Trong vòng khoảng ba mươi năm trở lại đây, cùng với trào lưu đổi mới, trong văn học Việt Nam đã xuất hiện những hiện tượng “giải thiêng”, nhìn lại cho đúng một thời kỳ, một sự kiện hay một nhân vật lịch sử, trả mọi thứ về với bản lai diện mục của nó. Có thể kể đến Nguyễn Huy Thiệp là người đi tiên phong trong việc “giải thiêng” với những truyện ngắn như “Kiếm sắc”, “Vàng lửa”, “Phẩm tiết”, hay Dương Thu Hương với tác phẩm “Những thiên đường mù”, Nguyễn Quang Lập với “Những mảnh đời đen trắng”. Nhà văn lão thành Tô Hoài cũng có tác phẩm hồi ký “Cát bụi chân ai”, tiểu thuyết “Ba người khác” mang ý nghĩa “giải thiêng”, gây được sự chú ý trong bạn đọc. Có thể nói trong mấy chục năm trở lại đây, công chúng quan tâm đến văn học Việt Nam không xa lạ gì với những tác phẩm “giải thiêng”. Những tác phẩm này cũng được in ấn, xuất bản rộng rãi, chứng tỏ một tư duy đổi mới và tiếp nhận sự thật, nhìn thẳng vào sự thật của mọi tầng lớp người trong xã hội, từ nhà lãnh đạo cho đến người dân thường.

“Giải thiêng” trong văn chương là điều cần thiết vì văn học bằng những hình tượng của mình có thể chuyển tải nhiều ý nghĩa, mà đôi khi sự tác động của chúng còn mạnh mẽ và lan tỏa hơn những câu chuyện thực tế, đến được với đông đảo công chúng hơn, qua đó thấy được tư duy, nhân cách và tài năng của người cầm bút. Đặc biệt, trào lưu “giải thiêng” những nhân vật có thật trong lịch sử dường như chiếm vai trò chủ đạo trong những cuốn tiểu thuyết lịch sử. Có thể kể đến “Sông Côn mùa lũ” của Nguyễn Mộng Giác viết về vua Quang Trung; bộ ba tác phẩm “Hồ Quý Ly”, “Mẫu Thượng Ngàn”, “Đội gạo lên chùa” của Nguyễn Xuân Khánh, “Giàn thiêu” của Võ Thị Hảo, “Nguyễn Du, thông reo ngàn Hống” của Nguyễn Thế Quang, “Sương mù tháng Giêng” của Uông Triều… Những nhân vật lịch sử dưới ngòi bút hư cấu của nhà văn hiện lên với đầy đủ những ái, ố, hỉ, nộ đời thường, giúp cho hình tượng của họ sống động hơn, người hơn và gần gũi với nhân dân hơn.

Đó là trong văn học, còn trong lịch sử thì sao? Quá trình nghiên cứu lịch sử ở nước ta những năm gần đây đã làm sáng tỏ và phục dựng lại, nhìn nhận lại vai trò của nhà Hồ, nhà Mạc, nhà Nguyễn, đánh giá đúng vai trò của các nhân vật có thật trong lịch sử. Tất nhiên, để có những nhận định đánh giá mới, không như các nhà văn có thể sáng tạo, các nhà sử học phải đưa ra những minh chứng cụ thể, những văn bản giấy tờ có sức thuyết phục để làm sáng tỏ nhận định của mình. Thiết nghĩ, đây là một công việc khoa học nghiêm túc và khó khăn trên con đường đi tìm lại diện mạo đích thực của lịch sử. Chính vì thế, chúng ta thấy xuất hiện nhiều hội thảo quy mô, nhiều cuốn sách khảo cứu nghiêm túc về lịch sử với sự nhìn nhận, đánh giá mới.

