Những tác phẩm tiểu thuyết quốc ngữ Nam Bộ ra đời cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX chính là những tác phẩm mở đầu cho khuynh hướng hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam. Nhận định này hiện nay đã được sự đồng tình của hầu hết những nhà nghiên cứu văn học. Những đóng góp của tiểu thuyết quốc ngữ Nam Bộ cho nền văn học Việt Nam trong tiến trình hiện đại hóa cũng đã được nhiều nhà nghiên cứu lưu tâm và bước đầu đã đi đến một số kết luận khoa học cơ bản. Các công trình “Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865 – 1930” (1), “Những bước đầu của báo chí, tiểu thuyết và thơ mới (1865 – 1932)”(2), “Tiểu thuyết quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX” (3) đều thống nhất cho rằng văn học quốc ngữ Việt Nam đã có sự khởi đầu từ mảnh đất Sài Gòn – Nam Bộ. Đây là nơi xuất hiện tờ báo quốc ngữ đầu tiên, tiểu thuyết đầu tiên, bài thơ mới đầu tiên, cuộc thi sáng tác truyện đầu tiên (4).

Cũng đã có những quan tâm đến việc so sánh giữa tiểu thuyết miền Nam và miền Bắc trong giai đoạn này. Năm 1944, Trường Sơn Chí Ung Ngọc Ky và Bằng Giang đã bắt tay vào công việc gom góp tư liệu để soạn thảo một cuốn sách về văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ. Trường Sơn Chí Ung Ngọc Ky đã cho đăng bài viết “Những luồng sóng văn học trên đất Việt” trên tuần báo “Thanh niên” khẳng định “Bây giờ luồng sóng quốc ngữ lại đi ngược từ Nam ra Bắc” (5). “Việt Nam văn học sử giản ước tân biên của Phạm Thế Ngũ”, ở tập III, phần “Văn học hiện đại 1862 – 1945”, tác giả đã dành chương V để viết về sự hình thành của tiểu thuyết mới với sự khảo cứu các nhà văn đi tiên phong ở miền Bắc và miền Nam (6). Nguyễn Văn Xuân trong tác phẩm “Khi những lưu dân trở lại” (1969), sau in lại trong “Tuyển tập Nguyễn Văn Xuâ”n, tuy vẫn có những sai sót về mặt tư liệu (tên của các nhà văn Lê Hoằng Mưu viết thành Lý Hoằng Mưu, Tân Dân Tử viết là Tân Dân), nhưng ông đã đặt ra một câu hỏi xác đáng: “Tại sao nhắc đến tiểu thuyết phôi thai lại không để tâm nghiên cứu những tác giả miền Nam vào đầu thế kỷ… những tác giả đã thành công lớn ở miền Nam khi chính miền Bắc nhiều người chưa biết tiểu thuyết là gì?” (7). Và cũng có những so sánh tương quan giữa những tác phẩm tiểu thuyết quốc ngữ Nam Bộ với hai nguồn ảnh hưởng lớn là những tác phẩm tiểu thuyết của hai nền văn học Trung Quốc và văn học Pháp, trong đó đáng chú ý là công trình “Văn học Nam Bộ từ đầu đến giữa thế kỷ XX (1900 – 1954)” của Hoài Anh, Thành Nguyên, Hồ Sĩ Hiệp (8) và luận án tiến sĩ “Sự hình thành và vận động của thể loại tiểu thuyết văn xuôi tiếng Việt ở Nam Bộ giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1932” của Tôn Thất Dụng (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 1993).

Tuy nhiên nếu đặt tiểu thuyết quốc ngữ Nam Bộ trong mối tương quan với văn học Trung Quốc và văn học Pháp thì chúng ta sẽ thấy rõ việc so sánh ảnh hưởng là không thể tránh khỏi và đi đến việc thừa nhận một thực tế là trong nhiều năm, văn học Việt Nam nói chung và tiểu thuyết quốc ngữ Nam Bộ nói riêng luôn đóng vai trò là một nền văn học tiếp nhận, cho dù sự tiếp nhận có thể đã được Việt hóa sâu sắc.

