1. Con người muốn cắn vào “xuân hồng” ấy, con người đã tham gia mặt trận Việt Minh, sau Cách mạng tháng Tám, có được xuân hồng, có được chế độ cộng hoà rồi, thì như cá gặp nước, như rồng gặp mây, chỉ còn bận tâm sao cho thể hiện hết tầm lòng của mình với cách mạng, với nhân dân. Nhà thơ hăm hở cao giọng ngợi ca những sự kiện dồn dập và kì diệu của đất nước.
Cái kỳ diệu trước tiên là lá cờ đỏ sao vàng.
Nó xuất hiện thì “Nước cũ bốn nghìn năm, theo cờ mới trẻ lại như hai mươi tuổi”. Nhìn lá cờ:
Một luồng vui căng hết ngực thanh niên.
Những men mới trộn vào lòng đất nước.
Khít răng lại, đứng vào hàng cứu quốc.
Mở lòng ra, ôm đón lấy sao vàng.
Cờ đỏ sao vàng là cờ tranh đấu. Nó sưởi ấm lòng người.
Ngọn quốc kỳ là lịch sử xuất hiện của lá cờ và sức động viên mãnh liệt của nó. Bản tráng ca gồm bảy đoạn được viết xong ngày 30-11-1945.
Mấy tháng sau, đầu năm 1946 khi thực dân Pháp cố tình khiêu khích định bóp chết chế độ Cộng hoà, khi Quốc hội khóa I phải cấp tốc họp để quyết định thái độ đối với kẻ thù, thì nhà thơ – đại biểu Gốc hội – lại viết một bản tráng ca nữa: Hội nghị non sông. Bài thơ có yếu hơn bài trước như chính nhà thơ đã tự phê bình, nhưng bầu nhiệt huyết không kém sục sôi. Mấy tháng sau lại “nổ bùng ra lòng giận đã tràn hông” trong bài Thủ đô đêm 19 kết thúc chặng sáng tác ở “cái thuở ban đầu dân quốc ấy”.
Ngoài mấy bản tráng ca, Xuân Diệu có một số bài trữ tình ngắn hơn mà nội dung là niềm hân hoan của người công dân một nước mới giành độc lập. Đối với niềm hân hoan ấy là nỗi căm giận những tên phá hoại được biểu đạt trong mấy bài thơ đả kích (Một cuộc biểu tình, Tổng bất đình công).
Buổi ban đầu của chế độ ghi nhận bản sắc chân chất của một nhà thơ, tấm lòng có thừa mà nhạy bén cách mạng còn thiếu:
Trời hỡi đất! đêm nay hùng biết mấy!
Chúng giơ tay xin lấy phận đầu hàng.
(Thủ đô đêm 19)
Không đâu! “Phận đầu hàng” này đã làm sầy da, trớt trán cả dân tộc ta trong một cuộc chiến dài lâu vào bậc nhất trong lịch sử.
2. Cuộc kháng chiến bùng nổ, Chính phủ dời đô, “sắt lửa sổ lồng trên đất nước”. Xuân Diệu ba lô trên lưng, hăm hở bước vào một cuộc sinh hoạt mới. Ông cảm nhận được nhiều điều kỳ lạ, mà điều cơ bản nhất là cái vĩ đại của cuộc chiến tranh nhân dân và nhân dân sở dĩ vĩ đại vì họ lạc quan. Và nhà thơ tự rút ra quyết định phải tu dưỡng để có được niềm lạc quan ấy, cái mà ông gọi là “tính trời mới”…
Trong chín năm kháng chiến, Xuân Diệu có bốn tập thơ: Dưới sao vàng (in 1949), Sáng (gồm chủ yếu những bài về chỉnh huấn, in 1954), Mẹ con (thơ Phát động quần chúng, in 1954). Một số bài trong ba tập được rút ra in thành tập Ngôi sao (in 1955). Cảm hứng chủ đạo là niềm vui, một tinh thần lạc quan phơi phới.
