tác của Thạch Lam trong bức tranh toàn cảnh của văn xuôi lãng mạn nói riêng, văn xuôi nghệ thuật quốc ngữ Việt Nam 1930-1945 nói chung, ta sẽ có một cái nhìn bao quát và khách quan hơn về những gì mà Thạch Lam và thế hệ của ông hằng nỗ lực tìm tòi sáng tạo. Trong các nỗ lực ấy, phải ghi nhận trước hết nỗ lực đổi mới thẩm mĩ, tạo tác các giá trị thẩm mĩ mới, làm cho chúng ngày càng đa dạng mới mẻ hơn trong văn học nước nhà. Những tìm tòi và đóng góp của Thạch Lam, như vậy, không phải là cái gì cá biệt, đơn lẻ mà mang tinh thần, cảm quan mới, tinh thần và cảm quan thế hệ” ([1]: tr.150). Có lẽ, Nguyễn Thành Thi đã biểu kiến một cách tế nhị: Thạch Lam – một nhà văn tiên phong, vượt trước thời đại.
Muốn “cảm” phải “đồng” và ngược lại, nhiều khi bạn đọc thấy nhà nghiên cứu không còn trong tư thế vị quan tòa mà trong tâm thế một người bạn tâm giao. “Giao” ở “tâm” nên nghe ra và nhìn thấy những nỗi niềm về nghề, về đời của kẻ cầm bút. Phải chăng, dù nhà nghiên cứu hay nhà văn, thảy đều là kẻ cầm bút. Mà một khi đã cầm bút, tức là cùng cảm nhận một cách sâu sắc nỗi niềm thân phận của ngòi bút. Nhà nghiên cứu không tự đặt mình cao hơn, cũng không đặt mình bên ngoài đối tượng để ngó nhìn “khách quan”. Bởi rõ ràng, nghiên cứu cũng tức là xông pha vào chốn “trường văn trận bút”, chủ thể sáng tạo đã nhập cuộc. Nhập cuộc mới nhập tâm, bấy giờ mới có thể tâm giao làm thành tao ngộ! Nguyễn Thành Thi hẳn đã tao ngộ với nhiều văn nhân: Nam Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Huy Thiệp, … và Nguyên Hồng. Có như vậy, ông mới nhận ra “những làn gió độc” thổi từ xã hội, đã làm tha hoá chí Phèo, và “những ngọn gió lành” đã níu kéo bản chất hiền lương trong con người Chí Phèo; nhận ra cuộc theo đuổi “cái đẹp đặc tuyển” trong tác phẩm của Nguyễn Tuân, “cái đẹp siêu đẳng” trong bi kịch của Nguyễn Huy Tưởng. Đặc biệt, nhận ra một cách thật giản dị cái “cốt cách nhà văn Nguyên Hồng” “có thể thâu tóm trong mấy nét nổi bật: 1. Hồn hậu, giàu lòng thương, đặc biệt nhạy cảm với nỗi khổ đau, bất hạnh của những kiếp người cùng khổ; 2. Viết cũng như nói luôn sôi nổi, nồng nhiệt, “chân thực và rung cảm”. Cốt cách ấy thể hiện rất nhất quán trong cả đời sống lẫn văn chương của ông” ([1]: tr.158).