Nếu đặt tiểu thuyết quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX trong một mối tương quan khác, thì có thể quá trình nghiên cứu về dòng tiểu thuyết này sẽ có những hướng tiếp cận mới hơn. Cụ thể nên đặt sự phát triển của tiểu thuyết quốc ngữ Nam Bộ trong mối tương quan với tiểu thuyết của các nước Đông Nam Á trong thời kỳ này. Đây cũng là một vấn đề còn chưa được chú ý đến trong các công trình nghiên cứu tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Từ đó chúng ta có thể tìm hiểu những vấn đề cụ thể như so sánh những đặc điểm lịch sử xã hội, thời điểm ra đời của những cuốn tiểu thuyết đầu tiên ở mỗi nước, những khía cạnh nội dung, nghệ thuật của tác phẩm, đội ngũ sáng tác… và có thể nhìn nhận vị trí của tiểu thuyết quốc ngữ Nam Bộ trong bối cảnh của những nước có sự phát triển văn học tương đối tương đồng với Việt Nam trên nhiều phương diện.

1. Khởi đầu từ những đặc điểm lịch sử, xã hội tương đồng…

Sự hiện đại hóa văn học ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á, ngoài những nguyên nhân nội tại, còn xuất phát từ một thực tế là sự tiếp xúc, giao lưu với những nền văn hóa khác, dù là dưới hình thức tự nguyện hay bắt buộc, cũng đều góp phần thúc đẩy tiến trình này. Nếu như những ảnh hưởng từ Ấn Độ và Trung Quốc (riêng đối với trường hợp của Việt Nam) trong suốt thời cổ và trung đại đã góp phần làm rực rỡ thêm những thành tựu của văn học Đông Nam Á, thì có thể nói chính cuộc xâm lược của các nước phương Tây đã khiến cho văn học các nước Đông Nam Á bước vào một thời kỳ mới, tạm gọi là thời kỳ “chịu sự tác động văn hóa lần thứ hai”. Sớm nhất là Philippines khi thực dân Tây Ban Nha xâm lược đất nước này vào thế kỷ XVI. Tiếp đó là sự xâm lược hàng loạt của các nước phương Tây vào thế kỷ XIX, XX như Hà Lan xâm lược Indonesia, Pháp xâm lược Việt Nam, Lào, Cambodia, Anh xâm lược Myanmar và đặt ảnh hưởng của mình lên Thái Lan… Có những dân tộc, đất nước thậm chí đã không sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, đổi theo họ tên của những người đi xâm lược và không còn theo tôn giáo bản địa như Philippines. Các trí thức của các nước Đông Nam Á thời kỳ này vốn được đào tạo để phục vụ chế độ thực dân, nhưng chính họ đã góp phần truyền bá văn hóa, văn học phương Tây và ở một chừng mực nào đó họ chính là những người mở đường, những người đi tiên phong, có công khai sáng nền văn học hiện đại ở nước họ.

Sự ra đời của báo chí, nhà in và cả những trường học theo mô hình giáo dục phương Tây, trong đó văn hóa, ngôn ngữ phương Tây được chú ý truyền dạy cũng là một động lực thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa văn học.

Thông thường nhà in theo kiểu phương Tây ra đời xuất phát từ nhu cầu in ấn giấy tờ phục vụ việc cai trị, sau dần có thêm vai trò in báo, sách. Sự tham gia của tư nhân vào việc mở nhà in ngày càng nhiều cũng là một động lực thúc đẩy nền học phát triển. Nhiều nhà văn đã tự đứng ra in sách, bán sách. Ở Nam Bộ, nhiều tên nhà in đã đi vào lòng độc giả như nhà in Imp. De l’Union, nhà in Bảo Tồn, nhà in Đức Lưu Phương, nhà in Xưa Nay… Ở Indonesia, trong những năm 20 của thế kỷ XX, vai trò của một tổ chức văn học, đồng thời cũng là một nhà xuất bản (Balai Pustaka) nổi bật đến nỗi nhiều nhà nghiên cứu văn học đã lấy tên của nhà xuất bản để gọi văn học giai đoạn này là “giai đoạn Balai Pustaka”. Chỉ riêng từ năm 1918 đến năm 1941, Balai Pustaka đã xuất bản gần 2.000 cuốn sách bằng các thứ tiếng khác nhau.

Vai trò của báo chí đối với văn học trong thời kỳ này là một vai trò có tính chất đỡ đầu, là bà đỡ cho những tác phẩm văn học ra đời. Khởi thủy là những bài viết ngắn dưới dạng những câu chuyện được thuật lại, kể lại, sau đó là những đoạn văn dịch từ tác phẩm văn học nước ngoài, có thể đăng dài hay ngắn kỳ, sau đó nữa là những tác phẩm thơ ca, đoản thiên hay trường thiên tiểu thuyết của chính những tác giả bản địa sáng tác được đăng tải trên mặt báo. Đây cũng là đặc điểm chung của văn học các nước Đông Nam Á.