Tuy nhiên, như tác giả tự phê bình, ở chặng thơ đầu trong kháng chiến, Xuân Diệu mới chỉ giác ngộ trên lý thuyết, mới là tự nhắc ra được khỏi một hệ thống chết mà vào một hệ thống sống. “Cái tâm trí của mình nó vẫn tự say mê mình là chính. Cho nên thơ thiếu thịt xương của cuộc đời”. Ở bài Xe đạp (viết xuân 1950) hồn thơ vẫn còn khô cạn, “khâu vá”:
Sớm nay ra khỏi U tì quốc
Một chiếc xe mau đạp giữa đàng
“U tì quốc” là Việt Bắc, là Thủ đô kháng chiến là nơi có Trung ương, có Bác Hồ hoạt động. Tâm hồn nhà thơ vẫn còn “U tì” như thế.
Từ năm 1951 chầm chậm nhóm lên một chặng thơ khác. Chỉnh huấn là một dịp để văn nghệ sĩ đứng trên lập trường Macxít xét lại mình, nó đưa tư tưởng vào dòng đúng. Kịp đến cải cách ruộng đất, nông dân vùng dậy lần lượt giành lấy quyền làm chủ nông thôn. Nhà thơ tắm mình trong phong trào, cùng ăn, cùng lao động, cùng đấu tranh với những người khổ cực nhất trong quần chúng. Lần đầu tiên trong thơ Xuân Diệu có những bà cụ mù lòa, những làng Còng, những chuyện về sức mạnh bần cố nông, về vai trò của rễ… Chùm thơ Mẹ con viết về những đề tài ấy đưa vào tập Ngôi sao là chùm thơ thành công hơn cả.
3. Cuộc kháng chiến thắng lợi. Nhà thơ cũng thắng lợi. Ông đã làm nhiệm vụ của người công dân bằng sở trường của người nghệ sĩ. Sống chan hòa trong sự nghiệp của nhân dân, ông đã quen được với “tính trời mới” để cùng nhân dân bắt tay vào xây dựng đất nước trong một bối cảnh mới. Ông lao động say mê, cứ một, hai năm lại có tác phẩm cho độc giả. Và người đọc, đáp lại, rất quan tâm đến thi sĩ của mình. Ông kể lại năm 1960, một chị cán bộ đã năm con, viết cho thi sĩ: “Đồng chí là người tôi rất mến. Tôi rất lo lắng, quan tâm đến lập trường tư tưởng trình độ chính trị và những vần thơ đồng chỉ sáng tác”. Một lần thi sĩ đi bình thơ, hai người đến nghe quay nhìn nhà thơ mà ngã xe đạp, “Họ ngã mà vẫn cứ cười như ngô nở… Nửa năm rồi mà tôi vẫn không quên”.
Xuân Diệu lại cũng được thỏa nguyện về ước mong tha thiết nhất của mọi người trí thức Việt Nam, cái ước mong xưa kia chỉ là ảo tưởng: ước mong được mở rộng tầm mắt ra thế giới, nhất là phương Tây. Nhà thơ đã được qua Pháp, Trung Quốc, Liên Xô, Hungari, Ấn Độ…
Xuân Diệu chỉ còn có việc ghi chép lại những xúc cảm chân tình, chúng đã nằm khoanh trong mạch tình cảm chung của nhân dân đối với chế độ, với Đảng, Bác Hồ, đồng bào, với miền Nam còn bị tách khỏi miền Bắc, và rộng ra với cả hệ thống xã hội chủ nghĩa, với bốn biển năm châu. Nhà thơ thường đối lập hiện tại vui tươi với quá khứ đau khổ.
a) Trong bài Lệ (tập Riêng chung) chủ đề là sự đối lập ý nghĩa của những giọt lệ trong hai chế độ. Trước kia, con người phải khóc nhiều lắm. Nhà thơ cũng ngậm ngùi:
Rách đau thương ở giữa bọn gian tà.
Nhìn dân chúng khổ vì đâu, chẳng biết!
Vũ trụ tưởng tàn, thế gian tưởng hết,
Không chỉ đôi ba người khóc. Cả thế giới khóc. Nói như Phật Tổ Như Lai:
Trái đất – ba phần tư nước mắt
Đi như giọt lệ giữa không trung.