Chất nghệ sĩ còn thể hiện ở sự đa dạng, linh hoạt ở lối viết và cách trình bày vấn đề. Trong Văn học – Thế giới mở, nếu như ở phần đầu (Một góc nhìn văn học quốc ngữ Việt Nam: vận động tương tác) thiên về cái nhìn khách quan của nhà nghiên cứu, khiến bạn đọc có cảm giác nghiêm cẩn như đang dự cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học, thì sang phần giữa (Một góc nhìn văn học quốc ngữ Việt Nam: ý thức về nghề và cá tính sáng tạo) và phần cuối (Một góc nhìn tác phẩm: những trang văn chọn lọc), tác giả tập sách lại khiến bạn đọc cảm nhận có cái gì đó thân tình, gần gũi và thấm thía hơn, như thể đang cùng dự một cuộc trà thân tình bên bằng hữu chữ nghĩa. Bởi chúng ta thấy để chia sẻ đôi lời ruột gan thì Nguyễn Thành Thi đang cùng ngồi lại với Nguyên Hồng với Nam Cao với Nguyễn Huy Tưởng… Bấy giờ, ông cho bạn đọc thấy trong trang viết Nguyên Hồng (cũng như nhiều văn sĩ khác) “những người gánh chịu khổ nạn” hay những “nạn hữu”. Cũng nhờ đó, ông nhận ra sự trong sáng, hồn nhiên trong văn chương của nhà văn Nguyên Hồng. Cũng như vậy, người đọc cảm tưởng như ông đang ngồi cạnh Thạch Lam và Nguyên Hồng trong ‘quán văn’ trang giấy. “Thạch Lam, khi viết lời tựa cho tập Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng đã cho rằng cuốn sách là kết quả của “những rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại”. Có thể nói như thế về phần lớn những sáng tác của Nguyên Hồng: Văn xuôi nghệ thuật của ông đúng là những rung động cực điểm của linh hồn ông”. Ở đây, có một cái gì thật cao độ, mãnh liệt trong cảm xúc” ([1]: tr.162). Quả thật, cách viết về các tác giả – “chủ thể sáng tạo” như vậy rất khác với cách viết của ông trong phần trước đó, khi ông trình bày những vấn đề lý thuyết và lịch sử văn học quốc ngữ. Cơ hồ, bên cạnh tâm thế nhà nghiên cứu, nhà sư phạm vẫn có hình bóng một người nghệ sĩ yêu cái đẹp tha thiết trong ngòi bút của ông.
Cũng phải nói thêm rằng, cái đẹp mà Nguyễn Thành Thi hướng tới với tất cả niềm trân trọng từ trong tác phẩm của hầu hết các nhà văn được đề cập trong tập sách không phải là cái đẹp phục vụ cái đẹp, cái đẹp thuần tuý “vị nghệ thuật” mà là cái đẹp của tình người, của nhân tâm. Cái đẹp ấy không quay lưng với nỗi khổ niềm đau trong cuộc nhân sinh! Tình thương và cái đẹp hầu như đồng nhất với nhau. Theo đó, ông đã viết về văn chương Nguyên Hồng: “Lật lại những trang hồi ức, những mẩu giai thoại trên đây, ta càng thấy rõ hơn sự nhất quán ở con người – nhà văn Nguyên Hồng. Con người Nguyên Hồng là thế, nên văn Nguyên Hồng tất phải thế. Nhà văn ấy đã chắt lấy buồn vui trong lửa máu, nước mắt đau thương của bản thân và của người đời mà vẽ chân dung tự họa của chính mình. Đó cũng chính là nước mắt và tấm lòng nóng hổi đã lấp lánh suốt một đời văn” ([1]: tr.170). Hoặc cũng như vậy, viết về hồn thơ Bích Khê: “Nhưng vượt lên trên số phận, bệnh tật của riêng mình, Bích Khê đã viết nên những vần thơ huyết lệ, châu ngọc để nói thay cho tình yêu, nỗi đau, niềm đam mê cái đẹp và đam mê sáng tạo của người nghệ sĩ” ([1]: tr.180). Những nhận định phẩm bình như trên, rõ ràng không phải là lời bàn của một nhà phê bình “mắt xếch” hay của kẻ cầm trong tay “cái roi phê bình” quyền uy, chực “quất cho cho con ngựa sáng tác phải lồng lên”! Trái lại, đó là tấm lòng, là tình thương và sự sẻ chia, thấu cảm, là những lời nồng ấm trìu mến, có sức xoa dịu những cơn se sắt lạnh lẽo phận người. Phải tiềm ẩn bên trong cái tư chất của nghệ sĩ, Nguyễn Thành Thi mới đưa vào được trong trang tiểu luận phê bình của ông một tiếng nói mang hơi thở ấm áp như vậy.
