Cái đói và miếng ăn là một sự thật bi thảm, một nỗi ám ảnh đau đớn của nhân dân ta suốt bao nhiêu thế kỷ. Trên đất nước này, thiên nhiên và giặc giã liên miên, chế độ phong kiến lạc hậu và trì trệ kéo dài, tiếp đó là ách thực dân vô cùng tàn bạo… cái đói trở thành một tai họa triền miên, dai dẳng đã chi phối cả đến những tập tục có tính tôn giáo của người Việt: Mỗi lần đến viếng một người quen qua đời, tôi cứ cảm thấy tội tội thế nào khi nhìn bát cơm, quả trứng đặt nơi đầu chiếc quan tài người đã nằm xuống. Có lẽ bị cái đói thường xuyên đe dọa, người sống không thể lo lắng đến lương ăn của người chết trên dường đi về cõi âm. Và hàng năm cứ đến “Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt” thì lại có tục cúng cháo lá đa, một hình thức phát chuẩn cho những linh hồn bơ vơ đói khát, cái tập tục đã gợi cảm hứng đầy xót thương cho nhà thơ Nguyễn Du viết bài Văn chiêu hồn nổi tiếng.

Nhưng sự thật ấy đã được phản ánh trong lịch sử văn học Việt Nam như thế nào? Kiểm lại những trang viết về cái đói và miếng ăn của người dân ta văn chương kim cổ, thấy cũng chưa nhiều lắm. Tôi nhớ đến một câu nói của Lê nin: Người no thì dửng dưng với vấn đề bánh mì, còn người đói thì luôn luôn có “tính đảng” về vấn đề ấy. Chung quanh vấn đề cái đói và miếng ăn, sự phân hóa của một số xu hướng văn học cũng có thể giải thích bằng ý kiến trên của Lê nin chăng? Tôi muốn nói, cái sự thật bi thảm và kéo dài kia chẳng là điều xa lạ và bí ẩn gì, nhưng vấn đề quyết định là ở chỗ người cầm bút có phải là nhà văn của những người đói hay không.

Vâng, xét một phương diện nào đó, có thể xem Nam Cao thuộc vào xu hướng văn chương của những người đói trong văn học Việt Nam trước cách mạng tháng Tám, xu hướng của những Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Tô Hoài,… Nhưng phải nói rằng, trong số những tên tuổi nói trên, Nam Cao vẫn là cây bút viết về cái đói và miếng ăn nhiều hơn cả, và trong nhiều tác phẩm của Nam Cao, tình huống truyện có ý nghĩa quyết định đã được tạo nên bởi vấn đề miếng ăn. Miếng ăn là thử thách ghê gớm đã phân hóa tính cách theo hai cực: hoặc là mất cả nhân cách, nhân tính như những nhân vật trong Một nữa no, Trẻ con không biết ăn thịt chó, Chí Phèo, Quên điều độ hoặc trở thành những bậc chí thiện như Lão Hạc…. Cái đói và miếng ăn là cái gông nặng nề đã đè dúi dụi anh trí thức nghèo xuống sát mặt đất để biến tất cả những ước mơ, những triết lý của anh ta trở thành huênh hoang, vớ vẩn, giả dối, khôi hài… Nó là thứ thần định mệnh quái ác chi phối toàn bộ thế giới nhân vật của cuốn tiểu thuyết Sống mòn, đẩy tất cả vào tình trạng “sống mòn” bi thảm, không lối thoát. Nam Cao là một đầu óc thích khái quát triết lý. Nhiều câu triết lý của ông cũng xoáy quanh cái sự thật đói khát này. Nam Cao cũng hay phân tích, mổ xẻ tâm lí nhân vật mình. Ông có một số phát hiện chua chát về tâm lý con người ta khi bị cái đói giày vò. Trong Một bữa no, bà cái Tí than thở: “Chao ôi! Nếu người ta không phải ăn thì đời sẽ giản dị biết bao!”. Một chân lí thật là hiển nhiên đối với người nghèo, nhưng khó chấp nhận đối với kẻ giàu. Cũng trong truyện ngắn đau xót này, nhà văn phát hiện: “Những lúc đói, trí người ta sáng suốt”. Thật là tội nghiệp cái “sáng suốt” của một bà lão già đã nghĩ ra cách kiếm “một bữa no” để rồi bội thực mà chết. Có những  nhân vật của Nam Cao, tư duy chỉ xoáy vào có độc một chuyện ăn mà đã lôi cuốn người đọc hết trang này đến trang khác. Như cái nhân vật gã đàn ông nào đó trong chuyện Trẻ con không được ăn thịt chó chẳng hạn. Dưới ngòi bút của Nam Cao, tình yêu có lúc cũng bị đem ra thử thách thật là tàn nhẫn bằng miếng ăn. Ấy là chuyện Xu-vơ-nia. Ông viết “Bọn trẻ con tưởng rằng người ta có thể sống bằng tình yêu mà chẳng cần ăn (…) Chao ôi! Thì ra những cô gái rất đẹp, rất hiền (…) là những kẻ không mấy ngày được thỏa cơm. Đối với họ cái ăn có lẽ còn cần hơn cả tình yêu”. Vấn đề cái đói và miếng ăn nhiều khi còn chi phối cả đến những cách ví von, so sánh của nhà văn, nghĩa là nhập sâu vào cả những yếu tố thuộc thủ pháp nghệ thuật của ông nữa. Chẳng hạn, đây là một cách ví von của Nam Cao: “Trời thì cay nghiệt như một bà già thiếu ăn ngay từ lúc còn thơ” (Trẻ con không biết ăn thịt chó).

