1. Kí ức về cháu Lưu Quỳnh Thơ
“Ngày chị Quỳnh mang thai, cả nhà ai cũng mong con gái. Cha tôi đặt tên cháu là Quỳnh Thơ – với ý nghĩa là “bài thơ của Quỳnh”, cũng như trước đây ông đã đặt tên tôi là Khánh Thơ – tức là “bài thơ của Khánh”, (mẹ tôi tên là Vũ Thị Khánh). Khi cháu ra đời, tuy là con trai nhưng anh chị đều không muốn đổi tên khác, vẫn lấy tên là Quỳnh Thơ. Vì thích con gái, nên hồi Quỳnh Thơ (Mí) còn nhỏ, chị Quỳnh cho cháu để tóc dài, ăn mặc như con gái. Mí cũng có vẻ đáng yêu, xinh xắn như con gái. Da trắng, mắt đen láy, miệng cười tươi và có má lúm đồng tiền giống mẹ. Mí ra đời, tình yêu và hạnh phúc của anh chị được nhân lên gấp bội phần.
Ngay từ nhỏ, Mí đã sớm tỏ ra là một đứa trẻ thông minh, tài hoa, có năng khiếu nghệ thuật. Mới 3 tuổi cháu đã vẽ rất nhiều tranh. Có bức dự thi đạt giải thưởng trong cuộc thi vẽ Thiếu nhi quốc tế. Năm 6 tuổi, cháu đã vẽ minh họa và vẽ bìa cho tập thơ Bầu trời trong quả trứng của mẹ Quỳnh. 7,8 tuổi, Mí đã làm thơ, viết truyện đăng báo và đọc trên đài. Có lần, phóng viên buổi phát thanh Măng Non phỏng vấn, Mí đã trả lời ngay không phải nghĩ ngợi lâu la gì:”Khi chưa biết chữ thì em thích vẽ. Nhưng khi đã biết đọc thì em thấy viết nói được nhiều hơn vẽ”. Đề tài của Mí đều là những điều gần gũi như bà, bố mẹ, các đồ vật trong nhà. Các truyện ngắn của cháu như: Ngôi nhà bằng đất sét, Ấm trà Thạch Sanh, Cái đồng hồ gọi,…thể hiện những suy nghĩ hồn nhiên, ngây thơ, ngộ nghĩnh qua một ngôn ngữ linh hoạt, tứ truyện rõ rang, giàu tình cảm.
Năm 1985, Mí đã được Đoàn kịch Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công An) mời đóng một vai kịch trong vở Nữ ký giả (Lưu Quang Vũ). Cả khu tập thể ai cũng yêu quý cháu. Mí là niềm tự hào của cả nhà. Mỗi khi bố mẹ bận việc, bà nội đi họp phụ hyunh cho cháu về, khoe đến mấy ngày cũng chưa hết chuyện. Môn nào Mí cũng đạt điểm 10, từ văn tón đến thể dục, vẽ, nhạc. Tuy được cả nhà yêu chiều nhưng Mí rất ngoan và chăm làm việc nhà giúp đỡ mẹ, biết quan tâm tới bà, tới bố mẹ và các anh. Mỗi khi mua quần áo mới cho các con, chị Quỳnh thường chỉ mua cho hai anh, lấy lý do là các anh mặc chật, ngắn thì sẽ đến lượt em. Những ngày khó khăn thì đã đành. Nhưng sau này khi anh Vũ sáng tác nhiều, nhuận bút khá hơn, chị vẫn giữ thói quen tiết kiệm đó. Có lần anh Vũ bảo chị nên mua quần áo mới cho Mí. Cháu vội nói ngay:”Mẹ đừng mua cho phí, con mặc quần áo cũ của các anh cho mát.”…Chị Quỳnh chăm chút từng bước phát triển của Mí và đặt nhiều hy vọng vào đứa con thông minh, tài hoa của mình. Những bài thơ về Mí của chị thật vui tươi, dí dỏm và tràn đầy tình thương yêu. Mí và nhân vật chính trong khá nhiều bài thơ của Xuân Quỳnh: Mí thích, Cái ngoan của Mí, Con chả biết được đâu, Mí nghĩ nhiều lắm đấy,… Mí nghĩ gì thế Lưu Quỳnh Thơ? Giá như “số phận” đừng bắt Mí đi theo bố mẹ, có thể chỉ một thời gian ngắn nữa, cháu sẽ nối nghiệp ông, nói nghề cha mẹ một cách xứng đáng.”
(Xuân Quỳnh – Nghịch lý của tình yêu và số phận)
2. Bài thơ: Con chả biết được đâu
Tặng Quỳnh Thơ
Mẹ đan tấm áo nhỏ
Bây giờ đang mùa xuân
Mẹ thêu vào chiếc khăn
Cái áo và cái lá
Cỏ bờ đê rất lạ
Xanh như là chiêm bao
Kìa bãi ngô, bãi dâu
Thoáng tiếng cười đâu đó
Mẹ đi trên hè phố
Nghe tiếng con đạp thầm
Mẹ nghĩ đến bàn chân
Và con đường tít tắp
Bỗng như lên tiếng hát
Từ màu mạ dưới đồng
Từ hạt cây trong rừng
Từ cánh buồm trên biển
Thường trong nhiều câu chuyện
Bố vẫn nhắc về con
Bố mới mua chiếc chăn
Dành riêng cho con đắp
Áo con bố đã giặt
Thơ con bố viết rồi
Các anh con hỏi hoài:
– Bao giờ sinh em bé?
Cả nhà mong con thế
Con chả biết được đâu
Mẹ ghi lại để sau
Lớn lên rồi con đọc