Ở Nam Bộ lúc bấy giờ có những tờ báo nổi bật như “Nông cổ mín đàm”, “Lục tỉnh tân văn”, “Công luận báo” thu hút nhiều độc giả nhờ vào nội dung hay, hấp dẫn, đội ngũ làm báo, chủ báo cũng đều là những người có uy tín trong trường văn bút… Ở các nước láng giềng Đông Nam Á, tình hình báo chí hoạt động cũng rất sôi nổi. Ở một số nước như Thái Lan, Philippines, Myanmar, sự phát triển của báo chí viết bằng các ngôn ngữ phương Tây cũng rất đáng kể và chính điều này làm cho các tác giả của họ không chỉ sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ để sáng tác mà còn sử dụng cả ngôn ngữ phương Tây. Tờ báo tiếng Tây Ban Nha đầu tiên được xuất bản ở Philippines tại thành phố Cebu là tờ “El Boletin de Cebu City” vào năm 1886. Nhà văn Philippines José Rizal (1861 – 1896) đã dùng tiếng Tây Ban Nha để sáng tác hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của mình là “Đừng chạm vào tôi’ (Noli Me Tangere, năm 1887) và “Hải tặc’ (El Filibusterismo, năm 1891).

Năm 1863, một nghị định của chính quyền thực dân tại Tây Ban Nha đã quy định một nền giáo dục phổ thông theo kiểu Tây Ban Nha, trong đó việc học ngôn ngữ Tây Ban Nha là miễn phí, góp phần thúc đẩy một nền văn học viết bằng tiếng Tây Ban Nha ở Philippines.

Năm 1901, đến lượt tiếng Anh được đưa vào giáo dục trong nhà trường. Trước tiên là ở trường Đại học Silliman và nhà trường phổ thông Philippines (PNS). Đến năm 1908, trường Đại học Philippines giảng dạy bằng tiếng Anh. Một loạt những tờ báo tiếng Anh ra đời như tờ “Daily Bulletin” (1900), “The Cablenews” (1902), “The Philippines Free Press” (1905). Cũng trong mười năm đầu thế kỷ XX và hai thập niên tiếp theo, đã chứng kiến sự bùng nổ của báo chí tiếng Anh ở Philippines và đến năm 1915 thì tiếng Anh được sử dụng trên hầu hết các báo địa phương của Philippines. Một số tờ báo lớn như ‘Philippines Herald’ (1920), “Philippines Education Magazine” (1924, đến năm 1928 đổi tên thành “Philippines Magazine”, và sau đó muộn hơn là những tờ như “Manila Tribune”, “Graphic”, ‘Woman’s Outlook”, “Woman’s Home Journal” được xem là bà đỡ cho ngôn ngữ văn học được viết bằng tiếng Anh. Cùng với sự phát triển của báo chí, nền văn học viết của Philippines bắt đầu phát triển với sự xuất hiện của đông đảo các nhà văn. Năm 1925, Hội Nhà văn Philippines ra đời, là một tổ chức quy tụ nhiều tên tuổi lớn của văn học Philippines thời bấy giờ. Từ thời điểm đó văn học Philippines được xem như đã hòa nhập hoàn toàn vào quỹ đạo phát triển chung của văn học thế giới.

Tại Myanmar, thời điểm văn học hiện đại chính thức ra đời vào thập niên 20 của thế kỷ XX. Khi ấy chủ nghĩa quốc gia cùng với ảnh hưởng của văn học phương Tây đã đóng vai trò quyết định khiến cho các tác giả Myanmar chuyển sang viết tiểu thuyết, truyện ngắn và làm thơ theo kiểu mới. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Myanmar ra đời sớm hơn, vào năm 1904, là cuốn “Maung Yin Maung Ma Me Ma” của U Hla Gyaw sáng tác dưới ảnh hưởng của tiểu thuyết Bá tước Monte Cristo của Alexandre Dumas. Trong suốt thập niên 20 và 30, những cuốn tạp chí văn học như “Dagon” và “Ganda Lawka” đã đóng vai trò đỡ đầu cho nhiều nhà văn trẻ Myanmar, thường xuyên đăng những tiểu thuyết dài kỳ trước khi xuất bản thành sách.