Một trong những đặc điểm của ngòi bút Nam Cao là đã đưa những chuyện đời thường nhiều khi rất vụn vặt vào trong tác phẩm của mình một cách phóng túng. Chuyện miếng ăn khá phổ biến trong các tác phẩm của ông cũng là nằm trong khuynh hướng này. “Miếng ăn là miếng nhục” – chuyện miếng ăn chẳng những là chuyện đời thường mà còn là chuyện tầm thường nữa. Tôi nghĩ, vấn đề miếng ăn sở dĩ không được đề cập đến nhiều lắm trong văn chương xưa nay  một phần có lẽ còn là vì nó thường bị xem là chuyện nhỏ nhen tầm thường quá chăng. Mà, như Victo Huygo nói, cái tầm thường là cõi chết của văn chương nghệ thuật. Nhưng chính vì vậy mà ta lại càng thấy Nam Cao là một cây bút đầy bản lĩnh. Về vấn đề này, nhà văn đã có hẳn một quan điểm nghệ thuật rất chắc chắn: qua một nhân vật văn sĩ trong truyện ngắn Nhỏ nhen, ông chủ trương phải “biết cách dùng những câu chuyện chẳng có gì để nói những cái sâu sắc”.

Vậy “cái sâu sắc” mà Nam Cao muốn nói khi đề cập đến cái đói và miếng ăn là gì?

