Lại một mùa thi đại học nữa sắp tới. Đại đa số các sĩ tử cuối cấp có lẽ đều đang trong tư thế “vắt chân lên cổ” mà chạy cho hết chương trình, ôn luyện, thi học kì rồi cả thi thử nữa. Trong số đó, chuyện chọn ngành nào, trường đại học nào để theo học tiếp theo cũng trở thành mối bận tâm lớn của mỗi học sinh, các nhị vị phụ huynh, thậm chí có khi là toàn xã hội. Và chính vì là chủ đề “hot” thu hút được sự quan tâm lớn, nó kéo theo cả những cuộc bàn cãi, tranh luận xung quanh một câu hỏi đã xuất hiện từ lâu nhưng cứ đến “mùa” là lại được đem ra mổ xẻ: “Bằng cấp có thật sự quan trọng hay không?”
Một vài người cho rằng: “Bằng cấp bây giờ chẳng để làm gì”. Thực tế đã chỉ ra rằng mỗi năm có cả nghìn sinh viên tốt nghiệp cầm tấm bằng đại học trên tay nhưng ra trường vẫn thất nghiệp. Theo như thông tin của bộ Lao động – Thương binh và Xã hội từ đầu năm 2019, số lượng sinh viên thất nghiệp có trình độ đại học được ghi nhận lên đến 124.500 nghìn người. Điều này làm nảy sinh tâm lý: đi học như thế chỉ làm tốn tiền cha mẹ, tốn thời gian, công sức của chính mình, đề tiềm lực ấy đi làm việc khác có khi còn “giàu” nhanh hơn. Hơn thế nữa, bằng cấp bây giờ phải nói là quá lý thuyết và thiếu tính thực hành, sinh viên có giấy tờ xong loay hoay không biết áp dụng kiến thức vào thực tế thế nào. Bên cạnh đó, những vụ việc mua bằng, mua điểm được phơi bày hàng loạt càng khiến người ta phải nghi ngại về giá trị thật của bằng cấp và khả năng thực sự của mỗi sinh viên.
Thế nhưng liệu có hợp lý không nếu ta vì những nguyên do trên mà ngay lập tức phủ nhận giá trị của các văn bằng chứng chỉ, mặc định chương trình học sau cấp Trung học Phổ thông là vô nghĩa?
Bằng cấp chính thống là một cơ sở hợp pháp để bạn tự thể hiện thực lực của mình với các nhà tuyển dụng nói riêng và cả xã hội nói chung; chỉ một tờ giấy cũng có thể cho thấy bạn được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp ra sao, trình độ của bạn hiện tại được đúc kết từ những kinh nghiệm và trải nghiệm thế nào. Nếu không có bằng cấp chứng minh, ai sẽ dám tin tưởng giao công việc cho bạn đây?
Chúng ta được quyền nghi ngờ về tầm quan trọng thiết thực của bằng cấp. Nhưng cũng cần phải nói rõ điều này: Giá trị của bằng cấp có thể phát huy của nó hay không thì còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố khác. Suốt bao năm chỉ tập trung vùi đầu vào sách, vào vở mà không chủ động tiếp xúc với các công việc thực tế, thụ động trong cập nhật xu hướng, chậm chạp trong đổi mới thì làm sao có thể được trọng dụng đây? Như Bác Hồ từng nói: “Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy.” Dù câu nói ấy có thể đã cũ, nhiều người trẻ sẽ bĩu miệng bảo rằng mình đã nghe chán lắm rồi nhưng rõ ràng là nó có sai chút nào đâu! Các nhà tuyển dụng ngày nay, họ không chỉ tìm kiếm ứng viên tiềm năng cho mình thông qua một tờ giấy mà còn qua những trải nghiệm thực tế mà bạn có được, các kỹ năng mềm, thái độ hay cả những năng lực đặc biệt của bạn. Vậy nên mặc dù giấy tờ, bằng cấp rất quan trọng, nhưng nó mới chỉ là điều kiện cần, yếu tố kinh nghiệm mới là điều kiện đủ để đảm bảo cho tương lai của chúng ta.
Đồng thời, bằng cấp được nhắc tới ở đây không nhất thiết phải là bằng đại học mà có thể là bất cứ bằng nghề nghiệp nào đó. Miễn là nó đủ cơ sở để chứng tỏ năng lực của chúng ta, ta biết dựa theo đó mà phát triển, linh hoạt trong công việc thì phải chắc chắn rằng “đi đâu cũng chẳng sợ chết đói’’ chứ nói gì đến thất nghiệp!
Phương Hoa