1. Kí ức của Lưu Minh Vũ về mẹ Xuân Quỳnh

“Bố mẹ tôi chia tay năm tôi lên 2 tuổi, tòa xử tôi ở với mẹ, và bố tôi tất nhiên phải có trách nhiệm với tôi. Hồi bé, bà nội tôi ở cùng một khu tập thể, cùng tầng, tôi nhớ là cứ chạy lên chạy xuống, không ở với ai nhiều hơn, tôi hay lên với bà nội, vì còn có các cô các chú.

Năm tôi học cấp 1, tôi theo mẹ sang ở nhà mới, hình như vào đầu năm 1976, nhưng tôi vẫn sang bà, sang bố má luôn, vì Khu tập thể 96 Phố Huế vẫn là nơi tôi sinh ra và lớn lên, và ở nơi mới, mẹ tôi cũng đâu phải chỉ sống 1 mình, bà cũng đã có 1 gia đình mới. Khi đã lớn học cấp 2 (1980), tôi sang ở hẳn với bố, cho đến khi bố má mất đi, tính cụ thể về thời gian vật chất, tôi ở với bố và má Quỳnh nhiều hơn.

Sự chăm sóc của má Quỳnh kể ra thì cũng như bao người mẹ khác nhưng cao hơn đó là tình cảm của người mẹ dành cho con riêng của chồng, như trong câu thơ má tôi đã từng viết:
“Con làm bằng yêu thương/ Của cha và của mẹ / Của bà và của ông/ Của má nữa – biết không/ Con làm bằng tất cả” (Cắt nghĩa tặng Lưu Minh Vũ – Chùm thơ xuân cho 3 con nhỏ).

Tôi chỉ xin kể một kỷ niệm mà bất cứ người con nào cũng thèm muốn ở người mẹ thứ hai của mình: Má nhổ răng cho tôi, ngày đó làm gì có đi bác sĩ như bây giờ, má pha sẵn nước muối, để một ít bông, nhổ răng bao giờ cũng sợ, nhưng má bảo không sao đâu, má chỉ xem nó lung lay thế nào thôi, nhìn trên gác có cái gì kìa, tôi ngẩng lên nhìn, thế là xong…, tôi nhớ là từ bé tôi chưa phải đến nha sĩ bao giờ, má tự nhổ những cái răng sữa của tôi. Rồi chuyện cắt tóc cho tôi đến việc họp phụ huynh, chuyện đưa tôi đi bệnh viện, chuyện vá quần vá áo, bình thường đối với người mẹ, nhưng cao cả hơn vì đó là tình cảm cho một đứa trẻ do một người khác sinh ra với chồng của mình.

Khi còn nhỏ nên tôi không để ý tình cảm của hai người, nhưng khi biết nhận thức và suy nghĩ tôi biết họ sinh ra là để cho nhau, cùng nhau vượt qua những năm tháng gian nan lận đận nhất, tôi nhớ mãi hình ảnh bố tôi viết trên cái bàn thấp, còn má thì đặt giấy lên chân mà viết. Tôi nhớ cả hình ảnh má tôi xin được ruột bút bi, dùng giấy quấn lại làm quản bút để hai người viết.

Má tôi không chỉ là người phụ nữ trong gia đình mà thường xuyên, vì muốn chồng toàn tâm tập trung sáng tác, má đảm nhận nhiều công việc của đàn ông, từ sửa cái nồi hỏng, cái ghế gãy cho đến cắt tóc cho chồng con.

Má Quỳnh tội lắm, mẹ mất từ nhỏ, bố vào Nam, má lớn lên với bà, có lẽ vì thế nên việc gì má cũng làm được. Má cắt tóc cho bố, cho ba anh em chúng tôi, riêng Quỳnh Thơ thì luôn được để tóc dài, cắt theo kiểu con gái. Má nhổ răng cho cả ba đứa, không cần đến nha sĩ. Ngày Tết, má tết pháo thành tràng dài cho chúng tôi chơi, hỏi sao má giỏi thế, má chỉ cười “ngày nhỏ má quen làm thế rồi”.