Có một cây bút thuộc thế hệ đàn anh của Nam Cao cũng có thể coi là tiêu biểu cho xu hướng văn chương của những người đói: Nhà văn Ngô Tất Tố. Ngô Tất Tố đặc biệt nói nhiều về cái đói của người nông dân. Trước khi viết Tắt đèn, ông đã cho đăng trên tờ tuần báo Tương lai một sộ truyện ngắn xoay quanh cái đói của những người ông gọi là “vô sản thôn quê”: Một ổ chó và một đứa con, Cái bánh chưng, Mớ rau trong hòm. Ngô Tất Tố chuyên nghề viết văn, làm báo, nhưng gia đình ông thì làm ruộng ở một vùng quê kề ngay bên sông Hồng, sông Đuống. Gần như hàng năm, cái làng của ông, và nói rộng ra, cả cái tỉnh Bắc Ninh của ông hồi ấy đã phải hứng chịu những trận nước lũ sông Hồng, sông Đuống đổ ra, vì không mấy năm không có nạn đê vỡ. Chính Ngô Tất Tố đã viết một bài báo với đầu đề: Bắc Ninh cầu cứu! Nói về cảnh đói khát, tuyệt vọng của những người nông dân nơi quê hương ông sau những kỳ lụt lội, hạn hán xảy ra liên tiếp. Trong số những bài viết của Ngô Tất Tố về cái đói của người nông dân, đáng sợ nhất là cái truyện Làm no hay cái ăn trong những ngày nước ngập. Ôi, khi người ta đã có sáng kiến ăn được cả đến đất sét và bèo tây thì có nghĩa là cái đói đã là một tai họa khủng khiếp đến thế nào mà người nông dân không sao thoát khỏi được. Một tác phẩm như thế của Ngô Tất Tố là tiếng kêu cứu của người nông dân. Hàng loạt tác phẩm của nhà văn bao gồm truyện ngắn, truyện dài, phóng sự điều tra, bài tiểu phẩm, tường thuật báo chí… đã đề cập đến tình trạng đói khát của người nông dân như những lời kêu cứu – những tiếng kêu cấp cứu khẩn thiết, đầy đau đớn và phẫn nộ: Hãy cứu đói cho người nông dân! Hãy cứu đói cho người nông dân!

Nhưng còn những tác phẩm của Nam Cao? Đâu là tiếng nói riêng của ông khi đề cập đến cái đói và miếng ăn của con người ta? Tôi nghĩ rằng, mỗi thiên truyện của Nam Cao viết về vấn đề này cũng là tiếng kêu cấp cứu khẩn thiết không kém.

Nhưng nếu như tác phẩm của Ngô Tất Tố là tiếng kêu cứu đói, thì ở tác phẩm của Nam Cao lại là tiếng kêu cứu lấy nhân cách, nhân phẩm, nhân tính của con người đang bị cái đói và miếng ăn làm cho tiêu mòn đi, thui chột đi, hủy diệt đi.

Một bữa no là một tiếng kêu như thế, một tiếng kêu thật thê thảm, không phải trước cái chết sinh vật của bà cái Tí, mà trước cái chết về tinh thần của bà lão. Ngòi bút của Nam Cao tưởng như lạnh lùng đến tàn nhẫn khi tả tỉ mỉ cái cách ăn của bà cụ ở nhà mụ Phó Thụ: Bà ăn nhanh, ăn vội, cố theo kịp người ta vì sợ người ta ăn hết mất. Bà già lập cập ăn vội nên rớt cả mắm ra ngoài… Sau đó lại còn cạo nồi sồn sột… Đúng là bà cụ đói quá nên mới phải đến nỗi thế. Nhưng cái điều Nam Cao muốn nhấn mạnh ở đây là cái nhục mà con người phải chấp nhận vì đói. Con người phải chịu nhục có nghĩa là phải từ bỏ nhân phẩm, từ bỏ tính chất người của mình để chấp nhận cái sống của con vật. Cũng như thế, trong Tư cách mõ, miếng ăn đã làm tiêu ma tư cách người của anh cu Lộ để tạo nên tư cách mõ của anh nông dân rất tự trọng này. Trong Quên điều độ, anh giáo Hài cũng chỉ vì miếng ăn mà mất hết nhân cách. Câu chuyện có tiếng nói – nhân vật tên là Hài – nhưng thật là cười ra nước mắt…

Như vậy là, khác với Ngô Tất Tố, Nam Cao nói về miếng ăn hơn là nói về cái đói, nói về cái nhục hơn là nói về cái khổ. Một bữa no là chuyện miếng ăn. Tư cách mõ là chuyện miếng ăn. Trẻ con không được ăn thịt chó, Quên điều độ cũng là chuyện miếng ăn. Cả cuốn tiểu thuyết dài Sống mòn cũng vậy. Đây là tấn bi kịch thảm thương kéo dài của mấy trí thức tiểu tư sản mà cái nghèo đã khiến tâm trí, tâm huyết cứ bị hút chặt vào bữa ăn hàng ngày. Họ đau khổ, họ tức tối, họ gầm ghè nhau chung quanh một mâm cơm để rồi sau đó cảm thấy nhục nhã ê chề cho chính cái tâm địa hèn mọn, nhỏ nhen của mình. Vâng, Sống mòn cũng là một tiếng kêu cấp cứu: Hãy cứu lấy những nhân cách đang bị hủy diệt, những linh hồn đang héo hắt chết mòn chết mỏi vì miếng cơm, manh áo.