Từ sau cuộc “đổi đời” cho cả dân tộc, Xuân Diệu thấy một nguồn lệ vui.
Thời kỳ sau chiến thắng, là thời kỳ mà vấn đề Riêng chung ở nhà thơ căn bản đã được giải quyết, mà Mũi Cà Mau của Tổ quốc rẽ sóng băng băng lướt tới, mà người với người thân ái Cầm tay nhau trong Một khối hồng.
b) Nhà thơ ca ngợi lao động vui tươi xây dựng của những người thợ, của một ông cụ trồng cây.
Ông không chỉ phấn khởi với đất nước mình, mà còn hồ hởi với những thành tựu kỳ diệu trên đất nước anh em. Liên Xô cắm được quốc huy lên mặt trăng, ông reo lên:
Bắt được Trăng rồi! – Trăng hỡi, bắt tay!
c) Trước bao đổi thay của cuộc đời và của chính bản thân, Xuân Diệu cũng như tất cả mọi người có lương tri và tâm hồn, không thể không xúc động về công ơn của Đảng và của Bác Hồ. Bài Gánh (XI – 1959) là bài thơ đầu của Xuân Diệu nói được cái lớn của Đảng, cái tạo nên sức mạnh Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Đảng đã:
Lấy dãy Trường Sơn làm đòn gánh,
Lấy hai mươi triệu làm một người,
Lấy bốn nghìn năm làm thế dựa,
Còn lãnh tụ là:
Kim tự tháp diệu kỳ trong vũ trụ,
Hồ Chí Minh là đỉnh sáng: ngôi sao,
d) Sống yên bình trên đất Bắc, Xuân Diệu luôn nghĩ tới miền Nam, nơi nhà thơ lớn lên trong nắng vàng giá biếc. Mũi Cà Mau có nhiều bài hơn cả về tấm lòng của Xuân Diệu đối với quê hương.
4. Mỹ phá hoại miền Bắc. Chiến tranh lan rộng khắp cả nước. Lịch sử chuyển giai đoạn. Trên đường thơ, Xuân Diệu như muốn cắm một cái mốc cho mình, soát lại hành lý để tiếp tục đi nữa.
Qua Hai đợt sóng chiến tranh, thấy Tôi giàu đôi mắt, và Hồn tôi đôi cánh, Xuân Diệu từ nay có những lời thơ thực sự là Thanh ca. Cái trẻ ấy ở Xuân Diệu như những quả sấu rất nhiều trên đại lộ:
Trái non như thách thức
Trăm thứ giặc, thứ sâu
Thách kẻ thù sự sống
Phá đời không dễ đâu
(Quả sấu non trên cao)
a) Kẻ thù của sự sống, ta nghĩ ngay đến đế quốc Mỹ. Quả là phá đời không dễ đâu.
Và đất nước Việt Nam vẫn tràn đầy ánh sáng. Đến gió cũng có hào quang. “Ánh sáng của làm lụng, thương yêu, học hành, xây cất”, “Ánh sáng của thời đại có Hồ Chí Minh, có Lênin vầng trán mệnh mông soi mãi tới trời”.
b) Đi trên đường lớn, Xuân Diệu hơn bao giờ hết là nhà thơ của cuộc đời, cuộc đời hàng ngày, cuộc đời cụ thể. Nói khác đi, Xuân Diệu là nhà thơ thời sự “cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu” với nhân dân, nhà thơ để tâm hồn rung động với tất cả những gì có thể làm rung động tâm hồn nhân dân. Lúc đầu là thời sự rộng lớn khái quát: “Ngọn quốc kỳ”, “Hội nghị non sông”, cuộc đổi đời. Ít lâu sau là vô vàn những chuyện cụ thể. Chuyện địa phương thì rừng Quỳ Châu, Hổ Ba Vì, hồ Suối Hai, vườn Thuận Vi, xã Thanh Nga, chuyện làm ăn thì nào là cốc bia vàng do Nhà máy rượu bia của ta sản xuất lần đầu, nào là công trình tòa nhà Bộ Công nghiệp nặng, với ba trăm cửa sổ “như nhiều lá phổi thở bao la”, đại sự thì từ Cao Lang tới Vĩnh Linh, Mỹ phải ngừng ném bom năm 1968, Hồ Chủ tịch qua đời, Đi giữa Sài Gòn lại nhớ Bác.