Rõ ràng sự tiếp xúc với văn hóa phương Tây đã mang đến cho văn học các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam những thể loại mới. Đó là thơ mới theo kiểu phương Tây đã thay thế dần thơ ca truyền thống, hay đó là tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch… vốn là những thể loại của văn học phương Tây đã du nhập dưới hình thức học tập theo cách viết hay phóng tác và nhanh chóng thu hút sự quan tâm của độc giả. Bản thân công chúng cũng có sự biến chuyển dần trong thị hiếu. Nếu như trước đây họ thường thích đọc và nghe kể những tác phẩm văn học truyền thống thì nay họ lại quen với việc thưởng thức những tác phẩm văn học mới. Nguyễn Bửu Tài là giáo viên trí sự ở Bến Tre viết trong “Tiểu dẫn” in ở đầu tác phẩm “Tam yên di hậ”n của Nguyễn Văn Vinh: “Thời đại nầy tiểu thuyết ra rất nhiều, vì xã hội kim thời phần đông quốc dân ưa tiểu thuyết” (9). Hình ảnh nhà văn Sơn Vương ngồi bán chính những tác phẩm của mình trên vỉa hè đường De La Some (ngày nay là đường Hàm Nghi của TPHCM) là một minh chứng cho việc xuất hiện những nhà văn cầm bút viết để đáp ứng cho nhu cầu của độc giả bình dân.

2. Cho đến đội ngũ những người cầm bút và quan niệm sáng tác của họ.

Vốn đã có những đô thị cổ tập trung khá đông dân, nhưng cho đến khi người phương Tây xâm lược, bắt tay vào việc khai thác thuộc địa, thì ở các nước Đông Nam Á mới hình thành những đô thị theo kiểu phương Tây. Cùng với việc hình thành những đô thị là việc xây dựng bộ máy quản lý hành chính, hệ thống luật pháp, và quan trọng hơn cả là việc hình thành một đội ngũ thị dân. Một tầng lớp bản xứ thượng lưu được hình thành, một phần là từ những người vốn thuộc đẳng cấp quý tộc, địa chủ, thương gia bản địa, nay đã phương Tây hóa, một phần là từ những người được chính quyền thuộc địa đào tạo, ra phục vụ cho chính quyền thuộc địa. Nhiều người trong số họ du học ở ngoại quốc, thành thạo ngôn ngữ phương Tây. Nghề nghiệp của họ rất đa dạng, có thể là công chức, là bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, quan cai trị, thậm chí là người đứng đầu quốc gia… Những tác giả Nam Bộ như Biến Ngũ Nhy vốn là “lương y bổn quốc”, tức là y sĩ, Hồ Biểu Chánh từng xuất thân tri huyện, rồi chủ quận, nghị viên, phó đốc lý. Tại Thailand, việc canh tân văn học xuất phát từ tầng lớp trên trong xã hội. Vua Rama V (1853 – 1910) và vua Rama VI (1881 – 1925) được xem là những vị quân vương góp công rất lớn để hướng văn học Thailand sang con đường hiện đại hóa. Đặc biệt vua Rama VI là người đã sáng tác nhiều tác phẩm thơ, tiểu thuyết, kịch dưới ảnh hưởng của văn học phương Tây, tạo nên một trào lưu văn chương theo khuynh hướng hiện đại ở Thailand trong khoảng hai mươi năm đầu thế kỷ. Cũng chính nhà vua đã cho thành lập trường Đại học Chulalongkorn vào năm 1917, áp dụng đường lối giáo dục theo kiểu phương Tây và dạy các ngôn ngữ phương Tây như Anh, Pháp… tại đây.

Cũng có thể khái quát nên chân dung chung nhất của những nhà viết tiểu thuyết trong thời kỳ đầu ở các nước Đông Nam Á. Đặc điểm dễ nhận thấy nhất ở họ, ngoài việc có một tài năng nghệ thuật nhất định, một tư duy sáng tạo nghệ thuật đã thoát ra khỏi tư duy truyền thống từ mấy ngàn năm trước thì hầu như tuyệt đại đa số đều là những người có vốn học thức và văn hóa phương Tây khá cơ bản. Họ nhận thức rõ sự cần thiết phải bắt tay vào việc xây dựng một nền văn học mới.