Cũng vì thế, làm khoa học, nhất là làm về khoa học lịch sử là việc không dễ dàng. Thời gian gần đây cũng có một số hiện tượng nhìn nhận, đánh giá lại các nhân vật trong lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên vẫn còn quá ít những khảo chứng khoa học, mà dường như phần nhiều chỉ là những lời truyền miệng, rỉ tai những lời bàn khi trà dư tửu hậu, bên bàn rượu của một số nhà văn, nhà thơ, giáo sư đại học nổi tiếng. Nhiều người trong số họ hoàn toàn thừa khả năng nghiên cứu và có đủ uy tín khoa học để tiếng nói của họ có trọng lượng đối với công chúng. Tiếc thay họ lại quá dễ dãi khi bàn những vấn đề lịch sử nghiêm túc. Công chúng mong chờ những tiếng nói phản biện xác đáng, có lý lẽ, có minh chứng cụ thể, có sức thuyết phục người đọc, chứ không phải chỉ là những nhận định vu vơ trên mạng xã hội hay là những lời bình luận không căn cứ vào tư liệu lịch sử, vào nhân chứng cùng thời.

Nên nhớ rằng văn học không phải là lịch sử. Văn học có thể hư cấu, còn lịch sử thì không, bởi vì lịch sử được ghi chép lại, có nhân chứng, bằng chứng. Trong khoa học, tối kỵ nhất là những điều “nghe nói vậy”. Khoa học cần sự minh xác, cần bằng chứng, cần chân lý. Muốn như vậy thì phải khảo cứu, phải làm việc nghiêm túc hết mình, xác định rõ ràng trước khi công bố những tư liệu lịch sử mới cho công chúng, thay vì những phát ngôn suông.

“Giải thiêng” đụng chạm đến một vấn đề cốt lõi của lịch sử, cũng là vấn đề gây tốn bao giấy mực của các sử gia từ Đông sang Tây. Đó là vai trò của cá nhân trong lịch sử. Qua bao thời đại, chưa có câu trả lời nào xác đáng. Người ta đã vận dụng quyết định luận, cá nhân luận để bình phẩm về vấn đề này. Nhiều thắc mắc được đặt ra: La Mã sẽ ra sao nếu không có Julius Caesar? Sẽ không có đế chế Mông Cổ hùng mạnh một thời nếu không có Thành Cát Tư Hãn? Bản đồ châu Âu liệu có như ngày nay không nếu không có sự xuất hiện của Napoléon Bonaparte? Trung Quốc sẽ như thế nào nếu không có Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình?

Theo những nghiên cứu lịch sử truyền thống từ thời xa xưa, các sử gia phong kiến phương Đông đề cao vai trò của cá nhân, đặc biệt là những cá nhân thuộc giai cấp trên của xã hội. Với quan niệm phong kiến phương Đông thì vua chúa và sau đó đến các quan lại là những người trực tiếp làm ra lịch sử. Sử gia là mệnh quan triều đình, ghi chép lịch sử theo cái nhìn của tầng lớp thống trị xã hội. Do vậy, chính sử được truyền lại cho đời sau theo các nhìn của tầng lớp trên, và đương nhiên là tầng lớp trên được đề cao. Trần Khánh Dư từng nói với vua Trần Anh Tông: “Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?”. Xã hội phương Đông thời kỳ phong kiến chủ yếu là chế độ tập quyền, thế nên vai trò của thiên tử càng được đề cao. Vai trò ấy gắn liền với sự thịnh suy của đất nước. Vua sáng luôn đi kèm với tôi hiền. Triều đại suy vi vì hôn quân, vì gian thần. “Sử ký” của Tư Mã Thiên được xem là tiêu biểu cho lối viết sử này.

Sử gia phương Tây ngay từ thời cổ đại cũng rất đề cao vai trò của cá nhân. Ngay từ thời cổ đại Hy Lạp, sử gia Plutarch đã để lại những ghi chép về những nhân vật nổi tiếng. Trong lời giới thiệu tác phẩm “Gương danh nhân” (hay “Những cuộc đời song hành”) của Plutarch có viết như sau: “Việc nghiên cứu và phán xử về những cuộc đời luôn luôn giữ vai trò quan trọng trong tư duy của Plutarch. Trước Plutarch đã có những sử gia để lại những tác phẩm về lịch sử Hy Lạp và La mã như Herodote, Thucydide, Xenophone, Tacitus và cả Caesar nhưng Plutarch viết tác phẩm của mình theo một phong cách rất riêng. Những tác phẩm của ông đã mở đầu cho nền văn học truyện ký. Đó vừa là một tác phẩm sử học, lại vừa là một tác phẩm văn học. Ông tuyên bố rằng dự định của ông không phải viết một cuốn sử biên niên về những sự kiện lịch sử mà là đánh giá tính cách và thành tựu của những con người vĩ đại để làm những bài học cho cuộc sống.”