c) Ở giai đoạn sáng tác này, Xuân Diệu trở lại khá thường xuyên với loại thơ sở trường cố hữu của mình là thơ về tình yêu nam nữ, loại thơ gần như là duy nhất xưa kia của ông. Sau cách mạng, có nhiều cảm xúc mới mẻ mãnh liệt hơn nhiều lôi cuốn ông. Tuy vậy, cơn nghiện em, anh đôi lúc lại nổi lên. Ví như hồi đầu, trong không khí toàn tráng ca vẫn có xen cái giọng ái ân của đội nam nữ:
Em nói nhỏ: “hỡi người yêu dấu,
Hãy yêu em mãi mãi nghe anh?”
Say xưa anh cũng dặn tình:
“Yêu anh mãi mãi nghe! Mình yêu anh.”
(Mãi mãi)
Và sau khi đã giải quyết được cho mình vấn đề cơ bản nhất là vấn đề riêng chung để thỏa thuê ca ngợi cuộc sống mới, con người mới; sau khi đã dốc cạn nỗi niềm với miền quê hương, nhà thơ cho in ngay một tập thơ về tình: tập Cầm tay. Máu thanh niên vẫn dạt dào trong nhà thơ đã ngoại tứ tuần. Giọng thơ vẫn nồng thắm như xưa. Quan niệm về yêu đương cũng ít thay đổi. Thế giới yêu đương vẫn là thế giới của riêng hai người, của Anh và của Em, tuy hai mà là một:
Anh như quả trứng tươi ngời
Em là lòng đỏ, bồi hồi của Anh.
Tình yêu là tuyệt đối. Người yêu làm đẹp sáng tất cả. Mọi vật, mọi điều chỉ có nghĩa nếu có em.
Tình yêu vẫn là vô biên, tuyệt đích, vĩnh hằng.
Vẫn như trước, mà về lòng trân trọng đối với người yêu, về những biểu hiện trong cuộc sống hằng ngày, có khác chút ít với xưa. Vì cái lẽ vẫn là Xuân Diệu, một Xuân Diệu đã có ba nghìn ngày kháng chiến, đã có hơn mười tuổi Đảng, tuổi đời gấp đôi tuổi tác giả Thơ thơ.
Tình yêu ở Xuân Diệu chỉ là một phương diện của cuộc sống không phải là lẽ sống như xưa. Tình yêu lứa đôi làm cho tâm hồn phong phú đằm thắm hơn lên để người ta lao động, công tác có năng suất cao hơn:
Có em, nên mới là anh;
Có em, anh mới hai mình giàu thêm.
Thêm mình, vì có thêm em;
Mình thêm em nữa, cho nên thật mình.
Tình yêu mới này cùng loại với những mối tình của những nhà thơ cộng sản vĩ đại kiểu Aragông đối với Enxa.
5. Xuân Diệu, nhà viết bút ký, tiểu luận và phê bình văn học
a) Xuân Diệu viết bút ký và tiểu luận cũng nhiều như ông làm thơ, và song song với thơ. Ký là chất thơ ở Xuân Diệu diễn đạt bằng văn xuôi. Từ tháng 4 – 1945, nửa năm trước khi cách mạng thành công, ông đã có bài Việt Nam đại hội về lòng mong mỏi thống nhất của ba miền Bắc, Trung, Nam của Tổ quốc. Đến ngày lịch sử 2 – 9 – 1945, ông là người đầu tiên phát biểu cảm tưởng về ngày khai sinh cho chế độ, cũng như trong thơ, ông là một trong những người có cảm xúc đầu tiên về nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ông ghi những ý nghĩ chân thành như thế này: Đọc bản Tuyên ngôn “Chủ tịch đã đọc đôi chữ lắp đi lặp lại, đôi chữ líu níu nữa kia”. Nhưng đồng thời ông cũng nhận thức được ở Chủ tịch cái “giản dị, đơn sơ như viên ngọc vô giá không cần phải bọc bạc quấn vàng”.
