“Hoàng Lê nhất thống chí” là tiểu thuyết lịch sử chương hồi nổi tiếng nhất trong văn học Việt Nam thời kỳ trung đại mà có lẽ là ai yêu văn chương và có quan tâm đến lịch sử đều biết. “Hoàng Lê nhất thống chí” đã được dạy trong nhà trường phổ thông từ xưa đến nay. Qua mấy lần cải cách sách giáo khoa, bây giờ “Hoàng Lê nhất thống chí” được dạy trong chương trình Ngữ văn lớp 9.

“Hoàng Lê nhất thống chí” có nghĩa là cuốn sách ghi chép về sự nhất thống của nhà Lê. Từ “chí” trong tiếng Hán có nghĩa là ghi chép, miêu tả. Tác phẩm được viết vào nửa cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, gồm 17 hồi. “Hoàng Lê nhất thống chí” còn có những tên gọi khác là “Nhất thống chí” và “An Nam nhất thống chí” nhưng hai tên sau không mấy phổ biến.

“Đại từ điển ngữ văn Trung Quốc” giải thích: “Chí là bản ghi chép; là bộ sưu tập các bản ghi chép về những sự kiện nào đấy”. Vào thời trung thế kỷ, chính thuật ngữ này đã được các nhà chép sử Trung Quốc sử dụng, mà tiêu biểu là Trần Thọ với cuốn sử “Tam quốc chí” (không phải là tác phẩm văn học của La Quán Trung). Sau này chính La Quán Trung đã dùng thuật ngữ này để gọi tác phẩm của mình và ở những bản in đầu tiên thì bộ tiểu thuyết mang cái tên là “Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa”, sau này mới gọi vắn tắt thành “Tam quốc chí” hay “Tam quốc diễn nghĩa”.

Như vậy, ở buổi khởi đầu, “chí” được dùng để chỉ những tác phẩm lịch sử hay địa lý. Về sau, nó còn được dùng để chỉ những cuốn tiểu thuyết mang tính chất lịch sử. Ở Trung Quốc như đã nói có bộ sử “Tam quốc chí”, nhưng cũng có tác phẩm văn học như “Tống chí truyện” hay “Tam quốc chí” của La Quán Trung. Ở Việt Nam, ngoài “Hoàng Lê nhất thống chí”, còn có thể kể đến cuốn sách miêu tả lịch sử Việt Nam là “Việt Nam thế chí” của tác giả Hồ Tông Thốc, hay cuốn sách miêu tả địa lý miền Đại Nam là “Đại Nam nhất thống chí”.

Nếu so sánh với Trung Quốc thì quả thật Việt Nam không có những “danh tác” hay “kỳ thư” kiểu như “Đông Chu liệt quốc” hay “Tam quốc diễn nghĩa”. Nhưng “Hoàng Lê nhất thống chí” là cuốn tiểu thuyết chương hồi mang tính chất lịch sử được đánh giá rất cao và rất nổi tiếng.

Tác giả của “Hoàng Lê nhất thống chí” là nhiều danh gia nhà họ Ngô Thì, nên được gọi là “Ngô gia văn phái”. Ngày nay nhiều nhà văn bản học xác định 4 tác giả chính của bộ tiểu thuyết này là những tên tuổi: Ngô Thì Chí, Ngô Thì Du, Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Thiến. Trong đó tên tuổi của Ngô Thì Chí và Ngô Thì Nhậm vốn rất quen thuộc với các bạn nào hay đọc sách sử.

Ngoài ra, thời kỳ phong kiến ở Việt Nam cũng xuất hiện nhiều cuốn tiểu thuyết lịch sử có giá trị, tuy nhiên không được biết đến nhiều như “Hoàng Lê nhất thống chí”. Có thể kể đến những cuốn như “Thiên Nam liệt truyện Nguyễn Cảnh thị Hoan Châu ký”, “Nam triều công nghiệp diễn chí”, Hoàng Việt long hưng chí”…