Cuộc thi tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam do báo “Nông Cổ Mín Đàm” đứng ra tổ chức (số 262 ngày 23.10.1906) đã đề ra yêu cầu viết tiểu thuyết theo lối viết của người Pháp: “(Người Langsa gọi Roman nghĩa là lấy trí riêng mình mà đặt ra một truyện tùy theo nhơn vật, phong tục trong xứ, dường như truyện có thiệt vậy).
Diễn dẫn một cuốn chừng 50 tờ giấy lớn.
Chia làm ba thứ:
– Thứ nhất: Gầy đầu, căn nguyên, lý lịch, kết cấu vân vân
– Thứ nhì: Ân oán, sanh sự, buông lung, trần ai, lưu lạc vân vân
– Thứ ba: Cha con vợ chồng hòa hiệp, ân báo ân, oán báo oán vân vân
Phải giữ cho đừng lạc đề.
Đặt tiếng thường, thanh nhã, dễ hiểu như truyện vậy.
Trong cuộc đời phải đem hết những việc quan hôn, tang tế, thầy thuốc, thầy chùa, thầy phép vân vân. Tốt khen, xấu chê. Phải có cang thường luân lý, nhơn duyên, thiện ác.
Không đặng dùng những việc dị đoan, hễ chết mà có muốn cho sống lại thì nhờ đến thuốc hay, thầy giỏi, chớ nói đến quỷ thần, còn muốn phạt thì đau bịnh mà chết hoặc lôi đả, súng xạ, gươm máy vân vân.”

Ở Thái Lan học giả Praja Praklang, người được xem như một nhà khai sáng vào những năm 60 của thế kỷ XIX cũng có một nhận định tương tự khi ông cảnh báo về nền văn học của nước mình: “Nền văn học của nước Xiêm chúng ta không những nghèo nàn mà còn vô nghĩa nữa. Nó ngập ngụa trong những câu chuyện về ma quỷ cướp đàn bà con gái, về những người đàn ông đánh nhau với ma quỷ; nó kể về những con người kỳ lạ biết bay trong không khí, và dựng người chết lên thành người sống. Và ngay cả khi tác phẩm nhằm dạy người ta điều gì đó thì cũng dạy sai, dạy vô ích” (10). Cùng với nhận định đó, ông kêu gọi người Thái Lan phải xây dựng một nền văn học mới.

Ảnh hưởng của một tôn giáo mới cũng là điểm chung dễ nhận thấy ở nhiều nhà văn Đông Nam Á trong thời kỳ này. Nhiều người trong số họ là tín đồ Công giáo. Một tôn giáo mới, hoàn toàn xa lạ với tôn giáo bản địa của các nước Đông Nam Á đã theo chân những nhà truyền giáo phương Tây du nhập vào. Đó là Công giáo. Nhiều nhà văn mở đường trong giai đoạn này là tín đồ Công giáo và nội dung tác phẩm của họ thấy rõ bóng dáng những ảnh hưởng của Công giáo. Ở Việt Nam, Nguyễn Trọng Quản (1865 – 1911) là một tín đồ Công giáo và tác phẩm “Thầy Lazaro Phiền” với nội dung viết về cuộc đời đầy nỗi ân hận và sự sám hối của thầy tu Lazarô Phiền. Ở Myanmar, nhà văn U Hla Gyaw được xem là người viết tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của nước này cũng là tín đồ Công giáo. Riêng ở Philippines thì Công giáo đã trở thành quốc giáo. Việc theo một tôn giáo mới cũng là một trong những nguyên nhân khiến các nhà văn càng dễ dứt khoát và đoạn tuyệt với những tư tưởng truyền thống chi phối đến phương cách và nội dung sáng tác.

3. Tiểu thuyết là một thể loại có nhiều thành tựu và cũng là thể loại đánh dấu sự chuyển mình sang hướng hiện đại của văn học các nước Đông Nam Á.

Thể loại đánh dấu sự chuyển mình sang hướng hiện đại của văn học các nước Đông Nam Á, theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới, chính là tiểu thuyết. Đây là điều đặc biệt có ý nghĩa vì truyền thống văn học của Đông Nam Á, cả văn học dân gian và văn học viết thời kỳ trung đại đều nghiêng về thơ ca. Chính thơ ca mới là những tác phẩm đạt được những thành tựu đỉnh cao trong văn học Đông Nam Á trong những giai đoạn trước. Tất nhiên thành tựu về tiêu thuyết của từng nước không giống nhau. Sự xuất hiện của tiểu thuyết hiện đại đầu tiên ở từng nước cũng không đồng đều. Ở Philippines tiểu thuyết đầu tiên là tác phẩm “Urbane và Felisa” của Modesto De Kasta ra đời năm 1877. “Bất hạnh và đau khổ” của nhà văn Merari Siregar (1886 – 1940) ra đời năm 1920 là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Indonesia viết về số phận tình duyên long đong và bất hạnh của một cô gái. Ở Myanmar là năm 1904, ở Thái Lan là năm 1915, ở Malaysia là 1926, ở Campuchia là năm 1938, ở Lào muộn nhất là năm 1968. Đối với các nhà nghiên cứu phương Tây thì tiểu thuyết của các nước Thái Lan, Philippines và Indonesia được chú ý hơn cả và theo họ thì tiểu thuyết của những nước này gặt hái được nhiều thành tựu hơn. Trong khi đó, tiểu thuyết Nam Bộ với tư cách tiên phong trong lĩnh vực hiện đại hóa văn học ở Việt nam thì không được chú ý tới. Ngay tại Việt Nam, mảng văn học này cũng chỉ mới được chú ý khoảng từ năm 1998 trở lại đây, bắt đầu từ cuộc hội thảo “Tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam”, do Viện Khoa học xã hội tại TPHCM (nay là Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) tổ chức.

