VĂN CAO
(1923 – 1995)
Nhà thơ, nhạc sĩ Văn Cao (Nguyễn Văn Cao) sinh năm 1923, quê ở Liên Minh, Vụ Bản, Nam Định, hoạt động trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Ông là một nhạc sĩ, họa sĩ tài năng, tác giả của Tiến quân ca là Quốc ca của nước Việt Nam, là hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam, nguyên Phó Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam (Khóa I và III)
Tác phẩm chính đã xuất bản: Cái hầm sông (kịch, 1948); Những người trên cửa biển (trường ca, 1956); Lá (thơ, 1988). Ông mất năm 1995 và được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I, năm 1996.
Trong cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của mình, nhà thơ Văn Cao chỉ để lại một trường ca và một tập thơ khoảng 100 trang in, nhưng giá trị nghệ thuật thi ca là đặc biệt và còn mãi với thời gian. Những người trên cửa biển có thể coi là tập trường ca viết theo thể tự do đầu tiên của văn học cách mạng, kháng chiến với những khúc thức mẫu mực đặc trưng của thể loại này:
Nước biển đổ vào quanh Hải Phòng ngày bão
Làng mạc bồng bềnh trời đất bềnh bồng
Ở những ngọn tre xác xơ mốc lên chất muối
Còn lại ít rơm khô của mái nhà trôi
Những mảnh lưới thuyền ai bay tan tác
Xe gạo ngày đêm từ Hải Phòng về các xóm
Chúng tôi đêm ngày vét nước nối đê
Tưới ngọt lại ruộng đồng, dựng lại từng thôn xóm
Tìm lại những nụ cười ở môi người sống sót
Lửa đỏ đêm đêm trên bãi biển bập bùng
Trong những ngày khó khăn chồng chất
Kẻ thù của chúng ta xuất hiện
Những con rồng đất khi đỏ khi xanh
Lẩn trong hàng ngũ
Những con bói cá
Đậu trên những chiếc dây buồm
Đang đo mực nước
Những con bạch tuộc
Bao nhiêu tay chân dìm chết một con người.
Đất nước đang lên da lên thịt
Đất nước còn đang nhỏ máu ngày ngày
Ta muốn gói cuộc đời gọn gàng như trái vải
Đã thấy loài sâu nằm tròn trong cuống
Chúng muốn những em nhỏ mới biết đi phải rụng
Mòn mỏi dần sức vỡ đất khai hoang
Làm rỗng những con người, lùi dần niềm hy vọng
Héo dần mầm sáng tạo, mất phẩm giá con người
Chúng nó ở bên ta, trong ta, lén lút
Đào rỗng từng kho tiền gạo, thuốc men
Tôi đã thấy từng mặt từng tên xâu chuỗi
Tôi sẽ vạch từng tên lên mặt
Hãy dừng lại
Những tên muốn ôm cây mùa xuân không cho mọc
Những tên muốn làm cây to chớ cớm mầm non
Con đường ta đi tự hào lực lượng
Con đường nước nguồn thành sông thành biển
Con đường ta đi tự hào duy nhất
Con đường đi trái đất quanh mặt trời…
(trích Những người trên cửa biển – Văn Cao)
Thơ tự do của Văn Cao mang phong cách độc lập riêng ông, của cái hìn Văn Cao, của cảm xúc và suy tưởng Văn Cao. Ông đã đạt tới độ giản dị độc đáo và tinh khiết lạ thường trong ngôn ngữ thi ca khắc họa đời sống quanh mình và tâm thế riêng mình như trong bài thơ Năm buổi sáng không có trong sự thật dưới đây:
“Những mái nhà như những cánh chim đêm
Ủ những giấc mơ dưới trời sao lồng lộng”
I.
Ngủ dậy một sáng
Cả phố biến đâu mất
Không một bóng người đi
Im lặng hồ nước sâu thăm thẳm
Mặt đất đỏ màu gạch nung
Như miệng quả núi lửa
Anh đi tìm em
Tìm dấu vết những con đường
Chúng ta thường đi lại
Giữa mênh mông tôi gọi em mãi mãi
Thế kỷ chúng ta dừng lại nơi đây
Em ở đâu
Thế kỷ chúng ta còn đang tiếp tục
Trên trái đất này
Hàng ngày đứng lại nơi đây
Tôi gọi em mãi mãi.
II.
Buổi sáng nay không nghe tiếng chim hót
Một buổi sáng không thực
Tôi bước đi không thấy tiếng chân đi
Cả thành phố cùng tôi im lặng
Tất cả những con người
Chỉ thấy mắt đen lay láy
Cả tiếng xe không thành tiếng
Tại sao? Tại sao?
Không ai nhìn miệng tôi gào thét không ra tiếng
Trong kinh hoàng tôi chạy trên đất
Một mình
Giữa thành phố mọi người im lặng
Tại sao? Tại sao? Không tiếng nói
Không tiếng động, không sự sống
Tại sao thành phố sa mạc
Không nghe gió thổi
Những hình người như bị đẩy
Qua nhanh
Hình như nơi đây
Bị đày trong im lặng.
III.
