Một trong những đặc điểm lớn nhất trong tác phẩm của Nam Cao là thường xuyên xuất hiện những nhân vật xấu xí, dị dạng. Lý giải hiện tượng này có nhiều ý kiến khác nhau và qua đó đã bộc lộ những quan điểm khác nhau. Chúng tôi tạm xếp làm hai loại:

1. Cho rằng việc xuất hiện một cách thường xuyên, có hệ thống loại nhân vật này trong tác phẩm của Nam Cao là sự thể hiện cái nhìn tiêu cực của tác giả đối với quần chúng nhân dân lao động (nhất là đối với người nông dân). Trong khi thể hiện loại nhân vật này, ngòi bút của Nam Cao đã có lúc bị ảnh hưởng của chủ nghĩa tự nhiên. Và chính vì vậy, tính chất hiện thực và tính chất nhân đạo phần nào bị hạn chế.

2. Cho rằng việc xuất hiện loại nhân vật này trong tác phẩm của Nam Cao là một đóng góp có ý nghĩa (trong đó gồm cả những nhân vật bị tha hóa) của dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam. Ý nghĩa hiện thực, giá trị nhân đạo được nhấn mạnh, được tô đậm hơn bởi sự có mặt của loại nhân vật này. Và hầu như không có sự ảnh hưởng nào của chủ nghĩa tự nhiên trong sáng tác của Nam Cao khi thể hiện loại nhân vật này.

Theo chúng tôi, loại ý kiến thứ nhất đến nay ít có sức thuyết phục, mặc dù nó đã được chấp nhận như một quan điểm chính thống trong suốt một thời gian dài. Bởi rõ ràng đây không phải là cái nhìn tiêu cực của Nam Cao đối với người lao động. Và càng không thể đánh giá đó là một sự nhìn nhận, một sự phản ánh méo mó hiện thực của tác giả. Chính vì vậy điều ấy không ảnh hưởng gì đến tính nhân đạo (vốn rất sâu sắc) của nhà văn qua tác phẩm của ông.

Chúng tôi tán thành loại ý kiến thứ hai, cho rằng đây chính là một đặc điểm lớn trong sáng tạo nghệ thuật của Nam Cao, đồng thời là một đóng góp đặc sắc của ông cho sự phong phú, đa dạng (cả về nội dung lẫn hình thức) của dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam thời kỳ đó. Tuy nhiên, khẳng định Nam Cao không chịu ảnh hưởng nào của chủ nghĩa tự nhiên trong việc thể hiện loại nhân vật dị dạng là điều chúng tôi chưa nhất trí.

Việc xuất hiện của một loạt các nhân vật xấu xí, kỳ dị ở trong tác phẩm của Nam Cao là một việc làm đầy dụng ý của tác giả (về nội dung phản ánh cũng như về nghệ thuật biểu hiện). Phải chăng, Nam Cao muốn nhấn mạnh tính chất khốc liệt và tàn bạo của xã hội Việt Nam trong thời kỳ đen tối nhất. Sự bế tắc đến mức dồn nén đã xô đẩy con người vào ngõ cụt của cuộc đời. Nó đã làm méo mó đi, dị dạng đi cả tâm hồn và thể xác của bao nhiêu người dân hiền lành, lương thiện và vô tội. Chưa bao giờ trong các tác phẩm văn học của nước ta lại xuất hiện nhiều đến thế những gương mặt xấu xí đến mức ghê tởm, những cuộc đời hoặc đần độn, ngu ngơ, hoặc điên loạn, cuồng dại đến mức mất hết tính người như ở thời kỳ này (thời kỳ 1939 – 1945). Với những Thị Nở, mụ Lợi, Nhi, Thiên Lôi – Trương Căn Rự, Trạch Văn Đoành và cuối cùng là Chí Phèo. Tất cả đều được Nam Cao đưa vào tác phẩm một cách khách quan, sinh động như chính sự hiện diện của nó ở đời. Hiện thực xã hội vì thế mà được phản ánh một cách sâu sắc và toàn diện hơn, tính chất tố cáo phê phán vì thế mà tinh vi, thâm thúy hơn. Một xã hội đen tối, tàn nhẫn tới mức đã tước đoạt đi tất cả vẻ đẹp hình thức và tinh thần con người, biến con người thành đần độn, ngớ ngẩn, hoặc tàn bạo, hoặc điên loạn như con quỷ dữ – xã hội ấy còn có thể tồn tại được hay không? Ý nghĩa phủ định được toát ra từ những số phận của con người vô duyên, xấu xí ấy – thật kín đáo và mãnh liệt.