Sự chuyển mình của tiểu thuyết các nước Đông Nam Á thể hiện rõ nét nhất ở nội dung tác phẩm. Ngoài một số tác phẩm mô phỏng, lấy đề tài hay phóng tác từ tiểu thuyết phương Tây, thì chủ yếu các nhà văn đã hướng ngòi bút vào việc miêu tả những câu chuyện của đời sống hiện đại, đưa vào tiểu thuyết hình ảnh những con người chân thực, gần gũi với đời thường. Trong đó, chủ đề về tình yêu nam nữ vượt ra ngoài lễ giáo truyền thống có lẽ là chủ đề phổ biến nhất trong tiểu thuyết các nước Đông Nam Á thời kỳ này. Một loạt những tác phẩm của Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Myanmar… đều được gọi là “tiểu thuyết tập tục” vì lẽ đó.

Trên phương diện nghệ thuật, có lẽ chỉ trừ tiểu thuyết quốc ngữ Nam Bộ còn thấy phảng phất bóng dáng của tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc, thì tiểu thuyết của các nước Đông Nam Á đã chuyển mình theo hướng phương Tây hóa hoàn toàn, từ việc chọn lựa chủ đề cho đến kết cấu nội dung tác phẩm và cách thức xây dựng nhân vật. Do vậy, nhiều tiểu thuyết ở các nước Đông Nam Á nếu đặt bên cạnh những tiểu thuyết phương Tây ra đời cùng thời kỳ thì không thấy có sự khác biệt nhiều lắm cả về nội dung và nghệ thuật. Có chăng chỉ là sự khác biệt do địa bàn sáng tác, thể hiện cụ thể ở bối cảnh dựng truyện, phong tục tập quán… Chính vì vậy, không ít quốc gia Đông Nam Á đã gọi văn học giai đoạn này là “văn học thời kỳ thực dân” với hàm ý chỉ sự ảnh hưởng rõ rệt của văn học phương Tây, và văn học giai đoạn sau được gọi là “văn học hậu thực dân” hay “văn học thời kỳ độc lập”.

4. Vị trí của tiểu thuyết quốc ngữ Nam Bộ trong tương quan với tiểu thuyết các nước Đông Nam Á.

Tiểu thuyết Nam Bộ nói riêng và do đó cũng là tiểu thuyết Việt Nam nói chung ra đời khá sớm so với tiểu thuyết hiện đại ở các nước Đông Nam Á khác, chỉ sau Philippines. Số lượng tiểu thuyết cũng vào hàng lớn với lực lượng tác giả đông đảo. Nhưng trên thực tế mà nói thì tầm vóc của những nhà văn Nam Bộ, cuộc đời hoạt động của họ và văn nghiệp của họ vẫn chưa vượt ra khỏi mảnh đất miền Nam. Trong khi đó, không ít nhà văn Đông Nam Á trong thời kỳ này đã tạo dựng được cho mình một tầm vóc quốc tế. Tất nhiên cũng phải lưu ý một chi tiết rằng có nhiều nhà văn Đông Nam Á đã trở thành nhà chính trị, nhà lãnh đạo đất nước, thành anh hùng dân tộc và do vậy thế giới biết đến họ nhiều hơn. Ở Thái Lan, nhà vua Chulalongkorn (1853 – 1910) tức Rama V là người được xem là người mở đường cho văn học hiện đại Thái Lan, nhà vua Vaijiravudh (1881 – 1925) tức Rama VI được xem là một tác giả lớn của giai đoạn hiện đại hóa văn học Thái Lan. Pedro Alejandro Paterno (1858 – 1911) là nhà văn Philippines đầu tiên viết tiểu thuyết bằng ngôn ngữ bản địa là tiếng Tagalog, tác phẩm “Ninay” (1907), cũng là nhà thơ đầu tiên có tuyển tập thơ in bằng tiếng Tây Ban Nha. Ông cũng là thủ tướng đầu tiên của nhà nước Cộng hòa Philippines. Còn José Rizal, nhà văn được xem là ưu tú nhất của văn học Philippines hiện đại, nhờ vào những hoạt động chính trị chống chính quyền thực dân nên đã được xem là anh hùng dân tộc.