Nhưng làm thế nào có thể cứu được con người ra khỏi tình trạng sống mòn? Làm thế nào để chống đỡ, che chắn cho nhân cách, nhân phẩm con người khỏi bị hủy hoại?

Cái đói và miếng ăn đã là lí do của sự hủy hoại kia thì lối thoát là giải phóng con người khỏi cái đói và miếng ăn chứ sao?

Thực ra vấn đề không đơn giản như vậy. Nam Cao là một trí tuệ tích cực, năng động, sôi sục trong tìm tòi suy nghĩ. Ông đã nghĩ rất dữ về cách giải quyết vấn đề này. Ta biết được điều đó qua những lời bàn cãi cảu hai nhân vật Thứ và San trong tiểu thuyết Sống mòn. Cuộc trao đi đổi lại của hai nhân vật này cho ta cách nghĩ suy của nhà văn khá biện chứng. Ông quan niệm vấn đề nhân phẩm của con người phải được giải quyết ở hai mặt vật chất và tinh thần. Ông cho rằng, để con người có thể thực sự là con người thì một mặt nó phải được giải thoát khỏi sự trói buộc của miếng cơm, manh áo (Nam Cao gọi là thoát khỏi tình trạng “áo cơm ghì sát đất”). Nhưng mặt khác, về mặt tinh thần, phải có học vấn để biết được sống có ý thức, đồng thời phải trút bỏ được ích kỷ và thói tham lam. Có tâm hồn, nhưng suốt đời chỉ lo đói thì làm sao tâm hồn có thể bay bổng lên được? Nhưng thoát khỏi miếng cơm manh áo mà đầu óc vấn đen tối nặng nề, nghĩa là tâm hồn không có cánh thì làm sao có thể bay lên được!

Nhưng làm thế nào để có được hai điều kiện nói trên? Hướng giải quyết của Nam Cao, về căn bản mang tinh thần duy vật chủ nghĩa. Nhân vật Thứ không hề đưa ra giải pháp giáo dục đạo đức một chiều hay quay về tư tưởng tôn giáo một cách duy tâm chủ nghĩa. Ông đặt vấn đề cải tạo môi trường sống, cải tạo chế độ xã hội. Thứ nói: “Chất độc ở ngay trong sự sống” và “chế độ đẻ ra lòng người”. Anh tiểu tư sản nghèo khổ nhưng giàu suy tư này thấy nhất thiết phải cải tạo lại mối quan hệ giao tiếp giữa người và người cho hợp lý hơn, dựa trên nguyên tắc lao động bình đẳng và phân phối công bằng: “Theo ý tôi thì phải diệt cho hết những kẻ ngồi không, hưởng những thức của kẻ khác làm ra mà chẳng làm ra được cái gì. Ai cũng phải làm, ai làm cũng phải được no đủ, tự do”.

Lí tưởng xã hội ấy của tác giả Sống mòn rất trùng hợp với những điều mà chúng ta đang mong muốn thực hiện hôm nay. Trên con đường còn dài đi tới xã hội tốt đẹp ấy, trí tuệ, tình cảm, nhân cách mỗi con người còn phải trải qua trăm nghìn thử thách.

Hiện nay, thói ích kỉ, tham lam vẫn còn tồn tại nặng nề, tình trạng sống mòn chưa chấm dứt, và miếng ăn té ra vẫn khiến nhiều người không sao giữ nổi nhân cách, nhân phẩm. Vì vậy, những vấn đề tác phẩm Nam Cao đặt ra, nói riêng chung quanh cái đói và miếng ăn, vẫn còn mang nguyên vẹn tính thời sự nóng hổi.

Nguyễn Đăng Mạnh

Tham khảo: Về các nhân vật dị dạng trong sáng tác của Nam Cao