SỨ MẠNG BÍ MẬT

Giám đốc gọi tôi vào phòng, khoá trái cửa, kéo màn che cửa sổ, bảo tôi lại gần rồi thì thầm:

– Thiên hạ đồn bậy là tôi chưa tốt nghiệp cấp một phổ thông. Phải chấm dứt chuyện này. Anh sẽ lên thủ đô, đi công vụ, nhưng tuyệt mật. Không được hé cho ai một lời nào. Anh sẽ nán lại thủ đô vài ngày. Mỗi ngày anh mua một bưu ảnh, viết vào đó và gửi về theo địa chỉ cơ quan cho tôi. Vấn đề là làm sao cho mọi người đều đọc.

Đương nhiên là tôi đồng ý rồi, nhưng tôi hỏi, tôi phải viết gì trên các tấm bưu ảnh đó.

– Anh khỏi phải bận tâm chuyện đó đi. Đây, tôi trao cho anh các nội dung cần thiết đã soạn sẵn. Chỉ cần lần lượt chép sang bưu ảnh. Đó là những lời chúc mừng của các nhà bác học gửi tới tôi. Thủ đô là trung tâm khoa học, phải cho thiên hạ biết bạn hữu của tôi là những ai, và ngay lập tức người ta sẽ chấm dứt việc nói xấu tôi.

Tôi đi. Tôi rất thích thủ đô. Từ nhà ga tôi đi thẳng tới nhà bưu điện. Tôi mua một tấm bưu ảnh có in phong cảnh trung tâm thủ đô và chép vào đó nội dung thứ nhất:

“Bạn quý mến, bọn mình ở trên này luôn nhớ đến bạn và lúc nào cũng cảm thấy thiếu vắng bạn. Bạn hãy viết cho bọn mình đi, hiện nay bạn đang nghiên cứu đề tài gì”. Ký tên: Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học.

Tôi gửi tấm bưu ảnh đi và với cảm giác đã hoàn thành nhiệm vụ, tôi đến nghỉ tại nhà tạm giữ những người say để khỏi phải chi tiền nhà nước thuê khách sạn. Hôm sau tôi phát hoảng khi không thấy chiếc phong bì có đựng các câu viết sẵn giám đốc giao cho tôi. Không còn cách nào khác tôi đành tự bịa nội dung để viết cho ông. Bất chấp sự cảnh giác của nhân viên, tôi đã mang ra khỏi thư viện Đại học tổng hợp cuốn từ điển bách khoa toàn thư. Kiếm một chiếc bàn trong góc khuất gần quầy bán hàng, trên lối vào nhà vệ sinh, tôi ngồi nghiên cứu. Sáng sớm tấm bưu ảnh với nội dung sau đây đã chuẩn bị xong:

“Ông bạn Giám đốc của tôi ơi! Mình đang gặp khó khăn với một học thuyết. Cậu có thể bớt chút thời gian ghé lên chỗ mình được không? Gửi tới vợ cậu những cái bắt tay. Einstein”.

Tấm bưu ảnh ngày thứ tư có nội dung:

“Hoặc ông, hoặc tôi, một trong hai người chúng ta bị thừa ra. Công nhận tính trội của ông, tôi xin về hưu. Ông có thể tiếp tục nghiên cứu các giống dâu tây của tôi. Mitsurin”.

Tấm bưu ảnh hơi bẩn một chút, vì có người chạm vào tay tôi, cho nên tôi làm vấy mực.

Ngày thứ năm tôi nghĩ bụng, sẽ là hay nếu mình viết gì đó nhẹ nhàng hơn. Tôi viết bằng bút chì, vì bút máy tôi đem thế chấp cho người bồi bàn rồi:

“Anh yêu quý, khi nào hai chúng mình lại cùng nhau làm phát minh hả anh? Con tôm nhỏ nhung nhớ của anh – Maria Curie-Sklodowska”.

Ngày thứ sáu tôi đã mệt lử, nên tôi chỉ viết ngắn gọn:

“ Cậu có khoẻ không, hỡi con bò đực già? Kopernik”.

Liên lạc thư từ đứt đoạn từ đó. Bây giờ thì tôi đang từ thủ đô về nhà. Đi bộ, vì không còn tiền mua vé xe lửa, cho dù tôi đã đem bán cuốn bách khoa toàn thư ở ngoài chợ. Càng gần đến lúc gặp Giám đốc tôi càng thấy lo.

Tuy nhiên tôi cũng chẳng đến nỗi phải quá ưu phiền. Tôi sẽ chuyển cho ông Giám đốc lời hỏi thăm miệng của giáo sư Paster, nhà phát minh vắcxin chống dại. Và như vậy khi gặp tôi ông Giám đốc sẽ không điên đâu.

* * *

NHÀ BẢO TÀNG VĂN HỌC

Nhà tôi bị mất con cún, con tôi buồn như chấu cắn, vì cháu rất yêu chó. Tôi bèn cho con đi thăm bảo tàng một nhà thơ nổi tiếng. Để cháu nó khuây khỏa và nhân tiện bồi bổ kiến thức.