Sống giữa một ông chồng chỉ biết sáng tác và ba đứa con thơ trong buổi khốn khó, Xuân Quỳnh, như bao người phụ nữ gia đình khác, xoay trần ra để lo cái ăn, cái mặc cho gia đình. Bà cậy cục nhờ người mua tem phiếu để cải thiện các bữa ăn vốn thường chỉ có lạc rang nước mắm và nhộng. Bà nhận kim sa về đính lên vải để có thêm thu nhập. Má phải làm nhiều việc để kiếm tiền nuôi con. Bởi hồi đó, bố sống bằng nhuận bút viết báo, đôi khi không có lương nên đời sống rất vất vả. Với bản năng của một người làm mẹ, tác giả “Tự hát” chịu thương chịu khó, chắt chiu những gì có thể cho con bằng sự đảm đang, khéo léo của mình. Má khâu vá, giữ gìn đồ đạc cho chúng tôi. Khi hoạt động ở đội thiếu nhi, tôi được phát những đôi tất trắng. Tới khi tất bị rách má đi kiếm vụn vải trắng về vá. Thời khó khăn đến mức vụn vải trắng cũng khó, nếu có vải cùng màu thì má vá cho chúng tôi đi, còn vá khác màu thì để má đi.

Má Xuân Quỳnh không bao giờ phân biệt con riêng, con chung. Cả ba chúng tôi đều được má chăm chút, dạy dỗ, nếu mua một món đồ thì mua cho cả ba như nhau. Má dạy chúng tôi làm việc để biết quý trọng công sức, quý trọng lao động. Má dạy tôi nhóm bếp dầu, dạy tôi nấu cơm, dạy tôi tự giặt quần áo cho mình: “Đứa lớn thì giặt quần áo cho bố, đứa bé giặt cho em”. Thông qua lao động mà chúng tôi biết quý trọng và gìn giữ những gì mình có. Khi đi Nga về má bảo sang đó chỉ thương bọn trẻ bên mình, vì ở nước ngoài trẻ con sướng quá, đầy đủ quá. Nhìn thấy cái gì má cũng nghĩ đến các con. Vì thế, thời đó người ta đi Nga thường mua các thứ đồ dùng về bán, còn má có bao nhiêu tiền mua hết đồ cho các con, từ quần áo, kẹo bánh, màu vẽ… Má còn mua cho tôi hẳn một chiếc máy ảnh Zenit, vì hồi đó tôi rất thích chụp ảnh và có ý định sau khi tốt nghiệp phổ thông sẽ theo học ngành Quay phim. Khi đó máy ảnh rất quý, là cả một thứ tài sản lớn phải tích cóp tiền, bán tài sản khác đi thì mới mua được”.

Má là người mẹ luôn nhường nhịn, ngay cả khi sự sống với má Quỳnh chỉ còn rất ngắn ngủi. Sau này, khi phát hiện má bị bệnh tim, bác sĩ căn dặn bên cạnh dùng thuốc phải ăn tim. Nhưng mua một quả tim về, má cũng nhường anh em chúng tôi hơn nửa quả.

Khoảng ba năm cuối đời, kịch của bố Lưu Quang Vũ được dựng nhiều, bố má lại được phân nhà mới. Đời sống gia đình chúng tôi khá lên. Anh em tôi lúc đó cũng đã lớn, không để cho bố má phải phiền lòng. Anh Tuấn Anh đã ra trường đi làm, tôi thi đỗ vào đại học, Mí lại học rất giỏi và bộc lộ nhiều tố chất. Nhiều buổi tối tôi thấy bố và má đi dạo, đi cà phê, trò chuyện, lúc đó tôi mới để ý, thấy bố má có phần mãn nguyện”.

2. Bài thơ: Cắt nghĩa

(Tặng Lưu Minh Vũ)

Thằng em thì hay hỏi
Không kể chuyện như anh
Tuy con, má chẳng sinh
Con vẫn quen gọi má
– Má ơi, ai sinh cá
Ai làm ra cái kem
Đêm sao lại màu đen
Ban ngày sao màu trắng?

– Ban ngày làm bằng nắng
Màu xanh làm bằng cây
Quả ớt làm bằng cay
Tiếng ồn sinh tàu điện
Gió trong con ốc biển
Ghé tai nghe mà xem…
A lại còn cái kem
Thì làm bằng mùa rét
Bông hoa làm bằng Tết
Tết làm cho hương thơm
Con làm bằng yêu thương
Của cha và của mẹ
Của bà và của ông
Của má nữa – biết không
Con làm bằng tất cả.

(Xuân Quỳnh)

Chùm thơ Xuân cho ba con nhỏ – Xuân Quỳnh (Kì 3)