“Hoàng Lê nhất thống chí” thật ra là một bộ tiểu thuyết rất hấp dẫn đối với những ai quen với lối viết kiểu tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc. Nhà Đông phương học người Nga nổi tiếng thế giới là B.L.Riftin đã có hẳn một bài viết đánh giá cao tác phẩm này. Đó là bài viết “Hoàng Lê nhất thống chí và tiểu thuyết chương hồi Viễn Đông”. Ông cho rằng cái hay, cái độc đáo, cái vượt trội của “Hoàng Lê nhất thống chí” so với những tiểu thuyết cùng kiểu ở Trung Quốc hay Triều Tiên chính là ở chỗ các tác giả của họ Ngô Thì đã xây dựng được một cuốn tiểu thuyết về những sự kiện chính trị, lịch sử của ngay thời đại mà họ đang sống, tức là những năm cuối thế kỷ XVIII đầy biến động và đến khi Gia Long lên ngôi. Đây là điều rất hiếm thấy. Điều này cho thấy cảm quan lịch sử cũng như ngòi bút sáng tạo nghệ thuật tinh nhạy của các văn gia họ Ngô Thì.

So sánh với những tác phẩm khác, chúng ta thấy: La Quán Trung viết “Tam quốc chí” khoảng 1000 năm sau thời Tam quốc. “Tống chí truyện” có nội dung nói về nhà Tống thì được viết vào thời Minh. “Chiến tranh và hòa bình” của Lev Tolstoy với rất nhiều trường đoạn miêu tả chiến tranh chỉ ra đời sau khi những sự kiện đó qua đi hơn nửa thế kỷ. Còn “Hoàng Lê nhất thống chí” ra đời ngay trong thời đại mà tác phẩm miêu tả.

“Hoàng Lê nhất thống chí” đáng được ca ngợi trên những phương diện sau:

“Hoàng Lê nhất thống chí” vừa là sử học, vừa là văn học. Tác phẩm vừa trình bày những sự kiện lịch sử có thật, vừa có sự sáng tạo nghệ thuật trong đấy. Tác phẩm ghi lại chân thực, chính xác về những con người thật, những việc thật, thời gian, thời điểm, nơi chốn xảy ra sự kiện, nhưng đồng thời tác phẩm cũng dã làm tròn nghĩa vụ trong việc khám phá các mối quan hệ giữa con người với con người (đặc biệt là những con người có thật), chọn lọc các chi tiết, tình tiết đắt giá, tập trung xây dựng những tính cách nhân vật nổi bật.

Về nội dung, tác phẩm tập trung khắc họa những ngày cuối của chế độ phong kiến Lê – Trịnh cũng như cuộc khởi nghĩa của phong trào Tây Sơn mà đỉnh cao là chiến thắng Đống Đa của vua Quang Trung. Tác phẩm cũng nói về sự nhất thống của nhà Nguyễn với sự lên ngôi của Gia Long. Đây là một giai đoạn lịch sử đầy bão giông của đất nước. Nhiều cơ hội đã bị bỏ qua, nhiều trận chiến đã xảy đến, nhiều gương mặt độc đáo xuất hiện trong lịch sử, từ vua cho đến quan, cho đến dân…

Bút pháp tác phẩm cực kỳ đa dạng, học được nhiều từ truyền thống “bao biếm” của các sử gia phương Đông, lúc hài hước sâu cay, lúc nhẹ nhàng, phóng khoáng, thậm chí có lúc mang tính chất anh hùng ca.

Hình tượng nhân vật được xây dựng cực kỳ thành công, độc đáo, dù chỉ qua một, hai chi tiết miêu tả. Trịnh Sâm cuối đời thành kẻ lụy tình; Tuyên phi Đặng Thị Huệ lẳng lơ xảo trá, khéo dùng sắc đẹp che mắt chúa; Thế tử Tông thèm khát cơ nghiệp tổ tiên nhưng trí óc và hành động không hơn một con rối; Nguyễn Hữu Chỉnh có nét gian hùng như Tào Tháo; Dương Trọng Tế nhát chết nhưng to miệng; Ngô Thì Nhậm cương quyết dám nghĩ dám làm; Nguyễn Huệ thông minh, oai vệ, vũ dũng, nhưng vẫn phảng phất nét thô lỗ kiểu nông dân áo vải; Nguyễn Nhạc mộc mạc; Lê Chiêu Thống đớn hèn…

Một câu hỏi do các nhà nghiên cứu văn học đặt ra nhiều thập kỷ qua là Ngô Thì Nhậm có viết “Hoàng Lê nhất thống chí” hay không? Công lao của Ngô Thì Nhậm đối với nhà Tây Sơn thì đã quá rõ ràng, còn công lao của ông với văn học thì sao?