Xuân Diệu có hàng chục cuốn bút ký, tiểu luận. Nội dung của chúng trải rộng trên những nội dung chính của thơ, tức là một mặt ca ngợi hạnh phúc được sống trong chế độ ưu việt, một mặt lên án những lực lượng phản động hoặc lạc hậu làm mờ đi cái huy hoàng của kỷ nguyên mới. Cứ điểm những tiêu đề của một tập bút ký nào đó thì thấy rõ. Trong Dao có mài mới sắc chẳng hạn (Nhà xuất bản Văn học, 1963) có những bài mà tư tưởng chủ đề được thâu tóm ngay trong các tiêu đề, trong tên các đề mục:
– Mười lăm năm sống trong chế độ
– Tháng Tám xã hội chủ nghĩa
– Trên miền Bắc mùa xuân
– Chào cái mới ngày càng nảy sinh và phát triển
– Mười ba tuổi tiếng nói Việt Nam
– Chúng nó đang thở ra cái chết.
b) Đặc biệt đáng chú ý là những tiểu luận, phê bình về thơ.
Xuân Diệu làm thơ, thơ bằng thơ và thơ bằng văn xuôi. Ông cho như thế vẫn chưa đủ. Chất thơ của đời phong phú đa dạng lắm, trong không gian và thời gian. Phải chiếm lĩnh cho nhiều mà trao lại cho đời. Chất thơ tràn đầy, nhưng không phải ai cũng thấy được, nắm bắt được để thưởng thức.
Phải chỉ cho thấy, phải dẫn cho hiểu, phải mách cho cách sáng tạo và hưởng thụ. Phải biết khai thác nguồn thơ tích tụ trong sự nghiệp của các thi hào lớn xưa và nay, thi hào dân tộc và thi hào nước ngoài.
Và để đạt mục đích làm cho chất thơ lan tỏa khắp nơi nơi như phấn thông vàng lộng lẫy trong rừng thông, Xuân Diệu đã tích cực hoạt động theo năm hướng chính:
Một là chân thành giúp đỡ, dìu dắt các nhà thơ lớp sau mình, các nhà thơ kế cận về nghề nghiệp, cả về các chuyện bếp núc trong nghề để họ chóng phổ biến được những rung động thơ ở họ. Điều cơ bản nhất ông khuyến họ là phải thành thực. Suy ngẫm về bản thân, ông thấy rằng đức tính quý nhất ở người cầm bút nói chung, ở nhà thơ nói riêng, là mình phải là mình. “Phải chân thực, văn thơ tức là người, người ở phần tinh vi nhất. Phải chân, nghĩa là mình có bao nhiều tâm hồn thì cho bấy nhiêu đừng gắng hơi, đừng cố mượn hơi ở người khác mà thôi cái bong bóng của mình. Là vàng, là bạc, là đồng, là thiếc hay là chì, chứ nhất định đừng là mạ vàng” (Trò chuyện với các bạn làm thơ trẻ, Nxb Văn học, 1961, tr. 23). Ông rất mến các nhà thơ trẻ, và đã từng “xin gửi muôn quý ngàn yêu đến cho những bạn trùng trùng lớp lớp làm thơ trẻ hiện nay”. (Chuyện rừng).
Hai là giới thiệu thơ của các phong trào thời quần chúng.
Nền văn học mới của ta là một nền văn học có tính nhân dân. Nhân dân được giải phóng có quyền nói lên tâm tư nguyện vọng của mình. Thơ ca, tiếng nói tâm tình của họ, là tiêu biểu hơn cả cho tâm hồn dân tộc, một phần tinh túy của nền thơ ca hiện đại. Xuân Diệu nâng niu cái phần tinh túy ấy và muốn góp phần gọt giũa cho thêm hay, thêm đẹp.