Tạm kết
Văn học – Thế giới mở của tác giả Nguyễn Thành Thi, theo chúng tôi, là một tập sách sâu sắc, thú vị và hữu ích. Thú vị hữu ích không phải chỉ ở chỗ công trình đã giúp độc giả hiểu đầy đủ, sâu sắc hơn về một vài thời kì văn học cụ thể, hay đóng góp thẩm mĩ của một số tác phẩm, tác giả cụ thể mà còn bởi nó mang lại một cách nhìn đa diện, một hướng tiếp cận mới mẻ và không kém phần hiện đại.
Đó là một tập tiểu luận phê bình chỉ hơn vài trăm trang, nhưng lại hội tụ ở đó một sự đa dạng trong lối viết. Ở đó có cốt cách của một nhà nghiên cứu, cốt cách của một nhà sư phạm và cả cốt cách của một nghệ sĩ! Hơn một thập niên qua, cuốn sách này, hẳn đã giúp ích không nhỏ cho công chúng học đường cũng như biết bao độc giả yêu quý văn học nước nhà. Tuy vậy, hiện nay độc giả chỉ có thể tìm đọc trong các thư viện. Mong rằng tác giả và nhà xuất bản sớm cho tái bản để cuốn sách tiếp tục đến được với công chúng, bạn dọc đông đảo hơn.
TRẦN BẢO ĐỊNH
[*] Về mảng sách này, tác giả Nguyễn Thành Thi đã tham gia biên soạn khoảng 35 đầu sách đứng tên tác giả và đồng tác giả, trong đó đáng chú ý nhất là các bộ sách giáo khoa, sách giáo viên Ngữ văn lớp 11,12, chương trình phân ban thí điểm (trước năm 2006) và các bộ sách giáo khoa, sách giáo viên Ngữ văn lớp 11 soạn theo chương trình Cải cách giáo dục năm 2006, vẫn lưu hành cho đến năm 2023. Hiện ông đang là đồng chủ biên SGK Ngữ văn các lớp 7,8,9; Chủ biên SGK Ngữ văn các lớp 10, 11, 12, bộ sách Chân trời sáng tạo. Tất cả các bộ sách nêu trên đều của NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn trong gần 20 năm lại đây.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Nguyễn Thành Thi (2010), Văn học – Thế giới mở (tiểu luận, phê bình), Nxb. Trẻ, TP.HCM.
[2]. Nguyễn Thành Thi (đồng tác giả, 2019), Hướng dẫn dạy học môn Ngữ văn THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới, Nxb. Đại học sư phạm,Hà Nội.
[3]. Nguyễn Thành Thi 2021 (Chủ biên), Ngữ văn 10, tập một, bộ sách Chân trời sáng tạo, Nxb. Giáo dục Việt Nam.
[4]. Nguyễn Thành Thi 2021 (Chủ biên), Ngữ văn 10, tập một, bộ sách Chân trời sáng tạo, Nxb. Giáo dục Việt Nam.
[5]. Nguyễn Thành Thi 2022 (Chủ biên), Chuyên đề học tập Ngữ văn 10, bộ sách Chân trời sáng tạo, Nxb. Giáo dục Việt Nam.
[6]. Nguyễn Thành Thi 2022 (Chủ biên), Ngữ văn 11, tập một, bộ sách Chân trời sáng tạo, Nxb. Giáo dục Việt Nam.
[7]. Nguyễn Thành Thi 2022 (Chủ biên), Ngữ văn 11, tập hai, bộ sách Chân trời sáng tạo, Nxb. Giáo dục Việt Nam.
[8]. Nguyễn Thành Thi 2022 (Chủ biên), Chuyên đề học tập Ngữ văn 11, bộ sách Chân trời sáng tạo, Nxb. Giáo dục Việt Nam.
[9]. Nguyễn Thành Thi 2021-2022 (Chủ biên), Các bộ sách hướng dẫn dạy học dùng cho giáo viên (Sách giáo viên) đi kèm với sách giáo khoa các mục [3], [4], [5], [6], [7], [8].