Chuyện những ai là tác giả của “Hoàng Lê nhất thống chí” là một chuyện tranh luận nhiều năm qua, thu hút nhiều nhà nghiên cứu sử học và văn học, trong đó chủ yếu dựa vào những cứ liệu văn bản học để đoán định và kết quả cuối cùng là chưa đi đến được kết luận nào. Thế nên, người ta chỉ nhắc đến các tác giả của “Hoàng Lê nhất thống chí” dưới một cái tên gọi chung là “Ngô gia văn phái”. Văn bản học ở đây là một ngành khoa học trong văn học, ngôn ngữ học, nghiên cứu các tác phẩm, tác giả nhằm tái tạo lại bản gốc của tác phẩm, hoặc tìm ra tác giả đích thực của tác phẩm.

Hiện nay đã thống kê được 14 dị bản “Hoàng Lê nhất thống chí”, trong đó có 7 bản còn đủ 17 hồi; 3 bản cũng còn đủ 17 hồi nhưng đã thất lạc văn bản; 4 dị bản không còn đủ 17 hồi. Trong đó nhiều dị bản ghi tác giả là “Ngô gia văn phái”. Cũng có dị bản ghi tác giả là Ngô Thì Chí, có dị bản ghi tác giả là Ngô Thì Thiến và nhiều dị bản không ghi tác giả. “Dị bản” là một thuật ngữ quen thuộc trong ngành văn bản học, dùng để chỉ các bản in, bản thảo… khác nhau của cùng một tác phẩm, có thể có nội dung không trùng khớp với nhau ở một vài hay nhiều chi tiết. So sánh, đối chiếu các dị bản với nhau có thể giúp tìm ra một văn bản gần với bản gốc nhất của tác phẩm.
Nói tác giả là Ngô Thì Chí, thì có bản “Ngô gia thế phả” (tức là gia phả của dòng họ Ngô Thì); Phạm Đình Hổ trong “Vũ trung tùy bút”, Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí”. Nhiều nhà nghiên cứu có chung quan điểm cho rằng người viết phần đầu “Hoàng Lê nhất thống chí” là Ngô Thì Chí như Ngô Tất Tố, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Đức Vân, Kiều Thu Hoạch, Vũ Đức Phúc, Nguyễn Văn Hoàn, Emile Gaspardonne, B.L. Riftin. Nói tác giả là Ngô Thì Du, người viết tiếp Ngô Thì Chí thì có bản “Ngô gia thế phả”. Nguyễn Đức Vân và Kiều Thu Hoạch cho rằng người viết “Hoàng Lê nhất thống chí” là Ngô Thì Chí và Ngô Thì Du. Nói tác giả là Ngô Thì Nhậm, có sách “Đăng khoa lục sưu giảng” (không rõ tác giả) và những tên tuổi như Nguyễn Đăng Tấn, Văn Tân, Tạ Ngọc Liễn. Nói tác giả là Ngô Thì Thiến, có Nguyễn Hữu Thường.

Sau rất nhiều tranh cãi, hiện nay quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu văn học Việt Nam thời kỳ trung đại cho rằng việc Ngô Thì Nhậm có tham gia viết “Hoàng Lê nhất thống chí” hay không vẫn còn là điều đáng bàn. Cuốn sách “Hoàng Lê nhất thống chí – văn bản, tác giả, nhân vật” của GS. Phạm Tú Châu ở Viện Văn học, xuất bản năm 1997 viết rất kỹ về vấn đề này.

Không có bằng cớ khoa học khẳng định chắc chắn Ngô Thì Nhậm có tham gia viết “Hoàng Lê nhất thống chí”. Ngược lại, cũng không có bằng cớ nào bác bỏ chuyện này cả. Nhưng chắc chắn một điều là khi xem xét văn bản nội dung của “Hoàng Lê nhất thống chí”, các nhà nghiên cứu đều cho rằng ít nhất nếu Ngô Thì Nhậm không tham gia viết một số chương hồi nào đó, thì những người viết khác của dòng họ Ngô Thì cũng đã sử dụng rất nhiều tài liệu, ghi chép của ông để lại. Đó chính là công lao lớn của Ngô Thì Nhậm đối với bộ “Hoàng Lê nhất thống chí”. Văn học cũng như sử học, có nhiều vấn đề chỉ có thể đoán định mà chưa tìm ra câu trả lời cuối cùng. Trường hợp các tác giả của “Hoàng Lê nhất thống chí” là như vậy.

Hà Thanh Vân