Các sử gia phương Tây cho rằng cá nhân có thể làm thay đổi vận mệnh của lịch sử. Để ca tụng nữ hoàng Ai Cập Cleopatre, nhà toán học kiêm triết gia người Pháp vào thế kỷ XVII Blaise Pascal đã viết trong tác phẩm “Pensées” (Tư tưởng): “Bộ mặt của thế giới chắc đã thay đổi nếu cái mũi của Cleopatre chỉ ngắn lại một chút”. Tuy nhiên, cách nhìn nhận về vai trò của cá nhân có phần khác với phương Đông thời kỳ phong kiến. Cái khác đấy là ở chế độ dân chủ có mầm mống từ rất sớm ở xã hội phương Tây, từ thời thành bang Hy Lạp đến nghị viện La Mã. Thêm vào đó là chế độ phong kiến phân quyền khá phổ biến trong lịch sử nhiều quốc gia châu Âu. Cho nên vai trò của vua chúa dù được ghi nhận, nhưng những tiểu sử vương công quý tộc, anh hùng, danh nhân văn hóa, khoa học… cũng được các sử gia cẩn thận chép lại cho đời sau. Tính chất phê phán cá nhân cũng biểu hiện rõ nét hơn các sử gia phương Đông.

Cũng cần phải nói thêm là sử gia phong kiến phương Đông luôn là những mệnh quan trong triều đình. Còn sử gia phương Tây thì khác hơn. Có thể họ cũng là quan chức, nhưng cũng có thể là những sử gia độc lập. Cách nhìn nhận về lịch sử của họ do vậy có thể mang tính khách quan hơn, không chịu sự chi phối của quan niệm chính thống như ở phương Đông. Nhưng đi kèm theo tính khách quan đó thì tư tưởng chủ quan của người viết sử lại hiển thị rõ nét hơn. Cùng một nhân vật, cùng một sự kiện lịch sử có thể có nhiều cách đánh giá, nhìn nhận khác nhau, dưới nhiều góc độ khác nhau.

Ở Việt Nam hiện nay, giới sử học cho rằng quan niệm về vai trò cá nhân trong lịch sử được xem xét dưới cái nhìn của Karl Marx. Vai trò của cá nhân được thừa nhận nhưng luôn gắn trong mối tương quan với quần chúng nhân dân. Ở Việt Nam có những cuốn tiểu sử ghi lại những dấu ấn lịch sử, những chiến công oai hùng của dân tộc dưới dạng những cuốn hồi ký như một loại sách hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đại tướng Lê Trọng Tấn, thượng tướng Phùng Thế Tài, thiếu tướng Nguyễn Chuông v.v… có thể được xem là những cuốn sách vừa đảm bảo yếu tố chân thực của lịch sử, vừa cung cấp cho người đọc những sự kiện ít người biết đến, những góc khuất của lịch sử, và từ đó ít nhiều cũng mang ý nghĩa “giải thiêng”.

Một cá nhân có danh trong lịch sử, nhìn từ nhiều góc độ khác nhau bao giờ cũng rất thú vị, bởi vì bản thân họ luôn là những tính cách đặc biệt với bộ óc hơn người. Những sự kiện lịch sử còn bị ẩn giấu, che khuất sau lớp bụi thời gian bao giờ cũng thu hút sự chú ý của công chúng. Vì vậy, vấn đề “giải thiêng” luôn là vấn đề cần được đặt ra, cần được thực hiện với một sự minh xác, công tâm và khoa học, nếu không sẽ rơi vào chiều hướng cực đoan ngược lại, phủ nhận tất cả công lao của các bậc tiền nhân. Lịch sử là khoa học, lịch sử cần cái nhìn trung thực và thẳng thắn, cần những công trình nghiên cứu nghiêm túc, hơn là những lời đồn đại, truyền khẩu không phân định đúng sai.

Hà Thanh Vân