Sách Việt Nam phong tục (Phan Kế Bính) có dẫn, “thuốc lào là một thứ cây, tên chữ gọi là tương tư thảo”. Cây ấy trồng nhiều ở vùng Hải Dương, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, trong đó loại thuốc được trồng ở làng Nam Tử (Tiên Lãng, Hải Phòng) được đánh giá cao hơn cả. Người ta lấy lá cây rửa sạch, thái nhỏ, phơi rồi hồ cho khô, sau cùng đóng thành bánh.

Hút thuốc lào dùng điếu. Điếu thuốc lào lại chia làm ba loại.

Điếu cày hình ống, làm bằng tre nứa hoặc kim loại nhẹ, đôi khi khảm trai, khảm xà cừ. Thân điếu bịt kín một đầu để chứa nước, hở một đầu để hút. Người ta sẽ khoan và lắp nõ điếu vào phần gần với đầu kín để tra thuốc vào hút. Điếu cày tiện dụng, giá thành rẻ, nên thường được sử dụng trong tầng lớp bình dân.

Điếu bát thì cần phải có một cái bình điếu – bằng sành, sứ, tre, gỗ, hay bằng ngà, thậm chí còn có thứ chạm trổ, nạm bạc, khảm xà cừ – và một cái xe điếu. Lúc hút, người ta cắm xe điếu vào bình điếu để mà hút. Thường người ta sẽ để điếu bát ở nhà, vì không tiện xách đi.

Điếu ống (điếu dóng) tương tự điếu cày nhưng ngắn và to hơn, làm bằng gỗ quý, xương ống của động vật hoặc bằng ngà, được chạm trổ tinh xảo. Nõ điếu bịt bạc, thân cũng bịt bạc hoặc khảm xà cừ. Xe điếu là một cần trúc rất dài, có khi tới hai mét, đầu cũng bịt bạc. Loại điếu này chỉ những nhà giàu có mới dùng.

Kì thủy nước ta không có món thuốc này. Thuốc lào du nhập từ xứ Ai Lao, qua miền thượng du truyền về Việt Nam, nên vì vậy mà gọi là thuốc Lào. Theo Việt Nam Văn hóa Sử cương, “buổi đầu người ta cho thuốc ấy trừ được sơn lam chướng khí mà hút”.

Từ ấy, điếu thuốc lào – cùng với chén nước chè và miếng giầu không, trở thành cái “đầu câu chuyện” của nhiều nhà thuở ấy. Người ta hút thành tục, đến cả đàn bà cũng hút. Người sang trọng ra ngoài cũng dắt theo một thằng hầu xách điếu, học trò vào trường thi cũng ôm theo điếu thuốc, hay kể cả kẻ đi cày, đi câu, cũng cứ ngồi ở vệ đường ven bụi, ôm theo cái điếu cày tùy thân mà hút. Lắm người hút vào say đờ cả mắt, mà ngày vẫn cứ phải hút cho kì được một điếu mới thôi! Đúng là,

Nhớ ai như nhớ thuốc lào,
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên.

Giàu thì cơm cháo bổ lao,
Khó thì đánh điếu thuốc lào cầm hơi.

Tuy nói là thuốc lào trừ được chướng khí, nhưng nhiều khi công dụng chưa thấy đâu, mà bệnh ho hen thì đã sinh ra trước. Có thời, dân đua nhau hút, đến mức “năm Ất Tỵ niên hiệu Cảnh Trị thứ 3 (1665) đời vua Lê Huyền Tông, triều đình đã 2 lần xuống lịnh chỉ nghiêm cấm, lùng bắt những người trồng thuốc, bán thuốc và lén hút thuốc, nhưng rốt cuộc không dứt tuyệt được” (theo Vân Đài loại ngữ).

Lý Thanh Quân


Tài liệu tham khảo:
1. Việt Nam phong tục. Phan Kế Bính, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2014.
2. Việt Nam Văn hóa Sử cương. Đào Duy Anh, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2014.
3. Vân Đài Loại ngữ. Lê Quý Đôn, dịch Tạ Quang Phát.