Tôi mua vé vào cửa, hai cha con đợi cho đến khi đủ một nhóm người xem, sau đó người hướng dẫn của nhà bảo tàng mới dẫn chúng tôi vào thăm các căn phòng của nhà thơ. Nhà thơ mất cách đây đã trăm năm, bảo tàng này chính là nhà ở của ông được biến thành nhà bảo tàng. Bên cạnh quầy bán vé có một quầy sách gồm các tác phẩm do nhà thơ viết. Sách thì vẫn là sách, chẳng có gì hay ho.

Nhóm người đã đủ con số, người hướng dẫn đưa chúng tôi vào tiền sảnh.

– Bên trái các vị là nhà tắm của thi hào, – người hướng dẫn thuyết minh. Chúng tôi thò đầu vào xem, vì cửa mở, có điều bước vào trong thì không được, một sợi dây gấm màu đỏ thắm chăng ngang chắn lối vào. Trên chậu rửa có một hộp đựng xà phòng. Trên miếng xà phòng có biển đề: “Bánh xà phòng nhà thơ ưa chuộng”.

– Có được ngửi không ạ? – một chị hỏi.

– Cấm ngửi, – người hướng dẫn nói. – Nhưng các nhà nghiên cứu khẳng định, hàng ngày nhà thơ vẫn rửa bằng bánh xà phòng này.

– Rửa cả tai nữa hả chú? – con tôi ái ngại hỏi.

– Im mồm, – tôi chặn họng thằng bé. – Đừng có mà quấy rầy người lớn khi họ đang thưởng lãm. Đương nhiên là cả tai nữa. Con mà chịu khó rửa tai thì mai kia con cũng sẽ trở thành nhà thơ nổi tiếng.

Tiếp nữa là phòng khách và phòng ngủ của nhà thơ. Bàn ghế làm bằng gỗ bồ đào, khá đẹp, nhưng chẳng có gì hấp dẫn. Một chị toan sờ tay vào đệm, song cũng bị cấm, kể cả trả thêm tiền.

– Thưa các quý vị, đây là phòng làm việc của nhà thơ, – người hướng dẫn thuyết minh, đoạn mời chúng tôi bước vào.

Một bức tượng nhà thơ to bằng kích thước thực ngồi bên bàn làm việc. Tái dựng y như còn sống, có lẽ bằng sáp. Ông vận áo choàng. Tay cầm bút máy, trên bàn thấy có một tờ giấy có chữ viết.

– Đây là bản thảo, vì chép tay, – người hướng dẫn giải thích. – Các nhà nghiên cứu qủa quyết như vậy. Chỗ này chúng tôi muốn giới thiệu, nhà thơ đã viết bài thơ nổi tiếng của mình như thế nào. Các vị còn nhớ bài thơ này hay không? Bài thơ có đoạn:

Tổ quốc ơi,
con trong cánh tay Người,
như đứa trẻ Người ru,
cho bú sữa hồn Người…

– Bố ơi, nhìn kìa! – con tôi thét lớn, – nom y hệt như ở nhà ta!

Tôi nhìn. Qủa nhiên tôi thấy dưới gầm bàn làm việc của nhà thơ có một cái vỏ chai nằm lăn quay, đã hết nhẵn rượu.

– Mấy ông họa sĩ vứt lại hôm đến đây tu sửa, – người hướng dẫn giải thích. – Cái chai này không phải là hiện vật của nhà bảo tàng.

Lúc này tôi phát hiện thấy trên cái đầu hói của nhà thơ có dòng chữ: “Tôi đã tới đây. Kazik”.

Chắc là nhà thơ ghi chép ngay cả khi không có mảnh giấy nào trong tay, – tôi nghĩ bụng. – Đúng là một thi hào. Nhưng cái gì ở bên dưới thế này?

Ngay dưới dòng chữ nói trên, một dòng chữ thứ hai:

“Mày giở trò gì vậy, đồ đểu?”. Và chữ kí: “Người bạn của Văn học”.

Đây có lẽ không phải chữ của nhà thơ, – tôi nghĩ bụng. – Nét chữ hoàn toàn khác.

Tôi quan sát chung quanh. Con tôi định lôi ngăn kéo ra, song người hướng dẫn không cho. Trong khi đó một chị chụp ảnh, những người khác tranh cãi với nhau, đây là nhà sở hữu hay nhà thuê. Người hướng dẫn không thể giải thích được điều gì vì bận đuổi theo đứa bé đang trượt trên nền nhà được đánh xi bóng nhoáng như ở mọi nhà bảo tàng khác.

Tôi rút bút bi và viết dưới dòng chữ: “Người bạn của Văn học”: “Nhà tôi bị mất con cún. Ai dắt đến giùm xin hậu tạ…”.

Hàng ngày có khá đông khách đến thăm nhà bảo tàng và rồi ai cũng sẽ đọc dòng chữ này. Biết đâu tôi lại tìm được con cún.

* * *

DIỄN VIÊN

Đám tang người diễn viên nổi tiếng diễn ra giữa mùa đông. Bão tuyết quất mạnh vào đầu để trần của những người dự lễ mai táng. Đám đông đứng quanh huyệt chưa lấp nghe điếu văn, họ phải ráng chịu, đợi giây phút khi các bài phát biểu hoàn tất, mỗi người sẽ thả một nắm đất xuống huyệt và rồi lại có thể đội mũ.

