Xuất hiện vào thập niên đầu thế kỷ XX, trường phái Hình thức Nga (do một nhóm sinh viên tiến hành) đã tập trung tra vấn về “tính văn chương”. Theo họ, phê bình văn chương là tìm cách trả lời câu hỏi: “Một ngôn ngữ thông thường trở thành ngôn ngữ văn chương như thế nào”? Và họ tuyên bố: Ý nghĩa và tác động của văn chương nhiều khi không nằm ở thông điệp. Căn cứ quan trọng của trường phái này là khả năng “lạ hóa” của ngôn ngữ văn chương. Đọc văn chương là đi tìm sự “lạ hóa” qua “thủ pháp” và “chủ âm” của văn bản, của nhà văn.

Ngay từ khi xuất hiện, Nguyễn Ngọc Tư đã thể hiện rõ khả năng “lạ hóa” ngôn ngữ trong tác phẩm của mình. Cách kể, mạch kể, giọng kể của chị cho đến nay là hoàn toàn riêng biệt, hết sức độc đáo, không trùng lẫn một ai và rất khó bắt chước.

Sau hàng loạt truyện ngắn tương đối nhẹ nhàng, Nguyễn Ngọc Tư gây shock công chúng với “Cánh đồng bất tận”. Một số người viết văn và thẩm văn tinh tế mà cũng phản ứng. Vì sao? Có phải thực tế đời sống chúng ta không đến nỗi như những gì Nguyễn Ngọc Tư viết? Hầu hết người đọc đều bảo là không. Thực tế kinh khủng hơn nhiều. Chúng ta đọc thấy hàng ngày trên báo chí đấy thôi. Nhưng vì sao “Cánh đồng bất tận” lay động chúng ta đến thế? Đó là hiệu ứng đặc biệt mà văn chương, nghệ thuật mới có khả năng mang lại. Nếu báo chí làm chúng ta từng ngày quen với cái ác và đến một lúc nào đó thấy nó bình thường, thì văn chương ngược lại, nó lay tỉnh chúng ta, buộc chúng ta phải nhìn thấu vào hiện trạng và thao thức.

“Cánh đồng bất tận” đã làm được điều ấy trong một số chữ tinh gọn, tràn đầy nghệ thuật, với những thủ pháp và chủ âm tưởng chừng dân dã, nhưng vô cùng hiện đại.

Nhiều tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư lần lượt ra đời, và có những người sốt ruột nói: Cô ấy không có gì mới nữa. Cái mới họ mong hình như là cốt truyện. Tôi thì thấy mình chưa bao giờ chán đọc Nguyễn Ngọc Tư. Cứ mỗi lần đọc lại một lần ngạc nhiên. Như “Cố định một đám mây”, tập truyện ngắn mới nhất của nàng. Trời ơi, ngay cái tên cũng đã lạ rồi. Còn mạch văn thì khỏi nói. Tôi nhấm nháp từng câu một, rồi bị Nàng dẫn dụ đi miết không biết mình đã đến bến sông, con lạch nào, ngơ ngác đứng trông trời đất, hoang mang giữa nỗi buồn thấm đẫm tình thương và lòng trắc ẩn. Đọc văn, đọc thơ của nhiều người tôi có thể đoán ra câu/ ý tiếp theo, nhưng đọc Nguyễn Ngọc Tư thì tôi chịu. Nàng “lạ hóa” đến tận cùng, trong mê cung của câu chữ (chứ không phải mê cung của sự kiện), mà chữ nghĩa của Nàng có làm dáng, cầu kỳ, mỹ lệ, véo von gì đâu?. Mượn mô thức “trục” của Jakobson (một trong những nhà Hình thức Nga), mà nhìn cách viết của Nguyễn Ngọc Tư, thì hình như Nàng quá kỳ tài ở khâu “kết hợp”. Nhưng những kết hợp kỳ tài này lại không toát ra vẻ nhân tạo của thuật “thôi xao”. Chúng sống động như cái đầu vốn “tâm viên ý mã”, cái dòng ý nghĩ vốn “từ tôi phút trước sang tôi phút này”, cái nhịp cảm xúc vốn chuyển động từng sát na của con người. Có phải thế không? Và từ mình, từ thấu hiểu cộng đồng mình, qua cách viết, Nguyễn Ngọc Tư nói với chúng ta rằng: Chúng tôi như thế đấy. Rất lạ. Đừng tưởng là dễ khám phá và hiểu nhầm chúng tôi. Bởi quý vị đã quen với các khuôn thước vốn có, với con người văn hóa vốn có, quý vị không hiểu được cái bí ẩn to lớn của con người tự nhiên, và sức sống của Tự nhiên chính là dòng chảy bất tận trong dung dị, hài hòa, quảng đại…

Nguyễn Thị Thanh Xuân