Nếu như ở các nhà văn Đông Nam Á, ý thức của người viết văn chuyên nghiệp được thể hiện khá rõ thông qua việc họ chú ý lưu giữ tác phẩm, để lại tiểu sử, tuyên truyền cho văn nghiệp của mình, cho nên việc phục dựng lại giai đoạn văn học trong tiến trình hiện đại hóa ở các nước Đông Nam Á hầu như ít gặp khó khăn. Ngược lại, đối với các nhà nghiên cứu văn học ở Việt Nam, thông tin về tiểu thuyết Nam Bộ trong giai đoạn này vẫn còn rất nhiều thiếu sót và hiện nay vẫn lịch sử tiểu thuyết quốc ngữ Nam Bộ vẫn còn nhiều trang trắng. Việc cần thiết phải khôi phục lại ở mức độ cao nhất diện mạo của văn học thời kỳ này đang là điều cần kíp hơn bao giờ hết và có thể chúng ta sẽ nhìn nhận lại những tác giả Nam Bộ với một diện mạo đầy đủ hơn, đánh giá được đúng mức tầm vóc của họ hơn.

Còn hiện nay căn cứ trên những tư liệu chúng ta có được, cũng phải khẳng định ngay một điều rằng ở tiểu thuyết quốc ngữ Nam Bộ thấy rõ hiện tượng “đi trước về sau”. Dù xuất hiện khá sớm so với những tiểu thuyết các nước Đông Nam Á, thì tiểu thuyết quốc ngữ Nam Bộ lại không có được những thành tựu đỉnh cao. Giữa rất nhiều tác phẩm tiểu thuyết, chúng ta rất khó chọn được ra những tác phẩm xuất sắc nhất, nổi bật nhất để có thể dịch thuật, giới thiệu ra thế giới. Tất nhiên ở đây cũng phải kể đến một nguyên nhân khách quan là nhiều tác giả Đông Nam Á đã sử dụng cả ngôn ngữ bản địa và ngôn ngữ phương Tây khi sáng tác tác phẩm. Do vậy sức truyền bá và ảnh hưởng của những tác phẩm này đối với thế giới bao giờ cũng ở một mức độ đáng kể.

Trong khi tiểu thuyết các nước Đông Nam Á đã dấn mình vào quỹ đạo hiện đại của văn học thế giới (ở đây nên hiểu là của văn học phương Tây) như những tác phẩm của Philippines, Indonesia,… thì không ít tiểu thuyết quốc ngữ Nam Bộ lại thể hiện rõ xu hướng sáng tác theo kiểu tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, với cách viết kiểu chương hồi. Khác với nhà văn các nước Đông Nam Á khác, tư duy sáng tác của các nhà văn Nam Bộ thời kỳ này vẫn còn chịu ảnh hưởng rất mạnh của truyền thống tiểu thuyết Trung Quốc. Hai ảnh hưởng song hành của Pháp và Trung Quốc cũng là một nguyên nhân khiến cho các nhà văn Nam Bộ vẫn chưa ngả hẳn sang hướng hiện đại hoàn toàn.

Một trở ngại nữa về mặt nghệ thuật phải tính đến là việc các nhà văn Nam Bộ phải dùng một thứ chữ còn đang trong quá trình hình thành, ổn định và phát triển để sáng tác là chữ quốc ngữ. Văn viết vẫn mang hình thức như văn nói, sai lỗi ngữ pháp, chính tả là điều chúng ta buộc phải chấp nhận khi sử dụng một công cụ chữ viết mới, đặc biệt công cụ này lại còn chưa hoàn thiện.