Lúc này chiếc mũ lông của một thân hữu của người quá cố, cũng là một diễn viên nổi tiếng, tuột khỏi tay anh ta và rơi xuống huyệt.

Tất cả mọi người đều nhìn thấy, nhưng không một ai để lộ là mình đích mục sở thị. Ai cũng hiểu rằng, người diễn viên kia lúc này thật là khó xử.

Bò xuống huyệt để lấy mũ chăng, không tiện. Để mũ nằm dưới đó chăng, có hoạ là đồ ngu. Chẳng những vì thế nào rồi cũng sẽ bị cảm lạnh, chẳng những vì sẽ phí mất chiếc mũ, mà cứ cho là như vậy đi. Cái chính là vì khi về đến nhà đầu óc sẽ bị ám ảnh, mình đang ở đây, còn mũ mình lại ở chỗ ấy, ở dưới mộ, cho dù là mộ người khác, rằng mũ mình nó đã đi trước mình và đang đợi mình dưới đó, thậm chí có khi nó sẽ gọi mình xuống – Ôi, khủng khiếp quá.

Mọi người nhìn với vẻ ái ngại, anh ta làm gì bây giờ đây. Nhưng người diễn viên tỏ ra không hề nao núng, còn khi đến lượt mình anh ta phát biểu như thế này:

– Hỡi Người bạn quý mến và muôn năm thương tiếc của tôi ơi! Bạn từ giã chúng tôi vào ngày lạnh buốt như thế này. Thế mà ở nơi chín suối, một cái lạnh còn tê buốt hơn đang chờ bạn, cái lạnh Vĩnh hằng.

Anh ta ngừng giây lát và những người có mặt không thể không thán phục tài năng của người diễn viên này.

– Trong chuyến đi xa này tôi có thể tặng bạn cái gì được đây? Chỉ có nỗi buồn biệt ly khôn xiết của tôi, sự kìm nén không cho phép tôi nói: tuyệt vọng, còn biểu tượng cho thứ gần gũi tôi nhất, cái mũ đội đầu tôi. Phải, tôi xin tặng Bạn, tôi từ bỏ nó vì Bạn. Bởi lẽ ở đó, nơi bạn sắp đến, Bạn sẽ còn lạnh hơn chúng tôi ở nơi đây lúc này. Mong rằng dưới cõi âm chiếc mũ của tôi sẽ phục vụ bạn đắc lực như nó đã từng phục vụ tôi trên cõi trần.

Tiếng rì rầm thán phục nổi lên.

– Song, lạy trời! – chỗ này người diễn viên ôm đầu. – … Tôi làm như vậy liệu có phải không? Bạn từng nổi danh là người cực kỳ khiêm tốn, sự khách sáo và mọi cái hình thức bên ngoài đều xa lạ với Bạn, mà cái mũ này làm bằng da cáo vùng Xibêri, hầu như còn mới nguyên, giá những hai ngàn năm trăm zlôty. Phải chăng thay vì cung phụng cho Bạn, điều thể hiện tấm lòng thành của tôi, tôi không làm phiền lòng bạn vì sự phung phí của trần gian, sự xa hoa của thời nay, sự hào nhoáng đáng thương mà bạn đã luôn luôn chán ghét trên cõi trần và cũng sẽ không thích hợp dưới cõi âm? Cho nên, tôi bắt đầu thấy phân vân về giá trị của hành động của tôi, dẫu rằng tôi đã làm việc đó với niềm tin sâu sắc nhất.

Đám đông nín thở. Còn người diễn viên ra hiệu cho người thợ đào huyệt lấy chiếc mũ dưới huyệt lên đưa cho anh ta. Khi người thợ đào huyệt này làm theo yêu cầu, người nghệ sĩ cầm lấy chiếc mũ cát két cũ nát của anh ta, tay nâng chiếc mũ bên trên huyệt, ngừng một lát đoạn kết thúc:

– Xin Bạn hãy nhận thứ Bạn khả dĩ chọn, nếu như bạn có thể chọn!

Sau đó anh ta thả chiếc mũ cát két xuống huyệt bằng một cử chỉ hết mực thành tâm, được tính toán hết mực chính xác về thời gian và không gian, đến độ tiếng vỗ tay vang lên. Người diễn viên cúi khom người về phía mộ, nhưng chỉ một phần tư vòng quay. Ai cũng biết không được cúi chào quay mông vào khán giả.

Chẳng biết sau đó người nghệ sĩ có đền cho người thợ đào huyệt đồng nào về chiếc mũ cát két nọ. Một số người bảo rằng, anh ta chỉ bắt tay người thợ đào huyệt, khi người này không dám len qua đám đông người hâm mộ nghệ sĩ để đến đòi tiền. Có điều, một nghệ sĩ thực thụ thì không phải trả tiền, mà anh ta đúng là một nghệ sĩ thực thụ.

Lê Bá Thự dịch và giới thiệu