Buổi sáng nay không phải mình thức dậy
Một người nào trong tôi đang thở
Trước mặt tôi
Buồn nửa đêm nửa ngày len lỏi
Nửa phố mặt trăng nửa phố mặt trời
Từ khi ấy chúng tôi, hai người suy nghĩ
Hai kẻ thù nhau
Hai thái cực tâm hồn
Hai người ấy trong một người chịu đựng
Mưu hại lẫn nhau
Không biết ngày đêm, không biết giả thật
Từ phút ấy, tôi không còn thật nữa.
IV.
Buổi sáng nay cả phố phường như mở hội
Mỗi con người đeo mặt nạ đi chơi
Những bước chân nhảy múa
Vui lên cành non
Lá bàng trên phố xanh màu ngọc
Xuân tháng hai
Cửa hàng rượu bên đường
Tơ lụa pha len, hoa giấy ni-lông
Những mặt nạ gặp nhau chào hỏi
Những em bé búp bê mùa xuân
Hồng hào da thịt
Ngồi đập nút chai làm tiền bạc chơi xuân
Mở tròn mắt nhìn kinh ngạc
Họ vui làm sao
Ô kìa
Nước mắt mồ hôi
Sao chảy ra trên từng mặt nạ
Từng con người
Vội vàng lau mồ hôi và nước mắt
Trên những mặt nạ giấy bồi.
V.
Những cánh cửa đều khóa chặt
Trong gian phòng trong suốt thủy tinh
Em ở đây với anh
Cho bớt lạnh sáng mùa xuân náo níu
Thịt da em cho anh sưởi
Hơi ấm mình con chim khuyên
Trong lòng bàn tay
Run rẩy
Giữa hai cành non
Nghe nhựa mùa xuân
Những nụ hồng mới nở
Và mật vừa thơm và ong đã tới
Chúng ta đi vào bí mật mùa xuân
Ngày đầu tiên của em trên biển.
(Năm buổi sáng không có trong sự thật – Văn Cao)
Năm buổi sáng trong bài thơ trên là năm ô cửa, năm khoảnh khắc, năm thế giới, năm bức tranh cuộc đời có thật nhưng lại không có mặt trong sự thật thi ca ông. Văn Cao là như thế, ông luôn bắt ta phải cảm thấy cả bóng tối và ánh sáng trên từng chữ, trên từng dòng biểu đạt của ngôn ngữ thi ca để tìm ra cái thông điệp của ý tưởng Văn Cao, của suy tưởng Văn Cao gửi đến chúng ta.
Trong một số lần trao đổi với người thân và bạn bè văn chương về chuyện sáng tác nghệ thuật của mình, Văn Cao cho biết, cả cuộc đời sống chết vì văn học nghệ thuật, ông chỉ có mong muốn lớn nhất là khao khát được cống hiến tài năng mình cho nhân dân, cho đất nước, ông thường muốn đổi mới ở nhiều lĩnh vực và cho rằng mình có “ba con ngựa ô”: Âm nhạc, Hội họa, Thi ca và cả ba con ngựa ấy đều chưa được “phóng đi” theo đúng sở trường của mình trên con đường vạn dặm của sáng tạo.
Con trai của ông là nhạc sĩ Nghiêm Bằng cho biết, trong mấy chục năm khó khăn, cam go của cuộc đời nghệ sĩ, Văn Cao sống ẩn mình, sống thiền và xa lánh thế sự. Với nhiều bút danh (không dám đứng tên mình), ông cặm cụi vẽ minh họa cho các báo, vẽ bìa sách, vẽ tranh, trang trí mỹ thuật sân khấu các vở diễn và cần mẫn viết nhạc thuê cho nhiều nơi để kiếm sống, nuôi vợ con. “Bố tôi lặng lẽ và viết âm thầm. Đến năm 1988, bố tôi sang tuổi 65, bước vào giai đoạn đổi mới của đất nước, ông mới được khôi phục và 65 đêm nhạc Văn Cao được trình diễn ở nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, TP Hồ Chí Minh,… tuyển tập nhạc và tập thơ Lá cũng được ấn hành. Sau đó, Văn Cao được Nhà nước trao thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất và tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I”, Nghiêm Bằng nói. Và, trong bài thơ “Ba biến khúc tuổi 65”, Văn Cao đã tâm sự về “Những ngày buồn không nói được – tôi chỉ tìm ra sự sống của tôi” như sau:
I
Một người cho tôi con dao găm
Không biết dùng làm gì
đêm nhìn qua cửa sổ
một khoảng trống đen
tôi ném vào khoảng trống
con dao găm ấy
có phải đấy là sự nghịch ngợm
bỗng nhiên có tiếng ngã ngoài sân
một người trúng tim đã chết
tôi không hề biết người ấy
tôi là kẻ không muốn giết người
chỉ biết bóng tối
mà tôi đã ném dao
II
Tôi đi trên phố
bỗng nhiên mọi người nhìn tôi
một ai đó kêu lên: thằng ăn cắp
tôi chạy
tôi chạy
tại sao tôi chạy?
tôi không hiểu tôi
cả phố đuổi theo tôi
xe cộ đuổi theo tôi
tôi chạy bạt mạng
gần hết đời
tới chỗ chỉ còn gục xuống
tỉnh dậy mồ hôi chảy
tôi lại thấy tôi là người chưa phạm tội.
III
Tôi rơi vào mạng nhện
mạng nhện cuốn lấy tôi
không còn cách gì gỡ được
tôi như con sâu tằm
cuộc đời cứ như thế
muốn phá cái mạng nhện
tôi không đủ tay.
Tháng 9-1988