Thế nhưng với tất cả những ưu và nhược điểm trong cách viết của những nhà văn Nam Bộ, chúng ta vẫn phải ghi nhận họ là những người mở đường và có công khai phá một thể loại mới cho văn học Việt Nam: thể loại tiểu thuyết. Tìm hiểu những khác biệt cũng như những tương đồng trong quá trình phát triển tiểu thuyết theo hướng hiện đại hóa ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á, chúng ta sẽ thấy nẩy sinh ra không ít vấn đề lý thú cho các nhà nghiên cứu văn học như: những quy luật phát triển chung của tiểu thuyết hiện đại, những nguyên nhân nội sinh và ngoại lực tác động đến sự phát triển tiểu thuyết, những đặc trưng của quá trình hiện đại hóa tiểu thuyết và cả việc xác định vị trí của tiểu thuyết Việt Nam trong bản đồ văn học khu vực…

CHÚ THÍCH:

(1) Bằng Giang. 1988. Nxb. Trẻ, TPHCM.
(2) Bùi Đức Tịnh. 1992. Nxb. TPHCM.
(3) Nguyễn Kim Anh (chủ biên). 2004. Nxb. Đại học Quốc gia TPHCM, TPHCM.
(4). Tờ báo quốc ngữ đầu tiên là tờ Gia Định báo ra đời năm 1865. Cuốn tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên là Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản, ra đời năm 1887. Bài thơ mới đầu tiên là bài Tình già của Phan Khôi đăng trên báo Phụ nữ tân văn ngày 10.3.1932. Cuộc thi viết tiểu thuyết đầu tiên do báo Nông cổ mín đàm phát động trên số báo 262, ngày 23.10.1906.
(5) Thanh niên, số 29, ngày 2.9.1944, trang 8.
(6) Phạm Thế Ngũ. 1965. Quyển III. Quốc học tùng thư xuất bản, Sài Gòn.
(7) Nguyễn Văn Xuân. 2002. Nxb. Đà Nẵng.
(8) Hoài Anh, Thành Nguyên, Hồ Sĩ Hiệp. 1988. Nxb. TPHCM.
(9) Nguyễn Văn Vinh. 1929. Tam yên di hận. Nhà in Khéo, F. Van – Vo Van, Bến Tre.
(10) Kornev K. Văn học Thái Lan sơ khảo. Lan Hương dịch. Tài liệu lưu trữ tại Viện Thông tin KHXH.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Anthology of ASEAN Literatures. 1980-1990. ASEAN Committee on Culture and Information press.
2. Bằng Giang. 1974. Mảnh vụn văn học sử. Chân Lưu xuất bản, Sài Gòn.
3. Bằng Giang. 1998. Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1965 – 1930. Nxb. Trẻ, TPHCM.
4. Bùi Đức Tịnh. Những bước đầu của báo chí, tiểu thuyết và thơ mới (1965 – 1932). 1992. Nxb. TPHCM.
5. Cao Xuân Mỹ. 2002. Quá trình hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Sư phạm TPHCM.
6. Cady, John F. 1964. Southeast Asia: Its Historical Development. New York: McGraw-Hill Book Company.
7. Crewe, William. 1978. The Singapore Writer and the English language. RELC Journal, 9 (1) (77-86).
8. Francis, Luis H. 1993. Brown River, White Ocean: An Anthology of Twentieth Century Philippines Literature in English. New Brunswick, NJ: Rutgers University Press.
9. Kirpal Singh. 1983. Nation Building and literature in Singapore. Humannity Review, 5 (25-28).
10. Kornev K. Văn học Thái Lan sơ khảo. Lan Hương dịch. Tài liệu lưu trữ tại Viện Thông tin KHXH (chưa xuất bản).
11. Hoài Anh, Thành Nguyên, Hồ Sĩ Hiệp. 1988. Văn học Nam Bộ từ đầu đến giữa thế kỷ XX (1900 – 1954). Nxb. TPHCM.
12. Nguyễn Kim Anh (chủ biên). 2004. Tiểu thuyết quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Nxb. Đại học Quốc gia TPHCM.
13. Nguyễn Văn Xuân. 2002. Khi những lưu dân trở lại. Nxb. Đà Nẵng.
14. Phạm Thế Ngũ. 1965. Việt Nam văn học sử giản ước tân biên. Quyển III. Quốc học tùng thư xuất bản, Sài Gòn.
15. Osborne, Milton. 1995. Southeast Asia: An Introductory History. Australia: Allen.
16. Tôn Thất Dụng. 1993. Sự hình thành và vận động của thể loại tiểu thuyết văn xuôi tiếng Việt ở Nam Bộ giai đoạn cuối thế kỷ XIX đến năm 1932. Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
17. Woodward, Nancy Hatch. 1993. Fiction in English: Women Writers of Malaysia and Singapore. Hecate v.19, n.2 October (140-149).
18. Woodward, Nancy Hatch 1994. (Part 2): Fiction in English: Women Writers of Malaysia and Singapore. Hecate v.20, n.1 May (164-174).
19. Yu Wang Luen. 1982. Women Writers of Malaysian Chinese Literature. Archipel 24 (235-240).