Ông giới thiệu Thơ bộ đội, Thơ trong chiến dịch sông Thao. Ông đọc một số ca dao kháng chiến của Bộ đội. Ông nói về Vè kháng chiến Bình Trị Thiên, về một số Thơ kháng chiến của công nhân. Những bài thơ được thưởng trong cuộc thi. Ông nghiên cứu Ca dao ở Việt Nam, Thơ với đấu tranh thống nhất, Mười lăm năm thơ Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Điều hết sức đặc biệt và rất đáng phấn khởi là trong nền thơ ca mới của chúng ta có cả sự đóng góp của các em thiếu nhi. Các em đem đến cho thơ cái hồn nhiên trong sáng của tâm hồn các em vừa mới mở vào cuộc đời. Các nhà thơ nhỏ tuổi này đã được “chú Xuân Diệu” săn đón mà chăm nom. Ông đã hân hoan giới thiệu thơ em Trần Đăng Khoa. Ông đã Trò chuyện với các em về tiếng Việt.
Điểm thơ quần chúng, Xuân Diệu bao giờ cũng khen nhiều, chê ít. Không phải vì thơ quần chúng toàn bích, mà chủ yếu vì ông thành thực quý trọng những bông hoa tình cảm của đông đảo những người chiến đấu, những người lao động mới được hưởng quyền lợi sáng tạo tinh thần do chế độ đem lại.
Ba là biểu dương cái hay, cái đẹp trong thơ của những nhà thơ ưu tú của thời đại. Những nhà thơ này đã có tiếng tăm từ lâu, có kỹ thuật điêu luyện, có tâm hồn nhạy cảm với cái ưu việt của chế độ. Thơ của họ là kết tinh những rung động tinh tế nhất của tâm hồn, là đối tượng thưởng thức của đông đảo độc giả, đối tượng nghiên cứu chính của các nhà phê bình. Xuân Diệu, vì là nhà thơ nên đồng cảm với họ hơn ai hết. Ông thấy có nhiệm vụ góp tiếng với giới phê bình mà gợi ý với độc giả một cách thẩm thơ gần nhất với thực chất của thơ.
Ông viết về Những bài thơ vùng mỏ của Huy Cận. Ông đọc Ánh sáng và phù sa của Chế Lan Viên. Ông giới thiệu Thơ ca kháng chiến của Tú Mỡ. Đặc biệt, ông say sưa ca ngợi thơ của Tố Hữu, lá cờ đầu của nền thơ ca hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đối với thơ Hồ Chủ tịch, ông cũng như động đảo bạn đọc và các nhà biết thưởng thức thơ tìm cảm thụ cho hết cái cao quý, vĩ đại của thơ Bác. Và ông đã rút ra được một kết luận có giá trị quy luật từ bài học về mấy tính cách chủ yếu của thơ Bác. “Đơn giản mà hay, đó là cái thơ lớn nhất” và “cô đọng mà nhẹ nhàng tức gọi là bài thơ hàm súc”. (Trò chuyện với các bạn làm thơ trẻ, NXB Văn học, 1961, tr. 17).