Như trên đã nói, việc xây dựng một loạt nhân vật xấu xí kỳ quặc này trong tác phẩm của Nam Cao, là một việc làm mang đầy dụng ý nghệ thuật của tác giả. Đó là một thủ pháp nghệ thuật mang tính thi pháp rõ rệt của Nam Cao, và cũng từ đó toát ra khuynh hướng nghệ thuật của tác giả. Theo chúng tôi, không có sự gặp gỡ giữa thi pháp nghệ thuật này của Nam Cao với thi pháp nghệ thuật của loại truyện cổ dân gian kiểu truyện Sọ Dừa, Chàng Cóc,… ở Việt Nam. Bởi mô típ này trong truyện cổ dân gian (của nước ta và của các nước trên thế giới) mang ý nghĩa khác hẳn. Hình ảnh xấu xí, kỳ dị của nhân vật ấy thực ra chỉ là vỏ bọc bên ngoài. Còn người thực bên trong vỏ kia là những chàng trai, cô gái xinh đẹp tuyệt vời, có tấm lòng và một tâm hồn cao quý. Ở đây không có sự “đối lập” nào hết giữa nội dung và hình thức của nhân vật. Cái con người thực, đẹp cả nội dung và hình thức kia, được ẩn trong một cái lốt giả, xấu xí, kỳ dị, thậm chí ghê tởm nữa là để thử thách lòng dạ nhân nghĩa. Dụng ý nghệ thuật của loại nhân vật này trong truyện cổ tích vì thế mà khác hẳn dụng ý nghệ thuật của Nam Cao trong sáng tác của ông. Còn nếu muốn nói đến một “thủ pháp nghệ thuật đối lập giàu chất thực và chất mơ” ở loại nhân vật này, có lẽ phải kể đến cá nhà văn lãng mạn phương Tây, đặc biệt là Victo Huygo, với tác phẩm nổi tiếng Nhà thờ Đức Bà Pari. Nhân vật Cazimodo là cả một sự đối lập tuyệt đối giữa hình thức và nội dung, Thằng Gù có hình hài xấu xí, méo mó tới mức thảm hại kia, lại là kẻ có một tâm hồn và tấm lòng của một “vị Thánh”, còn kẻ có gương mặt thánh thần lại chính là kẻ tàn nhẫn, độc ác, đen tối tới mức kinh tởm. Với thủ pháp nghệ thuật đối lập một cách cao độ này, nhà văn lãng mạn Pháp vĩ đại đã đưa người đọc đến một trạng thái tình cảm đối lập: Yêu quý, kính trọng nhân vật có hình hài xấu xí và căm ghét, khinh bỉ kẻ có bộ mặt đẹp đẽ.

Với Nam Cao thì khác hẳn. Trước hết, những nhân vật xấu xí này của ông là những con người cụ thể, chân thực. Đó là những con người xấu xí, dị dạng cả về thể xác lẫn tâm hồn. Bởi vì họ là sản phẩm đích thực của một xã hội đen tối, bế tắc. Họ bị bóp méo đi, bị tước đoạt đi bao cái đẹp đẽ, cao quý của con người. Họ như những con thú bị săn đuổi tới cùng đường, quay lại điên dại cắn xé, chống trả lại xã hội một cách cuồng loạn và bế tắc. Hoặc họ bị biến thành những kẻ đần độn, ngu ngơ như “người đần trong truyện cổ tích”… Để thể hiện họ như những nạn nhân, như một loại sản phẩm đích thực của xã hội, Nam Cao đã mô tả họ thật khách quan, thật trần trụi, khiến cho người đọc vừa ghê sợ, vừa thương xót, thông cảm. Vì vậy, những nhân vật ấy đọc qua chỉ tưởng là hiện tượng cá biệt của xã hội, nhưng xét kỹ, họ lại là những nhân vật mang tính điển hình sâu sắc. Chính vì thế tính chất phủ định xã hội của tác phẩm Nam Cao được nâng lên thành cấp độ mới – cấp độ trí tuệ!

Trong quá trình thể hiện loại nhân vật này, Nam Cao đã bộc lộ rõ quan điểm rất hiện đại về hai chữ CON NGƯỜI của mình. Không có con người hoàn toàn thánh thiện, không có con người hoàn toàn xấu xa! Con người được hiện diện với tất cả sự phức tạp của ác mặt đối lập.

Con người vừa đẹp đẽ, vừa xấu xa, vừa cao thượng, vừa tầm thường, vừa nhân đạo, vừa độc ác, vừa đáng ghét, vừa đáng thương… Một Thị Nở xấu xí, đần độn cũng là một Thị Nở tốt bụng, ân tình. Một Chí Phèo “quỷ dữ” cũng là một Chí Phèo “hiền lành như đất”; một thằng Đức lúc đần độn, khi lưu manh cũng là một thằng Đức thời hiền lành, chăm chỉ, đáng thương…

Về vấn đề ảnh hưởng của chủ nghĩ tự nhiên trong sáng tác của Nam Cao, chúng ta còn phải bàn bạc thêm. Tuy nhiên, cần phải nói ngay rằng dẫu cho có những biểu hiện của chủ nghĩa tự nhiên khi miêu tả loại nhân vật xấu xí, Nam Cao vẫn là người đứng vững trên đỉnh cao của chủ nghĩa hiện thực. Dưới ngòi bút của ông, nhân vật hiện lên thật chân thực với những số phận cay nghiệt, trong những hoàn cảnh khốc liệt mà vẫn lấp lánh cái bản tính tốt đẹp đáng trân trọng của con người.

Trần Thị Việt Trung

Tham khảo: Cái đói và miếng ăn trong truyện ngắn Nam Cao