Bốn là cùng độc giả đi vào thế giới tâm tình của một số nhà thơ lớn dân tộc đã thuộc về quá khứ. Văn học như một dòng sông chảy không đứt quãng. Một nền văn học không thể không kế thừa và tiếp thu thành tựu văn học của những đời trước. Phải học xưa để biết nay; phải biết xưa để làm tốt nay. Giới thiệu những nhà thơ lớn có giá trị cổ điển, Xuân Diệu không chỉ giúp người đọc thưởng thức tinh vi hơn, mà còn cung cấp thêm kinh nghiệm sáng tác cho các bạn làm thơ trẻ. Nhằm mục đích ấy, ông giới thiệu Ba thi hào dân tộc: Nguyễn Du, một thiên tài “vẫn cứ hải đường mơn mởn cành tơ, vẫn cứ giọt sương trĩu nặng cành xuân la đà”; Nguyễn Trãi, nhà thơ mở đầu nền văn học cổ điển Việt Nam; Hồ Xuân Hương, một kỳ nữ trên thị đàn, một thi sĩ có “nhu cầu cấu xé, cắn phá, xé phá xã hội chưa được, thì Xuân Hương làm cho cảnh vật nhọn lên… Xuân Hương muốn một cái gì như thụi, như đánh”. Ông còn giới thiệu Tú Xương và Nguyễn Khuyến. Hai nhà thơ này chưa lùi xa lắm trong thời gian nhưng cũng đủ tháng năm để ổn định vị trí trong văn học “chiếc thuyền thả trong biển thời gian, lúc đầu mới hạ thủy, còn chao lên chao xuống, gió bão từng kỳ, làm chồng đi chành lại, cứ cho thăng trầm mỗi đợt là mất hai mươi năm đi, thì trải qua năm đợt hai mươi năm mà vẫn cứ giong lèo, giương buồm phơi phới như vậy là có thể nói rằng từ đây vào bất hủ được rồi” (Thơ văn Trần Tế Xương, NXB Văn học, 1970, tr . 8). Tú Xương được coi là một trong năm nhà thơ lớn bên cạnh “ba thi hào dân tộc” ông lớn, vì ông là một nhà thơ trào phúng trữ tình. Thơ ông như một chất axít đổ vào chế độ cũ “cắn cho nó nát ra, cháy đi”. Còn cái bất hủ của Nguyễn Khuyến là do nhà thơ “có phẩm chất rất cao quý” và có được những bài thơ về làng cảnh Việt Nam như bài Ao thu, một bài thơ “rất là đất nước nhà mình”.
Năm là dịch và giới thiệu một số nhà thơ lớn các nước. Từ sau chiến thắng Biên giới 1950, Việt Nam đã bẻ gãy sự phong tỏa của đế quốc mà tiếp xúc với bên ngoài. Đến sau chiến thắng Điện Biên Phủ, có hòa bình ở nửa đất nước thì sự giao lưu giữa dân tộc ta với các nước anh em, bè bạn, ngày càng rộng mở. Bản thân, Xuân Diệu cũng đã được đặt chân lên nhiều nước trong và ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa. Một mặt, sách báo, phim ảnh nước ngoài du nhập vào ta theo nguyên bản hoặc qua bản dịch ngày càng nhiều. Người đọc quen dần với những tư tưởng, tình cảm của các dân tộc khác. Theo quy luật thẩm thấu tư tưởng, tình cảm, chúng ta không khỏi có đổi thay và chuyển biến. Lấy tinh hoa nhân loại bồi bổ cho vốn văn hóa nước mình, khiến tâm hồn dân tộc được phong phú, tế nhị thêm là một nhu cầu không thể coi nhẹ.
Trong mấy chục năm kháng chiến, việc tiếp xúc với bạn bè bị hạn chế, trình độ ngoại ngữ số đông còn thấp. Vì thế, công tác dịch thuật trở thành một trong những công tác được khuyến khích và coi trọng.
Nhưng dịch là diệt. Dịch văn xuôi đã khó. Dịch thơ mà lại dịch qua một bản dịch lại càng phức tạp và khó khăn hơn. Dù vậy, tâm đắc với chất thơ của nhân loại, Xuân Diệu đã để công tìm kiếm mà giới thiệu nhiều bông hoa thắm trong vườn hoa thơ ca nhân loại, vừa làm công việc một nhà thơ tri kỉ, vừa làm công việc một nhà phổ biến văn học.
Ông chú ý đến thơ Xô-viết, nền thơ tiên tiến hơn cả, và trước tiên là bản trường ca của Maiacôpxki về vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản: V.I. Lênin. Ông dịch Puskin, Exênhin, Ximônốp, Lôkunhin, Đônmatôxki, Eptusenkô… Ông dịch thơ Hungari, Bungari, thơ Cuba, thơ R. Tago (Ấn Độ), thơ Pháp…
Ông muốn tạo cái phông văn học thế giới để đặt lên đó nền thơ hiện đại Việt Nam.
Nguyễn Trác
Xem thêm: Thơ Xuân Diệu thời kỳ trước cách mạng Tháng Tám